Muốn gói tín dụng này không bị “chết yểu” phải có sản phẩm phù hợp thị trường, túi tiền của người dân và để người mua nhà tiếp cận được vốn vay một cách dễ dàng nhất
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cả gói 30.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi dành cho người thu nhập thấp đang triển khai và gói tín dụng 50.000 tỉ đồng dự kiến bơm vào thị trường bất động sản (BĐS) đều chưa đánh giá đúng yêu cầu “phải phù hợp với túi tiền, khả năng trả nợ của người dân” nên khó khả thi.
Quá sức người mua nhà
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, tại hội thảo về thị trường BĐS ở TP HCM cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết Ngân hàng (NH) Nhà nước đang trình Chính phủ gói tín dụng 50.000 tỉ đồng dành cho người vay mua nhà ở thương mại, lãi suất cố định 7%/năm trong 10 năm. Các NH thương mại có thể cho vay 10-20 năm nhưng trong 10 năm đầu, lãi suất sẽ giữ ổn định ở mức 7%/năm nhằm tạo điều kiện cho người vay tính toán khả năng trả nợ. Gói 50.000 tỉ đồng nếu được bơm ra thị trường hướng vào phân khúc trung, cao cấp sẽ hỗ trợ tốt hơn cho BĐS hồi phục.
Với gói 30.000 tỉ đồng ưu đãi lãi suất 5%/năm trong vòng 15 năm đang triển khai, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết đang giải ngân tốt với 15 NH thương mại tham gia cho vay. Nhiều doanh nghiệp (DN) khi được hỏi cho rằng việc có thêm gói tín dụng hỗ trợ BĐS với lãi suất thấp hơn mặt bằng chung thị trường là tốt, thậm chí nếu lãi suất giảm về 5%/năm sẽ càng tốt hơn.
Tuy nhiên, đưa ra gói tín dụng là một chuyện, có giải ngân được và người vay tiếp cận dễ dàng không là chuyện khác. TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cả 2 gói tín dụng 30.000 tỉ đồng và 50.000 tỉ đồng đều có thời gian vay 10-15 năm là quá ngắn, tạo áp lực trả nợ cho người mua nhà. Với thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam là 1.900 USD/người/năm (tương đương gần 42 triệu đồng), mỗi tháng thu nhập 3,5 triệu đồng/người. Tính ra, một gia đình có 2 vợ chồng sẽ thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Nếu họ mua căn hộ giá 1 tỉ đồng, vay 800 triệu đồng từ NH thương mại ở gói 30.000 tỉ đồng trong 10 năm với lãi suất 5%/năm, hằng tháng họ phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 7 triệu đồng. Nay, gói 50.000 tỉ đồng cho vay lãi suất 7%/năm, cũng với số tiền vay tương đương, mỗi tháng họ phải trả 9,3 triệu đồng.
“Người vay mua nhà không những không ăn uống, tiêu xài mà còn phải mượn thêm tiền để đủ trả NH hằng tháng. Dẫn chứng để thấy tính khả thi của các gói tín dụng là không cao. Gói 30.000 tỉ đồng giải ngân đã khó, nay thêm gói ưu đãi quy mô lớn hơn sẽ càng khó hơn” - TS Hiếu phân tích.
Tránh “vết xe đổ”
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, đề xuất gói tín dụng này có thể dành cho các đối tượng có nhu cầu mua nhà ở thương mại giá từ 1-2 tỉ đồng nhưng cần khống chế mức cho vay, không bơm tiền cho các khách hàng vay mua nhà ở giá từ 5-10 tỉ đồng để tránh lợi dụng vốn vay ưu đãi, đưa dòng tiền vào phân khúc biệt thự, nhà phố… “Gói 30.000 tỉ đồng trong gần 2 năm giải ngân chưa đến 1/3 là thất bại bởi thiếu sản phẩm phù hợp thị trường và người vay tiếp cận quá khó. Để tránh “vết xe đổ” của gói ưu đãi này, nếu được áp dụng, các quy định triển khai gói 50.000 tỉ đồng phải thật đơn giản để người dân dễ tiếp cận” - ông Đực nói.
Giám đốc một DN BĐS có dự án được vay gói 30.000 tỉ đồng cho rằng khả năng thực hiện gói 50.000 tỉ đồng trong năm nay là rất khó. Hơn nữa, nền kinh tế đang ổn định và phục hồi liệu có cần thiết bơm ồ ạt vốn vào BĐS. “Khi vốn dồn quá nhiều vào thị trường BĐS sẽ dẫn đến khó kiểm soát, dư nợ tín dụng tăng mạnh có nguy cơ dẫn đến nợ xấu như trước đây” - vị này lo ngại.
Quá nản tín dụng ưu đãi
Anh Hoàng Đức Huynh (ngụ quận Thủ Đức, TP HCM) cho biết sau một thời gian chạy đi chạy lại giữa UBND phường và NH thương mại để vay gói 30.000 tỉ đồng, anh đành bỏ cuộc. Gia đình anh Huynh dự tính mua căn hộ ở chung cư Lan Phương (quận Thủ Đức) với giá khoảng 1 tỉ đồng, tiền sẽ vay NH TMCP Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, khi lên UBND phường xác nhận tình trạng nhà ở, lãnh đạo nơi đây đã bút phê chi tiết nên NH không chấp nhận. “Cán bộ NH hướng dẫn về xin phường xác nhận lại, chỉ cần ký tên đóng dấu nhưng phường nói phải xác định chi tiết... Không ai nhường ai nên cuối cùng tôi đành bỏ cuộc, không thể vay gói ưu đãi này” - anh Huynh bức xúc.
Ông Đoàn Chí Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, đơn vị phân phối các dự án được vay gói 30.000 tỉ đồng - nhận xét tình trạng không thống nhất giữa địa phương và NH trong xét duyệt hiện trạng nhà ở để cho vay vẫn còn khá nhiều. Do đó, nếu triển khai các gói tín dụng tiếp theo thì cần linh hoạt giữa các cơ quan quản lý để tạo điều kiện tốt nhất cho người vay.
---------------------------
Trồng hoa cúc mâm xôi lãi gấp 10 lần trồng lúa
Hiện nay các thương lái đến tận vườn thu mua cúc mâm xôi với giá từ 90.000 – 100.000 đồng/cặp. Khi người trồng hoa bán với giá này, trung bình 1 ha trồng cúc mâm xôi (khoảng 8.000 chậu hoa/ha) người dân lời từ 150 – 250 triệu đồng/ha, sau khi đã trừ hết chi phí.
Còn hơn nửa tháng nữa mới đến tết Ất Mùi 2015, tuy nhiên mấy ngày qua tại thành phố hoa Sa Đéc, Làng hoa Phó Thọ (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) nông dân trồng hoa, chủ yếu là cúc mâm xôi đã bắt đầu xuất hoa cho các thương lái ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với niềm vui trúng mùa, được giá.
Ông Trần Văn Tiên, ở ấp Đông Huề (xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc) vừa đưa các chậu hoa từ xuồng lên bờ, vui vẻ cho biết: “Chiều mai thương lái ở Hà Nội vô lấy trên 1.000 chậu hoa cúc mâm xôi với giá dao động từ 90.000 – 100.000 đồng/cặp, với giá này năm nay đã cao hơn năm rồi từ 5.000 – 10.000 đồng/cặp. Năm nay nhờ cách bố trí khoa học nên trên diện tích 5.000m2 tôi trồng được 9.000 chậu cúc mâm xôi, dự tính sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 300 triệu đồng.”
Ông Tiên cho biết thêm, với 5 công đất (5.000m2) trồng lúa không đủ ăn nên cách đây 20 năm ông đã mạnh dạng chuyển đổi sang trồng hoa. Từ những kinh nghiệm của những người thân trong dòng họ, ông Tiên quyết định bỏ lúa trồng hoa, chủ yếu là cúc mâm xôi. Mỗi năm ông Tiên trồng 2 vụ hoa, chủ yếu là mùa hoa Tết. Mùa hoa Tết năm nay, ông Tiên trồng 9.000 chậu cúc mâm xôi và 2.500 giỏ hoa vạn thọ, cúc tiger… Tính riêng 9.000 chậu cúc mâm xôi đã mang lại lợi nhuận 300 triệu đồng, với lợi nhuận này, tính ra lời gấp 10 lần trồng lúa.
Nói về hiệu quả, của nghề trồng hoa, anh Nguyễn Văn Tình – một hộ trồng hoa ở làng hoa Phó Thọ (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) cho biết: “Khoảng 5 năm qua, gia đình tôi tận dụng những bãi đất hoang ở các khu dân cư rồi phát cỏ trồng hoa. Mùa hoa tết năm nay tôi trồng được 5.000 chậu hoa cúc mâm xôi, tính đến giờ này thì hiệu quả đạt trên 95%. Và nếu bán với giá thương lái đã đặt cọc 95.000 đồng/cặp thì cũng kiếm lời hơn 150 triệu đồng ”
Nhiều hộ trồng hoa ở Đồng Tháp, TP. Cần Thơ, Bến Tre cho biết, năm nay ngoài điều kiện thuận lợi về thời tiết, đa phần các hộ trồng hoa (cúc mâm xôi) nhờ áp dụng kỹ thuật mới từ cách phun thuốc, bón phân cho đến làm giàn kê đựng chậu và đất trong chậu cũng được trồng từ mùn sơ dừa thay thế phân rơm như trước đây… chính vì vậy vụ hoa tết năm nay làm giảm chi phí, năng suất đạt trên 95%.
Theo Phòng Kinh tế thành phố Sa Đéc, toàn thành phố hiện nay có trên 400ha sản xuất hoa cảnh phục vụ Tết Ất Mùi 2015, trong đó diện tích trồng hoa cúc mâm xôi hơn 22ha. Còn tại Làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) có gần 200 hộ trồng hoa với diện tích hơn 25ha. Mùa hoa Tết năm nay, làng hoa sẽ cung cấp cho thị trường hơn 340.000 giỏ hoa các loại.
--------------------------
Vụ cán bộ ngân hàng biến mất cùng 17 tỉ đồng: Đại diện Agribank lên tiếng
Ngày 2/2, đại diện ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Agribank) đã phát đi thông cáo báo chí, thông tin chính thức vụ cán bộ ngân hàng biến mất cùng 17 tỉ đồng.
Thông cáo báo chí do Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hải Long ký.
Trước đó như Dân trí đã đưa tin, khoảng 0h20 rạng sáng 31/1, ông Nguyễn Văn Hưng (47 tuổi, ngụ quận 4) – là Giám đốc chi nhánh Mạc Thị Bưởi đã đến công an phường Đa Kao, quận 1 trình báo việc ông Nguyễn Lê Kiều Quang (37 tuổi, trú quận Bình Thạnh) – là Giám đốc phòng giao dịch Hòa Hưng biến mất cùng 17 tỉ đồng.
Nguyên nhân được xác định là do các cá nhân trong thành phần tổ điều chuyển không thực hiện đúng về quy định vận chuyển tiền mặt, tài sản quý theo quy định.
Theo đó, chi nhánh đã thành lập tổ chuyển tiền gồm 3 người (1 người áp tải, 1 bảo vệ chuyên trách hoặc công an, 1 lái xe). Tuy nhiên ông Phú Minh Hòa (32 tuổi, trú quận 8) – là nhân viên phòng giao dịch Hòa Hưng (tổ trưởng tổ chuyển tiền đã không hoàn thành đúng chức trách).
Cụ thể, không tham gia áp tải tiền theo đúng quy định mà giao tiền cho ông Nguyễn Lê Kiều Quang (người không thuộc tổ điều chuyển tiền), tạo điều kiện cho ông Quang chiếm đoạt số tiền 17 tỉ đồng của ngân hàng Agribank.
Ngay khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo ngân hàng Agribank đã chỉ đạo các đơn vị cá nhân liên quan báo cáo sự việc, đồng thời báo cáo vụ việc với cơ quan công an.
Ngay sau đó, công an đã tạm giữ ông Phú Minh Hòa để điều tra.
Ngoài ra, thông cáo báo chí nêu rõ, đã thực hiện việc miễn nhiệm chức vụ Giám đốc phòng giao dịch, đình chỉ công tác đối với cá nhân ông Nguyễn Lê Kiều Quang; tiến hành thủ tục miễn nhiệm chức vụ Phó giám đốc Phòng giao dịch đối với bà Đặng Thị Thu Hương; dừng phân công nhiện vụ áp tải tiền đối với cán bộ bảo vệ chuyên trách và lái xe.
Bên cạnh đó, Agribank Mạc Thị Bưởi đã điều động, bổ nhiệm bam giám đốc mới cho Phòng giao dịch, luân chuyển một số cán bộ từ đơn vị khác về thay thế cho số cán bộ của Phòng giao dịch tạm thời bị đình chỉ công tác.
“Hiện tại, các hoạt động nghiệp vụ, phục vụ khách hàng vẫn diễn ra bình thường, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng”, thông cáo báo chí nêu.
--------------------------
Thêm 1.500 căn hộ giá thấp cho người nghèo ăn Tết trong nhà mới
Đúng như cam kết giao nhà trước Tết Nguyên đán, dự án xã hội khu đô thị Đặng Xá giai đoạn 3 khánh thành ngày 3/2, đã về đích trước hạn 6 tháng. Với gần 1.500 căn hộ được đưa vào sử dụng, hàng chục nghìn người dân có thu nhập thấp được đón Tết ở nhà mới.
Tham dự buổi lễ khánh thành có Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn.
Đón các vị khách đến thăm nhà mới, chúc Tết trong căn hộ khang trang, gia đình Nguyễn Công Đài nhà (P303 nhà D17, cả 2 ông bà đều là cựu chiến binh) ai cũng hồ hởi, vui mừng vì được nhận nhà đúng dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng đầy ý nghĩa với cả nhà. Khẳng định đây là cái Tết ý nghĩa, trọn vẹn với gia đình, ông Đài đọc tặng đoàn công tác một bài thơ ấm áp ông viết về nhà ở xã hội.
Phát biểu chỉ đạo hoạt động của chủ đầu tư dự án (TCty Gốm và vật liệu xây dựng Viglacera) trong buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao chất lượng nhà thu nhập thấp tại Đặng Xá ngay cả khi so sánh với nhiều dự án thương mại khác trên địa bàn. Nêu con số 19.000 căn hộ nhà ở xã hội trên địa bàn cả nước mà Hà Nội có 8.000 căn, trong đó chỉ riêng Viglacera đã góp vào quỹ 5.000 căn, ông Tuấn khẳng định, đơn vị đã tìm được hướng đi đúng trong thị trường, khai thác thuận lợi, hiệu quả.
Phó Chủ tịch Hà Nội ngỏ ý thời gian tới sẽ tiếp tục giao cho Viglacera các quỹ đất sạch để xây dựng các dự án nhà ở, hướng tới đối tượng thu nhập thấp, đồng thời tạo điều kiện tối đa cho TCty thực hiện các dự án nhà ở xã hội mới và nâng cấp các hệ thống hạ tầng xã hội như trường học, trạm xử lý nước thải….
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng ghi nhận những nỗ lực và trách nhiệm cao của TCty với những cam kết, nhiệm vụ được giao. Những dự án, những căn hộ giá thấp đưa ra, từ khu Đặng Xá tới Tây Mỗ, Xuân Phương “ra lò” đến đâu hết đến đó, giao nhà lúc nào người dân về ở kín lúc đó… chứng tỏ cơ chế chính sách phát triển thị trường này là đúng hướng, đi được vào cuộc sống.
Hiện cả nước có 169 dự án nhà ở xã hội đã và đang được triển khai, trong đó Hà Nội là địa phương đi đầu. Số người dân được hưởng lợi từ chính sách, sự hỗ trợ của nhà nước, theo đó, đang tăng nhanh chóng. Từ khi có Nghị quyết của Chính phủ về việc này cũng như khi gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng được triển khai, đã có hơn 20.000 hộ dân được ký vay tiến với lãi suất ưu đãi, dài hạn để mua nhà. Trong số gần 10.000 tỷ đồng được giải ngân, phần lớn là dành cho các khoản vay cá nhân, vay gia đình và riêng ở khu vực Hà Nội, hơn 6.000 tỷ đồng đã đến tay người mua nhà.
Nhắc lại những câu thơ xúc động của người cựu chiến binh già trong niềm vui nhận nhà, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng nhắc nhở thêm, người dân sống tại khu đô thị không chỉ cần căn hộ mình mua được đảm bảo chất lượng mà yêu cầu đối với không gian sống, dịch vụ sống đầy đủ tại chính khu đô thị. Khi hoàn thành các dự án thành phần, số căn hộ được lấp đầy sẽ có khoảng 10.000 người dân sinh sống tại đây, tương đương với dân số 1 phường. Nhắc lại yêu cầu của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khi tới kiểm tra dự án dịp giáp Tết năm ngoái, Thứ trưởng Nam đề nghị chủ đầu tư phối hợp cùng chính quyền địa phương sớm hoàn thành cơ sở hạ tầng với trạm công an, trạm xá, trường học các cấp đầy đủ.
Chủ đầu tư được khuyến khích ứng vốn đầu tư các hạng mục công trình này, sau đó sẽ được khấu trừ khi làm nghĩa vụ với nhà nước. Ông Nam gợi ý, làm sao triển khai nhanh để trường tiểu học (đã được dành đất sẵn) có thể khởi công trong quý II/2015.
Thứ trưởng Xây dựng cũng mong muốn chủ đầu tư nhân rộng mô hình ở Đặng Xá sang khu Kim Chung (Đông Anh). Khu vực này đã triển khai xây dựng nhiều khu nhà ở cho công nhân nhưng chưa hấp dẫn được người đến ở vì mới chỉ làm được trơ trọi các tòa nhà, chưa có hạ tầng đồng bộ đi kèm như ở Đặng Xá. Nếu đảm bảo được các điều kiện, môi trường sống cho người dân như một khu đô thị hoàn chỉnh, Thứ trưởng Nam quả quyết, nhất định sẽ thu hút được người ở.
Dự án nhà ở xã hội Đặng Xá giai đoạn 3 có tổng diện tích 6,2ha; tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ, 135.000 m2 sàn xây dựng với tổng số 1.466 căn hộ có diện tích từ 45m2 – 70m2 bao gồm các căn hộ bán, cho thuê theo quy định của Nghị định 188/2013/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Căn hộ để bán có giá bán dưới 9.000.000đ/m2 (đã bao gồm VAT và phí bảo trì) tương đương với giá trị căn hộ khoảng 400 triệu đồng và căn hộ cho thuê có giá chỉ 30.000đ/m2.
-----------------------