Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNBC với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần.
Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi thông tin Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam. Thông tin cho hay, ngày 31/1 vừa qua, Đại hội đồng cổ đông bất thường Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNBC) đã được tổ chức tại Hội trường Thống nhất - Ủy ban nhân dân tỉnh Long An để thông báo công khai về kết quả kiểm toán độc lập về thực trạng tài chính, giá trị thực và vốn điều lệ của Ngân hàng và thông qua Phương án bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.
Đại hội đồng cổ đông quyết nghị không thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định.
Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Căn cứ Luật Các TCTD, Quyết định số 48 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông VNBC, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNBC với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần.
Theo đó, NHNN trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNBC, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNBC.
Với việc NHNN nắm quyền sở hữu toàn bộ vốn điều lệ và Ngân hàng TMCP Ngoại thương tham gia quản trị, điều hành VNBC, VNBC có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai thành công phương án tái cơ cấu được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn. Đồng thời, các quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại VNBC sẽ tiếp tục được đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Liên quan tới Ngân hàng Xây dựng, trước đó, ngày 29/7/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bị can đối với các ông Phạm Công Danh, Phan Thành Mai và Mai Hữu Khương.
Ba nhân vật này đều là những người giữ chức vụ quan trọng tại ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam trước khi bị bắt. Ngày 28/7/2014, để bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn và đúng pháp luật của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam đã có các Quyết định miễn nhiệm các đối tượng trên và đồng thời thống nhất bầu, bổ nhiệm nhân sự thay thế.
VNCB tiền thân là Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank), từ năm 2012 cho đến nay, ngân hàng này hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổ Giám sát do NHNN Việt Nam thành lập.
Không ít công ty tổ chức biểu diễn, hãng băng đĩa, cùng một số đài PTTH các tỉnh, các công ty truyền hình cáp… vẫn cố tình “lờ” trả tác quyền âm nhạc trong năm qua. Ngoài ra, năm 2014 là năm thất thu từ các live show trong nước, cho dù là năm live show nở rộ.
Đây là con số thống kê của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc phía nam (VCPMC) đưa ra ngày 31.1 vừa qua tại TPHCM.
Nhiều lĩnh vực sụt giảm
Trong năm 2014, VCPMC phía nam thu được tổng số tiền là 39,6 tỉ đồng, tăng 13% so với năm 2013. Đây là kết quả khả quan, nhưng nếu xét kỹ từng lĩnh vực thì có những dấu hiệu sụt giảm đáng kể.
Theo VCPMC chi nhánh phía nam, trong năm qua, số lượng các chương trình biểu diễn ca nhạc của nước ngoài được tổ chức nhiều hơn năm trước, do đó tác quyền ở lĩnh vực trên đạt được hơn 1,7 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ hơn 50% so với tổng thu từ các chương trình biểu diễn. Trong khi đó, số tiền tác quyền từ các live show trong nước lại tiếp tục giảm so với các năm trước (cụ thể, năm 2014 giảm tiếp 9% so với năm 2013). Lĩnh vực băng đĩa thất thu 51% so với năm 2013, do các ca sĩ chuyển sang phát hành trực tuyến không đăng ký quyền tác giả và bán bản quyền cho các đơn vị kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ. Sở dĩ doanh thu của TT tăng là do thu nhiều hơn từ lĩnh vụ karaoke, khách sạn, nhà hàng.
Trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình, một số đài như Đài PTTH tỉnh Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi vẫn chưa trả tác quyền. Riêng hệ thống truyền hình cáp SCTV và một số đơn vị truyền hình cáp khác vẫn tiếp tục vi phạm tác quyền nhiều năm nay.
Cho đến nay, nhiều sở VHTTDL các tỉnh, thành chưa thực sự tìm được phương án hiệu quả liên quan đến việc thực thi quyền tác giả trong quá trình cấp phép biểu diễn, nguyên nhân vẫn do một số quy định bất cập tại Nghị định 79 liên quan đến quyền tác giả. Do đó, trên thực tế, còn rất nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các tỉnh thành vi phạm tác quyền.
Riêng tại TPHCM, từ cuối năm 2013, Sở VHTTDL tiến hành thực hiện thủ tục hành chính mô hình một cửa. Bộ phận một cửa của sở khi tiếp nhận hồ sơ cấp phép biểu diễn, phát hành băng-đĩa do căn cứ vào thủ tục cấp phép của Nghị định 79, nên đã không yêu cầu các đơn vị thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả trước khi sử dụng tác phẩm âm nhạc. Do vậy, nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn, công ty sản xuất, phát hành băng đĩa né tránh chuyện này.
Ca sĩ giàu to, nhạc sĩ không có một đồng
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Giám đốc VCPMC phía nam - nhấn mạnh: “Thực tế trong năm 2014 cho thấy, các hành vi xâm phạm quyền tác giả vẫn đang diễn ra hết sức công nhiên, thách thức và gây tổn hại không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của các tác giả. Nhiều chương trình âm nhạc, các live show được đầu tư bài bản, công phu, giá vé bán hàng triệu hoặc hàng chục triệu đồng, cátsê ca sĩ được trả hàng trăm triệu, chưa kể nguồn thu tương đối lớn từ các đơn vị tài trợ và quảng cáo, thì nhạc sĩ nhiều khi không có lấy một đồng, hoặc nếu có cũng chỉ hết sức tượng trưng cho qua. Các bầu sô lợi dụng kẽ hở từ Nghị định 79 mà mặc sức sử dụng tác phẩm.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến những thất thoát, thiệt hại trong việc thu tác quyền lĩnh vực biểu diễn đối với các live show có yếu tố hải ngoại, vì các bầu sô có kinh nghiệm “lách” và trốn trả tiền tác quyền”.
Câu hỏi đặt ra là, số lượng view lên đến hàng chục triệu mỗi bài trên YouTube hay các trang âm nhạc trực tuyến, số lượng lớn các live show định kỳ hằng tháng, các chương trình âm nhạc định kỳ hằng tuần trên sân khấu lớn, trên truyền hình, các giải thưởng âm nhạc lớn nhỏ được tổ chức và cả nhiều tỉ đồng đổ vào các live show khủng…, nhưng tại sao người sáng tác ca khúc lại không được nhận gì, hoặc chỉ nhận “tượng trưng”?
Cho đến nay, đứng đầu danh sách các nhạc sĩ có thu nhập tác quyền cao nhất không phải là những cái tên với nhiều bài hit, mà là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Năm ngoái, ông cũng ở vị trí này với tổng tác quyền trả về cho gia đình nhạc sĩ hơn 700 triệu đồng. Đứng thứ hai trong danh sách là nhạc sĩ Khánh Đơn. Người đứng thứ ba là nhạc sĩ Hoài An với trên 200 triệu đồng. Ngoài ra còn những tên khác như Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Hồng Thuận, Lê Quang, Nguyễn Ngọc Thiện, Võ Thiện Thanh, Quốc Bảo…
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tổng thể 10 năm qua, VCPMC phía nam đã ký hợp đồng với 1.963 tác giả trên tổng số 3.066 thành viên của cả nước, thu được trên 180 tỉ đồng tiền tác quyền, một con số khá hiệu quả mà ban đầu, chưa ai nghĩ là có thể đạt được.
--------------------
Nước Mỹ và nỗi ám ảnh từ bóng ma giá dầu
Không chỉ thất bại và buộc phải giảm sản lượng khai thác thông qua việc các hãng dầu đá phiến phải giảm hoạt động, nước Mỹ còn đang đối mặt với những hệ lụy không hề nhỏ từ cuộc chiến giá dầu cay đắng này.
Kinh tế Mỹ trong quý 4.2014 sụt giảm nghiêm trọng từ bóng ma giá dầu, và giờ đây nước Mỹ lại đang phải đối mặt với một trong những bóng ma mà nó sợ hãi nhất: đình công.
“Thắng làm vua, thua làm giặc”, câu thành ngữ này đang trở nên đúng hơn bao giờ hết đối với nước Mỹ, những người vừa phải chấp nhận thất bại trong cuộc chiến giá dầu căng thẳng với OPEC. Không chỉ thất bại và buộc phải giảm sản lượng khai thác thông qua việc các hãng dầu đá phiến phải giảm hoạt động, nước Mỹ còn đang đối mặt với những hệ lụy không hề nhỏ từ cuộc chiến giá dầu cay đắng này.
Kinh tế Mỹ trong quý 4.2014 sụt giảm nghiêm trọng từ bóng ma giá dầu, và giờ đây nước Mỹ lại đang phải đối mặt với một trong những bóng ma mà nó sợ hãi nhất: đình công.
Các chuyên gia và học giả Mỹ sẽ còn phải nói rất lâu nữa về vấn đề giá dầu đã tác động ra sao đến kinh tế nước Mỹ trong thời gian qua. Đã có lúc nó là chiếc đòn bẩy thần kỳ đưa kinh tế Mỹ hồi phục với tốc độ tên lửa, khi đạt mức tăng trưởng cao ngất ngưởng là 4,6% và 5% trong quý 2 và quý 3.2014; nhưng khi giá dầu giảm mạnh sau khi OPEC tuyên chiến, ngành dầu lửa lại đang là hòn đá tảng buộc vào chân người Mỹ đang chìm dần dưới mặt nước.
Kinh tế Mỹ sụt giảm tăng trưởng bất ngờ trong quý 4.2014 khi chỉ đạt 2,6%, nhưng có vẻ như hệ lụy mà nền kinh tế số một thế giới phải chịu đựng vẫn chưa dừng lại tại đó.
Theo đó, một cuộc đình công lớn nhất trong vòng vài năm trở lại đây đã diễn ra ở một số nhà máy lọc dầu trên toàn nước Mỹ. Theo đó, công nhân tại các nhà máy đang chiếm khoảng 10% công suất lọc dầu của Mỹ đã tuyên bố đình công kể từ ngày 1.02.2015 để phản đối chính sách lương bổng mà các ông chủ trả cho mình.
The United Steelworkers Union, công đoàn lao động đại diện cho công nhân ở 200 nhà máy lọc dầu, đường ống dẫn gas và nhà máy hóa chất đã phát động các thành viên của mình ngừng hoạt động để phản đối hợp đồng lao động mới sau khi những cuộc thương lượng với hai ông lớn trong ngành là Exxon Mobil và Chevron về năm yêu cầu của công đoàn đã đổ bể.
Đây được xem là cuộc đình công lớn nhất trong ngành dầu ở Mỹ kể từ năm 1980, nguyên nhân chủ yếu được lý giải là do việc thắt chặt chi tiêu của các tập đoàn năng lượng do giá dầu thế giới sụt giảm và vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Làn sóng bị cắt giảm lương và thất nghiệp trong ngành dầu ở Mỹ tăng mạnh sau khi nước này thất bại trước OPEC trong cuộc chiến giá dầu.
Các giàn khoan ở Mỹ hoặc là ngưng không khoan thêm các giếng mới, hoặc là giảm sản lượng khai thác, dẫn đến lượng công nhân mất việc ngày càng tăng. Giờ đây, đến lượt công nhân trong các nhà máy lọc dầu lãnh đủ do lượng dầu thô khai thác ngày càng giảm dẫn đến lượng dầu cần lọc cũng giảm đi trông thấy.
Vụ đình công này đang được giới phân tích đánh giá là một tai họa mới cho ngành dầu lửa Mỹ vốn đã quá ảm đạm trong thời gian vừa qua. Công suất của các nhà máy nơi công nhân đình công có thể lên tới 1,82 triệu thùng nhiên liệu mỗi ngày, và ngày càng có nhiều nhà máy khác đang hưởng ứng vụ đình công này bằng cách làm tương tự khiến một số đại gia khác như Shell cũng bắt đầu lo lắng.
Tình hình hiện tại đang đe dọa một cuộc đình công quy mô diễn ra trên quy mô toàn bộ ngành dầu lửa, có thể khiến kinh tế Mỹ và ngành dầu nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giới chức Mỹ nói chung luôn rất e ngại hiện tượng đình công, khi nó luôn đem lại những hậu quả lớn nhưng lại luôn rất khó giải quyết.
Các chuyên gia cho rằng đây là một hệ lụy tất yếu từ sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến giá dầu. Trước khi giá dầu sụt giảm thì mức giá cao có lúc lên tới trên 100 USD/thùng đã khiến ngành dầu trở thành lĩnh vực béo bở ăn nên làm ra nhất nước Mỹ, doanh thu cao và thu nhập công nhân cao khiến cho dầu lửa trở thành đòn bẩy vực dậy cả nền kinh tế Mỹ.
Nhưng khi giá dầu giảm, chính phủ Mỹ đã không có những động thái rõ rệt cần thiết để hỗ trợ ngành công nghiệp được coi là chiếc đòn bẩy của nền kinh tế này, dẫn đến việc hàng loạt các hãng dầu đá phiến Mỹ phải giảm sản lượng hoặc ngưng hoạt động. Sự sụt giảm trầm trọng doanh thu đã khiến các công ty hoặc là sa thải bớt công nhân, hoặc là giảm lương khá mạnh, sự chênh lệch quá lớn về thu nhập giữa trước khi dầu giảm giá và sau khi dầu giảm giá đã khiến người lao động bị sốc, và họ chọn đình công như một giải pháp để thay đổi tình hình.
Tuy vậy, lại có những người đang tươi tỉnh hơn bao giờ hết khi chứng kiến dầu giảm giá ở Mỹ, đó là các nhà buôn dầu độc lập vốn tập trung khá nhiều ở nước này. Các nhà buôn này luôn mua dự trữ rất nhiều dầu khi giá dầu chạm đáy, và lập tức tung ra kiếm lời khi giá đã tăng trở lại.
Khi giá dầu suy giảm vào năm 2008, những nhà buôn dầu lớn nhất thế giới đã thu lợi nhuận lên tới cả tỷ USD từ việc dự trữ và ăn chênh lệch này. Ở thời điểm hiện tại, lượng dầu được các nhà buôn độc lập này tích trữ ở Oklahoma đã tăng hơn 85% kể từ tháng 8.2014, lên tới 33 triệu thùng, và họ chỉ chờ khi giá dầu nhích lên là lập tức bán ra ngay lập tức để kiếm lời.
------------------------
Vingroup công bố phát triển 25 TTTM trong năm 2015
Ngày 3/2, Tập đoàn Vingroup công bố kế hoạch phát triển 25 trung tâm thương mại Vincom và Vincom Mega Mall trên toàn quốc trong năm 2015; đồng thời, nâng tổng vốn đầu tư dự án Vincom Mega Mall Thảo Điền (thành phố HCM) lên 3.500 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, trong năm 2015, Vingroup sẽ triển khai và đưa vào hoạt động 25 trung tâm thương mại (TTTM) tại các tỉnh thành trên cả nước với hai dòng thương hiệu nổi tiếng Vincom và Vincom Mega Mall.
Với sự hợp tác của các đối tác chiến lược và các công ty liên kết, đến thời điểm hiện tại tỷ lệ cam kết lấp đầy của 25 TTTM sẽ khai trương trong năm 2015 đã đạt 70%, trong đó có các đối tác lớn là BHD, CGV, Golden Gate, Highland Coffee, Vinmart, Vinpro, VinKE, Vinpearl Land, Emigo... Tỷ lệ cam kết lấp đầy tới 70% là mức kỷ lục, chưa từng có tiền lệ trên thị trường bán lẻ Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại.
Hệ thống Vincom và Vincom Mega Mall được phát triển và quản lý bởi công ty Vincom Retail, thuộc Vingroup. Với trên 10 năm kinh nghiệm trong việc cho thuê và vận hành các TTTM có diện tích lớn tại Việt Nam của Vincom Retail, các TTTM đã đi vào hoạt động của Vingroup đều kinh doanh hiệu quả với tỷ lệ lấp đầy thực tế trên 90%.
Cùng ngày, Vingroup cũng công bố quyết định thay đổi thiết kế và giá trị đầu tư dự án TTTM Vincom Mega Mall Thảo Điền tại tại dự án khu dân cư cao cấp Masteri Thảo Điền do Công ty Cổ phần Đầu tư Thảo Điền (Thảo Điền Investment) làm chủ đầu tư.
Theo đó, Vingroup sẽ tăng thêm 1.000 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư dự án lên 3.500 tỷ đồng, nâng dự án lên tầm TTTM có quy mô lớn nhất khu Đông TPHCM. Dự án có tổng diện tích hơn 100.000 m2, hội tụ các gian hàng cao cấp, khu ẩm thực, đại siêu thị, cụm rạp chiếu phim, trung tâm giải trí hiện đại...
Đồng thời với việc tăng vốn, Vingroup đã công bố thiết kế mới sang trọng và độc đáo cho Vincom Mega Mall Thảo Điền theo mô hình bán lẻ hiện đại Mega Mall - “một điểm đến, mọi nhu cầu” đang là xu thế tại các nước phát triển.
Việc Vincom Mega Mall Thảo Điền được tăng vốn đầu tư và thay đổi thiết kế theo hướng tiện ích, sang trọng hơn không chỉ mang lại lợi ích cho cư dân khu Masteri Thảo Điền, mà còn cung cấp cho cư dân thành phố một mô hình TTTM hiện đại, theo phong cách hoàn toàn mới, đồng thời kiến tạo một điểm đến mua sắm,vui chơi, giải trí hấp dẫn.
Vincom Mega Mall Thảo Điền là một trong 25 TTTM sẽ khai trương năm 2015 của Vingroup và là Vincom Mega Mall đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh, sau hai Vincom Mega Mall đã rất thành công tại khu đô thị Royal City và Times City ở Hà Nội.
Sau hơn một thập niên phát triển, hệ thống TTTM Vincom và Vincom Mega Mall của Vingroup đã trở thành biểu tượng của phong cách, đẳng cấp với hàng loạt thương hiệu thời trang, tiêu dùng cao cấp trong nước và quốc tế, đem đến trải nghiệm mua sắm - vui chơi - giải trí theo phong cách hoàn toàn mới cho người tiêu dùng Việt.
Vingroup cũng liên tục được thị trường bán lẻ trong nước và quốc tế vinh danh là “Chủ đầu tư TTTM tốt nhất Việt Nam” trong các năm gần đây và được ghi nhận là một trong những nhà phát triển thị trường bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
--------------------------