Cơ quan chức năng vừa bắt giữ gần 5 tấn mỡ bẩn không rõ nguồn gốc tại một cơ sở ở Phú Xuyên (Hà Nội).
Ngày 3/2, công an huyện Phú Xuyên cho biết, khoảng 15h chiều 2/2, lực lượng công an huyện đã bất ngờ ập vào cơ sở chế biến dầu bẩn làm từ mỡ lợn tại thôn Nội Hợp, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Chủ cơ sở là Nguyễn Văn Chính, SN 1986, trú tại địa phương.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở này có gần 5 tấn mỡ lợn bị bốc mùi, hôi thối đang được chế biến thành dầu ăn, trong đó mỡ chưa chế biến khoảng 3 tấn, mỡ đã chế biến thành dầu khoảng 1,1 tấn, và xáp mỡ sau khi đã nấu khoảng 500kg. Chủ cơ sở không có giấy phép sản xuất, kinh doanh.
Tại cơ sở này, điều kiện vệ sinh rất dơ bẩn, các bao tải mỡ bẩn thỉu, đen sì bị vứt bừa bãi trên nền đất, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Dụng cụ chế biến mỡ cũng như nguyên vật liệu nằm ngổn ngang, lăn lóc. Được biết cơ sở chế biến mỡ bẩn của Chính hoạt động được khoảng một tháng nay. Số mỡ bẩn chủ yếu được thu gom tại các cơ sở giết mô gia súc trên địa bàn Hà Nội về để chế biến.
Hiện số mỡ bẩn chưa qua chế biến, và số mỡ thành phẩm đã bị công an huyện Phú Xuyên thu giữ, và chờ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Dừa được thái mỏng và ngâm trong hóa chất tẩy trắng. Công nhân mình trần, mồ hôi nhễ nhại dùng xẻng, gậy xúc dừa đổ vào máy để đánh “sệt” trước khi đưa ra đóng gói. Đó là cảnh làm mứt tại lò mứt Phước Thành, ở 166 đường Xóm Đất, phường 9, quận 11, TPHCM.
Trưa 1/2, khi PV Tiền Phong có mặt tại cơ sở trên, 5 công nhân đang hì hục sản xuất mứt dừa. Một người vừa đưa cơm dừa mới lóc ra vào sọt, một người khuân vào chiếc máy gỉ sét đặt trong nhà thái dừa ra từng sợi mỏng, sau đó đưa chúng vào gần 10 thùng phuy to màu xanh, bên trong chứa nước sền sệt màu trắng. Khoảng 10 thùng nhựa bên trong đang chứa nước mà công nhân nói là “nước vôi” để giúp dừa mềm hơn và trông sạch hơn sau khi được máy cắt thành lát. Trên miệng các thùng phuy đựng dừa, ruồi bám đen đặc, gặp người đi ngang qua, ruồi bay lên từng đàn vo ve rất ghê rợn.
Đặt vấn đề với chủ cơ sở về việc đặt hàng để đưa ra miền Trung bán dịp Tết, họ cho biết tại đây chế biến mứt dừa, mứt gừng, khoai và cà rốt. Khi PV định lấy tay vớt vài cọng dừa được thái thành sợi nhỏ ngâm trong nước màu trắng ở thùng, một công nhân ngăn lại vì không có găng tay “nước vôi” sẽ làm bong da. Theo công nhân này, đó là chất tẩy để dừa xơ cứng trở nên mềm.
Người này vừa nói chuyện vừa dùng thanh tre lớn đảo cơm dừa trong thùng. Mồ hôi nhễ nhại chảy thành dòng, rơi cả vào thùng nguyên liệu, một thanh niên khác dùng rổ múc từng rổ cơm dừa đổ qua một thùng khác để ráo nước trước khi làm “sệt” với đường và sấy khô, đóng gói. Tất cả những người làm ở đây đều không có trang bị bảo hộ lao động. Sau khi dừa ngâm trong thùng được lấy ra, nước ngâm cơm dừa màu trắng đục được đổ trực tiếp xuống cống và có mùi khó ngửi.
Đối diện lò mứt Phước Thành là cơ sở 2 đang làm mứt dừa và mứt gừng. Có 5 lao động, trong đó người ở trần, mặc quần đùi, miệng phì phèo khói thuốc, tay cầm rổ chứa cơm dừa đổ vào thùng. Người đổ, người dùng thanh tre khuấy đều, công đoạn diễn ra nhịp nhàng và công khai trước mắt người qua đường. Một người dân ở gần lò mứt bảo: “Cứ dịp gần Tết là cơ sở hoạt động liên tục.
Nhìn thấy họ làm mứt chúng tôi không dám ăn mứt nữa. Hằng ngày, tôi thấy họ giao cho nhiều mối ở các chợ. Sống ở đây nên tôi biết hết, nhưng không dám phản ánh vì sợ bị trả thù. Thấy họ làm vậy tôi cũng ớn lắm nên luôn nhắc nhở người thân nếu không tự làm được thì thôi, không bao giờ mua bánh mứt trôi nổi ngoài chợ”.
Chiều 1/2, PV có mặt tại khu vực cư xá Đường Sắt trên hẻm đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của mứt Tết thủ công. Gần 10 hộ nơi đây vẫn duy trì nghề làm mứt gừng và mãng cầu. Hàng trăm trái mãng cầu được bóc hết vỏ, sau đó công nhân đưa vào máy chà để tách bỏ hạt. Sau đó mãng cầu được đưa vào chiếc máy xay nhuyễn rồi đổ ra thau.
Để thứ sền sệt này trở thành mứt, một phụ nữ đổ vào các thau một loại hóa chất nhằm giúp mãng cầu không bị ôi thiu, sau đó trộn với đường hóa học, chất tạo dẻo, chống mốc, bột nổi và hương liệu. Sau khi trộn xong, các thau đựng mãng cầu được đổ lên chảo lớn đang nóng để cho ra từng miếng mứt mãng cầu.
Trong hẻm nhỏ, một số thùng nhựa màu xanh loại lớn đựng mứt gừng đang phơi nắng sau khi công đoạn làm mứt vừa xong. Các thùng nhựa này bám đầy vết bẩn, vương vãi những mẩu vụn của mứt gừng đọng lại. Khi PV tìm hiểu, lập tức nhận được thái độ không mấy thiện cảm của những hộ dân xung quanh. Với giọng hằn học, một phụ nữ trạc 40 tuổi đã đuổi chúng tôi và dọa sẽ “xử đẹp” vì cái “tội” tò mò.
------------------------
Phá thai cho người chưa thành niên có thể bị phạt 7 năm tù
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đề xuất phạt tù 3-7 năm đối với hành vi phá thai đối với nhiều người hoặc phá thai cho người chưa thành niên.
Theo dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, các quy định của tội phá thai trái phép đã được bổ sung, sửa đổi làm rõ hơn.
Theo đó, người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại cho sức khỏe của người đó mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 1-3 năm.
Riêng đối với hành vi phá thai đối với nhiều người hoặc phá thai cho người chưa thành niên sẽ bị phạt tù từ 3-7 năm.
Một điểm mới khác được đề cập đến trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này liên quan đến sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của các loại “tiền ảo” - tiền điện tử trong thời gian qua.
Điều 293 của dự thảo quy định “người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc phạt tù tư 1-5 năm tù: Thiết lập, điều hành, quản trị website để kinh doanh trái phép tiền điện tử hoặc các hàng hóa, dịch vụ; thiết lập, quản trị, điều hành các trang mạng cá nhân và cho người khác kinh doanh tiền điện tử, kinh doanh trái phép hàng hóa, dịch vụ. Phạt tù từ 3-7 năm đối với hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức, phạm tội từ 2 lần trở lên; có tính chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm".
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Theo tổ soạn thảo, ngày càng có nhiều loại tiền điện tử được sử dụng trên mạng internet như Bitcoin, WMZ, Paypal, E-gold, PerfectMoney, MoneyBookers… Hiện nay các loại tiền điện tử được sử dụng như một phương thức thanh toán thay thế với các loại ưu thế như thanh toán nhanh, gọn, tính ẩn danh cao, không đòi hỏi thủ tục phức tạp... Do đó người sử dụng internet, đặc biệt là những người sử dụng internet liên quan đến các hoạt động vi phạm pháp luật, thường sử dụng tiền điện tử để mua bán, trao đổi, thanh toán với nhau.
-------------------------