Tin trong nước chiều 03-02-2015: Bộ trưởng Vinh: Tôi “choáng váng” với nhu cầu vốn từ các Bộ, địa phương - Hà Nội: Dang dở giấc mơ nhà hát trăm tỷ cấp huyện

  • Cập nhật : 03/02/2015
 Bộ trưởng Vinh: Tôi “choáng váng” với nhu cầu vốn từ các Bộ, địa phương
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cảnh báo: các lãnh đạo địa phương hoàn toàn có thể bị khởi tố nếu duyệt chi ứng vốn ngân sách tràn lan cũng như giấu giếm nợ. Đồng thời cho biết, trần nợ công có thể bị phá vỡ năm 2016 và phải sửa Luật để nới trần.
 
Tại Hội nghị hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 tổ chức ngày 2/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Bùi Quang Vinh hầu như không giấu được sự sửng sốt và “choáng váng” khi thông báo về nhu cầu vốn khổng lồ mà các bộ ngành và địa phương trình lên để ông ký duyệt.
 
Bộ trưởng Vinh cho biết, chỉ đơn cử Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong năm 2014 đã đề nghị Bộ KHĐT dành riêng phần hỗ trợ đối ứng vốn cho các dự án ODA lên tới 20.000 tỷ đồng tối thiểu từ ngân sách Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, vì vốn ngân sách giới hạn nên Bộ KHĐT chỉ bố trí được 2.000 tỷ đồng, còn lại đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội phát hành Trái phiếu Chính phủ để bù đắp. 
 
Trong thời gian 5 năm, Bộ GTVT có nhu cầu đối ứng vốn 71.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể các Bộ ngành khác, có những bộ có nhu cầu lớn như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục, Y tế… “Qua đó mới thấy được áp lực lên ngân sách là vô cùng lớn!” – người đứng đầu Bộ KHĐT nói.
 
Ông cho biết, thông qua Luật đầu tư công, lần này Quốc hội muốn “chặn đứng” tình trạng “dựa dẫm” hoàn toàn vào vốn NSNN và thay đổi quan điểm trong huy động vốn đầu tư. Tuy nhiên, điều này là một bước chuyển đổi rất “đau”, rất khó và cần quyết tâm rất lớn – Bộ trưởng Vinh đánh giá.
 
Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ ngành địa phương phải dùng vốn nhà nước làm “mồi” đối ứng cho PPP (đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư). Bộ trưởng Vinh cho biết thêm, Nghị định về PPP sẽ ra đời trước Tết này. Theo đó, nếu một dự án cần 9-10 đồng thì nhà nước chỉ cần bỏ ra 1 đồng!
 
“Choáng váng với nhu cầu vốn đầu tư!”
 
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng lưu ý đến việc sử dụng vốn ODA. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Vinh lưu ý, các Bộ ngành địa phương nếu muốn triển khai dự án sử dụng vốn ODA từ 2016 trở đi thì phải làm kế hoạch, danh mục từ địa phương đến Trung ương, chuyển cho Bộ KHĐT và trình Chính phủ phê duyệt.
 
“Nếu không làm trung hạn thì tôi có ký duyệt cũng không thể nào biết được năm sau mình có bao nhiêu tiền! Không nắm được mình có bao nhiêu thế thì làm sao mà làm kế hoạch đầu tư, làm sao có hiệu quả được! Công trình kéo dài hàng 5-7 năm mà cứ làm năm nào ăn năm đó thì chỉ có Việt Nam mình mới làm như vậy!” – Bộ trưởng Vinh trăn trở.
 
Ngoài ra, trong quy hoạch vốn của các địa phương phải ưu tiên cho việc trả nợ vay. Nói với đại diện các bộ ngành, địa phương có mặt tại hội nghị, Bộ trưởng Vinh cảnh báo: “Lần này các địa phương cần phải báo cáo số đúng, số nợ thật lên Chính phủ và Quốc hội, không được giấu! Nếu đến thời hạn trả nợ mới mà vẫn còn đưa nợ cũ vào, báo lên Quốc hội là vi phạm pháp luật, công an có quyền gọi các đồng chí”.
 
Bộ trưởng Vinh cũng cho biết, Chỉ thị mới của Thủ tướng sẽ dành vốn ngân sách ưu tiên cho các công trình dở dang. Và như vậy ngân sách sẽ không đủ cho bố trí nhưng công trình mời? “Thế nên đừng lo đầu tư với không đầu tư, vì tiền còn đâu mà đầu tư!”.
 
Bộ trưởng Vinh cũng cảnh báo các tỉnh về việc duyệt ứng tiền cho doanh nghiệp làm công trình một cách tràn lan. Nếu như Sở KHĐT mà cứ tham mưu làm như cách cũ thì sẽ bị khởi tố! “Đừng đưa dự án lên trình duyệt quá nhiều. Vừa rồi tôi tiếp nhận sơ bộ mà cảm thấy choáng váng!”. Theo Bộ trưởng, có những Bộ trình duyệt dự án với nhu cầu vốn gấp 20-30 lần so với khả năng, các địa phương ít nhất cũng 10 lần, mà đó mới chỉ là số kế hoạch chứ chưa phải số thực hiện (con số thực hiện còn lớn hơn số kế hoạch nhiều lần).
 
Do vậy, theo lãnh đạo Bộ KHĐT, khi khi Chính phủ và Bộ KHĐT đã thông báo về khả năng tài chính và nguồn ngân sách về với từng địa phương thì các địa phương phải căn cứ vào tiềm lực tài chính đó để đề ra những chương trình mục tiêu sát sườn, chọn lọc dự án tốt mới trình lên phê duyệt. Có như vậy mới hoàn thành được mục tiêu năm và mục tiêu từng giai đoạn cụ thể.
 
Tính đến nới trần nợ công
 
Liên quan đến trái phiếu Chính phủ (TTCP), Bộ trưởng cho hay, về nguyên tắc Quốc hội không cho phép phát hành TPCP của giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, một thực tế là NSNN hiện còn rất khiên tốn, trong khi nguồn vốn cho đầu tư phát triển lại chủ yếu từ nguồn TPCP và ODA. Vì vậy, Quốc hội đã đồng ý bổ sung 170.000 tỉ đồng vốn TPCP cho giai đoạn 2014-2016. Nếu các công trình đến hết giai đoạn 2016 vẫn chưa hoàn thành thì các ngành và địa phương phải báo cáo Chính phủ ngay trong đợt này (có bao nhiêu dự án chuyển tiếp) để tính tiếp. 
 
Theo lãnh đạo Bộ KHĐT, để có vốn cho giai đoạn 2016-2020, có thể Chính phủ sẽ phải tính đến phương án xem xét lại Luật Nợ công. Luật quy định trần nợ công của Việt Nam không quá 65% GDP, nhưng theo tính toán của Bộ Tài chính thì đến 2015 nợ công đã chiếm 64% GDP và đến 2016 sẽ đạt ngưỡng trần là 64,9% GDP. Còn số 64,9% GDP theo Bộ trưởng Vinh nhìn nhận “có thể là con số đã cắt gọt đi chứ thực tế là có thể đã 67% GDP rồi!”.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ KHĐT thì quy mô GDP đang ngày càng tăng, tăng trưởng đang phục hồi trở lại. Thêm vào đó, quan trọng không phải là con số 65% GDP hay 70% GDP. Có những quốc gia như Nhật Bản đang nợ hơn 100% GDP; lại có nước tới 200% GDP. Vấn đề đặt ra ở đây là khả năng trả nợ chứ không phải là vấn đề vay bao nhiêu. 
 
“Vay nhiều nhưng trả được thì không vấn đề gì, chỉ vay 10 triệu mà không trả được thì sẽ là vấn đề lớn. Do đó, nếu tăng được tính hiệu quả trong sử dụng nợ vay thì có thể nâng trần nợ công lên, và từ đó có thể phát hành được TPCP” – ông Vinh phân tích. 
----------------------

 Ngư dân đầu tiên đóng mới thành công tàu cá theo Nghị định 67

Trong không khí nhộn nhịp, tấp nập của những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Mùi ở cảng biển Thuận An, tinh thần làm việc của hàng chục công nhân tại xưởng đóng tàu của Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận rất khẩn trương với việc đóng mới tàu cá vỏ gỗ 700CV của ông Phan Văn Chinh, 46 tuổi, ở thôn Minh Hải, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế.
 
Đến xưởng đóng tàu theo dõi thợ đang hoàn thành các công đoạn cuối cùng của con tàu đóng bằng nguồn vốn vay theo Nghị định 67, ông Chinh tâm sự, từ năm 16 tuổi, ông đã theo cha đi biển, rồi “bén duyên” nghề đi biển từ đó. Sau nhiều năm trời đi biển cho các chủ tàu cá, năm 1999, ông tích cóp được số vốn kha khá để mua lại chiếc tàu cá 135CV của một ngư dân trong huyện. Từ đó, việc vươn khơi bám biển của gia đình thêm phần thuận lợi. Tuy công suất tàu chưa lớn, nhưng tàu cá số hiệu TTH-999.99 của ông đã không ít lần đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản…
 
Đến giữa năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67 về việc cho ngư dân vay vốn đóng tàu cá công suất lớn nên ông bàn với vợ đem thế chấp thân tàu cá TTH-999.99 vay tiền, cộng với nguồn vốn vay theo Nghị định 67 đóng mới con tàu vỏ gỗ 700CV, trị giá gần 7 tỷ đồng. Sau hơn 3 tháng, chiếc tàu cá này đã được các công nhân xưởng đóng tàu hoàn thành 90% hạng mục. Khả năng tàu sẽ được hạ thủy vào tháng 2/2015 cho chuyến đi biển đầu năm…
 
Ông Phạm Bá Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận cho biết: Đây là lần đầu tiên công ty ký hợp đồng đóng chiếc tàu cá có công suất lớn đến 700CV, với chiều dài 22m, có khối lượng gỗ kiền lên đến 100m3. Để đảm bảo tiến độ nên công ty đã huy động gần 15 thợ có tay nghề cao để tham gia việc đóng tàu. Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết thêm, tính đến thời điểm đầu năm 2015, có khoảng 100 ngư dân ở các vùng ven biển thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang và Phú Lộc làm thủ tục vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính Phủ; nhưng hiện chỉ có ngư dân Phan Văn Chinh vay vốn đóng tàu mới thành công.
 
“Để vay vốn theo Nghị định 67, ngư dân phải có 30% vốn tự có đối ứng với ngân hàng. Tuy nhiên, không ít ngư dân vì thiếu nguồn vốn này nên không được ngân hàng đồng ý cho thế chấp thân tàu, dẫn đến khó khăn trong quá trình vay vốn”, ông Hùng khẳng định.
-------------------------
 Hà Nội chốt 31 điểm bắn pháo hoa chào mừng Tết Ất Mùi
UBND TP Hà Nội đã chốt phương án bắn pháo hoa tại 31 điểm đêm giao thừa Tết Ất Mùi. Hà Nội cũng đã chấp thuận việc bắn pháo hoa nghệ thuật tại bãi giữa sông Hồng dịp này…
 
Các điểm bắn pháo hoa tầm cao được bố trí tại 5 điểm gồm: Hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng), vườn hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), hồ Văn Quán (quận Hà Đông) và sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm).
 
Hà Nội cũng chấp thuận đề xuất của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố về việc thí điểm bắn pháo hoa nghệ thuật tại bãi giữa sông Hồng trong dịp đón Giao thừa Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
 
Dự kiến chi phí bắn pháo hoa ở bãi giữa sông Hồng khoảng 600 triệu đồng, được huy động từ nguồn xã hội hóa, do các doanh nghiệp tự nguyện đóng góp. Tại điểm bắn pháo hoa ở bãi giữa sông Hồng, người dân có thể đứng ở cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân, hai bên bờ hữu, tả sông Hồng để chiêm ngưỡng các màn pháo hoa.
 
Thời lượng bắn pháo hoa là 15 phút, tính từ 0 giờ đến 0giờ15 phút ngày 19/2/2015 (Giao thừa Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015).
 
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ người dân vui chơi, thưởng thức nghệ thuật tại điểm bắn pháo hoa mới ở bãi giữa sông Hồng, thành phố Hà Nội quy định các bãi giữ xe miễn phí; đồng thời bố trí các điểm bán hàng đúng giá quy định để phục vụ nhân dân.
 
Ngoài ra, đêm giao thừa cũng sẽ có 25 điểm bắn pháo hoa tầm thấp ở các quận, huyện và thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội; vị trí các điểm bắn pháo hoa này do UBND quận, huyện bố trí.
--------------------
Hà Nội: Dang dở giấc mơ nhà hát trăm tỷ cấp huyện
Nằm cạnh cánh đồng hoa màu - nơi những người nông dân đang tất bật “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, Nhà hát huyện Đan Phượng với tổng mức đầu tư hơn 117 tỷ đồng, hoành tráng, bề thế nhưng đã “đắp chiếu” từ nhiều tháng nay.
 
Ông Nguyễn Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng (Hà Nội) - cho biết, xây dựng nhà hát hiện đại như vậy là để đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân trong huyện thuần nông. Từ mục đích đó, UBND huyện Đan Phượng quyết định xây dựng nhà hát với tổng mức đầu tư hơn 117 tỷ đồng, bất chấp việc “chưa có nguồn vốn và cũng không thực hiện quy trình thẩm định vốn”.
 
Nguyên nhân huyện Đan Phương “làm liều” như vậy được ông Đức giải thích dựa trên cơ sở kinh tế huyện thời điểm năm 2010 đang phát triển mạnh. Khi kinh tế phát triển, lãnh đạo huyện Đan Phượng xác định phải nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cho tương xứng. Huyện Đan Phương cũng đặt kỳ vọng vào thị trường bất động sản đang rất nóng, bán được nhiều mảnh đất nông nghiệp cho doanh nghiệp xây dựng khu đô thị, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách.
 
“Căn cứ vào đó (các dự án bất động sản), HĐND mới ban hành Nghị quyết xây dựng cơ bản, trong đó có nhà hát. Tuy nhiên, khi đang triển khai dự án thì lại rơi vào thời điểm bất động sản trầm lắng, dự toán thu chưa chính xác, công trình không đảm bảo về vốn”, ông Đức giải thích.
 
Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Nhà hát huyện Đan Phượng được ký vào ngày 31/10/2011, 15 ngày sau khi Chính phủ ra Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước… Vì vậy, Thanh tra Thành phố chỉ rõ, dự án vi phạm Chỉ thị 1792 và không thuộc dự án cấp bách, cho phép nhà thầu ứng vốn thi công xây dựng.
 
Lý do dẫn đến vi phạm trên, ông Nguyễn Văn Đức lý giải, thời điểm ký Quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng nhà hát, huyện chưa nắm được thông tin có Chỉ thị 1792. “Nếu theo Chỉ thị thì huyện đã làm sai, có khuyết điểm. Khi nào có kết luận chính thức của thành phố, huyện sẽ kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan”, Phó Chủ tịch huyện Đan Phượng nói.
 
Sau này, khi đã biết Chỉ thị 1792, huyện Đan Phượng vẫn cho xây nhà hát vì cố làm theo Nghị quyết của HĐND và đặt hi vọng lớn vào việc bán đất cho doanh nghiệp xây dựng khu đô thị. Chính vì lãnh đạo huyện Đan Phương lao theo sự đã rồi, cũng như việc “tính cua trong lỗ” nên mới dẫn đến hàng loạt sai phạm như Thanh tra thành phố đã chỉ rõ.
 
Thời gian xây dựng nhà hát dự kiến trong vòng 2 năm, từ năm 2012-2014. Tuy nhiên, do lo ngại phát sinh nợ công từ các dự án xây dựng cơ bản có tổng mức đầu tư lớn từ ngân sách, lại không thuộc công trình cấp bách, dân sinh bức xúc nên Nhà hát huyện Đan Phượng bị tạm dừng triển khai.
 
Đến thời điểm này, bộ khung Nhà hát huyện Đan Phượng, cao 3 tầng, có tổng diện tích sàn hơn 7.000m2 cơ bản đã hoàn thành. Mặt ngoài tòa nhà được ốp đá granit, kính đen bóng. Tuy nhiên, bên trong công trình vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng, chưa hoàn thiện. Công trình với bề ngoài hào nhoáng, nằm im lìm trên mảnh đất rộng 10.500m2, chưa hẹn ngày triển khai trở lại.
 
Theo ông Đức, hiện huyện Đan Phượng còn nợ đọng xây dựng cơ bản 154 tỷ đồng và khi nào trả xong số nợ xây dựng cơ bản đó (dự kiến trong năm 2015), huyện sẽ bố trí nguồn vốn triển khai tiếp công trình. Theo quyết định phê duyệt, dự án còn thiếu khoảng 17 tỷ đồng để hoàn thành, trong đó khoảng 11 tỷ tiền mua sắm thiết bị, 6 tỷ để trả nợ xây lắp.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức cho biết, huyện này đã nhận thấy sự lãng phí khi xây nhà hát hơn 117 tỷ đồng. Chính vì vậy, huyện Đan Phượng đang nghiên cứu, điều chỉnh công năng của nhà hát cho phù hợp với tình hình trên địa bàn và phát huy hết giá trị khi đưa vào sử dụng.
------------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo