Loạn tin đồn về Triều Tiên
Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, có thể đang thay anh trai điều hành đất nước. Đó là tiết lộ của trang The Diplomat (Nhật Bản) hôm 1-10, dẫn theo báo cáo mới nhất từ tổ chức nghiên cứu có tên Đoàn kết Trí thức Triều Tiên (NKIS).
Cũng theo tổ chức có trụ sở ở Seoul - Hàn Quốc này, ông Kim Jong-un đang điều trị tại Bệnh viện Bonghwa với sự chăm sóc của đội ngũ y, bác sĩ trong và ngoài nước. Trong thời gian anh trai nằm viện, Kim Yo-jong gánh vác trọng trách xử lý các vấn đề quan trọng của chính phủ.
Một nguồn tin giấu tên nói với NKIS rằng chính Yo-jong đã đề xuất cuộc họp của Bộ Chính trị thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên ngày 6-9, trong đó có việc thông qua quyết định để ông Kim kéo dài thời gian điều trị đặc biệt.
Những tiết lộ nói trên vẫn chưa xua tan đồn đoán xung quanh sự vắng mặt bí ẩn gần 1 tháng qua của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Trong khi báo giới Hàn Quốc và phương Tây chỉ dừng lại ở những suy đoán như ông Kim đang bị bệnh gút (gout), vỡ mắt cá chân do đôi giày đế cao “phản chủ”, béo phì, cao huyết áp… thì cư dân mạng Trung Quốc có vẻ suy diễn quá đà khi lan truyền tin đồn trên mạng Weibo rằng ông Kim đã bị Tướng Jo Myong-rok, cựu Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên, bắt giữ. Vấn đề là vị tướng này đã... qua đời vào năm 2010.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc hôm 1-10 bác bỏ gay gắt những tin đồn đảo chính “vô căn cứ”, đồng thời nhấn mạnh đó chỉ là quan điểm của những cư dân mạng cực đoan, còn “thái độ của Bắc Kinh đối với Triều Tiên vẫn không thay đổi”.
Trong khi đó, trang tin Duowei (Mỹ) lại dẫn các nguồn tin tại Bình Nhưỡng cho biết ông Kim đang bị quản thúc tại gia và đứng sau vụ việc là ông Hwang Pyong-so, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.
Trong phiên họp quốc hội mà ông Kim vắng mặt bất thường hôm 25-9, ông Hwang bất ngờ được bầu làm phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, đồng nghĩa với việc trở thành nhân vật số 2 sau ông Kim Jong-un.
Trong khi đó, Phó Nguyên soái Choe Ryong-hae, vốn là cánh tay đắc lực của ông Kim và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Jang Jong-nam đều bị cách chức khỏi Ủy ban Quốc phòng. Giải thích về sự biến động đó, Duowei tiết lộ chính ông Hwang ép nhà lãnh đạo họ Kim buộc quốc hội thông qua việc thăng chức cho mình.
----------------------
Mỹ sẽ hậu thuẫn Nhật nếu Trung Quốc tấn công Senkaku/Điếu Ngư
Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Work tuyên bố Washington sẽ trợ giúp Nhật Bản nếu quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông bị quân đội Trung Quốc tấn công.
Ông Robert Work đưa ra các bình luận trên trong một cuộc họp của Ủy ban đối ngoại thượng viện hôm 30/9.
Thứ trưởng ngoại giao Mỹ cho hay Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkuku/Điếu Ngư, dù quần đảo này hiện đang nằm dưới sự quản lý hành chính của Nhật Bản.
Tuy nhiên, ông Work tuyên bố Mỹ sẽ phải trợ giúp đồng minh Nhật Bản nếu Trung Quốc tấn công quần đảo theo điều 5 của Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật.
Khi được hỏi về lập trường quân sự của Mỹ nếu căng thẳng leo thang, Thứ trưởng Work nói điều đó phụ thuộc vào tình hình. Nhưng ông Work cho hay Washington kiên định trong việc ủng hộ sự quản lý hành chính của Tokyo đối với quần đảo.
Trong cuộc họp, Thứ trưởng Work cho biết 60% lực lượng Mỹ sẽ đồn trú tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020, với 100.000 binh sĩ.
Cũng theo ông Work, việc di dời căn cứ quân sự Futenma tại Okinawa, Nhật Bản vẫn đang được xúc tiến. Tuy nhiên, Dov Zakheim, cựu trưởng ban tài chính Lầu Năm Góc, cho rằng ông Work quá lạc quan về tầm với của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, viện dẫn các hạn chế tài chính của Mỹ.
-----------------------
Tổng thống Putin: "Biện pháp trừng phạt khó trói chân Nga"
Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 2-10, chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây là “hoàn toàn dại dột”, đồng thời khẳng định điều đó sẽ không thể ngáng đường Nga phát triển thành một cường quốc kinh tế vững mạnh hơn.
Phát biểu trước các nhà đầu tư Nga cũng như nước ngoài, ông Putin cho biết ông rất “thoải mái” khi đối mặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Moscow do khủng hoảng tại Ukraine.
Ông Putin nói chắc như đinh đóng cột với các chuyên gia tài chính – những người vốn đang lo ngại kinh tế sẽ suy yếu - rằng Nga đang ở một vị thế vững vàng để vượt qua cơn bão.
“Chúng tôi thực sự muốn một quốc gia mạnh mẽ, hưng thịnh, tự do và mở cửa với thế giới” – ông Putin nói tại Diễn đàn đầu tư “Nước Nga kêu gọi” do VTB Capital tổ chức.
Ông cũng xóa tan quan ngại của một số doanh nhân rằng biện pháp trừng phạt có thể kéo Nga vào một giai đoạn của sự cô lập. “Hoàn toàn dại dột khi các chính phủ đó đang tìm cách hạn chế hoạt động kinh doanh của chính mình, ngăn cản công chuyện làm ăn, giảm năng lực cạnh tranh ở một thị trường hứa hẹn như Nga. Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể vượt qua được giai đoạn hiểu lầm này” – Tổng thống Nga nhận định.
Nói về “giai đoạn khó khăn”, ông Putin chắc chắn rằng các biện pháp trừng phạt sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong nước và giảm sự phụ thuộc của Nga vào nhập khẩu, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển.
Ngoài ra, ông Putin tái khẳng định tầm quan trọng trong việc phát triển quan hệ với các đối tác tiềm năng của Nga theo chính sách Hướng Đông của nước này.
----------------------
Em trai ông Bush muốn tranh cử tổng thống
Cựu Tổng thống George W. Bush trong một cuộc phỏng vấn với đài Fox News hôm 2-10 bất ngờ tiết lộ em trai ông, Jeb Bush đang có ý định ra tranh cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2016.
Ông Bush phát biểu trong cuộc phỏng vấn: “Vâng, tôi nghĩ rằng Jeb muốn trở thành tổng thống. Tôi nghĩ cậu ấy sẽ là một vị tổng thống tuyệt vời”. Ông Bush cho biết thêm em trai mình là một người rất chu đáo cũng như thường xuyên cân nhắc các lựa chọn của bản thân trước khi đưa ra quyết định.
Nhà cựu lãnh đạo Mỹ hoàn toàn ủng hộ cậu em trai Jeb bước vào cuộc đua tới Nhà Trắng đầy cam go và khốc liệt, bởi hơn ai hết, ông nhận ra truyền thống gia đình, trong đó ông và cha ông từng đảm đương chức vụ tổng thống Mỹ, sẽ giúp ích rất nhiều cho tham vọng của Jeb Bush.
Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện thông tin em trai cựu tổng thống Bush sẽ tham gia tranh cử vị trí nhà lãnh đạo Mỹ. Hồi đầu năm, một người em trai khác của ông Bush là Neil Bush giải thích rằng cha của họ - tổng thống thứ 41 của Mỹ George H.W. Bush – muốn Jeb ra tranh cử mặc dù mẹ của họ, bà Barbara Bush cho rằng đã có “đủ Bush” trong Nhà Trắng.
Jeb Bush, cựu thống đốc bang Florida, đang tích cực vận động sự ủng hộ của các thành viên Đảng Cộng hòa và tuyên bố sẽ đưa ra quyết định tranh cử vào năm tới. Trước đó, vào năm 2012, dù được Đảng Cộng hòa hậu thuẫn nhưng đến phút cuối cùng Jeb lại quyết định ngồi ngoài cuộc đua. Ứng cử viên Cộng hòa Mitt Romney lúc ấy cũng thất bại trước ông Barack Obama.
Trong cuộc phỏng vấn, Bush còn lên tiếng bảo vệ quyết định không kích IS tại Iraq và Syria của tổng thống đương nhiệm Barack Obama. Ông nói: “Tổng thống có nhiều lựa chọn mà anh ta nghĩ là quan trọng. Tôi sẽ không suy đoán lần thứ 2 về vị tổng thống của chúng tôi. Tôi hiểu thế nào là khó khăn trong công việc”.
Ông Bush còn ủng hộ chiến lược dài hạn ở Trung Đông mà ông cho là chuẩn xác, nhằm phát huy dân chủ giữa thời điểm cuộc chiến chống khủng bố vẫn đang tiếp diễn sau bài học nước Mỹ thu được sau ngày 11-9-2001.
----------------------
Nga có nhiều đầu đạn được triển khai hơn Mỹ
Số liệu mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ xác định giữa lúc thực hiện hiện đại hóa hạt nhân chiến lược, Nga đã lần đầu tiên có số đầu đạn hạt nhân đã được triển khai nhiều hơn Mỹ.
Hiện Nga có 1.643 đầu đạn đã được gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng trong khi Mỹ có 1.642 đầu đạn.
Kể từ bản báo cáo gần đây nhất vào ngày 1-3 năm nay, số đầu đạn của Nga tăng 131 đơn vị, còn Mỹ tăng 57 đơn vị. Tuy nhiên, không rõ vì sao số đầu đạn của 2 nước này lại tăng.
Số đầu đạn trên dựa trên cơ sở bản báo cáo ngày 1-9 theo yêu cầu của Hiệp ước Giảm bớt vũ khí chiến lược mới 2010 (START).
Hiệp ước trên hạn chế mỗi bên có 1.550 đầu đạn được triển khai, 700 tên lửa và máy bay ném bom được triển khai cùng với 800 máy phóng được triển khai và không được triển khai.
Trước tình hình đó, thượng nghị sĩ Cộng hòa James Inhofe ở bang Oklahoma, Ủy ban Quân lực thượng viện Mỹ, đã lên tiếng kêu gọi Washington đưa ra đường lối chính sách mới nhằm ngăn chặn Nga tăng cường vũ khí hạt nhân.
Ông Inhofe cho rằng hành động tăng cường vũ khí hạt nhân của Nga gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với nước Mỹ.