Việt Nam có bốn Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển
Ngày 3-10, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển VN đã tổ chức lễ công bố Quyết định về việc đổi tên Vùng Cảnh sát biển thành Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển.
Theo đó, quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đổi tên Vùng Cảnh sát biển 1, 2, 3, 4 thành Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, 2, 3, 4 (thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) cùng các chức danh kèm theo.
Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển 1, 2, 3, 4 thành Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển 1, 2, 3, 4. Chính ủy và phó Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 1, 2, 3, 4 thành Chính ủy và phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, 2, 3, 4.
Thượng tướng Nguyễn Thành Cung (Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đã trao quân kỳ quyết thắng cho 4 chỉ huy trưởng và đồng thời trao Quyết định bổ nhiệm cho các Tư lệnh, Chính ủy của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, 2, 3, 4.
Phát biểu tại buổi lễ thứ trưởng Bộ Quốc phòng -Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, nhấn mạnh: “Hiện nay nhiệm vụ của Cảnh sát biển ngày một nặng nề hơn khi mối đe dọa về an ninh quốc gia, toàn cầu. Đòi hỏi lực lượng Cảnh sát biển cần phát huy truyền thống, những kết quả đã đạt được. Qua buổi lễ trọng thể này đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong quá trình xây dựng Cảnh sát biển theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.
Trải qua hơn 16 năm xây dựng và trưởng thành, từ một lực lượng nhỏ về cơ cấu, tổ chức, biên chế, tàu thuyền; đến nay lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã có 13 cơ quan chức năng Bộ Tư lệnh, 4 Vùng Cảnh sát biển, 2 Cụm trinh sát, 4 cụm Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy, 1 trung tâm huấn luyện.
Cảnh sát biển Việt Nam đã được trang bị hơn 70 tàu xuồng các loại, máy bay tuần thám biển Casa 212-400...
-----------------------
Bộ GD-ĐT ra công văn chấn chỉnh tình trạng lạm thu
Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, sẽ có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng những cơ sở giáo dục để xảy ra tiêu cực.
Theo nội dung công văn, Bộ GD-ĐT cho biết, thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các địa phương, các quy định hiện hành về thu góp, đồng phục học sinh được thực hiện nghiêm túc trong hầu hết các cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, qua phản ánh của báo chí và nhân dân, ở một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra việc thu góp trái quy định, ép buộc học sinh may (mua) quần áo đồng phục gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ GD-ĐT đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện một số nội dung, cụ thể: Hướng dẫn, giám sát và kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các khoản thu, chi trong trường học đảm bảo đúng các quy định hiện hành.
Đối với các khoản đóng góp, tài trợ theo hình thức xã hội hóa để góp phần tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp, hỗ trợ các hoạt động giáo dục phải thực hiện theo Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Kiểm tra các cơ sở giáo dục về việc thực hiện trách nhiệm của cơ sở giáo dục trong việc thực hiện Thông tư liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/5/2014 của liên bộ GD-ĐT, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội; Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Đặc biệt, có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng những cơ sở giáo dục để xảy ra tiêu cực trong việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu góp hoặc ép buộc học sinh may (mua) quần áo đồng phục trái quy định.
Bộ GD-ĐT đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục địa phương quán triệt tinh thần công văn này tới các cơ sở giáo dục và phổ biến tới giáo viên, cha mẹ học sinh.
-----------------------
Việt Nam có thể mua máy bay tuần tra hàng hải từ Mỹ
Ngày 3-10, các quan chức Mỹ cho biết Việt Nam có thể mua các loại máy bay khác như P-8 của Boeing, A-29 Super Tucano hoặc máy bay trực thăng để tuần tra hàng hải.
Mới đây Thượng nghị sĩ John McCain đã lên tiếng hoan nghênh việc chính phủ Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. “Việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vì mục tiêu đảm bảo an ninh hàng hải sẽ giúp tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng theo cách có lợi cho cả hai nước” - ông McCain khẳng định.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ không công bố các loại vũ khí cụ thể có thể xem xét bán cho Việt Nam. Washington sẽ xem xét theo từng trường hợp cụ thể. Trước đó Reuters dẫn các nguồn tin từ Mỹ cho biết Washington có thể sẽ bán cho Việt Nam máy bay tuần tra P-3 Orion của hãng Lockheed Martin.
Việc mua các loại thiết bị nào sẽ phụ thuộc vào đối thoại giữa Mỹ và Việt Nam cũng như việc Việt Nam đánh giá nhu cầu an ninh hàng hải của nước mình, đặc biệt là về lực lượng cảnh sát biển.
Tuy nhiên việc mua bán sẽ chưa diễn ra trong tương lai gần. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hiện Việt Nam vẫn chưa có đề nghị mua thiết bị quốc phòng nào.
“Việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam phản ánh việc chúng tôi nhận thức được rằng khu vực thiếu năng lực hàng hải. Đây là một nỗ lực để lấp khoảng trống đó” - quan chức này nhấn mạnh.
Phía Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng đây là bước đi đầu tiên cực kỳ quan trọng, sẽ giúp mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam trong tương lai.
-----------------------
Cảnh cáo nguyên chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước
Ngày 2/10, tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm đã ký quyết định kỷ luật hình thức cảnh cáo đối với ông Phạm Công - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp Đồng Phú, nguyên chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước.
Lý do thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định văn bản tham mưu các vụ việc gồm: thanh lý rừng cây giá tỵ; dự án xây dựng đường Hà Huy Tập nối dài và nhà liền kề; vụ việc bán đấu giá 323ha cao su tại Bù Đốp.
Trong thời gian đương chức chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước (từ 2001 đến 2011), ông Phạm Công liên quan đến ba vụ việc gồm: vụ bán đấu giá vườn cao su (323ha của nhà nước) tạo quỹ làm đường Lộc Tấn - Bù Đốp, khi giảm 30% giá đất không xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy, làm thất thu cho ngân sách Nhà nước trên 20 tỉ đồng. Ngoài ra quy trình bán đấu giá “có vấn đề” như: việc bán đấu giá chỉ có một người tham gia, đăng báo sai nguyên tắc, không thông báo rõ diện tích, địa điểm, hiện trạng các lô bán thí điểm, có dấu hiệu thông thầu...
Kế đến vụ bán trực tiếp 6.275m2 tại khu đất “vàng” thuộc khuôn viên Đài PTTH Bình Phước cho Công ty TNHH một thành viên xây dựng Bình Phước để xây dựng nhà liền kề không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Khu đất này được bán với giá cực thấp so với giá của Công ty cổ phần Thẩm định giá Đông Á (đơn vị được Sở Tài chính tỉnh Bình Phước thuê thẩm định giá, chỉ hơn 1,5 triệu đồng/m2 so với 6 triệu đồng/m2 do Công ty cổ phần Thẩm định giá Đông Á đưa ra). Vụ việc này đã không được báo cáo đến Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Và vụ thanh lý trên 72ha gỗ rừng giá tỵ tại địa bàn xã Tân Lập (huyện Đồng Phú) gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Cụ thể, việc áp giá sai qui cách từ gỗ thành củi đã gây thiệt hại cho ngân sách trên 1,2 tỉ đồng.
Ba vụ việc trên đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước khởi tố vụ án.
Khu đất "vàng" trên đường Lê Duẩn xây dựng nhà liền kề được bán với giá bèo gây thất thu cho ngân sách hàng chục tỉ đồng. Ảnh: Đức Trí.
Được biết, sau 10 năm (hai nhiệm kỳ từ 2001 đến năm 2011) giữ chức Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước, ông Phạm Công được luân chuyển, bổ nhiệm giữ chức giám đốc Sở Tài chính được hơn 3 năm (từ năm 2011 đến năm 2014).
Sau khi các vụ việc tiêu cực trên bị phanh phui, ông Phạm Công bị kỷ luật hình thức cảnh cáo và vừa qua bị điều chuyển giữ chức Phó Trưởng Ban chỉ đạo Khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp Đồng Phú (huyện Đồng Phú) - dự án gây “ồn ào” dư luận thời gian gần đây
-----------------------
Kiên quyết loại bỏ thủ tục xây dựng gây phiền hà, tốn kém
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại Hội thảo các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng năm 2014 được tổ chức tại Hà Nội ngày 3/10.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, Luật Xây dựng năm 2014 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2014), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, đã đánh dấu một bước đổi mới căn bản, toàn diện về thể chế, chính sách quản lý đầu tư xây dựng; với hành lang pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước để kiểm soát chặt chẽ các nguồn lực của Nhà nước, khắc phục tư tưởng “nhà nước hóa” cũng như tư tưởng “thị trường hóa” một cách thái quá trong quản lý đầu tư xây dựng, nhằm nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đang tập trung khẩn trương soạn thảo 6 Nghị định hướng dẫn thi hành, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 10/2014, để Chính phủ xem xét, ban hành và kịp thời thực hiện khi Luật Xây dựng 2014 chính thức có hiệu lực.
Nghị định về quy hoạch xây dựng: Quy định chi tiết về lập, thẩm định, phê duyệt đối với các loại quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng nông thôn; tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch xây dựng.
Nghị định về quản lý dự án đầu tư xây dựng: Quy định chi tiết về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; thực hiện dự án đầu tư xây dựng; kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng; các hình thức quản lý dự án; cấp giấy phép xây dựng và điều kiện năng lực hoạt động xây dựng.
Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng: quy định chi tiết về quản lý chất lượng công trình xây dựng trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng; giải quyết sự cố trong thi công xây dựng và khai thác, sử dụng công trình xây dựng; quy định về bảo hành và bảo trì công trình xây dựng.
Nghị định về quản lý chi phí xây dựng xây dựng: quy định chi tiết về tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, định mức xây dựng, giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng, chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.
Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Cuối cùng là Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Vấn đề được các đại biểu tập trung góp ý cho các dự thảo Nghị định là phạm vi điều chỉnh; thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng; kiểm tra nghiệm thu trước khi đưa công trình vào khai thác sử dụng; mô hình tổ chức và hoạt động của ban quản lý dự án chuyên nghiệp; cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép…
Trao đổi với các đại biểu dự Hội thảo, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng phải đảm bảo chất lượng, có tính khả thi cao, sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả; phải đơn giản hóa đến mức tối đa quy trình, thủ tục, hồ sơ, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; kiên quyết loại bỏ các thủ tục không cần thiết, tránh gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp, người dân và xã hội.