Moscow cần một cái cớ để phá vỡ cục diện giằng co bất lợi trong cuộc chiến ở Donbass. Còn gì hay hơn việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine?
Mỹ muốn một cuộc chiến giằng co để làm Nga suy sụp
Kiev tiếp tục mở cuộc tấn công mới ở Donetsk nhằm tạo một cục diện thuận lợi trước khi một thỏa thuận ngừng bắn mới được ký kết. Sự có mặt của ngoại trưởng Mỹ ở Ukraine bên cạnh những hoạt động ngoại giao con thoi của 2 vị nguyên thủ Đức và Pháp cho thấy, Hoa Kỳ đang mong muốn cuộc chiến ở đất nước này sẽ tiếp tục.
Cuộc đàm phán Minsk thất bại đã chôn vùi hy vọng của tất cả những ai lâu nay mong đợi chấm dứt đổ máu ở Donbass. Những động thái của phương Tây và chính phủ Ukraine chứng tỏ ngừng bắn không phải là mục tiêu của họ. Washington đã, đang và sẽ quyết đấu với Moscow đến người Ukraine cuối cùng!
Kiev có khả năng ngừng chiến sự ở Đông Ukraine nếu họ thực hiện những việc cần làm, trước hết là ra sắc lệnh chấm dứt nổ súng, tiếp đến tổ chức cuộc thương lượng với các khu vực bàn về tương lai của đất nước. Nhưng trải qua sáu tháng xung đột, có thể thấy rõ là Kiev không hề nỗ lực làm dịu căng thẳng.
Sự lựa chọn ở đây rất đơn giản: Hoặc chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, hoặc ép các đối thủ thay đổi quan điểm sau khi làm lực lượng của họ suy yếu. Nhưng ngay sau mỗi cơ hội tiến tới hòa bình, lập tức xuất hiện vòng xoáy mới của chiến dịch trừng phạt với mưu đồ lợi dụng bom đạn để thỏa mãn những tham vọng chính trị.
Thực tế lúc này Kiev đang triệt để kiến thiết một hệ tư tưởng quốc gia mới, xáo trộn toàn bộ nền tảng văn hóa của nhà nước Ukraine. Tới lượt cộng đồng quốc tế gánh trách nhiệm ngăn chặn đổ máu. Tuy nhiên, những ai đã "đầu tư" 5 tỷ USD để "củng cố nền dân chủ" ở Ukraine (tức là Hoa Kỳ) lại không muốn thấy hòa bình trên đất nước Ukraine.
Hiện nay, chỉ có Washington nắm trong tay những công cụ chính trị và kỹ thuật có sức ảnh hưởng đến nhà cầm quyền Ukraine, có thể "buộc Kiev tiến tới hòa bình." Nhưng vấn đề ở chỗ, việc nội chiến tiếp tục ở Ukraine hoàn toàn phù hợp với chiến lược của Mỹ về tăng cường quyền bá chủ trên thế giới.
"Hoa Kỳ không hề cần những chiến thắng. Cái mà người Mỹ muốn là sử dụng chiến tranh ủy nhiệm trá hình để gây trở ngại cho đối thủ địa chính trị, hòng kiềm chế sự tập trung tiềm lực, ngăn chặn sự lớn mạnh của đối thủ" - ông George Friedman, một trong những nhà tư tưởng chiến lược nổi bật của Mỹ hiện nay nói.
10 năm qua, Washington thận trọng theo dõi Nga phục hồi kinh tế và thực hiện chính sách đối ngoại ngày càng "quyết đoán", hay đúng hơn là ngày càng độc lập. Các nhà chiến lược của Bộ Ngoại giao Mỹ và giới công nghệ chính trị từ Langley nhận ra một điều là "không thể để Moscow tiếp tục lớn mạnh như vậy".
Họ cho rằng, Nga phải bị vô hiệu hóa khỏi vai trò một trung tâm độc lập trong các quan hệ quốc tế. Để phục vụ mục tiêu này, không có gì hay bằng cuộc chiến trực tiếp trên biên giới Nga, dòng người tị nạn, thảm họa nhân đạo và sự bế tắc kinh tế của một đối tác thương mại quan trọng.
Bằng những thủ đoạn gian xảo và chi phí lớn về tài chính, Hoa Kỳ đã lần lượt đặt những “nhân vật hiếu chiến” vào ghế chỉ huy, bao gồm: Thủ tướng, Tổng thống. Cuộc chiến “nhỏ” cách xa biên giới Mỹ càng kéo dài và đẫm máu, càng có nhiều nguồn lực lớn của Nga bị tan vỡ, khiến Moscow không còn tâm trí quan tâm đến các hoạt động chính trị thế giới.
Phát biểu "nhận lỗi" của vị Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain về việc quân chính phủ sử dụng bom bi ở Donbass là do "Mỹ chưa cung cấp các loại vũ khí khác cho Ukraine nên Kiev buộc phải sử dụng" đã thể hiện đúng bản chất của Washington là muốn cuộc nội chiến ở Ukraine kéo dài càng lâu càng tốt!!!
Các ông Yatsenyuk và Poroshenko không hiểu rằng, Mỹ không hề quan tâm đến tương lai của dân tộc Ukraine sẽ ra sao, không hề thực tâm xây dựng một đất nước Ukraine dân chủ và giàu mạnh thực sự và cũng không hề xót thương cho cái chết của hàng ngàn dân thường nước này.
Cuộc chiến ở Ukraine rất khó sớm chấm dứt. Bởi đã từ lâu, Ukraine và nhà cầm quyền Kiev đã trở thành con tin trong ván cờ toàn cầu khốc liệt, nơi “kiện tướng Washington” sẵn sàng đem thí mạng các “quân tốt Đông Âu” một cách không thương xót, để mưu đồ giành chiến thắng chiến lược trước Moscow.
Nga cần một cái cớ để kết thúc cuộc chiến ở Donbass
Mặc dù Nga luôn phủ nhận việc cung cấp vũ khí, trang bị cho phe ly khai Donbass nhưng trên thực tế chúng ta hiểu rằng, Nga có thể không đưa quân chính quy sang tham chiến nhưng việc tuồn vũ khí sang miền đông Ukraine, qua đường biên giới do phe ly khai kiểm soát thì chắc chắn là có.
Quân ly khai Donbass liên tiếp mở rộng phạm vi tấn công và khu vực kiểm soát thực tế. Diễn biến trên chiến trường đang chứng minh rằng Kiev đang vào thế yếu khi liên tiếp thảm bại trên chiến trường. Trên tất cả các mặt trận, trải dài từ Lugansk tới Donetsk, quân chính phủ không dành nổi một thắng lợi nào, hiện đang bị vây hãm trên tất cả các điểm nóng ở miền Đông.
Tuy nhiên, cứ mỗi khi phe ly khai thắng thế, Mỹ - EU lại ép Kiev ngồi vào bàn đàm phán ngừng bắn để tranh thủ thời gian, củng cố lực lượng, xin thêm viện trợ, tăng cường vũ khí cho những đợt tấn công mới, khiến cuộc chiến giằng dai không có hồi kết.
Điều này đồng nghĩa với việc những sức ép về chính trị, các biện pháp cấm vận cứ ngày càng gia tăng đối với Nga. Người Ukraine cứ tiếp tục chết mỗi ngày, chỉ có điều họ chết không vì tương lai của đất nước Ukraine mà chết cho mục đích làm suy yếu một cường quốc lân bang của Mỹ.
Mỹ không muốn quân đội Ukraine thất bại hoàn toàn trước quân ly khai miền đông nên mới ngầm ngầm để đồng minh cung cấp vũ khí cho Kiev. Nhưng Washington cũng không muốn quân chính phủ Ukraine đè bẹp quân ly khai trên chiến trường ngay lập tức.
Bởi mục đích chính của Mỹ là cuộc chiến này phải kéo dài càng lâu càng tốt, để và phương Tây thoải mái áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga khiến kinh tế Nga sụp sụp. Bởi thế cuộc chiến sẽ cứ tiếp diễn theo chu kỳ đánh - hòa rồi lại tiếp tục đánh, đánh thua thì lại đàm phán.
Quốc gia Đông Âu này là chiến trường ủy nhiệm, là cái cớ trực tiếp để khởi động hàng loạt các hành động theo chủ ý của Mỹ. Sự giằng co ở Ukraine càng kéo dài, một vài tháng, thậm chí là một vài năm, đồng nghĩa với việc các lệnh trừng phạt càng được duy trì.
Moscow sẽ tiếp tục phải rút ruột quỹ dự trữ quốc gia của mình để cứu vãn đồng ruble, viện trợ cho ly khai đánh nhau với Kiev. Cuộc chiến giằng co nếu không đủ sức đánh sập nền kinh tế Nga thì cũng sẽ kéo Nga chậm lại vài năm, thậm chí là hàng chục năm tăng trưởng về kinh tế, dẫn đến suy yếu về ảnh hưởng chính trị.
Không phải ngẫu nhiên mà Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow đã nói thẳng là phương Tây cần phải sẵn sàng cho tình trạng căng thẳng dài lâu với Nga liên quan đến tình hình Ukraine và không nhanh chóng tái bình thường hóa quan hệ như đã từng làm sau cuộc chiến Gruzia năm 2008.
Dĩ nhiên là Nga không muốn điều đó, Moscow muốn cuộc chiến nhanh kết thúc (dĩ nhiên là với phần thắng thuộc về phe ly khai Donbass). Thế nhưng, cứ mỗi khi yếu thế trên chiến trường là quân chính phủ và phương Tây lại kêu gọi đàm phán, mà Nga không thể phản đối điều đó để mang tiếng là phá hoại hòa bình.
Bởi vậy, Moscow cần một cái cớ để quân ly khai đi thẳng một mạch đến chiến thắng mà phương Tây không thể ngăn cản được. Còn điều gì phù hợp hơn là việc Mỹ viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine để Nga có cơ hội cung cấp tăng-thiết giáp, pháo hạng nặng, máy bay chiến đấu cho quân ly khai Donbass?
Bởi vậy, mặc dù các quan chức và chính khách Nga đồng loạt lên tiếng phản đối Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine bởi “đó là mối nguy hại đối với an ninh quốc gia Nga” hay “sẽ làm tăng mức độ khốc liệt của cuộc nội chiến ở Ukraine” nhưng thực lòng họ rất muốn điều đó xảy ra.
Kể cả Mỹ có viện trợ vũ khí, đưa cố vấn quân sự vào Ukraine thì quân đội nước này với khả năng yếu kém của mình cũng không có cửa thắng trước quân ly khai, nhất là trong trường hợp Nga có thể công khai viện trợ các vũ khí hiện đại thay thế xe tăng T-34, máy bay MiG-21, L-29… mà phe ly khai vừa lôi từ bảo tàng ra.
Về phía Washington, họ cũng biết điều đó. Mỹ sẽ viện trợ vũ khí trang bị cho Ukraine nhưng sẽ ngấm ngầm thông qua tay các đồng minh khác, không để Nga có cớ công khai viện trợ vũ khí nặng cho phe ly khai. Ngược lại, Moscow cũng sẽ tăng cường các chuyến hàng “viện trợ nhân đạo” đến miền Đông Ukraine.
Và cuộc nội chiến ở Ukraine sẽ tiếp tục căng thẳng bất chấp 2 bên có đạt được thỏa thuận ngừng bắn như thế nào đi nữa. Nga sẽ chỉ thoát được cục diện bất lợi nếu phe ly khai Donbass giành thắng lợi tuyệt đối trên chiến trường buộc Kiev phải ngồi vào bàn đàm phán trên thế yếu. Còn nếu không…
-----------------------
Iraq chuẩn bị chiến dịch lớn trên bộ truy quét IS
Một cuộc tấn công quy mô lớn trên bộ, nhằm vào lực lượng cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sẽ sớm được triển khai trong thời gian tới. Thông tin này đã được phái viên Mỹ phụ trách liên minh quốc tế chống IS, tướng John Allen công bố ngày 8/2.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Petra của Jordan, Tướng John Allen khẳng định quân đội Iraq sẽ bắt đầu đợt tiến công quy mô lớn trên bộ "trong những tuần tới" nhằm giành lại các khu vực đang bị IS kiểm soát.
"Quân đội Iraq sẽ thực hiện một chiến dịch tấn công đáp trả IS trên bộ ở nước này. Liên quân quốc tế sẽ hỗ trợ quân đội Iraq trong chiến dịch này", Tướng Allen khẳng định.
Ngoài ra, vị tướng Mỹ cũng bác bỏ những cáo buộc cho rằng quá trình cung cấp vũ khí và huấn luyện binh sĩ Iraq của Mỹ bị trì hoãn trong thời gian qua. Ông nhấn mạnh: "Mỹ đang thực hiện tất cả những gì chúng tôi có thể và trong thời gian nhanh nhất".
Tuyên bố của Tướng Allen được đưa ra trong thời điểm Jordan, quốc gia có công dân vừa bị IS sát hại, đang thực hiện nhiều cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS ở Iraq. Theo thông báo của quân đội Jordan, máy bay chiến đấu của nước này đã thực hiện hàng chục cuộc không kích nhằm vào IS cuối tuần qua.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng khẳng định chiến dịch không kích của Jordan và chiến dịch trên bộ quy mô sắp tới sẽ là sự khởi đầu để liên quân quốc tế đánh bật IS khỏi những lãnh thổ mà nhóm Thánh chiến cực đoan này đang nắm giữ.
Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich (Đức) hôm 8/2, Ngoại trưởng Kerry thông báo liên quân quốc tế đã thực hiện khoảng 2.000 cuộc không kích nhằm vào IS kể từ tháng 8 vừa qua. Dưới sự hỗ trợ của không quân, quân đội Iraq đã giành lại được 1/5 vùng lãnh thổ mà IS chiếm trước đó.
Theo kế hoạch được tiết lộ trước đó, quân đội Iraq sẽ cùng liên quân quốc tế cắt đứt các tuyến đường tiếp trợ cho IS ở Iraq từ Syria, sau đó đẩy lùi nhóm này về thành phố Mosul thuộc miền bắc Iraq, trước khi tiến hành đợt tiến công cuối cùng trong năm 2015.
-----------------------
Mỹ không điều tàu sân bay đến Trung Quốc
Lầu Năm Góc quyết định không điều tàu sân bay đến thăm Trung Quốc trong năm 2015, trong bối cảnh Bắc Kinh gây hấn tại Biển Đông và Hoa Đông.
Tờ Washington Post hôm 6/2 dẫn lời phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, đại tá Steve Warren, cuối tuần trước tuyên bố, các quan chức quốc phòng Mỹ đã từ bỏ ý định cử tàu sân bay đến Trung Quốc, ít nhất là trong năm nay.
Theo Wall Street Journal, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Mỹ không điều tàu thăm Bắc Kinh bởi quan ngại về các hành vi “hung hăng và gây rối” của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông.
Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau cuộc gặp của các quan chức quốc phòng Mỹ và Trung Quốc hôm 5/2, thảo luận về việc trao đổi quân sự song phương trên nhiều hình thức trong năm nay. Trong hội nghị này, hai bên cũng đàm phán về thoả thuận nhằm giảm nguy cơ va chạm trên không của các máy bay quân sự nhưng chưa đạt được kết quả chính thức.
Washongton Post cũng dẫn lá thư gửi các quan chức Lầu Năm Góc hồi đầu tuần trước của ông John McCain, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà đang là Chủ tịch Ủy ban Quân sự, cho rằng việc điều tàu sân bay sẽ gửi thông điệp sai lệch tới các đồng minh của Mỹ ở châu Á.
Ông McCain gọi tàu sân bay của Hải quân Mỹ là một trong những phương tiện quân sự phức tạp nhất trong lịch sử thế giới. Bởi vậy, ông quả quyết “sẽ là một sai lầm chính trị và có tính biểu tượng” khi điều tàu sân bay Mỹ đến Trung Quốc theo lời mời của Bắc Kinh.
“Việc điều một bệ phóng như vậy tới Trung Quốc sẽ bị coi là thể hiện sự tôn trọng với Trung Quốc và hải quân nước này trên phạm vi quốc tế”, ông McCain viết.
“Tôi tin rằng đây sẽ là một tín hiệu sai lệch gửi đến các đồng minh và đối tác của chúng ta trong khu vực này như Nhật Bản, Phillipines, Đài Loan,Việt Nam, những nước đang mong muốn Mỹ đứng ra làm chủ sau khi Trung Quốc liên tục sử dụng các biện pháp cưỡng chế nhằm đòi yêu sách trên biển”, ông Mc Cain nhắc lại hành vi khiêu khích của Bắc Kinh ở Biển Đông và Hoa Đông.
New York Times cho hay Lầu Năm Góc hiện đang tìm cách tăng cường quan hệ quân sự giữa hai nước, đề xuất đồng ý cử tàu sân bay Mỹ tới Trung Quốc cũng nhằm mục đích này.
Báo trên cũng đánh giá phía Trung Quốc mong chờ hải quân Mỹ sẽ điều tàu sân bay đến thăm nước này bởi hiện nay Quân giải phóng Trung Quốc (PLA) đang nỗ lực để phát triển một hạm đội tàu sân bay. Hiện Hải quân Mỹ có tới 11 tàu sân bay, nhiều hơn bất kỳ nước nào và được cho là sở hữu công nghệ tàu sân bay hàng đầu thế giới.
Năm ngoái, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có tên Liêu Ninh đã hạ thủy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã thăm quan con tàu này trong một chuyến thăm chính thức của ông đến Trung Quốc vào tháng 4 năm ngoái. Gần đây, có những thông tin rò rỉ cho thấy Trung Quốc đang xây tàu sân bay thứ hai, dù PLA giữ kín về động thái này.
Hiện Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa có bình luận gì trước thông tin này.
-----------------------
Xuất hiện “tai mắt” của Nga tại châu Âu
Cuộc khủng hoảng tại Ukraina hiện nay là kết quả của sự tranh giành giữa EU và Nga. Nhưng chẳng phải tất cả 28 nước thành viên đều ủng hộ đường lối chung của khối, thậm chí có nhiều nước còn đứng về phía Nga. Hy Lạp và Hungary là hai “đồng minh” mới nhất của Nga.
Hy Lạp- con ngựa thành Troy của Nga giữa lòng EU?
Những ngày qua, tân chính phủ cánh tả Hy Lạp liên tiếp đưa ra các tuyên bố thân Nga rõ rệt khiến dư luận hoài nghi Athènes sẽ trở thành con ngựa thành Troy của Nga giữa lòng EU. Giới phân tích chính trị thì không khỏi phân vân về khả năng Hy Lạp thay đổi đối sách ngoại giao đi ngược với cả khối.
Tuần trước, Ngoại trưởng Nikos Kotzia đã nhắc đến mối quan hệ lịch sử lâu đời giữa Hy Lạp và Nga, đồng thời ông cũng không ngần ngại chỉ trích chính sách hiện nay của Bruxelles đối với Moskva là cứng nhắc.
Trước đó, chính phủ của Thủ tướng Tsipras đã thẳng thắn phản đối thông cáo của EU đe dọa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Moskva trên hồ sơ Ukraina và nói rằng Athènes không được tham khảo trước về thông cáo này. Đến lúc này, nhiều nhà bình luận bắt đầu cảm thấy thái độ của chính phủ Hy Lạp không đơn thuần là mối thiện cảm với nước Nga mà còn là những dấu hiệu chuyển hướng ngoại giao đáng quan tâm.
Thái độ thân Nga của Athènes được khẳng định thêm khi trong chuyến thăm đảo Chypre hôm 2/2/2015, ông Tsipras tuyên bố mong muốn Hy Lạp trở thành cầu nối giữa châu Âu và nước Nga.
Dư luận báo chí ở châu Âu bắt đầu tỏ nghi ngại về thái độ thân Nga của Hy Lạp. Tuy nhiên, ông Constantinos Filis, Giám đốc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Athènes nhận thấy những động thái như vậy của chính phủ Tsipras chưa thể nói lên rằng trong thời gian tới Hy Lạp sẽ quay ngoắt 180 độ trong chiến lược đối ngoại.
Giới quan sát cũng ghi nhận, đại sứ Nga tại Athènes là người đầu tiên gặp Alexis Tsipras ngay sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 25/1. Điều đáng chú ý nữa là trước đó hồi tháng 5/2014, tức là chỉ hai tháng sau khi Nga sáp nhập Crưm, ông Tsipras đã tới Moskva gặp gỡ nhiều quan chức của chính quyền Kremlin và tại đó ông đã công khai phản đối chủ trương NATO mở rộng về phía đông.
Cũng cần phải hiểu là Hy Lạp có mối liên hệ văn hóa lịch sử lâu dài và nhiều tương đồng với Nga. Không chỉ có chính phủ cánh tả của ông Tsipras mà ngay cả chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Antonis Samaras, được coi là bảo thủ, cũng không bao giờ tỏ thái độ thù hằn với Moskva.
Vấn đề đặt ra là tình cảm của chính phủ Athènes hiện nay giành cho Moskva có tác động đến chính sách đối với Nga của châu Âu trong thời gian tới? Trong khi EU chưa bao giờ là một khối thống nhất hoàn hảo, thì liệu nhân tố Hy Lạp thân Nga có gây thêm chia rẽ?
Theo nhiều nhà phân tích chính trị thì phản ứng chống đối của chính phủ Tsipras đối với thông cáo của EU dọa trừng phạt Nga tuần trước chỉ là một động thái tỏ cho thấy Hy Lạp là một đối tác quan trọng trong liên minh. Giới quan sát hiểu rằng các động thái gần gũi Nga được tung ra trong bối cảnh chuẩn bị cho các cuộc đàm phán nợ sắp tới của Hy Lạp.
Chính phủ mới ở Athènes muốn tìm cho mình một áp lực trở lại với các đối tác châu Âu. Đó cũng có thể là cách để Athènes khẳng định rằng nếu Bruxelles không mềm mại với họ trên vấn đề trả nợ thì Hy Lạp có thể gây ách tắc trên những hồ sơ nhạy cảm của cả khối.
Hungary ủng hộ Nga trong hồ sơ Ukraina
Ngày 2/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có chuyến thăm Hungary. Hiếm khi các vị lãnh đạo lại bày tỏ những bất đồng một cách công khai trong cuộc họp báo chung sau khi đôi bên đã tiến hành đàm phán mà kết quả tới giờ vẫn chưa được công bố cụ thể.
Ngay sau khi chào hỏi và cám ơn theo đúng thông lệ ngoại giao, Thủ tướng Merkel nhận định rằng Hungary và Đức có mối quan hệ hữu nghị, nhưng bà đưa ra ngay một thông điệp cho thấy phía Đức không bằng lòng với sự thất thường trong đường lối của chính quyền Hungary.
Bởi lẽ, theo bà, nền kinh tế Đức khi đầu tư ở bất cứ đâu cũng rất cần sự tin tưởng, và khi đó đầu tư của Đức mới có thể "chung thủy" được với một thị trường. Niềm tin đó, dường như đã không có đối với phía Đức trong các vấn đề mà đôi bên đã trao đổi, nhất là trong vấn đề quan trọng nhất: xung đột quân sự Ukraina - Nga.
Một năm qua, Hungary luôn thể hiện sự "nước đôi" và dè dặt, nhiều khi đi ngược lại quan điểm chung của EU trong vấn đề Ukraina qua một số biểu hiện khá rõ rệt. Đảng cực hữu JOBBIK của Hungary bày tỏ sự ủng hộ Nga và gửi các "quan sát viên" sang tham dự cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm.
Chính quyền Hungary nhiều lần phát biểu không đồng tình với chính sách cấm vận và trừng phạt Nga của phương Tây, Hungary sau thời gian đầu bán khí đốt cho Ukraina thì đột ngột ngừng bán sau chuyến công du Budapest của người đứng đầu tập đoàn năng lượng Nga Gasprom, viện cớ phải giữ khí đốt cho nhu cầu trong nước...
Trong cuộc họp báo với bà Merkel, Thủ tướng Hungary Orbán Viktor cho rằng tình trạng của Ukraina là "quan trọng đặc biệt" với Hungary vì không chỉ là một nước láng giềng, mà còn vì tại Ukraina có một cộng đồng Hungary kiều đông đảo, và khí đốt được chuyển từ Nga qua Hungary cũng theo con đường này. Do đó, Hungary đứng về phía hòa bình và chỉ có thể chấp nhận giải pháp theo hướng hòa bình.
Cạnh đó, Thủ tướng Hungary còn nói thêm, không chỉ Hungary mà các quốc gia châu Âu khác cũng rất phụ thuộc vào khí đốt Nga, do đó theo ông tất cả đều có lợi ích là phải kiến tạo được một mối quan hệ tốt và không thất thường, và Hungary cũng nằm trong số đó.
Để đáp trả, bà Angela Merkel nói rằng người Đức cũng muốn đình chiến tại Ukraina và nước này có một trạng thái ổn định, nhưng bảo toàn được sự toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, bà cho hay Đức nhập 30% khí đốt từ Nga, nghĩa là còn phụ thuộc năng lượng vào Moskva hơn Hungary, và đối với các nước châu Âu khác thì năng lượng Nga vẫn mang tính sống còn.
Tuy nhiên, khi đề cập tới những trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga, Thủ tướng Đức lưu ý người đồng nhiệm Hungary rằng không thể chấp nhận việc Budapest có quan điểm riêng. Điều cần làm là giảm thiểu sự phụ thuộc năng lượng vào Nga bằng cách nối hệ thống dẫn ga ở châu Âu và mở ra hướng Azerbajian.
Sau phần phát biểu của bà Merkel, điều bất ngờ là ông Orbán lại "cướp lời" và giải thích rất dài dòng "để các ký giả nước ngoài cũng hiểu được sự nghiêm trọng của tình hình". Trong năm nay, hợp đồng vận chuyển khí đốt giữa Hungary và Nga hết hạn, đây là một trong những vấn đề lớn nhất của Hungary năm 2015 và như thế, tình trạng kinh tế Hungary cần được đánh giá nghiêm túc với mối liên quan tới Nga.
Như thế, dù không nói ra lời, nhưng báo chí Hungary cho rằng ông Orbán vẫn tiếp tục theo đuổi con đường riêng trong hồ sơ Ukraina.
Cuộc tranh luận gần đây về việc có nên giao vũ khí cho Ukraina hay không cũng đang gây chia rẽ châu Âu. London cũng như Paris và Berlin kịch liệt phản đối. Nhưng Litva xác nhận đã cung cấp trang thiết bị quân sự cho Kiev. Họ cũng không phải là nước duy nhất làm điều đó.
Ngoài ra, còn có cả các đảng phái lớn tại một số nước châu Âu cũng là “đồng minh” của Nga, chẳng hạn tại Pháp có đảng Mặt trận quốc gia (FN) của Jean Marie Le Pen, hay đảng Vlaams Belang (Bỉ), đảng Nhân dân ở Áo, Đảng Tự do (Hà Lan)…
---------------------------