Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) mà Trung Quốc đơn phương đưa ra tại Biển Đông là không phù hợp với luật pháp quốc tế về biển, theo tài liệu chính thức từ trang web Bộ Ngoại giao Mỹ.
Báo cáo dài 26 trang, được công bố ngày 5.12 do Cục Đại dương và Các vấn đề môi trường và khoa học quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành đã chỉ ra sự phi lý trong yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.
Báo cáo này được đưa ra ngay trước thời hạn 15.12 mà Toà trọng tài quốc tế yêu cầu Trung Quốc đưa ra tài liệu pháp lý về vụ kiện của Philippines đối với những tuyên bố chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc tại biển Đông.
Năm 2009, Trung Quốc gửi lên Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ “đường 9 đoạn”, tuyên bố chủ quyền phi pháp ở biển Đông. Theo yêu sách này, Trung Quốc chiếm khoảng 2 triệu km2 diện tích biển và 13 km2 diện tích đất trên biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scaborough.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra nằm gần với đường bờ biển của các quốc gia tiếp giáp biển Đông, trong đó đoạn số 1 (theo báo cáo) chỉ cách bờ biển Việt Nam 50 hải lý và cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 36 hải lý. Các đoạn 3,4,5 lần lượt cách Indonesia, Malaysia, Philippines 75, 24 và 35 hải lý.
Báo cáo cũng chỉ ra nhiều điểm không hợp lý trong tấm bản đồ của Trung Quốc. Các đoạn ở tấm bản đồ năm 2009 đều gần bờ biển các nước láng giềng hơn trong tấm bản đồ năm 1947, tấm bản đồ được cho là lần đầu tiên có “đường lưỡi bò”. Báo cáo dẫn chứng ở đoạn thứ 2 nằm gần bờ biển Việt Nam hơn 45 hải lý so với đoạn gần nhất trên bản đồ năm 1947 trong khi đoạn 1 gần hơn 15 hải lý.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Trung Quốc vẫn chưa làm rõ những đòi hỏi về biển liên quan đến “đường 9 đoạn” theo cách thức phù hợp với luật pháp quốc tế. Báo cáo cho rằng, các luật lệ, tuyên bố và hành động chính thức của Trung Quốc đều thể hiện sự mâu thuẫn đối với bản chất và phạm vi của các yêu sách mà nước này đưa ra. Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra 3 cách diễn giải khác nhau mà Mỹ cho rằng Bắc Kinh muốn thể hiện.
Theo cách diễn giải thứ nhất, “đường 9 đoạn” là khu vực mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo và vùng biển liên quan được xác lập dựa trên các đảo này theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS). Báo cáo cho rằng nếu đường 9 đoạn thể hiện điều đó thì các đảo và vùng biển trong phạm vi đường 9 đoạn này phải phù hợp với các quy định của UNCLOS về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác lập dựa trên bờ biển và các cấu trúc địa lý theo đúng định nghĩa về “đảo” trong điều 121 của công ước này
Thế nhưng, theo Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn còn có tranh chấp ở các đảo và vùng biển liên quan đến các đảo ở biển Đông. Mặt khác, kể cả nếu Trung Quốc có chủ quyền đối với các đảo tại biển Đông thì ranh giới của bất kỳ vùng biển nào được xác lập dựa trên các đảo này theo điều 121 của UNCLOS cũng đều phải được phân định giữa các nước liên quan.
Ở cách diễn giải thứ hai, “đường 9 đoạn” là các đường ranh giới quốc gia của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng những đoạn mà Trung Quốc đưa ra đều không có cơ sở pháp lý phù hợp với luật biển. Theo luật quốc tế, các ranh giới biển được xác lập dựa trên thỏa thuận giữa các quốc gia láng giềng và do vậy, một quốc gia không thể đơn phương xác lập ranh giới biển với một quốc gia khác.
Thêm vào đó, một đường ranh giới quốc gia như vậy không phù hợp với thực tiễn giữa các nước và luật pháp quốc tế. Bởi lẽ, vị trí của ranh giới biển được xác định dựa trên đường bờ biển đối diện, dài và liên tục chứ không phải dựa trên các hòn đảo rất nhỏ và biệt lập như tại biển Đông.
Ngoài ra, ở các đoạn 2,3 và 8 trên bản đồ phi pháp năm 2009 của Trung Quốc không chỉ nằm khá gần bờ biển của các nước khác mà tất cả hoặc một phần của những đoạn này đều nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ bất kỳ cấu trúc địa lý nào mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.
Ở cách diễn giải cuối cùng, “đường 9 đoạn” là ranh giới của cái gọi là “các đòi hỏi biển lịch sử” của Trung Quốc. Theo báo cáo, nếu đường 9 đoạn định thể hiện khu vực mà Trung Quốc đòi hỏi cái gọi là “vùng nước lịch sử” hay “quyền lịch sử” thì những yêu sách này cũng không nằm trong mục “đòi hỏi lịch sử” được quy định trong điều 10 và 15 của UNCLOS.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Trung Quốc không đáp ứng được các tiêu chí pháp lý đối với yêu sách về “vùng nước lịch sử”, bao gồm thực thi chủ quyền một cách công khai, được biết đến rộng rãi, liên tục và hiệu quả tại biển Đông và được các nước khác công nhận việc thực thi này.
Với những phân tích trong 26 trang báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận rằng yêu sách hiện nay của Trung Quốc về đường 9 đoạn là phi pháp, không phù hợp với luật quốc tế về biển.
------------------------
Liên Hiệp Quốc tố Israel ‘chống lưng’ phiến quân Syria
Lực lượng an ninh Israel có liên hệ mật thiết với phe nổi dậy tại Syria trong suốt 18 tháng qua, chủ yếu giúp trị thương và vũ trang cho các nhóm phiến quân, theo báo cáo của các quan sát viên Liên Hiệp Quốc tại biên giới 2 nước.
Trong một loạt các báo cáo gửi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Phái bộ Liên Hiệp Quốc về giám sát ngừng bắn tại Cao nguyên Golan (UNDOF) khẳng định có nhiều tài liệu bằng chứng cho thấy Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) liên hệ với “các phần tử vũ trang thuộc phe nổi dậy” ở Cao nguyên Golan, đài RT (Nga) đưa tin.
Tuy nhiên, các báo cáo này không nói cụ thể danh tính tổ chức thuộc phe nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, bao gồm từ lực lượng Quân đội Giải phóng Syria (FSA) do phương Tây hậu thuẫn đến tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS).
“UNDOF đã quan sát thấy lâu lâu lại có các tay súng thuộc phe nổi dậy liên lạc với IDF tại giới tuyến ngừng bắn trong khu vực lân cận cứ điểm 85 của Liên Hiệp Quốc”, một trong những báo cáo mới nhất của UNDOF cho hay.
Còn báo cáo hôm 27.10 cho biết có 2 người lạ mặt đi từ phía Syria sang Israel và binh sĩ IDF đã mở cổng cửa khẩu cho những người này. Báo cáo này còn cho biết thêm rằng IDF đã dựng lều cho khoảng từ 60 đến 70 gia đình tại điểm nằm cách biên lãnh thổ Israel khoảng 300 m.
Chính phủ Syria hồi tháng 9 lên tiếng tố cáo UNDOF dùng trại này như một “căn cứ” cho “các phần tử khủng bố có vũ trang”, đồng thời cảnh báo khu lều trại này sẽ “được xem như mục tiêu tấn công hợp lệ của quân đội Syria”, theo tờ Haaretz (Israel).
Trong khi đó, kênh i24news.tv (Israel) dẫn thông báo của Bộ Y tế Israel cho biết nước này đã chữa trị cho khoảng 1.000 người Syria tại 4 bệnh viện ở miền bắc Israel, trong số này có cả các tay súng thuộc FSA.
-------------------------
Ấn Độ và Pakistan đấu súng ở Kashmir
Binh sĩ Ấn Độ và Pakistan đã nổ súng vào nhau ở khu vực Đường kiểm soát (LoC), phân chia vùng tranh chấp Kashmir, tây bắc Ấn Độ, theo Tân Hoa xã.
Cuộc đấu súng xảy ra vào khoảng 20 giờ địa phương ngày 8.12 (21 giờ 30 Việt Nam) và kéo dài trong 10 phút ở huyện biên giới Poonch, cách thành phố Srinagar, thủ phủ Kashmir khoảng 185 km về phía tây nam.
Cả Ấn Độ và Pakistan đều cáo buộc đối phương vi phạm lệnh ngừng bắn và vô cớ nổ súng trước. Ấn Độ không có thương vong sau cuộc đấu súng, các quan chức nước này cho biết.
Binh lính hai nước thỉnh thoảng vẫn nổ súng vào nhau dọc đường LoC và Đường Biên giới Quốc tế (IB) ở vùng Kashmir, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đã ký kết hồi năm 2003, theo Tân Hoa xã.
Ít nhất 20 dân thường thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong cuộc xung đột ở Kashmir hồi tháng 10. Ấn Độ và Pakistan đã 3 lần nổ ra chiến tranh tính từ năm 1947, trong đó có 2 cuộc chiến liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Kashmir vào năm 1948 và 1965.
Đường LoC và IB đều là những giới tuyến phân định vùng kiểm soát ở Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan. LoC dài 720 km, được cả hai bên điều lực lượng quân ra đội bảo vệ . IB dài 198 km, Ấn Độ dùng lực lượng an ninh biên giới (BSF) bảo vệ còn Pakistan điều lực lượng kiểm lâm trấn giữ.
-----------------------
Bộ trưởng Tình báo Israel né trả lời việc không kích Syria
Bộ trưởng Tình báo Israel Yuval Steinitz từ chối trả lời trực tiếp vụ không kích Syria khiến hai bên căng thẳng trong thời gian gần đây; thay vào đó, ông khẳng định chính sách quân sự cứng rắn của chính quyền Tel Aviv, theo Channel News Asia hôm nay 9.12.
“Chúng tôi có chính sách cứng rắn nhằm ngăn chặn các đợt trung chuyển vũ khí cho các nhóm quân đội”, Channel News Asia (CNA) ngày 9.12 dẫn lời ông Yuval Steinitz trong cuộc phỏng vấn trên đài tiếng nói địa phương Israel hôm 8.12.
Ông Steinitz từ chối trả lời trực tiếp vụ máy bay không kích Syria, tuy nhiên ông khẳng định chính sách quân sự của Tel Aviv là không cho phép bất cứ động thái chuyển giao “vũ khí tinh vi” nào vào tay “quân thù”.
Nhiều ý kiến cho rằng “kẻ thù” mà ông Steinitz ám chỉ là nhóm quân đội dòng Shiite thân chính quyền Syria. Một vài cơ quan báo chí quốc tế nhận định đây có thể là động cơ để Israel tấn công khu vực gần Damascus.
Trước đó, Chính phủ Syria cáo buộc Israel sử dụng chiến đấu cơ phá hủy hai khu vực quan trọng gần thủ đô, bao gồm cả sân bay quốc tế Damascus, nơi được Syria xây dựng cho mục đích dân dụng và quân sự.
Truyền thông Israel cho biết cuộc tấn công hôm Chủ nhật được tiến hành vì có nguồn tin Syria sẽ giao các vũ khí hạng nặng như rốc-két chống tăng và tên lửa đất đối không cho Hezbollah. Chiến dịch chống phiến quân tại Syria của Israel đã diễn ra từ năm 2011, trong thời gian Syria xảy ra nội chiến.
Trước đó, năm 2006, chính phủ Damascus từng bị cáo buộc tiếp tay cho các binh lính Hezbollah giao tranh với quân đội Israel, khiến nước này chìm trong khói lửa chiến tranh và tổn thất nặng nề. Gần đây nhất vào tháng 10, một vụ đánh bom trên đường đã khiến hai binh lính Israel bị thương gần khu vực có lệnh ngừng bắn ở Li Băng.
Nội chiến tại Syria đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Ước tính cuộc chiến đã khiến 200.000 dân Syria lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất” và buộc phải di tản đến các vùng biên giới nơi đang quá tải với lượng người tị nạn quá đông.
----------------------------
Canada gửi quân cảnh giúp Ukraine bảo vệ chủ quyền
Canada sẽ điều quân cảnh sang Ukraine như một phần trong thỏa thuận hợp tác an ninh ký kết hồi đầu tuần nhằm giúp chính quyền Kiev bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Rob Nicholson và người đồng cấp bên phía Ukraine Stepan Poltorak đã ký thỏa thuận nói trên vào hôm 7.12, theo đài RT (Nga). Thỏa thuận nêu rõ 2 nước “cam kết sẽ tiếp tục phối hợp để tăng cường khả năng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và người dân của chính phủ và lực lượng an ninh Ukraine”.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kiev hôm 8.12, ông Nicholson cho biết đại diện quân cảnh Canada sẽ bay sang Ukraine để bàn về các hướng hợp tác. Sau khi thăm Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Canada sẽ sang thăm Ba Lan cũng để bàn về hợp tác an ninh và các biện pháp duy trì ổn định ở Trung và Đông Âu, theo thông báo từ Chính phủ Canada.
Hồi tháng 8, Canda đã viện trợ quân nhu không sát thương cho Ukraine, bao gồm các trang thiết bị bảo hộ, y tế và hậu cần, chẳng hạn như nón bảo hộ, kính bảo vệ mắt, áo giáp, dụng cụ sơ cứu, lều và túi ngủ. Ngoài ra, Canada cũng đã gửi áo ấm cho lực lượng vũ trang Ukraine hồi tháng 11 vừa qua. Ông Nicholson từng tuyên bố chính quyền Canada đã quyết định sẽ chi 11 triệu USD để hỗ trợ Ukraine.
RT bình luận Canada là một trong những quốc gia chỉ trích Nga gay gắt nhất trong vấn đề xử lý khủng hoảng tại Ukraine. Canada cùng các đồng minh phương Tây đã ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Kiev, đồng thời tham gia với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) để cùng cấm vận Nga.
Canada cũng đã triển khai các đơn vị thuộc quân đội nước này đến Trung và Đông Âu để hỗ trợ chính sách phòng vệ tập thể của NATO, theo RT.
------------------------