Bộ Công thương thanh tra 3 tập đoàn lớn
Theo tin từ Bộ Công thương ngày 8.12, Thanh tra bộ này đã lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo quyết định phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng với một loạt các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc bộ trong năm 2015 gồm: Tổng công ty giấy, Tổng công ty máy và thiết bị công nghiệp, một công ty thuộc Tập đoàn than - khoáng sản VN...
Thanh tra tập trung vào một số vấn đề như: tình hình sản xuất, kinh doanh; sử dụng vốn và tài sản nhà nước; việc phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ.
Đặc biệt sẽ thanh tra 3 tập đoàn lớn là: Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex), Tập đoàn điện lực VN (EVN), Tập đoàn hóa chất VN về việc thực hiện các quy định của pháp luật như minh bạch, công khai tài sản, thu nhập trong các quý 1, 2 và 3 năm 2015.
Ngoài ra, Thanh tra cũng sẽ kiểm tra 7 công ty điện lực về việc chấp hành các quy định của luật Điện lực; một số công ty trực thuộc Tập đoàn dầu khí VN và Tập đoàn hóa chất VN.
-------------------------
Đà Nẵng: 1.032 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trong năm 2014
Ngày 9.12, kỳ họp thứ 11, HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016) đã khai mạc. Tại kỳ họp lần này, HĐND thành phố sẽ dành 2/3 ngày thảo luận, chất vấn, trả lời chất vấn và tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với 13 chức danh.
Theo ông Văn Hữu Chiến - Chủ tịch UBND thành phố, năm 2014, dù bối cảnh kinh tế còn khó khăn nhưng tổng sản phẩm xã hội của Đà Nẵng ước đạt 41.714 tỉ đồng, tăng 9,28% so với năm 2013, trong đó dịch vụ tăng 8,4%; công nghiệp xây dựng tăng 11%, nông nghiệp tăng 3,1%.
Theo Ban Văn hóa - xã hội, hiện nay trên địa bàn có 6 khu công nghiệp (KCN) với hơn 72 ngàn lao động (LĐ), trong đó có khoảng 35.400 công nhân lao động (CNLĐ) tự thuê nhà của người dân để ở (chiếm 49%).
Tuy nhiên, trong thời gian qua, các dự án nhà ở cho CN và NLĐ chưa được triển khai, thiết chế văn hóa - thể thao dành cho CN tại các KCN còn thiếu. Đặc biệt, trong năm 2014, số lượng các doanh nghiệp (DN) nợ BHXH,BHYT,BHTN tiếp tục tăng với 1.032 DN, số tiền nợ là 99,02 tỷ đồng, số vụ án LĐ do NLĐ khởi kiện chủ DN liên quan đến BHXH tăng với 107 vụ.
-------------------------
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sắp khảo sát dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành
Dự kiến, ngày 11.12, Đoàn công tác Quốc hội do ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội - làm trưởng đoàn sẽ đến tỉnh Đồng Nai khảo sát về dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Đồng Nai.
Buổi sáng 11.12, đoàn sẽ khảo sát tại vị trí quy hoạch xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, khu tái định cư Bình Sơn và địa điểm xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đoàn cũng sẽ tiến hành khảo sát sân bay Biên Hòa và làm việc với Trung đoàn 935. Sau đó, đoàn làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, nghe báo cáo thực trạng quản lý, sử dụng 5.000ha đất dự kiến xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự kiến phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân có đất bị thu hồi để xây dựng dự án, những thuận lợi, khó khăn và kiến nghị của địa phương.
* UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành T.Ư về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân có đất bị thu hồi phục vụ dự án. Kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ hơn 13.097 tỉ đồng. UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị TTCP sớm xem xét trình Quốc hội thông qua báo cáo đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành vào cuối năm 2014 đáp ứng mong muốn của người dân sớm có chủ trương đầu tư xây dựng dự án để an tâm ổn định sản xuất.
-------------------------
Sẽ thanh lý biệt thự của ông Hoàng Văn Nghiên thuê trước 31.1.2015
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng sáng nay 9.12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hoàng Văn Nghiên đã có thư xin trả biệt thự và thành phố đã chấp thuận đơn này.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội hôm nay cũng đã có văn bản gửi các bên liên quan, giao Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội làm thủ tục thanh lý hợp đồng cho thuê nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa với gia đình ông Nghiên, báo cáo thành phố trước 31.1.2015.
Tại buổi tiếp xúc cử tri sáng nay, theo ông Phạm Quang Nghị, ngày 6.12, ông Nghiên đã có văn bản gửi Chủ tịch thành phố xin trả lại biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Thành phố đã có quyết định thanh lý hợp đồng thuê nhà và giao Sở Xây dựng nghiên cứu giải quyết chế độ nhà ở cho ông Nghiên.
Liên quan đến việc trả lại nhà của ông Hoàng Văn Nghiên, cử tri Nguyễn Duyên Hải (phường Minh Khai) dẫn thêm trường hợp của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền và đặt câu hỏi: “Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân lần thứ 11 vừa qua, có ý kiến cho rằng phải phân nhà khác cho ông Nghiên thì ông mới trả lại nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Liệu có phải thành phố có chủ trương phân nhà cho ông Nghiên để rồi ông lại bán đi kiếm lời hay không?”.
Ông Hải đề nghị làm rõ ông Truyền và ông Nghiên có vi phạm nghị quyết của Đảng không, nếu vi phạm thì xử lý thế nào. Nhấn mạnh vấn đề này không nên xử lý nội bộ, vì người dân rất quan tâm đến các biện pháp xử lý, mọi cá nhân phải bình đẳng trước pháp luật, dù là quan chức đương nhiệm, đã nghỉ hưu hay dân thường, ông Hải bày tỏ: “Dư luận cho rằng Đảng phải xử lý nghiêm để bồi đắp lòng tin của nhân dân.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, trước khi chuyển tới căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, ông Nghiên ở căn nhà tập thể tại khu Bách Khoa. Sau khi được thành phố bố trí căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, ông Nghiên đã trả lại nhà tập thể ở Bách Khoa. Ông Tuấn cũng khẳng định khi bố trí biệt thự này, thành phố đã thông báo cho ông Nghiên và các cơ quan liên quan căn hộ trên nằm trong danh mục biệt thự không được bán và giao cơ quan nghiên cứu, tìm địa điểm khác cho ông Nghiên.
Theo ông Tuấn, ông Nghiên cũng là cán bộ nhà nước nên cũng có các quyền lợi như mọi công chức khác, trong đó được quyền mua nhà ở theo quy định. “Chúng ta đừng đặt vấn đề cán bộ cấp cao thì không có quyền mua nhà ở, cán bộ cũng như công chức bình thường, giá thuê nhà cũng theo quy định nhà nước”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cho biết, quá trình giải quyết nhà ở cho ông Nghiên còn vướng vài vấn đề, như giới thiệu địa điểm, diện tích nhà… nên chưa giải quyết được. Ông Tuấn cũng cho rằng trường hợp ông Truyền và ông Nghiên khác nhau. Ông Truyền đã mua nhà vài nơi, trong khi ông Nghiên chưa được mua ở đâu.
Không hài lòng với giải đáp này, cử tri Nguyễn Duyên Hải tiếp tục "truy": Việc bán nhà theo Nghị định 61 của thành phố cho ông Nghiên có đúng không, khi ông này đã có nhà riêng?
Theo lý giải của ông Nguyễn Quốc Tuấn, Nghị định 61 về bán nhà sở hữu nhà nước đã được thay thế bởi Nghị định 34. Theo đó, các trường hợp làm đơn xin mua nhà trước khi có Nghị định 34 thì vẫn được mua nhà theo chính sách của Nghị định 61. Nhưng trường hợp của ông Nghiên, thành phố mới đang nghiên cứu đề xuất, chưa có quyết định cụ thể.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, “chiều qua thành phố đã họp và quyết định thanh lý hợp đồng thuê nhà, đồng chí Nghiên sẽ không được thuê nhà đó nữa. Tuy nhiên, với tư cách nguyên Chủ tịch thành phố, tương đương hàm Bộ trưởng (của ông Hoàng Văn Nghiên - PV), thành phố có trách nhiệm giải quyết chế độ cho đồng chí Nghiên theo đúng quy định, không hơn không kém”, Bí thư Hà Nội nói.
Ông Nghị cũng cho rằng, về lý thì căn nhà tập thể tại Bạch Mai ông Nghiên đã trả lại cho nhà nước, chưa được nhà nước cấp căn nhà nào, nên việc nghiên cứu giải quyết nhu cầu nhà ở cho ông Nghiên là đúng quy định. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng việc giải quyết quá chậm căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa cũng là khuyết điểm.
-----------------------------
Còn nhiều tàu cá VN đang nằm trên đường đi của bão Hagupit
Sáng 9.12 Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên cho hay vẫn còn nhiều tàu cá đang ở trên đường đi của bão Hagupit.
Trong đó, khu vực quần đảo Hoàng Sa 38 tàu/439 lao động (Quảng Nam 2 tàu/85 lao động, Quảng Ngãi 35 tàu/344 lao động, Bình Định 1 tàu/10 lao động).
Khu vực quần đảo Trường Sa 265 tàu/3.354 lao động (Quảng Nam 18 tàu/744 lao động neo đậu tại đảo Đá Bắc), Quảng Ngãi 151 tàu/1.906 lao động, Bình Định 16 tàu/130 lao động, Phú Yên 78 tàu/691 lao động, Khánh Hòa 2 tàu/19 lao động).
Tỉnh Bình Định vẫn còn 3 tàu cá với 32 ngư dân đang ở trong khu vực nguy hiểm, trên đường đi của bão quét qua.
Trong đó, tại khu vực giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là tàu cá BĐ 96972 do ông Võ Thành Đô làm thuyền trưởng có 10 lao động.
Tại khu vực có tọa độ 115,12 độ vĩ bắc, 10,21 độ kinh đông, thuộc quần đảo Trường Sa có 2 tàu BĐ 96784 (12 lao động) và BĐ 96046 (10 lao động, cùng trú xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Bình Định).
Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên, Bộ đội Biên phòng, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nông lâm thủy sản cùng chính quyền địa phương tỉnh Bình Định đã đến nhà chủ tàu vận động kêu gọi các tàu tàu khẩn trương chạy bão và giữ liên lạc với đất liền.
------------------------