Taliban tuyên bố đã đánh bại Mỹ ở Afghanistan
Ngày 29-12, phiến quân Taliban ở Afghanistan tuyên bố đã đánh bại Mỹ và liên quân NATO trong cuộc chiến kéo dài 13 năm.
Theo Reuters, hôm qua Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) của NATO cho biết đã chuyển từ nhiệm vụ chiến đấu sang hỗ trợ quân đội và cảnh sát Afghanistan.
Và hôm nay, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid khẳng định: “ISAF đã cuốn cờ trong thất vọng và thất bại”. Mujahid đánh giá Mỹ và NATO đã không đạt được bất kỳ mục tiêu nào cụ thể trong cuộc chiến ở Afghanistan.
Khoảng 13.000 lính NATO, chủ yếu là Mỹ, vẫn sẽ đóng ở Afghanistan trong hai năm để hỗ trợ lực lượng an ninh nước này chống Taliban.
Mỹ và liên quân cho rằng quân đội Afghanistan đã ngăn chặn được Taliban xâm chiếm các vùng lãnh thổ nước này. Tuy nhiên các vụ bạo lực vẫn liên tục bùng nổ ở Afghanistan.
Gần 3.200 người Afghanistan bị sát hại trong năm 2014, hơn 4.600 binh sĩ và cảnh sát nước này cũng thiệt mạng. Đây là con số kỷ lục người Afghanistan thiệt mạng trong nhiều năm qua.
Tân tổng thống Afghanistan cho biết ưu tiên hàng đầu của chính quyền nước này hiện tại là kiểm soát các vùng lãnh thổ và ngăn tình trạng an ninh xấu đi.
Tuy nhiên người phát ngôn Taliban đe dọa tổ chức này sẽ hủy diệt quân đội Afghanistan “giống như những ông chủ của chúng”.
Kể từ năm 2001, gần 3.500 binh sĩ nước ngoài đã bị giết ở Afghanistan, bao gồm 2.200 người Mỹ.
-------------------------
Khai thông tiềm năng ASEAN
Năm 2015 là cột mốc cực kỳ quan trọng với ASEAN, đánh dấu sự ra đời của Cộng đồng kinh tế chung sau nhiều năm ấp ủ. Trong bài viết dành riêng cho Thanh Niên, 2 chuyên gia hàng đầu Kishore Mahbubani và Fraser Thompson phân tích sâu về tiềm năng và thách thức trong quá trình nhất thể hóa và liên kết kinh tế khu vực.
Khai thông tiềm năng ASEAN - ảnh 1Lãnh đạo các nước ASEAN đặt mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 - Ảnh: Aarabianbusiness.com
Liệu 10 quốc gia với văn hóa, truyền thống, ngôn ngữ, hệ thống chính trị và mức độ phát triển kinh tế khác nhau có thể cùng bắt tay mở rộng tiềm năng chung của họ không? Đó là câu hỏi khiến các thành viên ASEAN trăn trở trong mấy thập niên qua. Nhìn vào tầm nhìn táo bạo đang trở thành sự thật của lãnh đạo các nước trong khu vực thì có thể thấy câu trả lời là “Được”.
Mục tiêu ban đầu là tìm cách giảm hàng rào thuế quan giữa các thành viên nhưng dần dần nỗ lực này đã biến thành một kế hoạch phát triển quy mô lớn cho một thị trường mở năng động với 600 triệu dân và một khu vực sản xuất có thể cạnh tranh trực tiếp với những nền kinh tế lớn nhất của thế giới. Một khi đi vào hoạt động, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ biến đổi Đông Nam Á và vai trò của khu vực trong nền kinh tế toàn cầu.
Nền kinh tế lớn thứ 7
Tiềm năng kinh tế của ASEAN rất ấn tượng. Nếu gộp lại, các thành viên của khối gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và VN sẽ tạo thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới. Hơn nữa, giao thương quốc tế của ASEAN gần như tăng gấp 3 lần trong thập niên qua và dòng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vẫn đang chảy vào khu vực, khi nhiều công ty đa quốc gia hy vọng sẽ tận dụng cơ hội từ sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu cũng như vị trí chiến lược của một khu vực nằm giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Từ nền tảng này, Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI) ước tính rằng nếu được thực hiện đầy đủ và thông suốt, kế hoạch AEC sẽ khai thông mạnh mẽ sự lưu thông của hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người, giúp ASEAN giành được thị phần sản xuất toàn cầu lớn hơn và các thành viên có thể đạt GDP hằng năm từ 280 - 625 tỉ USD trước năm 2030.
Một phần của thành quả tăng trưởng đó xuất phát từ việc khuyến khích các công ty khu vực mở rộng ra ngoài thị trường nội địa. Bằng các biện pháp đẩy mạnh hiệu quả và giảm chi phí cho xuất khẩu, hàng hóa và dịch vụ sẽ tới được tay hàng triệu khách hàng mới. Điều này có thể đẩy mạnh tiêu thụ ở Đông Nam Á, dẫn đến một vòng tăng trưởng vô cùng tích cực.
Vượt qua thách thức
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cản trở ASEAN trở thành một thị trường thống nhất. Theo khảo sát của MGI, những hạn chế về đầu tư nước ngoài và quyền sở hữu, sự bất nhất về tiêu chuẩn và quy định cũng như thủ tục hải quan rườm rà, không hiệu quả là những rào cản lớn nhất cần giải quyết.
Mặt khác, do mặt bằng lương ở Trung Quốc đang tăng lên, các nền kinh tế Đông Nam Á cảm thấy họ cần nắm bắt cơ hội để trong thời gian ngắn có thể trở thành “công xưởng mới của thế giới”. Tuy nhiên, lao động rẻ không phải chìa khóa cạnh tranh lâu dài về thế mạnh sản xuất. Điều cốt lõi là một số thành viên ASEAN cần tập trung hiện đại hóa thiết bị, quy trình và xây dựng kỹ năng cho lực lượng lao động để nâng cao năng suất. Họ cần gia tăng và duy trì đầu tư để rút ngắn cách biệt lớn về cơ sở hạ tầng với các thành viên còn lại cũng như giảm chi phí vận chuyển và hậu cần.
Một hướng đi nữa cho cộng đồng kinh tế chung của ASEAN là biến tính đa dạng trở thành lợi thế. Các đối tác bên ngoài có thể sử dụng lao động rẻ, lành nghề ở quốc gia này, hưởng lợi từ ngành sản xuất trung gian ở những thành viên khác, đồng thời tiếp cận một trong những trung tâm tài chính và trung chuyển tiên tiến nhất của thế giới. Dù các thành viên đôi khi có thể phải cạnh tranh với nhau để giành thị phần nhưng đến cùng thì thế mạnh riêng của từng nước vẫn sẽ bổ sung cho nhau.
Bên cạnh đó, một vấn đề cần gấp rút khắc phục ngay là bản thân nhiều doanh nghiệp tại các nước ASEAN vẫn còn rất mù mờ về những lợi ích mà cộng đồng chung mang lại, theo khảo sát của MGI. Vì thế, chính phủ các nước cần tăng cường tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp trong nước mở rộng sang các thị trường láng giềng theo đường chính ngạch và minh bạch. Để làm được điều này, gỡ bỏ các rào cản về hành chính cũng đóng vai trò rất quyết định.
Đến nay, nhiều nước vẫn sử dụng hạn chế về đầu tư và rào cản thương mại để bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa trước áp lực cạnh tranh. Giờ đây, các thành viên ASEAN phải lựa chọn giữa chủ nghĩa bảo hộ hay tái khẳng định cam kết về một cách tiếp cận cởi mở hơn. Dù lựa chọn thứ hai chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng kẻ thắng người thua nhưng nó có thể kích thích sự tăng trưởng năng suất chung của khu vực.
Kishore Mahbubani - Fraser Thompson
Văn Khoa (chuyển ngữ) - © Project Syndicate
Theo Thanh Niên
-------------------------
NATO chính thức kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại Afghanistan
NATO đã tuyên bố chính thức kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại Afghanistan và chuyển sang sứ mệnh mới. Tổng thống Obama gọi đây là dấu mốc lịch sử, đồng thời cảnh báo Afghanistan vẫn là nơi nguy hiểm, theo AFP.
Tại thủ đô Kabul, lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) tại Afghanistan do Mỹ đứng đầu đã tiến hành buổi lễ hạ cờ ngày 28.12, đánh dấu việc quân đội nước ngoài chính thức kết thúc sứ mệnh chiến đấu tại Afghanistan.
Phát biểu tại buổi lễ, chỉ huy của ISAF tại Afghanistan, tướng John Campbell hoan nghênh những thành quả đạt được trong cuộc chiến chống Taliban tại Afghanistan, đồng thời khẳng định NATO đã giúp Afghanistan mạnh mẽ hơn và khiến các nước thành viên an toàn hơn. Tướng Campbell cũng thừa nhận con đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức.
“Ngày hôm nay đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên và bắt đầu một kỷ nguyên mới. Hôm nay, NATO đã hoàn thành sứ mệnh chiến đấu của mình, một nỗ lực kéo dài suốt 13 năm với những kết quả đáng ghi nhận và sự hy sinh to lớn nhằm mang lại một tương lai tươi sáng hơn cho mảnh đất này”, AFP dẫn lời ông Campbell.
Tổng thống Mỹ Barack Obama coi đây là một dấu mốc lịch sử và nhấn mạnh: "Trong hơn 13 năm qua, kể từ khi mạng sống của gần 3.000 nạn nhân vô tội của chúng ta bị cướp đi trong sự kiện 11.9, đất nước chúng ta đã tham gia cuộc chiến ở Afghanistan. Nay, nhờ có sự hy sinh phi thường của những người Mỹ mang quân phục, sứ mệnh chiến đấu của chúng ta tại Afghanistan đã chấm dứt và cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ cũng kết thúc một cách có trách nhiệm”, theo AFP.
Tuy vậy, Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo: "Afghanistan vẫn là một nơi nguy hiểm”, theo CNN.
Đầu năm 2015, ISAF tại Afghanistan do Mỹ đứng đầu sẽ không tham chiến trực tiếp mà sẽ thực hiện sứ mệnh mới mang tên "Kiên định hỗ trợ" nhằm hỗ trợ và đào tạo quân đội Afghanistan, theo đó, sẽ có khoảng 12.500 binh sĩ nước ngoài ở lại Afghanistan.
-------------------------
Máy bay Úc phát hiện vật thể nghi của máy bay AirAsia mất tích
Hãng tin AP (Mỹ) dẫn lời một quan chức Indonesia ngày 29.12 cho biết máy bay của Úc phát hiện những vật thể nghi là mảnh vỡ của máy bay chở 162 người của hãng AirAsia mất tích vào ngày 28.12.
Chiếc Airbus 320-200 (chuyến bay QZ8501) biến mất khỏi màn hình radar, mất liên lạc với mặt đất sau khi cất cánh từ sân bay ở thành phố Surabaya (Indonesia) để đến Singapore.
Trong cuộc họp báo sáng 29.12, ông Bambang Soelistyo, người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và cứu nạn Indonesia, thông báo: “Dựa vào tọa độ mà chúng tôi được báo và các tính toán về vị trí, máy bay của hãng AirAsia có thể rơi xuống biển, có khả năng máy bay đang nằm dưới đáy biển”, theo AFP.
Trong ngày 29.12, các quốc gia Indonesia, Úc, Singapore và Malaysia đã điều động máy bay cùng các tàu hỗ trợ việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của hãng AirAsia.
Không quân Úc đã đưa 1 máy bay tuần biển và 1 máy bay săn ngầm P-3C Orion tìm kiếm chiếc QZ8501, được cho là đã ở rơi ngoài khơi một hòn đảo của Indonesia.
Không quân Indonesia cũng cho AFP biết có 5 máy bay của nước này tham gia tìm kiếm máy bay QZ8501 mất tích trong ngày 29.12. Trong đó 2 máy bay đã cất cánh và 3 chiếc khác chuẩn bị bay. Các máy bay này sẽ tập trung tìm ở khu vực biển phía đông và bắc đảo Belitung.
--------------------------