Mỹ quan ngại về kênh đào Trung Quốc xây ở Nicaragua
Đại sứ quán Mỹ tại Nicaragua vừa lên tiếng bày tỏ quan ngại trước sự mập mờ về thông tin của dự án xây dựng kênh đào trị giá 50 tỉ USD do Trung Quốc triển khai tại Nicaragua.
Dự án đã bắt đầu từ cuối tháng 12 và tập đoàn Đầu tư Phát triển Kênh đào Nicaragua HK (HKND), chủ dự án có trụ sở đặt tại Hồng Kông, cho biết kênh đào mới sẽ được đưa vào vận hành trước năm 2020, theo Reuters. Tuy nhiên, hiện công trình xây dựng này đang gặp rất nhiều chỉ trích.
HKND thuộc sở hữu bởi nhà tài phiệt ít tiếng tăm người Trung Quốc Vương Tĩnh. Ông này từng khẳng định chính phủ Trung Quốc không dính dáng gì đến dự án. Nhưng việc ông này miễn cưỡng cung cấp thông tin về nhà tài trợ tạo ra nhiều phỏng đoán cho rằng Vương đang được Bắc Kinh hậu thuẫn ngầm.
Giới phân tích nhận định sự can thiệp của Trung Quốc vào dự án kênh đào tại Nicaragua, nếu có, sẽ tạo ra một thách thức trực tiếp nhằm vào Kênh đào Panama, vốn do Mỹ điều hành đến năm 1999.
Kênh đào tại Nicaragua sẽ tạo một chỗ đứng quan trọng cho Trung Quốc tại Trung Mỹ, khu vực mà Mỹ đã tạo được ảnh hưởng lớn từ rất lâu, Reuters bình luận.
Đại sứ Mỹ tại Nicaragua đã từ chối bình luận khi công trình xây dựng kênh đào được khởi công hồi tháng 12, nhưng trong thông báo công bố hôm 6.1, cơ quan ngoại giao này nhận xét các tài liệu liên quan đến dự án cần phải được công khai.
“Đại sứ quán lo lắng trước sự thiếu thông tin và minh bạch về các khía cạnh quan trọng trong dự án này”, theo thông cáo từ đại sứ quán Mỹ và đề nghị nên công khai các nghiên cứu về môi trường, danh tính các nhà đầu tư và những thông tin khác liên quan đến dự án.
Reuters cho biết, chỉ vài ngày sau lễ động thổ, đã có ít nhất 21 người bị thương trong các vụ xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình phản đối công trình xây dựng kênh đào của Trung Quốc tại Nicaragua.
-------------------------
Tình thế khó khăn của ông Obama
Đảng Cộng hòa chính thức nắm quyền kiểm soát lưỡng viện quốc hội Mỹ ngày 7.1, mở màn một cuộc chiến chính trị mới, dự báo sẽ gây nhiều khó khăn cho chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Theo Reuters, Chủ tịch Hạ viện John Boehner thuộc đảng Cộng hòa dễ dàng đắc cử nhiệm kỳ 3 trong khi tại Thượng viện, các nghị sĩ mới tuyên thệ nhậm chức, đưa phe này chiếm 54 ghế so với 44 ghế của đảng Dân chủ.
Trong 4 năm qua, quốc hội Mỹ duy trì trong thế đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện còn Thượng viện thuộc về đảng Dân chủ và đã khiến tình hình chính trị nước này luôn trong trạng thái giằng co, có lúc gần như bế tắc. Giờ đây, giới quan sát cho rằng tranh cãi sẽ còn dữ dội hơn khi phe Cộng hòa dọa sẽ đảo ngược các quyết định của Tổng thống Obama trong nhiều chính sách quan trọng như bảo hiểm y tế, di trú, môi trường…
Đặc biệt về ngoại giao và an ninh, phe Cộng hòa tuyên bố sẽ “xem xét lại” việc khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba hay đàm phán về chương trình hạt nhân Iran.
-------------------------
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un nói về thống nhất
Trong thông điệp đầu năm mới, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un đã đưa ra nhiều thông điệp được xem là mới.
Thông điệp năm mới 2015 của ông Kim Jong Un được Thông tấn xã Triều Tiên KCNA giới thiệu là của “Bí thư thứ nhất đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Un, chủ tịch thứ nhất ủy ban quốc phòng nước CHDCND Triều Tiên, và tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Triều Tiên”.
Bốn lần nhắc đến “trung thành”
Từ các cương vị đó mà bốn lần ông Un đã sử dụng chữ “trung thành”: 1/ “phản ánh lòng trung thành vô bờ bến của quân và dân...”; 2/ “quân và dân đã thể hiện trọn vẹn lòng trung thành đầy đam mê của mình...”; 3/ “lòng trung thành yêu nước rực cháy và phấn đấu quên mình của toàn thể quân và dân tăng vững chắc đứng sau đảng”; 4/ “nâng cao ngọn lửa yêu nước khốc liệt của lòng trung thành...”.
Bốn lần dùng chữ “trung thành” đó đủ để giải thích phát biểu sau của ông Un: “Năm ngoái, tổng thể hài hòa của đảng và quần chúng nhân dân đã được củng cố đồng thời và sự thuần khiết và sức mạnh của hàng ngũ cách mạng đã được tăng cường”.
Điều gì đã xảy ra năm ngoái để nay ông hiệu triệu quân và dân “trung thành”, hàng ngũ “tăng thuần khiết”? Phải chăng đã có những gì đó không “thuần khiết”, ít “trung thành”, như câu chuyện liên quan số phận người dượng rể của ông Un?
Phát biểu tiếp của ông Un cho phép ngờ rằng đã có điều gì đó có vẻ như “không thuần nhất” trong nội bộ, buộc ông phải yêu cầu “thuần nhất”: “Chúng ta phải liên tục tăng cường công tác xây dựng hệ thống lãnh đạo của đảng như đá tảng đơn khối, để toàn đảng cùng chia sẻ ý thức hệ với Ủy ban Trung ương Đảng, thở cùng một làn hơi và bước cùng một nhịp với Trung ương Đảng.
Tất cả các tổ chức đảng phải duy trì thực hiện đường lối, chính sách của đảng như là tuyến chính của công tác đảng, và thực thi từng đường lối cho đến khi hoàn thành một cách vô điều kiện”.
Mong muốn thống nhất
Đến đây, ông Un cho thấy ông muốn cùng nhịp với thời đại: “Trong mấy mươi năm qua, thế giới đã tiến bộ bao la và đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ, nhưng đất nước chúng ta đã chưa thống nhất, vẫn còn đớn đau vì sự phân chia... Chúng ta không thể chịu đựng lâu hơn nữa và dung thứ thảm kịch phân chia quốc gia này tiếp tục từ thế kỷ này sang thế kỷ khác”.
Thống nhất hai miền, song theo kiểu nào khi hai miền cực kỳ khác nhau như thế? Đó là câu hỏi nan giải.
Năm nay ông Un đưa ra câu trả lời: “Miền Bắc và miền Nam nên ngưng đọ các hệ thống với nhau bằng cách tuyệt đối hóa vấn đề ý thức hệ và hệ thống riêng của mỗi bên... Nếu cứ ráng ép buộc ý thức hệ và hệ thống của mình với nhau thì sẽ không bao giờ giải quyết vấn đề thống nhất đất nước một cách hòa bình, mà chỉ mang lại đối đầu và chiến tranh. Cho dù hệ thống xã hội chủ nghĩa lấy dân làm trung tâm theo phong cách riêng của chúng ta là ưu thế nhất, song chúng ta không ép buộc điều đó lên phía Nam Hàn và chưa bao giờ làm như vậy”.
Ông Un kết luận về vấn đề này như sau: “Miền Bắc và miền Nam, như đã thỏa thuận, nên giải quyết vấn đề thống nhất đất nước, vì lợi ích chung của quốc gia dân tộc mà vượt qua những khác biệt ý thức hệ và hệ thống... Và không có lý do gì mà chúng ta không họp thượng đỉnh, nếu như tạo ra được bầu không khí và bối cảnh cho điều đó”.
Tương lai sẽ như thế nào, hạ hồi phân giải, ít nhất cũng “bắt đầu là lời nói”. Thông điệp 2015 này cụ thể hơn thông điệp năm ngoái vốn chỉ giao nhiệm vụ vừa làm quốc phòng vừa làm kinh tế.
-------------------------
Chu Vĩnh Khang sắp bị xét xử
Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc cho biết cơ quan này đã hoàn thành giai đoạn điều tra và chuyển hồ sơ sang cơ quan tư pháp để xử lý theo quy định của pháp luật đối với ông Chu Vĩnh Khang, theo Tân Hoa xã.
Sau quá trình điều tra, ngày 7.1, ông Hoàng Thụ Hiền, Phó bí thư Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc cho biết trường hợp của nguyên uỷ viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang hoàn thành giai đoạn điều tra và chuyển hồ sơ sang cơ quan tư pháp để xử lý theo quy định của pháp luật. Một số quan chức cấp cao khác như các ông Tưởng Khiết Mẫn, Lý Đông Sinh, Lý Sùng Hỷ, Thân Duy Thìn cũng đã bị chuyển hồ sơ sang cơ quan tư pháp.
Ông Hoàng cũng cho biết trường hợp của nguyên phó chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Tô Vinh và nguyên phó chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Lệnh Kế Hoạch vẫn đang trong giai đoạn điều tra.
Theo ông Hoàng, tại tỉnh Sơn Tây, nơ sản xuất than lớn của Trung Quốc, một số tổ chức đảng đang phải chịu trách nhiệm đối với nạn tham nhũng tràn lan. Ông cũng cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục điều tra gian lận trong bầu cử ở khu vực Hành Dương, thuộc tỉnh Hồ Nam.
Tân Hoa xã dẫn thống kê của Uỷ ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc cho biết trong năm 2014, các cơ quan chức năng nước này đã tiến hành điều tra hơn 53.000 vụ việc, xử lý 71.748 quan chức nước này vi phạm quy định chống tham nhũng gồm 8 điểm.
Chiến dịch chống tham nhũng được phát động và đẩy mạnh từ năm 2012, khi ông Tập Cận Bình lên lãnh đạo đất nước. Chiến dịch này của Chủ tịch Tập đã khiến nhiều nhân vật chủ chốt trong đảng và chính quyền nước này bị điều tra, xử lý, điều này càng cho thấy quyết tâm trong sạch hóa đội ngũ lãnh đạo mà ông Tập cam kết.
-------------------------
Nga chế tạo robot sát thủ bảo vệ căn cứ tên lửa
Các quan chức quốc phòng Nga thông báo nước này sắp thử nghiệm một loại robot sát thủ ở vùng Astrakhan để bảo vệ các bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến lược.
Hãng Interfax dẫn lời Thiếu tá Dmitry Andreyev, đại diện Lực lượng tên lửa chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng Nga, cho biết Nga sẽ thử nghiệm robot quân sự tại một tiền đồn quân sự ven biển Caspian, thuộc vùng Astrakan, cách thủ đô Mátxcơva 1.500 km về phía Nam.
Thiếu tá Andreyev không nêu cụ thể thời điểm diễn ra cuộc thử nghiệm, nhưng khẳng định rằng tiến trình chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm đang bước vào giai đoạn cuối cùng.
Thiếu tá Andreyev từng mô tả các robot là một "hệ thống khai hỏa được điều khiển từ xa". Chúng nặng 900 kg và được trang bị một súng máy nòng 12,7 mm. Khi kích hoạt chế độ tự động, người điều khiển có thể chọn tới 10 mục tiêu để robot tiêu diệt.
Được biết, trong lần đầu thử nghiệm,các robot này đạt tốc độ 45 km/h, có thể hoạt động lên tới 10 giờ mỗi lần và có thể chuyển sang chế độ tạm nghỉ trong vòng một tuần.
Truyền thông Nga gọi chúng là những “robot sát thủ”, có khả năng bảo vệ ít nhất 5 bệ phóng tên lửa đạn đạo. Robot này có thể trinh sát, phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu tĩnh và động, tuần tra và bảo vệ các mục tiêu quan trọng, đồng thời có thể chi viện hỏa lực cho các đơn vị.
Được biết, cuộc thử nghiệm trên là một phần trong kế hoạch triển khai robot để bảo vệ các bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Bộ Quốc phòng Nga trước năm 2020.
Triển khai các robot quân sự cho tất cả các lực lượng vốn là một ưu tiên hàng đầu để phát triển nền quốc phòng Nga, giúp bảo vệ các vùng biên giới, đồng thời có thể hoạt động tại các địa điểm không thích hợp cho con người như Bắc cực.
Một quan chức quốc phòng Nga nhận định việc sử dụng robot chiến đấu là rất cần thiết, bởi mục tiêu của Mátxcơva là tiến hành các cuộc chiến không có bất cứ cuộc tiếp xúc nào để các binh sĩ không bị thiệt mạng.
----------------------------