Trong Thông điệp Liên bang được trình bày trước lưỡng viện Quốc hội lúc 21h ngày 20/1 (giờ Washington, tức 9h ngày 21/1 giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh, trong 15 năm đầu tiên của thế kỷ mới, nước Mỹ đã trải qua nhiều thăng trầm và kể từ hôm nay, nước Mỹ sẽ đánh dấu một bước chuyển mới.
Tổng thống Obama kêu gọi Mỹ bước sang chương mới trong lịch sử với nền kinh tế công bằng hơn và phúc lợi nhiều hơn cho tầng lớp trung lưu: “Chúng ta đi qua 15 năm trong thế kỷ mới này. 15 năm mở màn với khủng bố xâm nhập vào đất nước chúng ta; với một thế hệ tham gia những cuộc chiến lâu dài và tốn kém; chứng kiến suy thoái kinh tế rộng khắp đất nước chúng ta và thế giới. Nhưng tối nay, chúng ta bước sang giai đoạn mới”.
Đau đầu vì bài toán nền kinh tế kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ cách đây 6 năm, Tổng thống Obama xuất hiện trước Quốc hội và hàng triệu người dân Mỹ xem truyền hình trực tiếp, tuyên bố các chính sách của ông đã giúp phục hồi nền kinh tế và cắt giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống còn 5,6%. Trọng tâm kế hoạch bảo vệ tầng lớp trung lưu của ông Obama là tăng thuế đối với những người giàu nhất Mỹ từ mức 23,8% hiện hành lên 28% trong vòng 10 năm tới, để tăng phúc lợi giáo dục cho tầng lớp trung lưu, bao gồm 2 năm học đại học công miễn phí. Tuy nhiên, đề xuất tăng thuế người giàu Mỹ đang đối mặt với sự phản đối của đảng Cộng hòa hiện đang nắm đa số ghế ở Quốc hội Mỹ.
Ông Obama tuyên bố phản đối bất kỳ nỗ lực nào của đảng Cộng hòa trong việc ngăn cản chính quyền của ông thông qua Luật Y tế và nới lỏng chính sách nhập cư gây tranh cãi. Tổng thống Obama còn đề nghị Quốc hội Mỹ trao cho ông quyền xúc tiến thương mại để đàm phán các thỏa thuận tự do thương mại từ châu Á cho đến châu Âu. Cảnh báo Trung Quốc “muốn tự làm luật trong khu vực châu Á có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới”, ông Obama nói Quốc hội Mỹ nên giao quyền cho ông để bảo vệ người lao động Mỹ, để “mang nhà máy của công ty Mỹ ở Trung Quốc quay trở về nước”, tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ.
Cũng trong Thông điệp Liên bang, ông chủ Nhà Trắng thừa nhận Mỹ đã phải trả giá đắt trong 13 năm qua khi can thiệp vào nhiều điểm nóng trên thế giới. Tổng thống Obama khẳng định, vấn đề không phải là nước Mỹ có lãnh đạo hay không mà là lãnh đạo như thế nào. Ông cho rằng, nếu Mỹ đưa ra những quyết định vội vàng, phản ứng một cách thiếu tỉnh táo trước các sự kiện nóng bằng cách gửi ngay quân đội đến để xử lý thì nước Mỹ sẽ có nguy cơ sa vào những xung đột không cần thiết. Và khi đó, ông Obama phân tích, nước Mỹ sẽ bỏ qua chiến lược rộng lớn hơn giúp kiến tạo một thế giới an toàn hơn và thịnh vượng hơn.
Ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh sự “nóng vội” như vậy chính là điều mà kẻ thù của nước Mỹ hằng mong muốn. Tổng thống Obama đưa ra khái niệm một phong cách lãnh đạo Mỹ “thông minh hơn”, trong đó sức mạnh quân sự sẽ được kết hợp với vai trò ngoại giao lớn hơn, bao gồm việc tăng cường xây dựng các liên minh.
Vụ khủng bố mới đây tại Pháp đã làm cho vấn đề chống khủng bố trở thành một đề tài được nhấn mạnh trong Thông điệp Liên bang 2015. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ tiếp tục truy diệt các phần tử cực đoan, khủng bố để bảo dảm an toàn cho nước Mỹ và các đồng minh. Ông Obama cũng đưa ra cách thức chiến tranh mới chống khủng bố và thúc giục Quốc hội thông qua thẩm quyền về tiến hành cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tổng thống Mỹ lấy ví dụ các cuộc không kích do Mỹ thực hiện ở Iraq và Syria đang làm suy yếu lực lượng phiến quân IS và kêu gọi các nghị sĩ Mỹ thông qua nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực chống lại tổ chức này.
Về chính sách đối ngoại, Tổng thống Obama bảo vệ quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba. Ông nêu rõ: “Sự thay đổi trong chính sách với Cuba có thể chấm dứt di sản của sự hoài nghi ở bán cầu này; giữ vững các giá trị dân chủ; và mở rộng bàn tay hữu nghị với người dân Cuba”.
Thông điệp Liên bang năm 2015 được đọc trong bối cảnh Quốc hội mới do phe Cộng hòa nắm quyền lãnh đạo, kể từ khi nhóm họp đầu tháng 1 tới nay, đã có một loạt bước đi theo hướng ngăn chặn các chủ trương chính sách của Tổng thống Obama, trong đó có dự luật xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu Keystone XL từ Canada xuyên qua lãnh thổ nước Mỹ tới tận các bang phía Nam mà Nhà Trắng nhiều lần đe dọa sẽ dùng quyền phủ quyết.
Với dư luận, theo thăm dò của HuffPost/YouGove công bố ngày 20/1, nếu năm 2014 có 45% nói rằng họ có kế hoạch sắp xếp thời gian để nghe Thông điệp Liên bang, thì năm 2015 số người có ý định này chỉ là 39%. Một lý do khiến người dân Mỹ ít quan tâm tới Thông điệp liên bang năm 2015 là do họ có cảm nhận rằng tình hình chính trị nước Mỹ sẽ không có gì cải thiện sau Thông điệp Liên bang, nhất là trong bối cảnh đảng Cộng hòa nắm quyền chi phối tại Quốc hội, khiến cho các đề xuất chính sách trong bản thông điệp khó có thể trở thành hiện thực.
-------------------------
1.700 phi cơ riêng đưa khách “VIP” đến Diễn đàn kinh tế Davos
Tổng cộng gần 1.700 máy bay tư nhân sẽ đưa các tỷ phú và các lãnh đạo thế giới tới Davos, Thụy Sĩ trong tuần này để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới, khiến giao thông hàng không tại Thụy Sĩ trở nên dày đặc và có thể gây ra một “cơn ác mộng” hậu cần.
Khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu chính phủ cũng như 2.500 lãnh đạo doanh nghiệp phủ tề tựu tại Davos, Thụy Sĩ để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) từ 21-24/1. Các đại biểu thảo luận nhiều chủ đề lớn như giá dầu, chống khủng bố, sự mất cân bằng phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu...
Hội nghị WEF năm nay diễn ra trong bối cảnh an ninh được thắt chặt trên khắp châu Âu, sau loạt vụ tấn công khủng bố làm rúng động thủ đô Paris của nước Pháp hồi đầu tháng.
Khoảng 1.700 phi cơ tư nhân dự kiến tới Thụy Sĩ trong tuần này để đưa các vị khách quan trọng tới diễn đàn, tăng gấp đôi so với bình thường và tăng 5% so với năm 2014. Con số 1.700 có thể khiến nhiều người "nhíu mày" vì sự ấm lên toàn cầu nằm trong chương trình nghị sự của WEF, khi một máy bay riêng trong 1 giờ có thể tiêu tốn lượng nhiên liệu bằng một ô tô tiêu thụ cả năm.
Việc quá nhiều chuyên cơ đổ về Davos có thể gây khó khăn cho vấn đề hậu cần.
Các công ty cho thuê máy bay riêng đã cảnh báo khách hàng phải lên kế hoạch từ trước, vì chuyện tìm các địa điểm an toàn cho việc hạ cánh, cất cánh và đậu đỗ có thể trở thành một “cơn ác mộng” hậu cần.
“Do năm ngoái quá đông máy bay nên các khách hàng biết họ phải đặt từ trước”, Adam Twidell, giám đốc điều hành công ty cung cấp dịch vụ bay tư nhân PrivateFly, cho hay.
Lần đầu tiên, không quân Thụy Sĩ đã phải mở cửa một trong số các căn cứ không quân để cố gắng đáp ứng số lượng máy bay gia tăng đột biến. Đối với các công ty cho thuê máy bay như PrivateFly, NetJets và VistaJet, đây là thời điểm bận rộn nhất trong năm.
Theo người sáng lập công ty VistaJet Thomas Flohr, các khách hàng đi trên các chuyến bay đường dài của hãng để tới Davos sẽ được một số ưu đãi, như đi trực thăng miễn phí. VistaJet tính phí từ 10.000-15.000 USD mỗi giờ cho mỗi giờ thuê máy bay của công ty này.
Nhu cầu về trực thăng cũng tăng mạnh, trong bối cảnh tàu và ô tô trở thành phương án ít được lựa chọn hơn. Trong khuôn khổ WEF năm ngoái, sân bay Zurich đã đón gần 200 chuyến bay bằng trực thăng, chuyên chở 500 trong tổng số khoảng 2.500 khách tham dự diễn đàn.
Một bức ảnh từ trang Flightradar24, một trang web chuyên theo dõi giao thông hàng không thời gian thực, cho thấy nhiều máy bay riêng đã đổ về khắp Thụy Sĩ trong ngày 21/1.
Sân bay quốc tế Zurich đón hầu hết các máy bay riêng phục vụ Davos, nhưng các sân bay khác như St. Gallen-Altenrhein và Engadin cũng đón tiếp các chuyên cơ.
Ngoài ra, một khu vực hạ cánh mới đã được mở tại căn cứ không quân Duebendorf gần Zurich, nơi có thể đủ chỗ cho 40 chuyên cơ. Các vị khách mất một giờ để bay bằng trực thăng từ đó tới Davos.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là một trong những diễn đàn uy tín nhất, nơi các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các lãnh đạo doanh nghiệp thảo luận các vấn đề lớn liên quan tới kinh tế và sự phát triển quy mô toàn cầu, ảnh hưởng tới các quốc gia và quan hệ quốc tế.
----------------------------
21 quốc gia trong liên minh chống IS nhóm họp ở Anh
Đại diện của 21 nước trong liên minh chống IS ngày 22/1 đã tập trung lại thủ đô London của Anh để thảo luận các nỗ lực nhằm tiêu diệt tổ chức phiến quân thánh chiến này. Trong khi đó, Nhật đang chạy đua với thời gian để tìm cách cứu 2 con tin bị IS bắt giữ.
Hãng thông tấn BBC cho hay, các quan chức cấp cao đến từ 21 nước trong liên minh chống tổ chức phiến quân IS, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Canada, Bỉ, Ý, Ai Cập, Iraq, Ả-rập Xê-út… hôm nay 22/1 tham gia họp bàn tại thủ đô London về việc đẩy mạnh cuộc chiến chống IS.
Ông Haider al-Abadi, Thủ tướng Iraq, đất nước đang chiến đấu quyết liệt với phiến quân IS, đích thân đến tham dự cuộc họp do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Anh Philip Hammond đồng chủ tọa.
Cuộc họp của 21 nước sẽ tìm cách đẩy mạnh và tăng cường một chiến dịch chống khủng bố IS lâu dài, trước mắt sẽ tập trung vào các biện pháp nhằm cắt đứt con đường tuyển mộ lực lượng và nguồn tài chính của tổ chức phiến quân IS.
Đồng thời, các vị lãnh đạo của các nước trong liên minh chống IS cũng bàn luận về vấn đề cung cấp viện trợ nhân đạo và đẩy mạnh hỗ trợ quân sự cho các lực lượng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường chống phiến quân IS.
Trước khi đến dự phiên họp tại London, Anh quốc, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố: “Quyết tâm chống IS của các nước trong liên minh đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.
Ông Kerry khẳng định: “Khủng bố muốn chia rẽ chúng ta, nhưng trên thực tế, hành động của chúng lại đem đến kết quả ngược lại. Chúng khiến chúng ta sát cánh bên nhau hơn”.
Những vụ tấn công khủng bố gần đây ở thủ đô Paris của nước Pháp đã tạo ra các áp lực chính trị khiến các quốc gia nỗ lực trong liên minh chống IS quyết tâm đạt được những kết quả quan trọng trong cuộc thảo luận này.
Cả thế giới đang quan ngại về sự gia tăng mạnh mẽ của tổ chức phiến quân IS, đặc biệt trong bối cảnh tổ chức này ngày 20/1 đã tung một đoạn video dọa giết 2 con tin người Nhật nếu chính phủ Nhật Bản không trả cho chúng 200 triệu USD. Phiến quân IS đã khẳng định rằng số tiền này là để bù đắp cho khoản viện trợ 200 triệu USD mà Thủ tướng Nhật trước đó đã cam kết dành cho các nước Trung Đông trong chiến dịch chống IS.
-------------------------
Ấn Độ sẽ lập "khu vực cấm bay"
Cơ quan an ninh Ấn Độ đã ra lệnh sẽ thiết lập “khu vực cấm bay” bán kính 400 km kể từ địa điểm diễn ra lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa tại phố Rajpath - trung tâm New Delhi (ảnh).
Theo lệnh này, không có máy bay nào được hoạt động từ sân bay tại các thành phố Delhi, Jaipur, Agra, Lucknow và Amritsar.
Theo thông lệ trước đây, chỉ có sân bay quốc tế Indira Gandhi máy bay không được hoạt động trong thời gian diễn ra lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa. Độ cao của máy bay dân dụng trong ngày hôm đó (26/1) cũng được tăng từ mức 32.000 feet lên 35.000 feet.
Theo tin đêm 22/1 của hãng Zee News, các quan chức an ninh Mỹ có thể cũng tham gia làm nhiệm vụ tại tất cả các trạm rađa và phòng điều khiển được thành lập cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ. Lần đầu tiên, máy bay có hệ thống kiểm soát và cảnh báo từ xa (AWACS) có thể được triển khai tại Ấn Độ để làm nhiệm vụ cảnh giới trên không khi diễn ra lễ diễu binh và diễu hành kỷ niệm Ngày Cộng hòa, mà Tổng thống Mỹ Barack Obama là khách chính.
Ấn Độ thiết lập 'vùng cấm bay' trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama (ảnh) tới nước này. Ảnh: AFP.
Máy bay AWACS sẽ giám sát không phận khu vực trên và xung quan phố Rajpath, nơi ông Obama sẽ cùng Tổng thống nước chủ nhà Pranab Mukherjee, Thủ tướng Narendra Modi và nhiều nhân vật cấp cao khác theo dõi các đoàn diễu binh, diễu hành.
Cảnh sát đã lắp đặt 15.000 camera an ninh CCTV tại Delhi, trong đó đường phố Rajpath dài 3 km - địa điểm chính của lễ diễu binh, diễu hành - được lắp đặt 160 CCTV, với mỗi camera cách nhau 18 mét. Hầu hết các tòa nhà cao tầng trong bán kính 2 km kể từ phố Rajpath đều được triển khai các tay súng bắn tỉa thiện xạ.
An ninh đã được tăng cường tối đa tại khách sạn ITC Maurya, nơi ông Obama dự kiến sẽ lưu trú. Dự kiến 45.000 cảnh sát Delhi và các lược bán vũ trang sẽ làm nhiệm vụ trên đường phố thủ đô New Delhi vào ngày 26/1 để bảo đảm an ninh cho lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa.
----------------------
Mỹ đã không kích diệt 6.000 phần tử IS
Giới chức quốc phòng Mỹ ngày 22/1 cho biết Washington tin rằng nước này đã tiêu diệt được khoảng 6.000 phần tử thánh chiến trong các cuộc không kích chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS).
Việc ước lượng bao nhiêu tay súng IS bị tiêu diệt trong các cuộc không kích lần đầu tiên được Đại sứ Mỹ tại Iraq Stuart Jones đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al-Arabia phát sóng ngày 22/1.
Các quan chức quốc phòng Mỹ đã miễn cưỡng xác nhận con số nêu trên, song nhấn mạnh quân đội không đặt ra mục tiêu ưu tiên đối với cách tính đếm này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã cảnh báo việc "đếm xác" như một biện pháp đo lường sự tiến triển trong cuộc chiến này.
Hiện chưa có nguồn kiểm chứng độc lập về con số trên và chưa rõ có bao nhiêu dân thường có thể đã không may thiệt mạng trong các cuộc không kích.
-------------------------