Bất chấp gói nới lỏng định lượng (QE) mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa công bố, giá dầu thô thế giới đã giảm xuống mức gần thấp nhất trong 6 năm trong phiên hôm qua (22/1).
Tờ Wall Street Journal cho biết, giá dầu giảm phiên này chủ yếu do dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh. Theo số liệu do Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm qua, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 16/1 đã tăng thêm 10,1 triệu thùng, lên mức 397,9 triệu thùng.
Đây là mức dự trữ dầu cao nhất của Mỹ trong tháng Giêng kể từ khi thống kê này bắt đầu được theo dõi hàng tháng kể từ năm 1931, theo EIA. Mức tăng trên cũng vượt xa mức dự báo tăng 2,7 triệu thùng mà các chuyên gia được Wall Street Journal khảo sát ý kiến đưa ra trước khi số liệu thống kê chính thức được công bố.
Vào lúc chốt phiên giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 3 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) giảm 1,47 USD/thùng, tương đương giảm 3,1%, còn 46,31 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent giảm 0,51 USD/thùng, tương đương giảm 1%, chốt ở 48,52 USD/thùng.
Cả hai loại dầu này hiện đều đang có mức giá gần mức chốt phiên thấp nhất trong 6 năm thiết lập hồi tuần trước.
Giá dầu đã giảm hơn một nửa trong thời gian từ giữa năm ngoái tới nay do nguồn cung vượt quá nhu cầu tiêu thụ toàn cầu trong khi các nhà sản xuất dầu nhất quyết không cắt giảm sản lượng.
Các nhà chuyên môn nhận định, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh trong tuần qua xuất phát từ việc các nhà máy lọc dầu giảm công suất hoạt động. Trong tuần, các nhà máy lọc dầu ở nước này chỉ hoạt động với 85,5% công suất, giảm từ mức 91% trong tuần trước đó, đồng nghĩa với việc các nhà máy này mua ít dầu thô hơn để chế biến thành xăng và các sản phẩm khác.
Tình trạng giảm công suất hoạt động này một phần do các nhà máy tiến hành bảo trì định kỳ mùa xuân. Trong những tháng tới, sẽ có thêm nhiều nhà máy lọc dầu nữa ở Mỹ thực hiện việc bảo trì theo định kỳ.
AAA - công ty chuyên theo dõi giá xăng dầu bán lẻ tại Mỹ - cho biết, giá bán lẻ xăng trung bình toàn quốc tại nước này hôm qua ở mức 2,04 USD/gallon, tương đương khoảng 11.500 đồng/lít. AAA dự báo, giá xăng bán lẻ trung bình tại Mỹ sẽ giảm xuống dưới 2 USD/gallon vào cuối tháng này.
Giá xăng giao sau tại Mỹ chốt phiên hôm qua với mức tăng 0,53 cent, tương đương tăng 0,4%, lên 1,3308 USD/gallon, tương đương khoảng 7.500 đồng/lít. Giá dầu diesel giao sau giảm 0,85 cent, tương đương giảm 0,5%, còn 1,6379 USD/gallon, tương đương khoảng 9.200 đồng/lít.
Giá dầu giảm phiên hôm qua dù ECB công bố một chương trình nới lỏng định lượng (QE) với quy mô 60 tỷ Euro (khoảng 69 tỷ USD) mỗi tháng để chống giảm phát và phục hồi tăng trưởng. Tổng trị giá của chương trình này ít nhất sẽ lên tới 1,1 nghìn tỷ Euro, tương đương 1,3 nghìn tỷ USD.
Đồng USD tăng giá so với Euro sau cuộc họp của ECB cũng là một nguyên nhân đẩy giá dầu đi xuống. Tuy vậy, theo một số chuyên gia, gói QE của ECB có thể sẽ giúp châu Âu vực dậy tăng trưởng, từ đó cải thiện nhu cầu tiêu thụ dầu. Tăng trưởng kinh tế trì trệ của châu Âu là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu giảm gần một nửa trong năm ngoái.
Phát biểu trong một chương trình phỏng vấn trên kênh CNBC, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim nói rằng, lịch sử đã cho thấy, nếu giá dầu giảm 30% như mức dự báo dành cho năm 2015, thì quy mô của nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng thêm khoảng 0,5%.
--------------------------
Dân “mất Tết”, lỗ nặng vì cá bớp bất ngờ chết hàng loạt
Đang chuẩn bị thu hoạch để xuất bán ra thị trường Tết nguyên đán nhưng cá bớp bất ngờ chết hàng loạt khiến người dân huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) "méo mặt", thua lỗ nghiêm trọng.
Gặp chúng tôi, ông Cao Vũ (71 tuổi, trú tổ 5, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh), một người nuôi cá bớp lồng bè lâu năm tại địa phương, than thở: “Vụ cá bớp năm nay bà con thiệt hại nhiều lắm, nhà nào cũng có cá chết, ít nhất từ vài chục con đến vài trăm con. Tết này mất vui rồi, bà con ai cũng méo mặt, tội nhất là một số hộ mới thả năm nay mà cá chết”.
Ông Nguyễn Văn Cường (41 tuổi, trú xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh), cho biết, ông thả 1.000 con cá bớp cách đây 2 tháng. Tuy nhiên, cách đây khoảng 10 ngày cá bớp bất ngờ chết khoảng 500 con.
Cá chết còn nhỏ, cân nặng khoảng 0,5kg nên ông Cường vớt đem bỏ, chứ không bán như các hộ dân khác. Ông cho biết thiệt hại khoảng 30 triệu đồng, gồm tiền ăn và tiền giống. Theo ông Cường, thời tiết gió heo may lạnh trong thời gian qua có thể là nguyên nhân làm cá bớp chết hàng loạt.
Ông Trần Quang Niễng (49 tuổi, trú tổ 4, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh), cho biết, cá bớp chết giá bán rất thấp, chỉ đạt từ 50.000-70.000 đồng/kg, thay vì 120.000-150.000 đồng/kg nên người dân lỗ nặng.
Trong khi đó, chị Phạm Ngọc Mỹ Phượng (28 tuổi, cũng trú tổ 4, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh), cho biết, gia đình chị thả 1.500 con cá bớp cách đây 5 tháng, chuẩn bị thu bán Tết thì cá bất ngờ chết.
Chị Phượng cho biết, chưa kể tiền giống, đến nay đã chi ra 100 triệu tiền thức ăn để nuôi cá bớp, nhưng hiện đàn cá đã chết 2/3. “Cá chết phần lớn từ 1-2kg và mỗi ngày có khoảng 50-60 con cá bớp bị chết. Chồng tôi mỗi ngày 3 lần ra bè vớt vào mang đi bán để vớt vát chút vốn”, chị Phượng, buồn thiu.
Theo người dân nuôi cá bớp ở huyện Vạn Ninh, trước khi chết, cá bớp thường có dấu hiệu đỏ mang, đỏ đầu rồi bỏ ăn và lăn ra chết. Một số hộ dân sau khi thấy cá chết đã mua thuốc kháng sinh pha với thức ăn cho cá nhưng vẫn không có hiệu quả, cá bớp vẫn chết không kiểm soát.
Ông Mai Ngọc Tấn, Trưởng Trạm Nuôi trồng thủy sản huyện Vạn Ninh, cho biết, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 300 lồng nuôi cá bớp. Sau khi nhận được thông tin tình hình cá bớp chết, trạm đã trực tiếp xuống vùng nuôi trồng kiểm tra và lấy mẫu phân tích.
Theo ông Tấn, bước đầu xác định nguyên nhân cá chết là do ảnh hưởng thời tiết lạnh, cá bị sốc nhiệt bỏ ăn rồi chết. Hiện nay không chỉ vùng nuôi cá bớp ở thị trấn Vạn Giã có cá bị chết, mà các vùng nuôi khác cá bớp cũng chết tương tự như khu vực Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh.
-----------------------
Vinataba muốn rút khỏi Liên doanh Sapporo Việt Nam
Vinataba cho biết, đã hoàn tất thoái vốn tại Công ty cổ phần Bảo Minh và đang trình phê duyệt phương án thoái vốn tại Liên doanh Sapporo Việt Nam.
Ngày 22/1/2015, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Sơn Châu, Tổng giám đốc Vinataba cho biết, năm 2014, Tổng công ty hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nhiều thách thức, môi trường pháp lý trong nước và quốc tế có nhiều chuyển biến, tạo ra những áp lực nhất định cho ngành.
Mặc dù vậy, sản lượng tiêu thụ của Tổng công ty trong năm 2014 vẫn đạt 3,1 tỷ bao. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt 1,2 tỷ bao; sản lượng nội tiêu đạt 1,9 tỷ bao. Các đơn vị thuốc lá điếu đều sụt giảm thị trường tiêu thụ nội địa, trong đó các đơn vị miền Tây giảm mạnh do thị trường tiêu thụ chính bị ảnh hưởng rất lớn bởi thuốc lá nhập lậu. Thị phần của Tổng công ty chiếm khoảng 54%.
Lĩnh vực công nghệ thực phẩm, tổng sản lượng tiêu thụ duy trì được sự tăng trưởng, đạt 36,5 nghìn tấn bánh kẹo các loại (tăng 2% so với cùng kỳ năm trước và vượt 4% so với kế hoạch). Xuất khẩu đạt 4.004 tấn, tăng 33%. Cả 3 đơn vị thực phẩm - bánh kẹo của Tổ hợp đều đảm bảo sự tăng trưởng sản lượng tiêu thụ.
Về công tác xuất khẩu, tổng kim ngạch đạt trên 175 triệu USD (xuất siêu 1,8 triệu USD), tăng 8% so cùng kỳ năm trước và vượt 17% so với kế hoạch.
Tổng doanh thu năm 2014 đạt 29.258 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch. Nộp ngân sách 7.490 tỷ đồng, hoàn thành 101% kế hoạch. Thu nhập người lao động trong năm đạt bình quân 8,3 triệu đồng/người/tháng.
Về thực hiện đề án tái cơ cấu, đối với tái cơ cấu các công ty sản xuất kinh doanh thuốc lá điếu, Tổng công ty đã triển khai xây dựng Đề án tái cơ cấu 3 đơn vị sản xuất kinh doanh thuốc điếu (Công ty Thuốc lá Sài Gòn, Công ty Thuốc lá Đồng Tháp, Công ty Thuốc lá An Giang) hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con (trong đó Công ty Thuốc lá Sài Gòn là công ty mẹ). Kết quả bước đầu khả quan.
Trong phương án tái cơ cấu chi tiết các công ty sản xuất kinh doanh nguyên liệu thuốc lá đã chuyển Chi nhánh Viện Kinh tế Kỹ thuật Thuốc lá tại TP. Hồ Chí Minh về Công ty Cổ phần Hòa Việt quản lý. Thực hiện thoái vốn trong các lĩnh vực không phải là ngành nghề kinh doanh chính. Tổng công ty đã hoàn tất thoái vốn tại Công ty Cổ phần Bảo Minh và đang trình phê duyệt phương án thoái vốn tại Liên doanh Sapporo Việt Nam.
Năm 2015, Vinataba đặt mục tiêu tổng doanh thu 29.500 tỷ đồng; nộp ngân sách 7.600 tỷ đồng và đạt kim ngạch xuất khẩu 160 triệu USD. Thu nhập bình quân đạt 8,75 triệu đồng/tháng/người.
-----------------------
Bất động sản tiếp tục thu hút các nhà đầu tư "ngoại"
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2014, bất động sản tiếp tục vị trí thứ hai trong số các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản trong năm 2014 tăng gần gấp 3 lần năm trước.
Theo lời nhận xét của ông Nakata Yasuyuki, Tổng giám đốc công ty TNHH Becamex Tokyu, công ty liên doanh Nhật Bản và Việt Nam đang đầu tư bất động sản tại Bình Dương: thị trường bất động sản Việt Nam đang sở hữu những ưu thế nhất định so với các nước khác trong khu vực như nhu cầu nhà ở hiện nay của người dân còn rất lớn, dân số trẻ, kinh tế tăng trưởng ổn định… là những lý do quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam. Bên cạnh đó những thay đổi về chính sách, đặc biệt là mở cửa cho người nước ngoài mua nhà sẽ ngày càng thu hút dòng vốn FDI đầu tư vào bất động sản.
Trong năm qua, các tập đoàn đến từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông là những nhà đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư nhiều nhất vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Tính lũy kế đến 15/12/2014, các nhà đầu tư Singapore có 1.351 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 32,7 tỷ USD. Riêng lĩnh vực bất động sản có 74 dự án và 9,9 tỷ USD vốn đầu tư.
Năm 2014, Hàn Quốc có 4.110 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại nước ta, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 37,23 tỷ USD, Trong đó lĩnh vực xây dựng có 562 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,4 tỷ USD (chiếm 14% số dự án và 6% tổng vốn đầu tư đăng ký)....
Trong vòng 3 năm trở lại đây, thị trường bất động sản Việt Nam cũng chào đón sự đầu tư mạnh mẽ từ các nhà đầu tư Nhật Bản với nguồn vốn đầu tư tương đối lớn.
Gần đây nhất, ở phân khúc văn phòng, Tập đoàn Daibiru của Nhật Bản mua lại phần văn phòng tòa nhà Corner Stone từ VIBank với giá trị 60,1 triệu USD. Cũng trong quý III năm 2014, một tập đoàn khác của Nhật Bản là Creed Group ký kết hợp tác với công ty cổ phân đầu tư Năm Bảy Bảy một số dự án tại thành phố Hồ Chí Minh, giá trị đầu tư các dự án này được cho là hơn 85 triệu USD.
Một công ty lớn khác đến từ Nhật Bản là Tập đoàn Tokyu (một trong những tập đoàn kinh tế lớn và lâu đời của Nhật Bản được thành lập vào năm 1922) cũng đã đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam từ năm 2012. Với kinh nghiệm sẵn có, Tập đoàn Tokyu đã thực hiện bước đột phá xuất khẩu công nghệ phát triển đô thị Nhật Bản vào Việt Nam.
Tokyu đã liên doanh với Tổng công ty Becamex IDC thành lập công ty Becamex Tokyu, đầu tư mạnh mẽ để phát triển dự án Thành phố vườn Tokyu Bình Dương.
Thành phố vườn Tokyu Bình Dương tọa lạc tại Thành phố nới Bình Dương có diện tích hơn 110 ha đã được động thổ vào tháng 3/2012 với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD. Sau khi hoàn thành dự kiến sẽ có hơn 10.000 căn hộ, các khu thương mại, dịch vụ, văn phòng.
Mục tiêu được đặt ra là xây dựng và phát triển Khu đô thị vườn Tokyu Bình Dương theo mô hình “Thành phố vườn Tokyu Tama”, dự án này được bắt đầu từ năm 1953 với chỉ khoảng 10,000 dân, giờ là khu đô thị hiện đại với 600.000 người sinh sống, trở thành khu đô thị kiểu mẫu được yêu thích nhất tại Nhật Bản.
Với dự án Thành phố vường Tokyu Bình Dương, Becamex Tokyu không chỉ hướng đến việc xây dựng bất động sản mà còn chú trọng đến phát triển một môi trường môi trường xinh đẹp, thân thiện, cung cấp nhiều tiện ích có giá trị cho toàn Thành Phố Mới Bình Dương. Chính vì vậy công ty này còn đầu tư vào các lĩnh khác như là: thương mại, hệ thống xe buýt, công nghệ thông tin truyền thông, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, v.v...
Các chuyên gia cho rằng những thay đổi về cơ chế chính sách như mở cửa cho người nước ngoài mua nhà cùng với việc các nhà đầu tư sẵn sàng rót hàng tỉ đô xây dựng các khu đô thị sẽ làm “nóng” thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới.
Tập đoàn Tokyu là một trong những tập đoàn kinh tế lớn và lâu đời của Nhật Bản được thành lập vào năm 1922. Đến tháng 3 năm 2014, Tập đoàn Tokyu hiện có 220 công ty và 8 pháp nhân hoạt động trong nhiều lĩnh vực như đường sắt, giao thông vận tải, hệ thống bán lẻ, văn hóa, giáo dục…và nổi bật nhất là lĩnh vực phát triển đô thị.
----------------------------