Giá trị các khoản đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2014-2015 là 22.504 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tính đến 31/12/2013 cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.782 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 4.065 doanh nghiệp (bao gồm 3.650 doanh nghiệp và 415 bộ phận doanh nghiệp), còn lại 949 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (chưa kể các nông, lâm trường quốc doanh).
Riêng giai đoạn 2011 - 2013, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 81 doanh nghiệp.
Trong 11 tháng đầu năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 177 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 115 doanh nghiệp.
Theo kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa đã được duyệt thì trong giai đoạn 2014 - 2015 cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp, chưa kể số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục thực hiện rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung phương án sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn tới.
Trong giai đoạn 2014 - 2015, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, tài chính ngân hàng, bảo hiệm, bất động sản, quỹ đầu tư) và ngoài ngành nghề sản xuất kinh doanh chính theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
Giá trị các khoản đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2014 - 2015 là 22.504 tỷ đồng. Trong 10 tháng năm 2014, các Tập đoàn, Tổng công ty thoái vốn ước đạt 2.415 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với thực hiện năm 2013 (965 tỷ đồng).
Gắn với triển khai Đề án tái cơ cấu, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thời gian qua đã đạt được kết quả khả quan. Vốn chủ sở hữu của các DNNN năm 2013 đã tăng 15% so với năm 2012.
Nộp NSNN của các DN đạt 276.063 tỷ đồng, tăng 23% so với thực hiện 2012. Các DNNN đã từng bước được sắp xếp, điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển theo lĩnh vực, ngành nghề cũng như xu hướng phát triển kinh tế - xã hội qua từng giai đoạn.
Đến nay, cơ bản các DNNN đã và đang được sắp xếp để Nhà nước chỉ tập trung nắm giữ ở một số lĩnh vực trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng, an sinh, xã hội...
Để đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu, Bộ Tài chính cho biết, sẽ thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm như tái cơ cấu DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý; chuyển các DN không đủ điều kiện hạch toán kinh doanh độc lập thành các đơn vị phụ thuộc của TĐ, TCT nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.
Đồng thời, tổ chức sắp xếp và tái cấu trúc phù hợp với năng lực quản lý, giám sát và quản trị, nâng cao năng lực quản trị DNNN theo hướng phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm đảm bảo tiến độ, hiệu quả…
Trong năm 2015, để đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, Bộ Tài chính cho rằng, căn cứ phương án sắp xếp, cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 - 2015 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành đúng thời gian quy định; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
Bên cạnh đó, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước tiếp tục rà soát, bổ sung danh sách các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN ban hành theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Theo Bộ Tài chính, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước cần có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện các nội dung của Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, kế hoạch sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn 2015; đồng thời Báo cáo Chủ sở hữu các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện để giải quyết.
-------------------------------
Putin ép giới giàu Nga chuyển tiền về nước
Ước tính, số tài sản mà giới doanh nhân và quan chức Nga cất ở các “thiên đường thuế” từ đảo Cyprus tới Thụy Sỹ lên tới 1.000 tỷ USD...
Theo hãng tin Bloomberg, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang gây sức ép ngày càng lớn buộc những công dân giàu nhất của nước này phải chuyển tài sản ở nước ngoài về nước. Đây được xem là một nỗ lực của người đứng đầu điện Kremlin nhằm đối phó với sự mất giá chóng mặt của đồng Rúp và tác động từ lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo quy định thuế mới trở thành luật sau một sắc lệnh của Tổng thống vào tháng 11 vừa qua, từ năm 2015, công dân Nga sẽ phải nộp mức thuế 13% đối với các khoản thu nhập từ các công ty hay quỹ ủy thác ở nước ngoài do họ kiểm soát. Trong trường hợp nhà chức trách xác định thực thể nắm giữ tài sản ở nước ngoài của công dân Nga không có số lượng nhân viên hay tài sản tới mức quan trọng, thì thuế suất áp dụng tăng lên 20%.
“Nhiều chủ sở hữu đã bắt đầu chuyển tài sản về Nga”, ông Artem Toropov, một luật sư về thuế ở Moscow, cho biết. “Việc để tài sản ở nước ngoài hiện nay có thể đem đến nhiều rủi ro về thuế hơn là lợi ích, dù trong nhiều trước hợp đó vẫn là cách tốt hơn để bảo vệ tài sản”.
Ước tính, số tài sản mà giới doanh nhân và quan chức Nga cất ở các “thiên đường thuế” từ đảo Cyprus tới Thụy Sỹ lên tới 1.000 tỷ USD. Trong khi đó, nền kinh tế Nga hiện đang chật vật với đổng Rúp mất giá chóng mặt, giá dầu sụt sâu, và lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Hôm 19/12, USM Holdings - một công ty đăng ký kinh doanh ở British Virgin Islands do tỷ phú Nga Alisher Usmanov đồng sở hữu - tuyên bố đã chuyển cổ phần kiểm soát trong công ty viễn thông MegaFon và công ty quặng thép Metalloninvest về Nga. Usmanov là người giàu thứ nhì ở Nga với giá trị tài sản ròng 14 tỷ USD.
Cùng ngày, Vladimir Litvinenko, một nhân vật thân cận với ông Putin, tuyên bố chuyển cổ phần 4,81% trong hãng phân bón PhosAgo từ nước ngoài về Nga.
Vào tuần trước, các chủ sở hữu của sân bay Moscow Vnukovo cũng đã chuyển cổ phần 81% từ hai công ty ở Cyprus về Nga.
Những vụ chuyển tải sản này đang giúp đảo ngược một phần dòng tài sản chạy từ Nga ra nước ngoài trong 20 năm qua. Theo dữ liệu của Bloomberg, tất cả 20 người giàu nhất Nga đều có một phần tài sản cất ở nước ngoài. Các tỷ phú này nắm tổng cộng 181 tỷ USD tài sản ròng.
Tuy vậy, theo ông Alexander Lebedev, một doanh nhân Nga hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, cho rằng, việc đánh thuế cao vào tài sản của người Nga ở nước ngoài sẽ không giúp Moscow tăng thu ngân sách đáng kể. “Các doanh nhân Nga để tài sản ở nước ngoài chủ yếu nhằm tránh tình trạng tham nhũng hoặc các vụ thâu tóm ngoài ý muốn. Luật ở Nga rất yếu. Vấn đề khiến họ lo ngại không phải là thuế mà là quy định pháp luật”, ông Lebedev nói.
Ông Boris Mints, chủ công ty đầu tư bất động sản thương mại O1 Properties, thì nói rằng, luật mới làm ông thấy khó hiểu. Doanh nhân này cho rằng, luật mới về thuế mà Moscow đưa ra xung đột với luật của một số nước châu Âu. Ông Mints cũng hy vọng quy định này sẽ được điều chỉnh.
Một số nhà tài phiệt Nga có thể sẵn sàng đưa tài sản từ nước ngoài về nước để thể hiện lòng trung thành với Tổng thống Putin và cũng để đảm bảo giành được hợp đồng với Chính phủ Nga. Tuy vậy, theo các chuyên gia, những người giàu Nga có tài sản từ 100-200 triệu USD vẫn sẽ muốn cất tiền ở nước ngoài để bảo vệ tài sản của mình.
Số người Nga muốn đổi nơi cư trú để tránh phải tiết lộ tài sản ở nước ngoài đang ngày càng tăng, trong đó, nhưng đích đến phổ biến nhất là Anh và Thụy Sỹ.
“Các tỷ phú có tài sản lớn sẵn sàng chuyển tài sản về Nga bởi họ có một dạng bảo lãnh nào đó rằng tài sản của họ sẽ an toàn. Những người có số tài sản ít hơn và yếu thế hơn, hoặc không có quan hệ với điện Kremlin sẽ vẫn phải tìm cách để giấu tiền ở nước ngoài như trước đây”, ông Alexander Zakharov thuộc công ty tư vấn Paragon có trụ sở ở Moscow phát biểu.
-------------------------
Thưởng tết ngân hàng: Mùa khô không có “lũ”
Kết thúc năm tài chính 2014, không ít ngân hàng báo lãi vượt chỉ tiêu đưa ra, tuy nhiên, mức lợi nhuận còn lại sau trích lập dự phòng của nhiều nhà băng rất ít.
Vì thế, không chỉ với cổ đông phải chia sẻ khi không còn cổ tức, mà người lao động trong lĩnh vực tài chính - vốn dĩ được xem là ngành có mức thưởng “khủng” trước đây, cũng phải ngậm ngùi.
Trao đổi với ĐTCK, Chủ tịch HĐQT DongA Bank, ông Cao Sỹ Kiêm cho biết, ước lợi nhuận trước dự phòng của Ngân hàng năm 2014 khoảng 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm qua, nợ xấu của DongA Bank tăng khá mạnh. Theo BCTC 9 tháng đầu năm 2014, nợ xấu của DongA Bank đã lên 6,8%, trong khi tín dụng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng âm. Tính đến cuối năm 2014, tăng trưởng tín dụng của DongA Bank mới đạt khoảng vài phần trăm.
Năm 2014, DongA Bank đã bán nợ xấu cho VAMC tới gần 3.000 tỷ đồng. Vì thế, con số dự phòng đòi hỏi rất lớn. Đó cũng là lý do để Chủ tịch HĐQT DongA Bank ước con số lợi nhuận còn lại sau dự phòng chỉ còn chưa tới phân nửa so với con số 800 tỷ đồng nói trên. Như vậy, với mức kế hoạch lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, khả năng DongA Bank cũng khó hoàn thành. Do đó, theo ông Kiêm, khó có thể kỳ vọng mức thưởng cao cho cán bộ nhân viên (CBNV) trong dịp Tết này. Hiện DongA Bank chưa đưa ra chính sách thưởng cụ thể.
Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế Ngân hàng xây dựng cho năm qua ở mức 350 - 360 tỷ đồng, khả năng hoàn tất đã chắc chắn, nhưng OCB đang chờ kiểm toán trước khi công bố chính thức. Theo ông Tùng, trước xu hướng nợ xấu tăng và khó kiểm soát được nợ xấu phát sinh từ các khoản vay mới, thì mọi nguồn lực đều phải dồn hết để trích dự phòng rủi ro. Tăng trưởng tín dụng của OCB trong năm qua đạt khoảng 18%, song nếu nhìn vào con số tăng trưởng tuyệt đối thì vẫn còn ở mức thấp. Mặt khác, biên lãi trong hoạt động tín dụng dần thu hẹp khi ngân hàng phải cạnh tranh thu hút khách hàng tốt cho vay. Hiện biên lợi nhuận của OCB khoảng 2,1%. Chính vì lý do này nên dù lợi nhuận OCB đạt chỉ tiêu đưa ra, song để có mức thưởng cao cho CBNV trong Tết năm nay, theo ông Tùng là rất khó.
“Hiện Ngân hàng chưa có quyết định cuối cùng, nhưng khả năng ngoài lương tháng 13, sẽ phân bổ dựa trên kết quả kinh doanh và dự phòng năm qua”, ông Tùng nói.
Không chỉ với ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, mà ngay cả những nhà băng quy mô vốn lớn như Eximbank, thì mức thưởng cho nhân viên dịp Tết này cũng khó đáp ứng được kỳ vọng của người lao động.
Lãnh đạo Eximbank cho hay, nếu không phải trích dự phòng rủi ro cao thì con số lợi nhuận đạt được cao hơn chỉ tiêu đưa ra 1.800 tỷ đồng, nhưng để có được một cơ thể lành mạnh và an toàn, đòi hỏi trước hết là phải dự phòng rủi ro cho nợ xấu. Lợi nhuận còn lại của Eximbank ước thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu, do đó HĐQT, Ban điều hành của Eximbank chỉ cố gắng hoàn tất chính sách lương tháng 13. Còn phần thưởng Tết thêm cũng sẽ được xem xét, song xem ra rất khó kỳ vọng nhiều.
Cả với nhà băng lãi lớn
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, khả năng Ngân hàng hoàn tất chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế trên 1.100 tỷ đồng trong năm qua, còn chính sách thưởng Tết đang chờ HĐQT, Ban điều hành quyết, nhưng có lẽ cũng không nổi trội hơn so với năm trước. ACB sẽ căn cứ trên chỉ tiêu kinh doanh của từng chi nhánh, CBNV để đưa ra mức thưởng hợp lý. Vì vậy, cũng có thể có người được nhận thêm 2 - 4 tháng lương, song số lượng không nhiều.
Tại Sacombank, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, lợi nhuận ngân hàng năm nay khả năng đạt 100% kế hoạch (lợi nhuận trước thuế 3.000 tỷ đồng). Hiện Ngân hàng chưa quyết toán cuối năm nên chưa có con số thưởng Tết cụ thể.
Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, năm nay, tình hình kinh doanh khó khăn nhưng Ngân hàng vẫn đạt kế hoạch đề ra. Thậm chí, lợi nhuận của Nam A Bank còn vượt chỉ tiêu ban đầu gần 30% khi đạt khoảng 243 tỷ đồng trước thuế. Theo ông Tâm, đây là nhờ vào sự nỗ lực của cả tập thể NamA Bank. Do đó, để khích lệ tinh thần làm việc của CBNV, khả năng ngân hàng sẽ thưởng 2 tháng thu nhập. Nhưng mức thưởng này cũng sẽ không cào bằng mà dựa trên chỉ tiêu kinh doanh.
“Đây là con số ước tính và còn chờ ý kiến HĐQT”, ông Tâm nói.
Thực tế, chuyện thưởng Tết trong ngành ngân hàng khiêm tốn không còn gây bất ngờ với thị trường như trước khi hoạt động trong lĩnh vực này luôn được xem là “siêu” lợi nhuận và thưởng Tết “khủng”. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hoạt động tín dụng của ngành không mấy thuận lợi, trong khi nợ xấu tăng. Vì thế, cách duy nhất để có thể đảm bảo an toàn trong hoạt động và kiểm soát được nợ xấu là hy sinh lợi nhuận để trích dự phòng (kể cả với khoản nợ đã bán cho VAMC, ngân hàng cũng phải trích 20% dự phòng cho trái phiếu đặc biệt).
Chủ trương của NHNN đưa ra từ năm 2012, yêu cầu các TCTD chỉ được tính chuyện lương thưởng sau khi đảm bảo các yêu cầu tính toán nợ xấu và thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho rằng, để có thể đảm bảo được hoạt động, điều tiên quyết đối với ngân hàng hiện nay là phải trích dự phòng đầy đủ trước khi nghĩ đến việc chia cổ tức cho cổ đông và cả với chính sách thưởng cho người lao động. Đó cũng chính là lý do buộc ngân hàng phải “bóp bụng” trong việc chi thưởng cho CBNV. Tuy nhiên, điều này dường như cũng không còn là bất ngờ đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực này.
“Vẫn biết với người lao động luôn trông chờ vào mức thưởng Tết cuối năm, nhưng trước bối cảnh khó khăn hiện nay, điều đó khó có thể đáp ứng được. Vì thế, không chỉ với thưởng Tết, mà cổ tức cũng không còn”, đại diện một nhà băng cho biết.
-------------------------
Giá dầu "có thể lại lên tới 200 USD/thùng"
Ông chủ của Tập đoàn dầu khí khổng lồ BP - Bob Dudley - nhận định giá dầu có thể giữ ở mức thấp trong khoảng 3 năm tới. Trong khi đó, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Eni Claudio Descalzi cho rằng lần đạt đỉnh tiếp theo giá dầu có thể ở mức khoảng 200 USD/thùng.
Đó là những phát biểu đáng chú ý của 2 trong số nhiều lãnh đạo doanh nghiệp uy tín tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos – Thụy Sỹ khai mạc hôm 21-1. Tham gia sự kiện kéo dài 4 ngày này có hơn 2.500 đại biểu đến từ 140 nước, trong đó có hơn 40 nguyên thủ quốc gia.
Trả lời phóng vấn BBC, ông Bob Dudley cho biết BP (Mỹ) đang lên kế hoạch trong những năm sắp tới với giá dầu duy trì ở mức thấp. “Chúng tôi đã có kế hoạch đối với kịch bản giá dầu giảm và chúng tôi không biết chính xác mức độ nhưng chắc chắn tình trạng đó sẽ duy trì trong 1 năm và tôi nghĩ có thể 2 hoặc 3 năm” – ông Bob Dudley nói.
Theo ông chủ tập đoàn BP, điều đó có thể dẫn tới tình trạng gia tăng thất nghiệp và đầu tư giảm sút trong ngành công nghiệp dầu mỏ Bắc Hải và nhiều nơi khác, hạn chế nguồn cung và cuối cùng buộc giá dầu tăng trở lại.
Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Eni (Ý) Claudio Descalzi cho rằng lần tăng tới, giá dầu có thể lên mức 200 USD/thùng. Cũng theo lời ông Descalzi, công nghiệp dầu khí sẽ cắt giảm nguồn vốn chi khảng 10-13% trong năm 2015 vì giá dầu giảm. Từ đó, sẽ tạo ra sự khan hiếm dài hạn và giá tăng trong khoảng 4-5 năm tới nếu OPEC không cắt giảm nguồn cung.
Từ năm 2010 tới giữa năm 2014, giá dầu thế giới tương đối ổn định ở mức 110 USD/thùng. Tuy nhiên, kể từ tháng 6-2014, gia dầu lao dốc xuống mức không còn đầy 1 nửa giá đó. Gia dầu thô Brent của Anh hiện đã xuống tới mức khoảng 48 USD/thùng và giá dầu thô trên thị trường Mỹ ở mức 47 USD/thùng.
-------------------------
Rau không tem chứng nhận vẫn vào được siêu thị
Hàng loạt các siêu thị lớn ở Thủ đô như Big C, Metro, Lotte Mart... vừa quyết định tạm ngưng nhập và bán mặt hàng rau sạch của Công ty TNHH Sản xuất và Chế biến RAT Ba Chữ.
Trước đó, báo chí phản ánh về tình trạng Cty này lấy rau không rõ nguồn gốc tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Minh Khai và cung cấp cho một loạt hệ thống siêu thị lớn.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, cho biết, sản phẩm của Cty TNHH Sản xuất và Chế biến RAT Ba Chữ do có vi phạm về nguồn gốc nên không được dán tem chứng nhận rau an toàn. Do vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về các siêu thị lớn khi vẫn tiếp tục nhập rau không có tem chứng nhận và cần có hình thức xử lý nghiêm các siêu thị này.
-------------------------