Trong cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn với báo giới dịp đầu năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngày 19/1, Bộ Tài chính đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ diễn biến giá dầu thế giới tiếp tục giảm, có thể khiến ngân sách giảm thu khoảng 70.000 tỷ đồng, đồng thời đề xuất các giải pháp ứng phó với tình huống này.
Dự báo khoản giảm thu tăng 20.000 tỷ đồng
Dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 từ xuất khẩu dầu thô khoảng 93.000 tỷ đồng. Cách đây khoảng 1 tháng, theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá dầu thế giới giảm sâu khiến giảm thu khoảng 50.000 tỷ đồng, thì với việc áp dụng đồng bộ các giải pháp, sẽ vẫn đảm bảo cân đối thu như dự toán Quốc hội giao.
Đến nay, do giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu, nên tại cuộc gặp mặt báo chí đầu năm 2015, do Bộ Tài chính tổ chức ngày 20/1, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 19/1, Bộ Tài chính ước tính khoản giảm thu có thể tăng lên thêm 20.000 tỷ đồng so với mức dự báo cách đây một tháng. Giá dầu thế giới giảm tác động hai chiều lên nền kinh tế.
Ở chiều tích cực, giá dầu giảm đang làm giảm đáng kể chi phí đầu vào của nhiều ngành, lĩnh vực, nên cải thiện hiệu quả kinh doanh của các DN, qua đó sẽ có đóng góp tốt hơn cho ngân sách. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, không thể phủ nhận giá dầu giảm sẽ gây khó khăn cho cân đối thu, chi NSNN.
Trả lời câu hỏi của báo giới: theo dự toán thu NSNN năm 2015 được Quốc hội phê duyệt, dự toán thu từ dầu thô là 93.000 tỷ đồng được tính toán dựa trên giá xuất khẩu bình quân 100 USD/thùng. Tuy nhiên, với mặt bằng giá dầu dưới 50 USD/thùng như hiện tại, liệu Bộ Tài chính có đề xuất điều chỉnh giảm giá xuất khẩu dầu thô bình quân cho sát với diễn biến thị trường, nếu điều chỉnh giảm, thì Bộ Tài chính có giải pháp nào để bù đắp vào phần giảm thu từ nguồn xuất khẩu dầu thô, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, đến nay, Bộ Tài chính chưa có ý định đề xuất điều chỉnh giảm giá xuất khẩu dầu thô bình quân, mà vẫn phấn đấu thu đạt dự toán.
“Với các giải pháp đồng bộ mà Bộ Tài chính đề xuất, cũng như những giải pháp quyết liệt mà Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo, điều hành, năm nay sẽ vẫn cố gắng thu đạt dự toán Quốc hội giao, qua đó đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách năm 2015”, ông Dũng khẳng định.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, theo dự báo của một số ít tổ chức trên thế giới, giá dầu sắp tới có thể dao động trong khoảng 20 - 50 USD/thùng. Nếu điều này xảy ra, thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bùng nổ sau giai đoạn giá dầu giảm sâu. Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế trong nước. Bên cạnh số ít các tổ chức đưa ra khả năng giá dầu sẽ còn giảm sâu thêm, thì nhiều dự báo cho thấy, sắp tới giá dầu sẽ phục hồi ở mức 70 - 80 USD/thùng.
“Để ứng phó thành công với giá dầu giảm, còn rất nhiều việc phải lo, bởi nhiệm vụ thu ngân sách năm 2015 rất nặng nề”, Bộ trưởng Dũng trăn trở.
Một loạt giải pháp đang được Bộ Tài chính triển khai, để bù đắp cho phần giảm thu do giá dầu thô xuất khẩu giảm như: triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức cao nhất; kiểm soát chặt việc hoàn thuế, số hoàn thuế giá trị giá tăng không quá 85.000 tỷ đồng; tăng cường thu vào NSNN số thuế còn nợ đọng đến hết năm 2014 là hơn 70.000 tỷ đồng…
Giảm giá xăng dầu cần sát thị trường hơn
Trong khi giá dầu thế giới giảm sâu và giảm từng ngày, thì với cơ chế điều hành giá xăng dầu bất cập hiện hành là giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá, các chuyên gia cho rằng, điều này đang đẩy rủi ro cho các DN, người tiêu dùng, trong khi DN kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi.
Nhìn nhận về bất cập trên, Bộ trưởng Dũng chia sẻ, tuy thời gian giữa hai lần điều chỉnh liên tiếp giá đã giảm từ 30 ngày xuống 15 ngày, nhưng trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm nhanh và mạnh như hiện nay, đòi hỏi các DN kinh doanh xăng dầu phải tăng cường khả năng dự báo, để có thể đưa ra mức điều chỉnh giá nhanh hơn, nhiều hơn sao cho sát với diễn biến thị trường, để DN, người tiêu dùng được hưởng lợi. Điều này sẽ rất có lợi cho nền kinh tế.
--------------------------
Đánh sập sàn vàng chui bằng cách nào?
Hiện vẫn còn khoảng 30 sàn vàng chui, song việc triệt phá các sàn vàng này, cùng với việc “cai nghiện” cho các nhà đầu tư là không dễ, trừ khi có một sàn vàng chính thức ra đời.
Chưa triệt phá hết các sàn vàng chui
Vừa qua, sàn vàng chui HGI (Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Hà Nội Vàng) đã bị đánh sập. Đây là sàn vàng ảo thứ tư được lực lượng chức năng triệt phá trong vòng 4 tháng gần đây (trước đó là sàn vàng VGX, Khải Thái và 24 Gold Duệ Bác).
Tuy nhiên, báo cáo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cuối tuần qua, Trung tướng Triệu Văn Đạt, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết, trên thị trường vẫn còn khoảng 30 sàn vàng chui đang tồn tại. “Trong số này, TP.HCM có khoảng 10 sàn và nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào”, Trung tướng Triệu Văn Đạt cho biết.
Hiện việc quản lý sàn vàng, sàn giao dịch ngoại hối được giao cho 3 đơn vị (Bộ Công an, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước - NHNN), song số sàn vàng bị triệt phá mới đếm đầu ngón tay. Phản ứng nhanh nhất và gần như duy nhất của NHNN sau mỗi vụ sàn vàng bị đánh sập là lên tiếng khẳng định kinh doanh vàng tài khoản là hoạt động trái phép, vi phạm pháp luật, đồng thời khuyến cáo người dân về nguy cơ thua lỗ, vỡ nợ.
Còn về phía Bộ Công an, mặc dù biết trên thị trường còn khoảng 30 sàn vàng chui đang tồn tại, nhưng Bộ cho biết, rất khó triệt phá các sàn vàng này. Đại tá Trần Văn Doanh, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết: “Mặc dù các công ty này đã hoạt động một thời gian và có diễn biến phức tạp, song quy định pháp luật còn chung chung, nên việc dựa vào các quy định hiện hành để bắt giữ ngay các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn”, Đại tá Trần Văn Doanh cho biết.
Cơ quan chức năng hy vọng, việc đánh sập một số sàn vàng chui sẽ “dằn mặt” các sàn vàng chui khác, đồng thời là hồi chuông cảnh báo cho các nhà đầu tư để họ rút khỏi canh bạc may rủi này.
Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên gia tài chính, “chơi” vàng tài khoản cũng gây nghiện như đánh bạc. Do đó, rất khó để khuyên các con nghiện này rút khỏi sàn vàng chui, trừ khi Nhà nước có một sàn vàng chính thức.
Nên thành lập sàn vàng quốc gia
Trong một nghị quyết ban hành đầu năm 2015, Chính phủ yêu cầu NHNN nghiên cứu huy động vàng trong dân. Một trong những cách huy động vàng khả dĩ nhất, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, là huy động qua sàn giao dịch vàng quốc gia. Đây cũng là giải pháp giúp triệt phá sàn vàng chui.
Theo quy định hiện nay, kinh doanh vàng tài khoản, lập sàn giao dịch vàng chỉ được thực hiện khi Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN cấp phép (Nghị định 24/2012/NĐ-CP). Tuy nhiên, Nghị định 24 đã ra đời 2 năm, mà vẫn chưa có văn bản hướng dẫn.
Về vấn đề này, theo LS. Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico), là không ổn, bởi kinh doanh vàng qua tài khoản không nằm trong danh mục cấm kinh doanh, mà chỉ nằm trong danh mục “kinh doanh có điều kiện”. Có nghĩa, NHNN phải đưa ra danh mục điều kiện để các doanh nghiệp có căn cứ để đăng ký kinh doanh, không thể “lờ đi” văn bản hướng dẫn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện một doanh nghiệp vàng cho rằng, đầu tư vàng qua sàn là nhu cầu tất yếu của thị trường. Cơ quan quản lý thay vì cấm, cần cần học hỏi, rút kinh nghiệm để quản lý.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng, sàn giao dịch vàng là mô hình kinh doanh hiện đại mà phần lớn các nước trên thế giới đều triển khai. Việc cấm sàn vàng sẽ gây thiệt thòi cho người dân và doanh nghiệp. Tất nhiên, ở nhiều nước, trước khi giao dịch trên sàn vàng, người chơi phải trải qua một lớp học bắt buộc để hiểu hết sự rủi ro, nguy hiểm của thị trường vàng.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam cho rằng, việc thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia sẽ giải quyết được vấn nạn sàn vàng chui và tạo sân chơi an toàn, minh bạch cho nhà đầu tư.
Thời gian qua, hầu hết nhà đầu tư tham gia sàn vàng chui đều cháy túi do các sàn này đặt tài khoản của khách hàng vào tài khoản công ty, khách hàng không thể giám sát. Tuy nhiên, nếu Nhà nước cho phép thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia, chỉ cho phép các ngân hàng thương mại lớn và các doanh nghiệp lớn được làm “nhà cái”, và nhà cái này chỉ là nơi làm dịch vụ cho người mua - người bán gặp nhau, thì các giao dịch trên sàn sẽ trở nên minh bạch. Sàn vàng khi đó không còn là canh bạc, mà sẽ là kênh đầu tư cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, giống như sàn giao dịch chứng khoán.
------------------------
Xăng giảm, vận tải không giảm: Vô lý, đáng lên án nhưng... bất lực?
Giá xăng giảm gần 10.000 đồng/lít nhưng cước taxi và vận tải khác vẫn đứng yên. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng để tình trạng "vô lý" và "cần lên án" này diễn ra là thể hiện sự bất lực của cơ quan quản lý.
Ngày 21/1, tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội, về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải dành phần lớn thời gian nói về quản lý giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong thời gian tới.
Báo cáo hội nghị, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, bình ổn giá trên địa bàn thành phố, đặc biệt là dịp cuối năm luôn được xác định là nhiệm vụ thường xuyên. Trong năm 2014, Hà Nội đã ứng cho doanh nghiệp vay 276 tỷ đồng để chuẩn bị các mặt hàng bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán 2015 sắp tới. Tất cả doanh nghiệp tham gia bình ổn giá phải kê khai giá với Sở Tài chính sau đó đăng công khai để nhân dân giám sát.
Ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đánh giá, công tác bình ổn giá ở Hà Nội cũng như Thành phố Hồ Chí Minh được làm tương đối sớm, ít bị “cháy” hàng. “Tết năm nay được nghỉ 9 ngày, tôi nghĩ sức tiêu thụ ở cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh rất lớn. Qua báo cáo của Hà Nội chúng tôi thấy hàng hóa được chuẩn bị rất đa dạng và có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường những ngày Tết sắp đến”, ông Tín nói.
Trong thời gian giáp Tết, ông Tín cũng trực tiếp đi kiểm tra nhiều trung tâm thương mại và nhận thấy dù được kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn không tránh được các hành vi như không thông báo với đơn vị quản lý khi thực hiện các chương trình khuyến mãi, ở khu vực chế biến thực phẩm rất bẩn… Qua kiểm tra, ông Tín đã cho xử phạt 4 điểm với số tiền 200 triệu đồng.
Cho ý kiến tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải dành phần lớn thời gian phân tích việc tác động của việc giảm giá xăng dầu ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
“Tại cuộc họp Chính phủ mới đây về vấn đề giá, do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì, dù là Ủy viên Ủy ban điều hành giá của quốc gia nhưng tôi cũng nói luôn rằng tình hình xăng dầu đã giảm gần 10.000 đồng một lít mà cước taxi và các phương tiện vận tải khác không giảm giá thì thể hiện sự bất lực của cơ quan quản lý”, ông Hải nói.
Ông Hải cho biết, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 đến 40% vận tải. Do vậy, nếu tính từ đầu năm 2014 đến nay, quá 15 lần giảm giá xăng dầu (khoảng 10.000 đồng), đồng nghĩa với việc chi phí nhiên liệu vận tải cũng giảm gần 40%, thì không có lý do gì giá cước không giảm.
“Chỉ cần xăng dầu tăng giá một chút, chưa cần ai nói gì thì cước vận tải đã tăng. Khi xăng dầu giảm giá thì họ viện đủ lý do khó khăn để không chịu giảm giá cước. Điều này tôi thấy rất vô lý, dư luận cần phải lên án”, ông Hải chia sẻ.
Trước lo ngại giá dầu thô giảm liên tiếp như vậy sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, ông Hải nói rằng: “Nếu đánh giá toàn diện thì việc giảm giá xăng dầu mang lại lợi ích nhiều hơn cho nền kinh tế Việt Nam”.
-------------------------