Ngày 12/1, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết bộ Xây dựng sắp tới sẽ đưa ra những chế tài mới xác định rõ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, trong đó có quy định doanh nghiệp muốn bán nhà phải bắt buộc có bảo lãnh của ngân hàng.
Trường hợp chủ đầu tư không hoàn thành tiến độ, không làm được nhà, ngân hàng phải đứng ra trả tiền cho người mua.
Đây sẽ là chế tài mới được các nhà quản lý đưa ra nhằm tránh các rủi ro cho người mua nhà và tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Theo thống kê, cả nước hiện vẫn còn tồn tại gần 1.000 dự án bất động sản đang trọng trạng thái “án binh bất động“. Trong đó, theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội BĐS TP.HCM, trong năm 2014, trên địa bàn thành phố có tới 689 dự án đang nằm “đắp chiếu“.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó có thể là các dự án mà chủ đầu tư tùy tiện huy động vốn của dân, dùng tiền không đúng mục đích, dùng tiền của dự án này đi làm dự án khác dẫn đến nhiều dự án đều dở dang, mất khả năng thanh toán và thiệt hại rất lớn thuộc về người mua nhà. Việc đưa ra lối thoát cho các dự án này là câu hỏi lớn làm đau đầu các nhà quản lý.
Chính vì vậy, thông tin về các quy định mới này được cho là rất tích cực với thị trường BĐS, tác động mạnh mẽ tới cả chủ đầu tư và tâm lý, quyết định đầu tư của người mua nhà.
Thực tế, để giành được lòng tin của khách hàng, đã có dự án chủ động triển khai mô hình này trước khi có quy định bắt buộc của cơ quan quản lý.
Đó là dự án khu dân cư cao cấp Masteri Thảo Điền của chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Thảo Điền kết hợp với các “ông lớn“ là Tập đoàn Vingroup (VIC), Ngân hàng Techcombank. Khách mua căn hộ tại dự án này được ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) bảo lãnh hoàn toàn. Đến thời điểm này, đây cũng là dự án duy nhất trên thị trường được ngân hàng bảo lãnh.
Theo thoả thuận được ký kết, Techcombank sẽ tài trợ tín dụng cho dự án, đồng thời quản lý mọi khoản tiền khách hàng chi trả cho chủ đầu tư. Việc này đảm bảo các khoản tiền của khách hàng được quản lý và đầu tư đúng chỗ.
Hơn thế, trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết bàn giao nhà theo hợp đồng, Techcombank cam kết chi trả toàn bộ các lợi ích cho khách hàng theo quy định tại hợp đồng, bao gồm các khoản tiền khách hàng đã trả trước, tiền lãi và phí phạt liên quan mà chủ đầu tư có trách nhiệm thanh toán.
Theo đánh giá của giới quan sát trên thị trường, chủ đầu tư của Masteri Thảo Điền đã đi một bước khôn ngoan, tạo được niềm tin cho người mua nhà. Hiệu quả của mô hình ngân hàng bảo lãnh dự án này đã được chứng minh bằng sức hút của dự án trong thời gian qua, khi tiến độ xây dựng của dự án liên tục được đẩy nhanh và chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành và bàn giao nhà đúng thời hạn vào quý IV/2016. Theo thông tin từ chủ đầu tư, dự kiến trước Tết Nguyên đán, các tòa nhà sẽ được đưa vượt lên khỏi mặt đất.
Lần đầu tiên chúng ta đã đào tạo và đưa được một số lượng lớn lao động là người dân tộc ra nước ngoài làm việc. Người lao động các huyện nghèo đi làm việc đều có việc làm và thu nhập ổn định, cao nhất là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản với mức lương 15-22 triệu/tháng.
PV đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền về vấn đề trên tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chính sách xuất khẩu lao động (XKLĐ), dạy nghề và giảm nghèo tại các huyện nghèo, tổ chức ngày 19/1 tại Lào Cai.
Thưa Bộ trưởng, sau 5 năm thực hiện Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về XKLĐ tại các huyện nghèo, điểm “sáng” nhất trong công tác triển khai tới thời điểm hiện nay là gì?
Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 24/9/2009 với mục tiêu “Nâng cao chất lượng lao động và tăng số lượng người lao động ở các huyện nghèo tham gia XKLĐ, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thực hiện giảm nghèo bền vững”.
Sau hơn 5 năm thực hiện đã khẳng định chủ trương đưa lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài là hoàn toàn đúng đắn và khả thi. Lao động các huyện nghèo có thể đến làm việc tại tất cả các thị trường, từ thị trường dễ tính đến thị trường có yêu cầu cao về chất lượng lao động như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Lần đầu tiên, chúng ta đã đào tạo và đưa được một số lượng lớn lao động là người dân tộc ra nước ngoài làm việc. Cụ thể, hơn 18.500 lao động được tuyển chọn để đào tạo và gần 10.000 lao động đã được đưa đi làm việc tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Ả rập Xê út...
Trong đó 95% là người nghèo và người dân tộc. Người lao động các huyện nghèo đi làm việc đều có việc làm và thu nhập ổn định, trung bình từ 5.000.000-7.000.000 đồng/tháng ở thị trường Malaysia; 6.500.000 - 7.500.000 đồng/tháng ở thị trường Lybia, UAE, Ả rập xê út, Ma Cao; 15.000.000 - 22.000.000 đồng/tháng ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.
Mặc dù có những điểm nổi bật như vậy, nhưng Bộ LĐ-TB&XH đã rất thẳng thắn thừa nhận một thực tế là kết quả của việc thực hiện mới đạt 30% mục tiêu đề ra. Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn những tồn tại, vướng mắc khiến kết quả đạt chưa cao?
Thực tế cho thấy, tỉ lệ lao động bỏ về trong thời gian đào tạo khá cao, trung bình 18%, một số địa phương có tỉ lệ lao động bỏ học rất cao như Phú Thọ (59%), Lâm Đồng (44%), Nghệ An (29%).
Cá biệt có địa phương như Đakrông (Quảng Trị), Tân Sơn (Phú Thọ), Mường Nhé (Điện Biên) tỉ lệ bỏ của một khóa đào tạo lên tới 60-70%. Tỉ lệ bỏ không xuất cảnh sau khi được đào tạo trung bình 21%. Tỉ lệ xin về nước sau khi xuất cảnh cũng cao hơn nhiều so với tình hình chung.
Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, cụ thể: Về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện. Một số chính sách chưa phù hợp như qui định về hỗ trợ đi lại cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia Đề án, chưa qui định quy chế ràng buộc trách nhiệm đối với doanh nghiệp và người lao động khi tham gia Đề án, thiếu cơ chế khuyến khích khen thưởng đối với doanh nghiệp thực hiện tốt.
Quy trình tổ chức hỗ trợ chưa tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động. Các thông tin tuyên truyền chưa phù hợp với đặc điểm địa hình, tâm lý, trình độ, phong tục tập quán cũng như văn hóa khi phần lớn đối tượng là người dân tộc thiểu số.
Trong khi đó, các cơ quan còn chậm đề xuất mô hình tổ chức thực hiện phù hợp với đặc thù của đối tượng lao động thuộc các huyện nghèo. Lực lượng cán bộ làm công tác XKLĐ ở cấp huyện rất mỏng nên công tác XKLĐ không được thực hiện thường xuyên.
Tại địa phương, các cơ quan địa phương có lúc, có nơi chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện Đề án. Công tác kiểm tra, giám sát còn bất cập, chưa bám sát địa phương, doanh nghiệp nên đã không phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc xảy ra với NLĐ.
Thưa Bộ trưởng, đứng về góc độ tham gia của các doanh nghiệp và người lao động, cần lưu ý điều gì trong quá trình tổng kết Đề án?
Tới nay đã có trên 30 doanh nghiệp tham gia Đề án với hơn 350 hợp đồng cung ứng lao động, trong đó có 24 doanh nghiệp đã ký hợp đồng đặt hàng, tuyển chọn và đưa lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh nhiều doanh nghiệp thực sự vào cuộc thì còn không ít doanh nghiệp chưa nhận thức được ý nghĩa của Đề án, trách nhiệm xã hội còn hạn chế nên chưa tham gia Đề án.
Một số doanh nghiệp tham gia Đề án cũng chưa ý thức hết được sự khó khăn, phức tạp nên việc tuyển chọn, đào tạo lao động các huyện nghèo chưa được đầu tư và tổ chức thực hiện đúng qui định, qui trình, còn để xảy ra những rủi ro, bất lợi cho người lao động và ảnh hưởng đến việc triển khai Đề án tại địa phương.
Đứng về phía người lao động, ngoài những hạn chế về trình độ văn hóa, tay nghề thì những hạn chế về nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, sức khỏe của NLĐ cũng là những rào cản lớn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Ví dụ: Tỉ lệ lao động không đủ sức khỏe vòng sơ tuyển là 33,5%, tỉ lệ lao động không đủ sức khỏe vòng tuyển chính thức để đi làm việc ở nước ngoài là 16,8%...
Đồng thời, do ảnh hưởng của phong tục tập quán và văn hóa, những lao động là người dân tộc chưa quen và khó chấp nhận cuộc sống xa gia đình, chưa sẵn sàng thích ứng với nhịp sống và làm việc trong khuôn khổ tổ chức, quản lý thời gian chặt chẽ, cường độ là động cao, khẩn trương
Để nâng cao hiệu quả của Đề án trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có giải pháp gì để thay đổi thúc đẩy, thưa Bộ trưởng?
Để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới cần hoàn thiện cơ chế chính sách để phù hợp với thực tế triển khai Đề án, cụ thể là sửa đổi một số nội dung trong Quyết định 71 và các văn bản hướng dẫn. Trước mắt, ưu tiên đơn giản hóa qui trình, thủ tục thực hiện hỗ trợ cho NLĐ và doanh nghiệp tham gia Đề án.
Đặc biệt là đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, đổi mới phương pháp, hình thức và nội dung tuyên truyền về chính sách pháp luật của Nhà nước, của địa phương về XKLĐ nói chung và công tác XKLĐ theo Quyết định 71 nói riêng cho phù hợp với đặc điểm tình hình, trình độ văn hoá, phong tục tập quán của người dân các huyện nghèo...
Bên cạnh đó, lựa chọn và nhân rộng các mô hình tuyển chọn, đào tạo gắn kết giữa địa phương và doanh nghiệp; tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện...
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
------------------------
Quốc hội yêu cầu nghiên cứu, đề xuất các vấn đề của Uber
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay 20/1, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho biết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu cơ quan này xem xét, đề xuất các vấn đề liên quan đến loại hình taxi Uber.
Ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, để có cơ sở xem xét các vấn đề về loại hình taxi Uber, Ủy ban Kinh tế đã yêu cầu các bộ ngành liên quan báo cáo; “trên cơ sở đó chúng tôi mới có cơ sở để báo cáo, đề xuất các giải pháp, vấn đề liên quan được”- ông Giàu nói.
Theo báo cáo mới được Bộ Công thương gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Uber là một dịch vụ trung gian, không sở hữu xe ô tô, không có lái xe và làm nhiệm vụ gắn kết người cần đi xe với người sở hữu xe. Khác với GrabTaxi và EasyTaxi, xe ô tô tham gia vào mạng lưới Uber không phải là của hãng taxi mà là xe cá nhân nên được gọi là dịch vụ “taxi không biển hiệu”.
Công ty Uber không phải là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, không trực tiếp có hợp đồng với các lái xe và vận hành mạng lưới xe mà chỉ cung cấp giải pháp công nghệ nên Uber phải tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh, thương mại và thương mại điện tử của Chính phủ. Ngoài ra, công ty này phải tuân thủ các quy định của Chính phủ về kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô. Theo Bộ Công thương, Uber là một mô hình tổ chức hoạt động kinh doanh mới dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố mới chưa được quy định và kiểm soát đầy đủ bởi pháp luật hiện hành. Chính vì thế Bộ Giao thông vận tải cần có các quy định mới về điều kiện kinh doanh vận tải và cách thức quản lý phù hợp.
“Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp nghiên cứu để có phương án quản lý cách tính cước phí của Uber vì hóa đơn Uber phát hành thay cho chủ xe. Mô hình phân chia thu nhập giữa Uber và các đơn vị kinh doanh vận tải đối tác cũng đặt ra nhiều thách thức về quản lý thuế đòi hỏi có biện pháp quản lý phù hợp để duy trì sự bình đẳng với các đơn vị kinh doanh vận tải khác”- Bộ Công Thương đề xuất với Ủy ban Kinh tế.
Hơn nữa, việc Uber áp dụng phương thức thanh toán qua thẻ mà không cần chữ ký xác nhận của chủ thẻ khi ghi nhận giao dịch thanh toán sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho người tiêu dùng. Bộ Công thương cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần có quy định về những giao dịch thanh toán thẻ không cần xác nhận như thế này và có biện pháp quản lý theo dõi luồng tiền trong trường hợp đơn vị cung cấp dịch vụ không hiện diện tại Việt Nam nhưng vẫn thu tiền khách hàng qua thẻ thanh toán quốc tế.
----------------------------
Để sản phẩm thủy sản “sạch” tiếp cận thị trường nước ngoài
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất quyết liệt trong việc kiểm soát hóa chất kháng sinh không phải chỉ ở đầu ra xuất khẩu mà cả chuỗi sản xuất, nhất là “lỗ hổng” lớn từ khâu nuôi trồng.
Tại hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2014, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng: "Điều mà tôi trăn trở nhất hiện nay là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông sản”. Do vậy, Bộ trưởng đã quyết định lấy năm 2015 là năm an toàn thực phẩm.
Lo lắng của Tư lệnh ngành Nông nghiệp không phải không có lý. Không chỉ tại thị trường trong nước, tại nhiều thị trường nhập khẩu, hàng thủy sản Việt Nam đã bị cảnh báo. Năm 2014 đã có 29 lô hàng thủy sản nuôi bị cảnh báo chỉ tiêu Oxytetracycline vượt giới hạn cho phép tại EU, Nhật Bản, 18 lô bị cảnh báo nhiễm chất cấm Nitrofurazone tại EU.
Trước đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không ít lần “nhận diện” việc sử dụng kháng sinh cấm và tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng trong quá trình nuôi thủy sản chưa được kiểm soát một cách triệt để. Do đó, khâu nuôi được coi là khâu yếu nhất trong chuỗi quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Sự cố kháng sinh trong lô hàng cá tra xuất khẩu vượt ngưỡng cho phép tại EU khiến cho cơ quan quản lý không thể không có những biện pháp khẩn cấp.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải cảnh báo về việc Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng - Ủy ban châu Âu (EC) đã có thông báo tình hình các lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh khi xuất khẩu vào thị trường EU, trong đó có tôm, cá tra… Cơ quan thẩm quyền của châu Âu cũng “dọa” sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát bổ sung để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng khu vực này, kể cả việc cấm nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam.
Ở cấp cao hơn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành Chỉ thị số 10318/CT-BNN-QLCL thực hiện các biện pháp cấp bách kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản, trong đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người nuôi thực hiện “4 đúng” trong việc sử dụng thuốc thú y trong quá trình nuôi và trị bệnh cho thủy sản, đặc biệt là tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc thú y trước khi thu hoạch.
Đồng thời, các cơ quan của Bộ và địa phương thường xuyên giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm việc lưu thông, mua bán hóa chất kháng sinh cấm, thuốc thú y thủy sản ngoài danh mục…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vùng nuôi thủy sản xuất khẩu chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành địa phương tổ chức lực lượng thường xuyên giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lưu thông, mua bán, sử dụng hóa chất kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, thuốc thú y thủy sản không có tên trong danh mục được phép lưu hành. Các Chi cục Thú y tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra trong quá trình lưu thông, mua bán hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y thủy sản…
Như vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất quyết liệt trong việc kiểm soát hóa chất kháng sinh không phải chỉ ở đầu ra xuất khẩu mà cả chuỗi sản xuất, nhất là “lỗ hổng” lớn từ khâu nuôi trồng.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng cho biết đã tiến hành rà soát các chương trình kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm theo HACCP, đặc biệt là chế độ tự kiểm tra, thẩm tra của doanh nghiệp đối với các lô nguyên liệu tiếp nhận để chế biến xuất khẩu. Đó là những yếu tố đảm bảo chuỗi sản xuất thủy sản có thể cho ra các sản phẩm không chỉ ngon mà còn an toàn. Điều kiện tiên quyết để sản phẩm thủy sản Việt Nam có thể thâm nhập những thị trường “khó tính” như EU, Mỹ, Nhật Bản; để thủy sản tiếp tục là “mỏ vàng” xuất khẩu trong năm 2015.
---------------------------