Tin kinh tế sớm 21-01-2015: Năm 2014, “Big 4” ngân hàng quốc doanh kiếm tiền thế nào? - Hòa Phát đạt lợi nhuận sau thuế 3.200 tỷ đồng

  • Cập nhật : 21/01/2015
Năm 2014, “Big 4” ngân hàng quốc doanh kiếm tiền thế nào?
Đến thời điểm này, ngân hàng quốc doanh là khối đầu tiên công bố kết quả kinh doanh cơ bản năm 2014. Họ tiếp tục cho thấy hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn các khối còn lại.
 
Sớm hơn những năm trước, trong nửa đầu tháng 1/2015, lần lượt các ngân hàng thương mại nhà nước công bố lợi nhuận cơ bản năm 2014.
 
Nhìn chung, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Công thương (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) và ngay cả Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đều có kết quả khả quan.
 
Sớm nhất, Vietcombank cho biết lợi nhuận trước dự phòng năm 2014 đạt 10.233 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm; sau trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế đạt 5.680 tỷ đồng, tăng 2,0% so với năm 2013.
 
Agribank có lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 3.238 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 101% kế hoạch năm 2014. Đây cũng là ngân hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam, với tổng tài sản lên tới 762.869 tỷ đồng (tăng 10,08% so với năm 2013).
 
VietinBank mới chỉ thông tin sơ bộ, bước đầu cho thấy lợi nhuận tiếp tục xu hướng giảm kể từ năm 2011 đến nay, nhưng vẫn là ngân hàng có con số tuyệt đối lớn nhất trong hệ thống, và năm 2014 ước đạt 7.300 tỷ đồng.
 
Trong khi đó, BIDV là điểm nhấn đáng chú ý của khối năm qua. Lợi nhuận trước thuế tăng 14,6% so với năm 2013, đạt 6.065 tỷ đồng. Cùng với mức tăng trưởng cao nhất, BIDV đã chính thức tạo khoảng cách đáng kể so với Vietcombank về con số tuyệt đối, dù “chiến thuật” tăng cường trích lập dự phòng rất lớn của Vietcombank cũng cần để ý khi so sánh…
 
Về quy mô, 4 ngân hàng thương mại nhà nước nói trên (“Big 4”) đạt những con số lớn về lợi nhuận, nhưng mức độ lãi như thế nào?
 
Kể từ sau năm 2011, thị trường chứng kiến những cú rơi về lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng như tại ACB, Techcombank, Eximbank…, cũng như cả ở tình hình chung. Những tỷ lệ sinh lời cỡ trên 25%, thậm chí trên 30% trước đây đã vắng bóng.
 
Nhóm “Big 4” cũng nằm trong xu hướng đó. Tuy nhiên, về tổng thể, họ vẫn liên tục thể hiện là khối có hiệu quả cao nhất trong hệ thống.
 
Thống kê bình quân, hai chỉ số về khả năng sinh lời trên tài sản (ROA) và trong sử dụng vốn của cổ đông (ROE) của nhóm Big 4 đều cao hơn hẳn so với các khối còn lại, cụ thể như với khối ngân hàng thương mại cổ phần. Dù về riêng lẻ, hai chỉ số này ở một vài ngân hàng cổ phần hiệu quả như MB, Sacombank vẫn tốt hơn.
 
Tính đến hết quý 3/2014, ROE bình quân của khối ngân hàng thương mại nhà nước cao hơn hẳn so với khối cổ phần: 6,92% so với 4,64%; tương tự ROA là 0,53% so với 0,4%. Các so sánh tương ứng cả năm 2013 là 8,1% với 3,91%; 0,65% với 0,34%.
 
Cả năm 2014, trong khối “Big 4”, dự tính Vietcombank và BIDV có sự cải thiện về hai chỉ số trên, trong khi VietinBank tiếp tục giảm nhẹ. Ngược lại, khối cổ phần đang cho thấy sự trở lại mạnh hơn so với năm 2013. Dù vậy, khoảng cách hiệu quả giữa hai khối dự kiến sẽ vẫn khá lớn.
 
Một mặt, khối cổ phần vẫn có sự níu kéo từ những thành viên yếu kém và kinh doanh sa sút những năm gần đây. Mặt khác, nhóm Big 4 vẫn được biết đến là những “ông lớn” có nhiều lợi thế trong cạnh tranh, từ lịch sử, về nguồn vốn, về cơ chế khách hàng (đặc biệt trong cạnh tranh cho vay)…
 
Có cách biệt về hiệu quả, nhưng nhóm “Big 4” vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn thu truyền thống, phần lớn từ tín dụng, mà chưa thực sự đại diện cho xu hướng ngân hàng năng động và hiện đại. Đến cuối 2014, dự kiến lần đầu tiên cả khối mới chỉ có duy nhất Vietcombank tạo được cơ cấu lợi nhuận được trên 30% từ dịch vụ.
 
Trong khi ở khối cổ phần, những thành viên năng động như ACB, Sacombank, Techcombank… đã sớm tạo được sự dịch chuyển nguồn thu này.
 
Sang 2015, quá trình tái cơ cấu hệ thống dự kiến sẽ tạo thay đổi lớn trong so sánh về quy mô, hiệu quả giữa hai khối trên. Ngoại trừ Agribank, các thành viên còn lại là Vietcombank, VietinBank, BIDV có thể sẽ sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần. 
 
Theo đó, không chỉ về hiệu quả kinh doanh, cơ cấu thị phần các hoạt động cũng sẽ có thay đổi lớn.
------------------------

 Gần 40% CEO dưới tuổi 40 ở Việt Nam sinh năm Ngọ

Theo quan niệm phương Đông, người tuổi Ngọ thường rất giỏi kinh doanh, giỏi đoán ý đồ người khác để “lựa lời mà nói”, do vậy dễ thành công sớm trong sự nghiệp. Theo khảo sát, 40% số lượng CEO dưới tuổi 40 trong VNR500 là người tuổi Ngọ.
 
Theo thống kê của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), số CEO trong Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về doanh thu năm 2014 (bao gồm bảng xếp hạng mọi thành phần doanh nghiệp và bảng xếp hạng doanh nghiệp tư nhân lớn nhất) có độ tuổi dưới 40 chỉ chiếm khoảng 8,6%.
 
Con số này trái ngược với số lượng CEO từ 41 đến 50 tuổi (chiếm 33,8%) và từ 51 tuổi trở lên (chiếm 57,6%). Qua đó, cho thấy cơ cấu CEO doanh nghiệp VNR500 chủ yếu là CEO lớn tuổi. 
 
Vietnam Report đánh giá, điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi độ tuổi từ 45 trở lên được coi là độ tuổi thành đạt của doanh nhân Việt, khi họ đã có đủ vốn liếng, kinh nghiệm lãnh đạo và cả các mối quan hệ cần thiết trong kinh doanh.
 
Xét theo tuổi 12 con giáp, phần đông các CEO trong nhóm trẻ tuổi này mang tuổi Ngọ (sinh năm 1978), tiếp đến là tuổi Mão (sinh năm 1975) và tuổi Thìn (sinh năm 1976). 
 
Theo quan niệm của phương Đông, những người tuổi Ngọ thường rất giỏi kinh doanh, giỏi đoán ý đồ người khác để “lựa lời mà nói”, do vậy dễ thành công sớm trong sự nghiệp. Đáng chú ý, trong nhóm CEO trẻ tuổi không có lãnh đạo nào tuổi Sửu, Dần, Thân, Dậu, Hợi, có lẽ bởi các doanh nhân trẻ tuổi này vẫn đang trong giai đoạn tích lũy để vươn tới thành công bền vững trong tương lai.
 
68,8% số CEO dưới 40 tuổi trong Bảng xếp hạng VNR500 mọi thành phần đến từ khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, cho thấy sự năng động, sáng tạo và không ngừng nỗ lực của các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân, mà đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Số đông này đóng góp trên 53.100 tỷ đồng vào tổng doanh thu toàn Bảng xếp hạng VNR500 năm 2014.
 
Theo một số chuyên gia nhận định, khu vực tư nhân đang có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế khi chiếm áp đảo về số lượng và có đóng góp to lớn trong nền kinh tế Việt Nam trong việc tạo ra công ăn việc làm, tạo ra nguồn thu của ngân sách. 
 
Tuy nhiên, nhìn về sức mạnh của khối doanh nghiệp này, Tổng cục Thống kê đưa ra con số: năm 2002 doanh nghiệp tư nhân đóng góp 8,5% vào GDP, đến năm 2012 đóng góp 11,1% – mức tăng không đáng kể. Do đó, trong thời gian tới, lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân cần nhận thức rõ hơn nữa thực trạng và vai trò của mình, đồng thời tận dụng tốt các cơ hội đầu tư và kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh với các khối doanh nghiệp khác.
 
Nếu phân tích theo ngành nghề, thì các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong ngành thực phẩm – đồ uống, thép, viễn thông – tin học – công nghệ thông tin. Ngành thực phẩm – đồ uống đặc biệt được đánh giá là ngành có khả năng sinh lời tốt nhất toàn Bảng xếp hạng khi có lợi nhuận/vốn (ROE) trung bình đạt 0,36, đồng nghĩa với việc mỗi 100 đồng vốn chủ sở hữu sẽ sinh được 36 đồng lời.
 
Tóm lại, theo thống kê của Vietnam Report, các doanh nhân dưới 40 tuổi trong Bảng xếp hạng VNR500 chủ yếu thuộc độ tuổi 7x, hầu hết đến từ khối tư nhân trong nước. 
 
Hiện nay có rất nhiều người trẻ tuổi đạt được thành công sớm trong sự nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực mang tính sáng tạo, nghệ thuật, công nghệ thông tin..., tuy nhiên thành công tại vị trí “ghế nóng” như Tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn thì thực sự không có nhiều. 
 
Do đó, những CEO trẻ lãnh đạo doanh nghiệp lọt vào Bảng xếp hạng VNR500, theo đơn vị xếp hạng, có thể được xem như những “tài năng không đợi tuổi”, xứng đáng trở thành các đại diện tiêu biểu cho thế hệ mới sẽ dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp Việt tiến vào một giai đoạn kinh doanh mới đầy thử thách, đồng thời được kỳ vọng sẽ góp phần đưa kinh tế Việt Nam bước qua giai đoạn chuyển mình khó khăn để tăng trưởng ổn định và hội nhập kinh tế quốc tế. 
 
Vietnam Report nhận định, trong năm 2015, sẽ có khá nhiều các lãnh đạo lớn tuổi nhường ghế cho đội ngũ kế cận. Đây là cơ hội rất tốt cho những người trẻ có tài, có tâm khẳng định mình để trở thành các ứng viên tiềm năng.
-----------------------
Hòa Phát đạt lợi nhuận sau thuế 3.200 tỷ đồng
 Chiều nay (20/1) Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã họp tổng kết năm 2014, theo đó doanh thu toàn tập đoàn năm 2014 đạt khoảng 26.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch trên 10%. Lợi nhuận sau thuế đạt 150 triệu USD (khoảng 3.200 tỷ đồng).
 
Đại diện của HPG cho biết năm 2014 là năm có doanh thu và lợi nhuận cao nhất của tập đoàn. Đóng góp vào tăng trưởng năm 2014 của tập đoàn, chủ yếu là lĩnh vực sản xuất thép - ngành sản xuất chính của tập đoàn Hòa Phát.
 
Các lĩnh vực khác như nội thất, điện lạnh, bất động sản cũng đóng góp vào một phần doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn. Năm 2014, lĩnh vực khai khoáng tiếp tục là lĩnh vực khó khăn nhất của tập đoàn này.
Ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết trong năm 2015 dự kiến doanh thu có tăng trưởng nhưng không đạt mức cao: “Năm 2014 là năm ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất của HPG. Dự kiến kế hoạch sản lượng thép bán ra của chúng tôi trong năm 2015 chỉ tăng 20% so với năm 2014. Đây là nhiệm vụ được đặt ra và phải nỗ lực mới có thể đạt được”.
 
Theo ông Dương, thị trường nội địa đang đóng góp gần 90% doanh thu, lợi nhuận của HPG và thị trường xuất khẩu đóng góp không đáng kể. Năm 2014, Hòa Phát xuất khẩu phôi thép đạt khoảng 170.000 tấn, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Philipines, Indonesia. Các sản phẩm thép thành phẩm xuất khẩu được xuất khẩu sang Úc và Lào.
 
Hiện sản xuất phôi thép, thép xây dựng (thép thành phẩm) đang hoạt động chính của thép Hòa Phát. Năm 2014 sản lượng ống thép của HPG đạt 250.000 tấn, chiếm 21% tổng sản lượng. Trong năm 2015, tập đoàn này dự kiến tăng sản lượng sản xuất ống thép lên 20% so với năm 2014.
 
Theo ông Trần Tuấn Dương: “Hòa Phát hiện đang đầu tư dự án lò cao giai đoạn 3, dự kiến cho sản lượng ra thị trường vào quý I/2016. Các sản phẩm này có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại của tổ hợp thép Formosa (Hà Tĩnh) dự kiến cho ra sản lượng vào năm 2016.
 
Chia sẻ về xu hướng giá quặng thế giới đang rẻ, việc duy trì các mỏ khai thác quặng tại trong nước của Hòa Phát đang gặp khó khăn, ông Trần Tuấn Dương khẳng định Hòa Phát đã tính đến phương án nhập khẩu quặng thép nước ngoài trong tương lai gần. “Chúng tôi đã tính đến phương án sẵn sàng sử dụng 50% quặng nhập khẩu từ nước ngoài. Số quặng nhập này có thể đến là từ Brazil - nước xuất khẩu quặng số 1 thế giới hiện nay. Mức giá đến cảng của Việt Nam hiện nay là khoảng 70 USD/tấn. Đây là mức giá chấp nhận được”.
 
Chia sẻ thêm về doanh thu toàn tập đoàn năm 2014, ông Dương nhấn mạnh đến các lĩnh vực khác như bất động sản. Hiện dự án bất động sản đang đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận của HPG năm 2014 là dự án lớn là Mandarin garden (Hà Nội) đóng góp khoảng 300 tỷ đồng lợi nhuận của tập đoàn.
 
Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2017, HPG sẽ đưa dự án nhà ở tại Hoàng Mai (Hà Nội). Đây là dự án có diện tích 1,3ha, tổng đầu tư 1.600 tỷ đồng, đưa ra thị trường khoảng 700 căn hộ với mức giá bán dự kiến từ 20 – 24 triệu/m2.
-------------------------
Sự ma mãnh của Abbott khi ghi nhãn sữa kỳ thị
Với chiêu ghi dòng chữ "Không bán tại Việt Nam và Mexico" của sữa nước Ensure (Abbott, Mỹ), các nhà quản lý của Việt Nam lo ngại sẽ tạo tiền lệ xấu cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. 
 
Cuộc họp của Bộ Y tế hôm 19/1 về vụ việc này vẫn chưa tìm ra được biện pháp xử lý cụ thể nào.
 
Tiền lệ xấu, cạnh tranh không lành mạnh
 
Sau "cảnh báo" của Ban chỉ đạo 389 về dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh đối với sữa nước Ensure, hôm 19/1, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp kín với các bộ, ngành liên quan làm rõ hiện tượng này.
 
Chia sẻ sau cuộc họp, một đại diện Bộ Công Thương lo ngại: "Nếu không xử lý rõ ràng, vụ việc này sẽ tạo tiền lệ xấu cho nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực khác bắt chước, gây thiệt hại tới người tiêu dùng".
 
Trước đó, theo phản ánh của Ban chỉ đạo 389, kể từ năm 2013, hãng sữa Abbott Laboratories của Mỹ đã ghi thêm dòng chữ "Not to be sold in Vietnam or Mexico" - tạm dịch "Không bán tại Việt Nam hay Mexico" - trên sản phẩm sữa Ensure Nutrition Shake. Đồng thời, sữa nước tương tự là Ensure Gold Vigor 237ml thì vừa không có dòng chữ trên, vừa nêu rõ nội dung do công ty Dinh dưỡng 3A phân phối tại Việt Nam.
 
Nhờ đó, thị phần của Công ty Dinh Dưỡng 3A tăng nhanh chóng mặt. Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này năm 2013 tăng tới 63%, trị giá khoảng 300 tỷ đồng. Trước đây, có 50 nhà nhập khẩu nhập hợp pháp mặt hàng trên, song, khi Abbott phát minh kiểu ghi nhãn lạ lùng này, giá bán sữa do công ty này phân phối đã tăng từ 2-3 lần so với trước.
 
Ngược lại, một hệ luỵ không mong muốn khác là thị trường Việt Nam vẫn xuất hiện loại sữa Ensure thứ hai mà nhà sản xuất đã "cấm bán" vào Việt Nam.
 
Theo Ban chỉ đạo 389, một số doanh nghiệp nhập khẩu loại sữa này đã làm giả bản xác nhận sản phẩm lưu hành tự do tại Mỹ để đưa vào hồ sơ xin công bố chất lượng và lưu hành ở Việt Nam. Trong thời gian chờ đợi, hải quan đã cho phép các doanh nghiệp mang hàng về tự bảo quản. Tuy nhiên, trong khi Bộ Y tế đã tỉnh táo chỉ đạo không kiểm tra chất lượng các sản phẩm có dòng chữ này thì không hiểu vì lý do gì, Bộ Công Thương lại có văn bản cho phép các doanh nghiệp tạm giải toả lô hàng sữa trên, dẫn đến việc thẩm lậu vào thị trường nội địa.
 
Ban chỉ đạo 389 cho biết, tình hình buôn lậu mặt hàng này ước gây thất thu ngân sách 40-50 tỷ đồng/năm.
 
Được biết, tại cuộc họp, đại diện của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương và nhiều ý kiến khác cũng đồng tình cho rằng, có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh ở đây vì cách chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Rõ ràng ở đây có ý đồ khác của hãng sữa Abbott.
 
Không ít ý kiến đại diện Bộ ngành bày tỏ, nếu hãng nào cũng kinh doanh kiểu Abbott thì người tiêu dùng sẽ thiệt hại lớn. Bởi, khi có nhu cầu cao, trong khi thị trường không có cạnh tranh, nhà phân phối độc quyền và nhà sản xuất chính hãng sẽ dễ dàng bắt tay nhau tăng giá.
 
Lúng túng xử lý
 
Luật Cạnh tranh của Việt Nam có quy định cấm các nhà sản xuất, phân phối ghi nhãn hiệu gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, đồng thời, cũng cấm các hành vi như lợi dụng vị trí độc quyền thị trường để thao túng về giá, gây thiệt hại tới các doanh nghiệp khác và người tiêu dùng. Luật này cũng nghiêm cấm việc liên kết làm giá giữa các doanh nghiệp với nhau.
 
Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh hay bất cứ Luật nào của Việt Nam chỉ điều chỉnh các đối tượng trong giới hạn phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Các cơ quan quản lý ở Việt Nam sẽ không có quyền xử lý việc ghi nhãn đối với loại đồ uống không thuộc Việt Nam.
 
Trong trường hợp này, tất cả các loại sữa nước Ensure đã có dòng chữ "không bán tại Việt Nam và Mexico" sẽ được hiểu là sản phẩm thuộc nước ngoài được nhập trái phép vào Việt Nam. Như vậy, hãng sữa Abbott của Mỹ rất dễ dàng thoái thác trách nhiệm và đổ lỗi do công ty khác làm ăn phi pháp hay do cơ quan chức năng Việt Nam buông lỏng quản lý.
 
Trên thực tế, Abbott cũng đã từng biện minh rằng, việc ghi nhãn như vậy chỉ đơn giản là để chống xuất lậu sang Việt Nam.
 
Cùng đó, công ty Dinh Dưỡng 3A cũng nghiễm nhiên đứng ngoài cuộc, cho dù, công ty này đã hưởng lợi lớn từ vụ ghi nhãn kỳ thị. Nhà phân phối này sẽ chỉ bị xử lý khi nào Bộ Công Thương tìm được dấu hiệu của việc thao túng giá cả, nhưng việc này chắc chắn là không dễ.
 
Bởi như Ban chỉ đạo 389 nêu, tổng kim ngạch nhập khẩu sữa này là 700 tỷ đồng. Với 300 tỷ đồng kim ngạch của Dinh Dưỡng 3A thì công ty này chỉ chiếm thị phần 42%, không phải là quá bán nên sẽ khó quy kết công ty lợi dụng vị trí độc quyền để lũng đoạn thị trường.
 
Gỡ nút cho vụ việc này chỉ có thể là đàm phán với Abbott Laboratories - theo Ban chỉ đạo 389. Các bộ nên đề nghị họ thay đổi cách ghi nhãn, thay đổi phương thức chống nhập lậu thông qua phối hợp với với cơ quan chức năng Việt Nam. Nếu vẫn giữ nguyên như hiện nay, Bộ Y tế sẽ không thể cấp phép về chất lượng bởi không có đơn vị nào chịu trách nhiệm nếu sự cố xảy ra. Vụ việc này, tuy rõ ràng là cạnh tranh không lành mạnh, cũng sẽ rơi vào ách tắc.
 
Abbott là thương hiệu sữa của Mỹ rất quen thuộc ở Việt Nam. Năm 2014, khi sữa chuẩn bị áp giá trần, hãng này đã nghĩ ra chiêu lách luật là rút ruột, giảm trọng lượng hộp nhưng vẫn giữ nguyên giá. Khi kiểm tra, Bộ Tài chính vẫn phải thừa nhận hãng này không sai.
 
"Nếu không giải quyết, cơ quan quản lý sau này sẽ gặp nhiều trường hợp tương tự ở các nhãn hàng khác. Kết cục, cơ quan quản lý lại phải chạy theo doanh nghiệp", đại diện Bộ Công Thương lo ngại.
---------------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo