Sở cảnh sát Bắc Kinh đã có đợt tập trận chống khủng bố đầu tiên của năm 2015 vào chiều thứ sáu nhằm đảm bảo sự chuẩn bị an ninh đặc biệt cho Tết Nguyên đán.
Buổi diễn tập có sự tham gia của khoảng 200 cảnh sát, bao gồm cả lực lượng quân đội đặc biệt và cảnh sát vũ trang.
Ngoài ra còn có hai máy bay trực thăng và hơn 40 chiếc xe thường được dùng cho điều khiển giao thông và các ứng phó khẩn cấp khác cũng được sử dụng – một phát ngôn viên cảnh sát cho biết.
Trong buổi diễn tập, các chiến sĩ cảnh sát đã cho thấy họ có khả năng giải quyết các sự cố khủng bố diễn ra như mô phỏng trong vòng 40 phút. Ma Đồng, Phó trưởng khoa chống khủng bố của Bắc Kinh Văn phòng Công an cho biết các bài tập được thực hiện nhằm kiểm tra khả năng phản ứng và phối hợp của cảnh sát.
Trường hợp giả định được đưa ra là hai kẻ khủng bố có ý định tấn công Bắc Kinh. Cảnh sát thiết lập các trạm kiểm soát trên các tuyến đường chính của thành phố. Hai tên khủng bố sau đó đã cố gắng tiếp cận thủ đô. Kết cục, một trong hai tên khủng bố bị bắn chết, tên còn lại bị thương và bị bắt.
Sau đó, ba tên khủng bố khác tấn công các thường dân ở Bắc Kinh. Cảnh sát triển khai lực lượng đến hiện trường trong vòng một phút và giết chết một tên. Hai tên còn lại xông vào một cửa hàng và bắt giữ hai người làm con tin. Sau khi đàm phán thất bại, cảnh sát đã bắn chết cả hai để cứu thoát những con tin.
Trong năm ngoái, Sở cảnh sát Bắc Kinh đã tiến hành tổng cộng 11 cuộc diễn tập chống khủng bố. Năm nay Bắc Kinh sẽ tăng cường nỗ lực chống khủng bố và đảm bảo sự ổn định và an ninh của thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới cũng như các phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc và Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc.
Trường hợp giả định chống khủng bố lần này của Trung Quốc tương đối có những nét tương đồng với vụ khủng bố thảm sát Charlie Hebdo và tấn công cửa hàng do Thái ở Paris.
Vất vả tiếp xúc, đấu thầu và phải mất đến 3 năm mới đưa được tàu sân bay về cảng Liêu Ninh sau hành trình gian khổ, doanh nhân Hồng Kông Xu Zengping cho biết ông đã tiêu tốn tới 120 triệu USD trong thương vụ này, nhưng “chưa được chính phủ thanh toán một xu”.
Từng là một vận động viên bóng chuyền của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Châu, năm 1998 ông Xu được các sỹ quan hải quân Trung Quốc lúc bấy giờ tiếp cận, để nhờ đứng ra mua tàu sân bay Varyag của Ukraine, đang đóng bị bỏ dở sau khi Liên Xô (cũ) sụp đổ.
Vị doanh nhân được chọn bởi trước đó, từ năm 1992, Trung Quốc đã ngỏ lời với Ukraine nhưng lập tức bị từ chối do lo ngại áp lực từ Mỹ. Nhưng ông phải hoàn toàn bỏ tiền túi, và cũng được thông báo về khả năng giới chức Bắc Kinh sẽ không phê duyệt cho hải quân tiếp nhận.
Sau những ngày thương thảo và tiệc tùng túy lúy, trong vai một doanh nhân muốn mua tàu sân bay về làm casino, Xu đã có được chiếc tàu sân bay với giá 20 triệu USD. Từ ngày 30/4/1999, khi khoản thanh toán cuối cùng được thực hiện, ông chính thức là chủ sở hữu mới. Nhưng đó mới chỉ là một phần nhỏ nhiệm vụ, bởi làm sao để kéo con tàu khổng lồ từ Biển Đen về Đại Liên là cả một thử thách khác.
Gian nan 3 năm kéo tàu về nước
Ngay trong quá trình đàm phán, xưởng đóng tàu của Ukraine đã tuyên bố sẽ không chịu trách nhiệm đưa tàu tới Trung Quốc. Và ông Xu sẽ phải làm sao đưa được chiếc tàu sân bay từ Biển Đen ra Đại Tây Dương rồi về Trung Quốc.
Ngày 14/6/1999, hành trình gian nan bắt đầu, với những tuần đầu khá suôn sẻ, cho đến khi họ đi vào eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ. Do vào thời điểm đó quan hệ Trung - Mỹ đang xuống dốc, còn Thổ Nhĩ Kỳ lại là đồng minh của Mỹ, chiếc tàu sân bay không được phép qua cánh cửa duy nhất mở đường ra Địa Trung Hải để từ đó ra Đại Tây Dương.
Sau một tháng ăn trực năm chờ, toàn bộ đoàn tàu kéo, cùng chiếc tàu sân bay phải quay trở lại Ukraine. “Tôi cảm thấy quá bất lực khi tàu đợi cả tháng tại eo biển Bosphorus. Đã có lúc tôi chuẩn bị cho tình huống xấu nhất: Chúng tôi thà để con tàu khổng lồ chìm xuống đáy eo biển này, hơn là để nó rơi vào tay các nước đối địch với Bắc Kinh”, ông Xu chia sẻ.
Suốt 15 tháng sau đó, Varyag phơi mình tại một cảng ở Biển Đen, trước khi diễn biến tại Bắc Kinh có lợi cho ông Xu. Sau nhiều năm phản đối, lãnh đạo nước này cuối cùng cũng xem lại dự án tàu sân bay của hải quân, khi việc sở hữu tàu sân bay để ngăn chặn Mỹ trở nên hấp dẫn hơn trước.
Tháng 4/2000, Chủ tịch Trung Quốc khi đó, ông Giang Trạch Dân, công du Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, ông hứa sẽ khuyến khích du khách Trung Quốc tới thăm nước này, và mở cửa thị trường nội địa cho hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Động tác chính trị này đã giúp mở đường cho Varyag. Ngày 25/8/2001, giới chức Ankara chấp thuận cho tàu sân bay đi qua eo biển này vào Địa Trung Hải.
Vậy là ngày 1/11 năm đó, Varyag cùng 11 tàu kéo và 15 tàu ứng cứu đi qua eo biển Bosphorus tiến ra Địa Trung Hải. Tuy nhiên, thử thách chưa phải đã dừng lại. Có thời điểm, tàu sân bay bị trôi dạt tới 4 ngày trên biển do bão khiến cáp neo với các tàu kéo bị đứt.
Trong những tuần còn lại của năm, đoàn tàu chậm chạp tiến qua Địa Trung Hải, qua eo biển Gibraltar vào Đại Tây Dương, trước khi vòng xuống mũi Hảo Vọng, qua eo biển Malacca của Malaysia để về Biển Đông. Ngày 3/3/2002, 5 tàu kéo đưa Varyag về đến Đại Liên.
Ông Xu cho biết vào thời điểm đó, ông cảm thấy như “một đứa con lưu lạc tìm được đường về nhà”. “Nhưng tôi không thực sự cảm thấy nhẹ nhõm cho đến khi nó được đưa vào biên chế hải quân 12 năm sau đó. Cảm giác giống như cuối cùng cũng được thấy con mình lớn lên và kết hôn”.
120 triệu USD chi phí chưa được thanh toán một xu
Những tháng ngày dài chờ đợi, thuê tàu kéo, tàu hộ tống và chi phí cảng biển đã khiến cho chi phí mua Varyag đội lên chóng mặt.
“20 triệu USD chỉ là mức giá khi đấu giá tàu sân bay. Trên thực tế tôi đã phải trả ít nhất 120 triệu USD cho thương vụ trong giai đoạn 1996 - 1999. Nhưng tôi vẫn chưa nhận lại được một xu nào từ chính phủ. Tôi đơn giản là bàn giao nó cho hải quân”, Xu chia sẻ.
Để có tiền trang trải, Xu phải bán đi ngôi biệt thự như cung điện của mình tại Hồng Kông năm 1999 cùng nhiều bất động sản khác.
Một nguồn tin cho biết, Xu phải gánh những chi phí này do nhiều quan chức hải quân từng tiếp cận ông để đề xuất nhiệm vụ đã chết hoặc đang bị tống giam. “Ji Shengde, cựu chỉ huy tình báo hải quân, là người đã giao cho Xu thực hiện thương vụ này”, nguồn tin cho biết. “Nhưng Ji bị sa thải và nhận án tử hình hoãn thi hành năm 2000, do dính líu vào một vụ bê bối buôn lậu tại Phúc Kiến”.
Gánh nặng tài chính khiến Xu tán gia bại sản, phải vay mượn khắp nơi, trong đó có 230 triệu đô la Hồng Kông (2,58 triệu USD) từ một người bạn.
“Tôi đã mất 18 năm trả nợ kèm tiền lãi, với khoản nợ cuối cùng được trả hết vào năm nay. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm bởi bạn tôi giờ đã 81 tuổi, và tôi từng hứa với ông ấy sẽ trả hết nợ khi ông ta còn sống”.
Theo cuốn sách Tàu sân bay, do China Development Press xuất bản, Xu đã thương lượng với chính quyền Bắc Kinh trong nhiều năm để được bồi thường. Nhưng chính phủ tuyên bố sẽ chỉ trả 20 triệu USD giá đấu giá, và khẳng định Xu chỉ được bồi thường nếu cung cấp được hóa đơn.
Xu cho biết chính phủ trung ương từ chối thanh toán bởi “hải quân không có đủ ngân sách vào thời điểm cuối những năm 1990, do kinh tế Trung Quốc khó khăn”.
“Nhưng đó không phải lí do hợp lý. Làm sao họ có thể triển khai chiến dịch “2 quả bom và một vệ tinh” trong những năm 1960? Đó là thời điểm khó khăn nhất của đất nước với nhiều người chết đói”, Xu nói, nhắc lại chương trình quốc gia thử nghiệm bom nguyên tử và bom hydro, cùng nỗ lực đưa vệ tinh đầu tiên vào vũ trụ.
Dù sao ông cũng cảm thấy được an ủi phần nào. “Một số chuyên gia hải quân nói với tôi rằng thương vụ giúp đất nước này tiết kiệm ít nhất 15 năm nghiên cứu khoa học”, Xu nói. “Tôi không nản lòng và mong muốn của tôi là hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cuối cùng, thì nó cũng gián tiếp giúp thúc đẩy chính phủ thay đổi chính sách quân sự của họ”.
---------------------------
"Trung Quốc triển khai tên lửa hạt nhân nhằm vào Nhật"
Một tờ báo Trung Quốc hôm 18/1 đưa tin nước này đã triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-21 nhằm vào Nhật tại núi Trường Bạch/Beakdu đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Triều Tiên.
Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc cho biết báo International Herald Leader của Trung Quốc ngày 18/1 đã đưa thông tin trên sau khi phân tích đoạn phim tài liệu của Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc về một quân đoàn trang bị vũ khí hạt nhân và tên lửa đang huấn luyện ở vùng núi đông bắc Trung Quốc.
Tuy nhiên, Chosun Ilbo nhận định rằng do International Herald Leader là một ấn bản chính thức nên bài báo đó giống một bài tuyên truyền cho chính phủ hơn là một bài điều tra.
Vị trí Trung Quốc triển khai tên lửa Đông Phong-21 là núi Trường Bạch, một vùng lãnh thổ tranh chấp nằm trên đường biên giới chung giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, được Bình Nhưỡng gọi là núi Baekdu.
Theo báo Hàn Chosun Ilbo, tên lửa Đông Phong-21 lần đầu tiên được công khai trong cuộc diễu hành quân sự tại Bắc Kinh nhân ngày quốc khánh Trung Quốc năm 1999. Các tên lửa Đông Phong-21 nguyên gốc là loại tên lửa đạn đạo đất đối đất có tầm xa 1.700 - 2.100km. Các phiên bản này có thể bắn trúng bất kỳ mục tiêu nào ở Hàn Quốc và Nhật, gồm cả căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa.
Tên lửa Đông Phong-21 có thể chở theo một đầu đạn hạt nhân 200-500 kiloton, dài 10,7m và có thể bay với tốc độ Mach 10 (3.402,9m/s). Độ chính xác của Đông Phong-21 cũng đã được cải thiện, tăng gấp 10 lần với bán kính sai lệch chỉ còn 30-40m.
Tuy nhiên, phiên bản mới nhất của Đông Phong-21 đã được cải tiến thành tên lửa đạn đạo chống hạm với tầm xa lên tới 3.000km, có thể đe dọa hạm đội tàu sân bay của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Phiên bản này có thể tấn công hạm đội tàu sân bay Mỹ ở gần Guam, khu vực đầu cầu chiến lược của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương hay bất kỳ mục tiêu nào ở khu vực biển Hoa Đông. Loại tên lửa này rất khó đánh chặn vì nó bay rất nhanh và có thể thay đổi đường bay ở giai đoạn cuối.
Báo Hàn Quốc cũng cho hay Trung Quốc được cho là đã triển khai tên lửa Đông Phong-21 ở bờ biển tỉnh Sơn Đông để chuẩn bị cho các trường hợp xung đột với Nhật về vấn đề tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tại Hoa Đông. Tỉnh Sơn Đông nằm gần biển Hoa Đông và là nơi dễ bị không quân Nhật tấn công trong trường hợp xảy ra xung đột.
Trung Quốc được cho là có tới 50-100 tên lửa Đông Phong-21 các loại.
Chosun Ilbo dẫn lời Giáo sư Cho Yang-hyun của Học viện Ngoại giao Hàn Quốc nhận xét: "Nếu Trung Quốc triển khai tên lửa Đông Phong-21 tại núi Baekdu thì đó là một lời cảnh báo với liên minh quân sự 3 bên giữa Mỹ-Nhật-Hàn".
------------------------
IS bắt 2 con tin Nhật, đòi chuộc 200 triệu USD
Nhóm Hồi giáo cực đoan nhà nước Hồi giáo (IS) đang dọa sẽ giết hại 2 con tin người Nhật, nếu Tokyo không chấp nhận trả 200 triệu USD tiền chuộc trong vòng 72 giờ tới, theo một đoạn clip do nhóm khủng bố này công bố ngày 19/1.
Trong đoạn phim, một tay súng mặc đồ đen giơ lên một con dao trong khi đưa ra thông điệp bằng tiếng Anh. Những kẻ này đứng giữa hai con tin mặc trang phục màu cam.
“Các người có 72 giờ tính từ giờ phút này để gây áp lực lên chính phủ đưa ra một quyết định khôn ngoan, đó là chi ra 200 triệu USD để cứu sinh mạng các công dân của mình”, kẻ phiến quân nói.
Kẻ này khẳng định khoản tiền chuộc là để bù đắp cho những viện trợ phi quân sự mà thủ tướng Nhật Shinzo Abe vừa cam kết để hỗ trợ chiến dịch chống IS, trong chuyến công du Trung Đông vẫn đang diễn ra. Trong ngày 20/1, ông Abe đang ở thăm Jerusalem.
Chính phủ Nhật khẳng định đang xem xét những lời đe dọa.
“Chúng tôi có biết thông tin trên. Chúng tôi đang thảo luận về vấn đề này”, một quan chức đơn vị chống khủng bố của Bộ ngoại giao Nhật cho biết, nhưng từ chối cung cấp danh tính. Khi được hỏi liệu chính phủ Nhật có cho rằng đoạn phim là xác thực hay không, người này nói: “Chúng tôi cũng đang kiểm tra nó”.
Một trong những con tin từng xuất hiện trong đoạn clip được đăng tải hồi tháng 8, trong đó người này cho biết tên mình là Haruna Yukawa, và bị thẩm vấn một cách thô bạo bởi những kẻ bắt giữ.
Con tin thứ hai, có tên là Kenji Goto, sinh năm 1967, là một phóng viên tự do, người đã lập ra một công ty có tên Independent Press tại Tokyo năm 1996, sản xuất phim tài liệu, về Trung Đông và các khu vực khác cho truyền hình Nhật, bao gồm cả kênh NHK.
---------------------------