Năm 2014, thanh tra phát hiện sai phạm trên 51.000 tỉ đồng, trong đó có vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản...
Thực hiện công tác thanh tra năm 2014, toàn ngành thanh tra phát hiện sai phạm trên 51.000 tỉ đồng, trong đó chỉ ra được hàng loạt hình thức vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý tài chính, ngân sách...
Cụ thể, báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu rõ năm 2014 đã phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 51.600 tỉ đồng và gần 1.700ha đất; kiến nghị xử lý hành chính hơn 2.000 tập thể, gần 15.500 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra xử lý 55 vụ việc.
Sai phạm chủ yếu tập trung ở Tập đoàn Cao su VN (hơn 8.360 tỉ đồng), công tác quy hoạch quản lý sử dụng đất đai tại Bình Dương (hơn 1.500 tỉ đồng), việc chấp hành quy định về phòng chống tham nhũng tại UBND TP Hà Nội (hơn 1.560 tỉ đồng)...
Tiếp tục thực hiện kế hoạch thanh tra, năm 2015 Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra hàng loạt nội dung đang được dư luận quan tâm.
Đáng chú ý là việc sản xuất và nhập khẩu trang thiết bị y tế, thực hiện cơ chế xã hội hóa trong khám và chữa bệnh sẽ được các đơn vị của Thanh tra Chính phủ thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện những sai phạm cũng như chỉ ra những vấn đề chưa hoàn thiện để rút kinh nghiệm.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Nguyễn Thành Chung bày tỏ băn khoăn về hiệu quả thu phí xe máy cho quỹ bảo trì đường bộ.
Băn khoăn này được ông Nguyễn Thành Chung nêu lên tại hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải ngày 19/1.
Theo ông Chung, HĐND TP.HCM đã thống nhất thu phí xe máy cho quỹ bảo trì đường bộ. Tuy nhiên, việc thu phí cần để người dân thấy rõ hiệu quả.
"Người ta nộp phí vào mình phải sử dụng tiền đó để đầu tư vào công trình gì, họ thấy được việc đóng phí là hợp lý, lúc đó công tác thu phí mới hiệu quả và được người dân ủng hộ", ông Chung nói.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt câu hỏi: “Tôi hỏi luôn giám đốc sở là theo cá nhân anh có nên thu phí xe máy không?”.
Ông Chung trả lời: “Theo tôi, có thu phí nhưng cách thu như hiện nay rõ ràng rất khó khăn, tỉ lệ đạt được không cao. Như vậy chưa có những giải pháp hữu hiệu, cần xem xét vì nhiều người không muốn đóng nhưng có những người ý thức tự giác đóng thì tỉ lệ thu được để duy tu, sửa chữa đường thấp so với năng lực của Nhà nước bỏ ra".
Ông Chung cho biết thêm việc thu phí xe gắn máy để góp vốn duy tu đường và góp phần hạn chế xe cá nhân nhưng thực tế hiện nay người sử dụng xe máy là người nghèo, thu nhập thấp, cho nên tỉ lệ thu được đóng góp vào duy tu không lớn so với ngân sách bỏ ra.
Theo ông Chung, việc thu phí xe máy do mới năm đầu thực hiện nên chưa đánh giá khả năng như thế nào. Phải làm tốt để có đánh giá.
Thứ hai về cơ chế đã đặt ra thu phải có chế tài kiểm tra. Hiện nay tự thanh tra hoặc các bộ ngành, UBND các cấp kiểm tra không hiệu quả.
-------------------------
Lừa “chạy” chính sách cho 242 cựu chiến binh
Ông Chuẩn nhận hồ sơ và tiền (800.000 đến 2 triệu đồng) của 242 cựu chiến binh để “chạy” chế độ chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam (dioxin).
Ngày 20-1, Công an TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với ông Nguyễn Viết Chuẩn (sinh năm 1950, trú tại phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc).
Trong ba năm từ năm 2009 đến năm 2012, ông Chuẩn đã nhận hồ sơ và tiền của 242 cựu chiến binh tại các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Di Linh và TP. Bảo Lộc và hứa “chạy” chế độ chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam (dioxin). Tuy nhiên, toàn bộ số tiền sau đó bị ông Chuẩn lấy tiêu xài cá nhân.
Cơ quan điều tra xác định ông Chuẩn đã chiếm đoạt của 242 cựu chiến binh khoảng 450 triệu đồng. Riêng tại TP. Bảo Lộc, ông Chuẩn đã chiếm đoạt hơn 130 triệu đồng của 79 người.
Theo thông tin từ Công an TP. Bảo lộc, ông Chuẩn là thương binh hạng 4/4, làm nghề thu mua phế liệu. Quá trình đi thu mua, ông Chuẩn quen nhiều người đã từng chiến đấu và đóng quân tại khu vực giáp ranh tỉnh Bình Phước, Bình Thuận (những vùng bị Mỹ rải chất độc da cam).
Ông Chuẩn gợi ý với các cựu chiến binh tập trung giấy tờ để ông Chuẩn “chạy” chế độ, chi phí cho mỗi hồ sơ là 3 triệu đồng. Ông Chuẩn thu trước một phần khi tiếp nhận hồ sơ, sẽ nhận phần còn lại khi có kết quả.
Sau đó, ông Chuẩn đứng ra tổ chức khám sức khỏe, nhận hồ sơ của 242 và đã thu mỗi hồ sơ từ 800.000 đến 2 triệu đồng. Để tạo lòng tin, khi nhận tiền của một số người, ông Chuẩn đã viết “giấy vay tiền” với nội dung xác nhận số tiền, ngày tháng và tên người vay.
Trong quá trình làm rõ vụ việc, Cơ quan điều tra đã thu tại nhà ông Chuẩn 191 bộ hồ sơ và 48 giấy vay tiền. Các hồ sơ của các cựu chiến binh được xác định đều không thuộc diện được hưởng chế độ chính sách đối với người nhiễm chất độc màu da cam.
Ông Chuẩn được cho tại ngoại nhưng bị cấm rời khỏi nơi cư trú.
-------------------------
50.000 thẻ BHYT cùng ngày sinh: Cấp lại thẻ, xin lỗi học sinh
Bảo hiểm xã hội TP Buôn Ma Thuột vừa đến Trường THCS Lương Thế Vinh xin lỗi gần 1.000 học sinh, giáo viên của trường vì đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh có cùng ngày, tháng sinh.
Sáng 19-1, bà Nguyễn Thị Thanh Trà - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - đã đến Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Buôn Ma Thuột) xin lỗi học sinh, giáo viên vì đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh có cùng ngày, tháng sinh. Gần 1.000 học sinh của Trường THCS Lương Thế Vinh bị sai sót này (Tuổi Trẻ ngày 11-1).
Trước toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh (khối buổi sáng), bà Nguyễn Thị Thanh Trà đã nói lời xin lỗi. Theo bà Trà, lỗi do cơ quan bảo hiểm đã nhập chưa đầy đủ thông tin cá nhân cho học sinh trong khi nhà trường đã cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan bảo hiểm.
“Thẻ bảo hiểm y tế đã cấp cho học sinh đầu tháng 1-2015 vẫn còn thiếu thông tin cá nhân và chưa có địa chỉ nơi cư trú. Ngoài việc bổ sung thông tin cho đầy đủ để in cấp lại thẻ cho hơn 50.000 học sinh bậc tiểu học và THCS, Bảo hiểm xã hội TP Buôn Ma Thuột cũng sẽ bổ sung thông tin để cấp lại thẻ bảo hiểm y tế năm 2015 cho gần 200.000 trường hợp khác” - bà Trà nói.
---------------------------