Đó là chất vấn của Bộ trưởng Đinh La Thăng đối với lãnh đạo tỉnh Bình Định về chậm tiến độ giải phóng mặt bằng dự án mở rộng, nâng cấp tuyến QL1A.
Sáng 19/1, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2014, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chất vấn lãnh đạo tỉnh Bình Định về việc chậm trễ trong công tác bàn giao mặt bằng dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường QL1A. Theo Bộ trưởng, Bình Định là tỉnh chậm nhất trong công tác bàn giao mặt bằng dự án.
Trước câu hỏi “đến thời điểm nào thì hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng cho dự án?” của Bộ trưởng Thăng, ông Mai Thanh Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định hứa đến thời điểm trước Tết Nguyên đán sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho nhà thầu.
"Có chắc chắn là hoàn thành trước Tết hay không? Lãnh đạo tỉnh từ Bí thư đến Chủ tịch tỉnh đã hứa nhiều lần lắm rồi", Bộ trưởng Thăng nói và cho biết, đích thân sẽ trực tiếp đi kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng tại tỉnh Bình Định trước Tết Nguyên đán.
Khẳng định sẽ hoàn thành trước Tết, ông Mai Thanh Thắng kiến nghị Bộ GTVT một số điểm đen về ùn tắc giao thông cản trở dự án này. Nổi bật là tuyến sân bay Phù Cát về TP. Quy Nhơn khiến thời gian di chuyển tăng gấp đôi từ 30 phút lên đến 1 giờ.
Trước kiến nghị Bộ trưởng chỉ đạo quyết liệt hơn với các đơn vị thi công để đảm bảo giao thông đi lại cho tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, đảm bảo giao thông, chống ùn tắc là trách nhiệm của địa phương. Bởi dự án đã có gói thầu riêng, Bộ giao trách nhiệm cho công an và Sở GTVT địa phương đảm bảo trật tự giao thông và lưu thông trong khi mở rộng QL1.
"Lãnh đạo tỉnh không thể đề nghị việc của của mình cho người khác làm được", ông Thăng nói.
Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A dài hơn 40 km theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, kéo dài từ huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định đến huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên được khởi công ngày 31/3/2013 với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty Cổ phần BOT Bình Định thực hiện với 5 nhà thầu liên danh, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tài trợ tín dụng.
Công trình được thực hiện trong gần 3 năm, dự kiến đến tháng 12/2015 hoàn thành. Trong thời gian ngắn gần đây Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần họp trực tuyến kiểm điểm, phê bình lãnh đạo tỉnh Bình Định do chậm trễ trong triển khai thực hiện dự án này.
Trên cơ sở đề nghị của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức đồng ý chủ trương đầu tư Dự án Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
Theo đó, nhà nước sẽ xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thành một bảo tàng thiên nhiên quốc gia đầu hệ có năng lực nghiên cứu khoa học về thiên nhiên, hỗ trợ cho các bảo tàng thành viên trong hệ thống bảo tàng thiên nhiên Việt Nam về nghiên cứu khoa học, sưu tầm, chế tác và trưng bày bảo quản mẫu vật thiên nhiên.
Đồng thời lưu giữ các giá trị, trưng bày, bảo tồn lịch sử tự nhiên, giá trị thiên nhiên của Việt Nam và thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ý thức gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên và môi trường, nâng cao tự hào về thiên nhiên đất nước và quảng bá các giá trị thiên nhiên Việt Nam.
Địa điểm xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam tại Khu đô thị sinh thái Quốc Oai, thuộc địa giới hành chính xã Liệp Tuyết, Ngọc Liệp và Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội; hoặc Khu Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.
Dự án sẽ xây dựng trên diện tích 32 ha, bao gồm các khu chức năng: Khu trưng bày trong nhà, khu dành cho bộ sưu tập mẫu vật quốc gia, rừng kín thường xanh, hang động, núi đá, công viên đá, khu vườn địa chất, khu trưng bày kết hợp học tập, trung tâm nghiên cứu và văn phòng, khu dịch vụ, hồ nước đảo nổi và aquarium, khu kỹ thuật và chế tác mẫu vật.
Tổng mức vốn đầu tư dự án được xác định trên cơ sở thẩm định các dự án đầu tư cụ thể, phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực đầu tư và được bảo đảm từ các nguồn ngân sách nhà nước, hỗ trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn hợp pháp khác. Đối với nguồn ngân sách nhà nước, việc lập dự toán ngân sách hàng năm thực hiện theo quy định, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ và bố trí vào dự toán ngân sách của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn I từ năm 2015-2020, chuẩn bị mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, tổ chức tìm kiếm, tiếp nhận, thu thập, sưu tầm mẫu vật, xây dựng kịch bản trưng bày và trưng bày, triển lãm, xây dựng kế hoạch và đào tạo nguồn nhân lực.
Giai đoạn II từ năm 2021 - 2025 và giai đoạn tiếp theo sẽ hoàn thiện các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, tìm kiếm, tiếp nhận, thu thập, sưu tầm mẫu vật, bổ sung hoàn thiện kịch bản trưng bày và trưng bày triển lãm, đào tạo nguồn nhân lực.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan quyết định đầu tư Dự án Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành có liên quan.
Ở nước ta một số cơ sở về bảo tàng thiên nhiên đã có từ thời Pháp thuộc chủ yếu phục vụ nghiên cứu khoa học ở một số trường đại học, viện nghiên cứu. Đến nay đã lưu giữ được một số bộ sưu tập có giá trị, là những tư liệu khoa học đặc biệt có giá trị không chỉ với Việt Nam mà còn cả trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có hệ thống bảo tàng thiên nhiên nên tác dụng phổ biến khoa học, giáo dục, tuyên truyền còn hạn chế. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể Hệ thống Bảo tàng Thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020, theo đó Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam là bảo tàng cấp quốc, đầu hệ trong hệ thống bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam; có vai trò hướng dẫn, hỗ trợ trong mạng lưới bảo tàng thiên nhiên; có chức năng nghiên cứu, trưng bày giới thiệu về thiên nhiên Việt Nam một cách tổng hợp, đại diện tiêu biểu.
Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã nhấn mạnh cần đẩy nhanh việc xây dựng Hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.
-------------------------
Quy hoạch xây dựng đô thị tốt để thu hút nhà đầu tư
Đây là một trong những nội dung được đề cập tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về các vấn đề liên quan đến hoạt động xây dựng.
Quy hoạch xây dựng đô thị tốt để thu hút nhà đầu tư
Bộ trưởng Xây dựng (thứ hai từ trái qua) thăm hỏi, chia sẻ với gia đình một chiến sĩ cảnh sát biển tại khu nhà ở xã hội tại TP Vũng Tàu.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Tuấn Minh cho biết, từ năm 2009 về trước, tốc độ tăng trưởng của địa phương không dưới 2 con số, nhưng 5 năm vừa qua Bà Rịa - Vũng Tàu hết sức khó khăn. Tuy nhiên, năm qua tỉnh đã lấy lại tốc độ tăng trưởng ở mức 6,73%, cao hơn so với 2 năm liền kề trước đó mặc dù sự chuyển động vẫn còn chậm.
Đáng chú ý, xuất khẩu vẫn là điểm sáng với con số xuất khẩu dầu khí đạt gần 3 tỷ USD, tốc độ tăng 37%. Đây cũng là tín hiệu tốt giúp tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Bà Rịa - Vũng Tàu có dấu hiệu tăng mạnh trở lại, cùng đó, số vốn trong doanh nghiệp cũng tăng đáng kể.
Từ thực tế của địa phương, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, quy hoạch xây dựng tốt chính là yếu tố thu hút các nhà đầu tư vào địa phương bởi nó đóng vai trò trụ cột với tầm nhìn dài hạn. Vũng Tàu là đô thị được quy hoạch đẹp, được nghiên cứu để hình thành các khu vực phát triển, quản lý theo quy hoạch và kế hoạch.
Theo báo cáo của tỉnh, hiện Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức lập và phê duyệt khoảng 417 đồ án quy hoạch xay dựng. Trong đó có 1 đồ án quy hoạch vùng tỉnh, 12 đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị, 49 đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 các khu trung tâm đô thị, khu dân cư, du lịch, công nghiệp... Về cơ bản, các đồ án quy hoạch được duyệt đều có chất lượng tốt, đảm bảo đáp ứng những yêu cầu phát triển đồng bộ và toàn diện.
Phó Vụ trưởng Vụ Kiến trúc - Quy hoạch Trần Thu Hằng nhận xét: với con số gần 500 đồ án quy hoạch, Bà Rịa - Vũng Tàu là 1 trong những tỉnh đi đầu trong cả nước với nhiều quy hoạch phân khu rất tốt; tỷ lệ phủ kín quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu tới 70%.
Thẳng thắn trao đổi, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Tuấn Minh cho rằng, điểm nghẽn của tỉnh là hệ thống giao thông kết nối cảng Thị Vải – Cái Mép với nhóm cảng biển số 5 phía Nam Việt Nam do không triển khai thông suốt được tinh thần Nghị quyết 53 của Bộ Chính trị.
Đây là cảng nước sâu tự nhiên độ sâu trung bình 17-18m, dự định xây dựng để di chuyển tất cả các cảng TPHCM ra. Nhiều nhà đầu tư đã vào đầu tư rất lớn về bến cảnh, cầu cảng nhưng gặp khó khăn do triển khai chậm. Cùng đó, đường sá cũng không được kết nối, rất khó khi kêu gọi đầu tư.
“Hệ thống hạ tầng của ta cũng còn đang rất thiếu đồng bộ, là điểm nghẽn của quá trình phát triển” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thừa nhận. Kết nối hạ tầng giao thông khu vực cảng là hậu cần của nền kinh tế nhưng nếu không đầu tư tập trung thì sẽ lãng phí, không hiệu quả.
Người đứng đầu ngành xây dựng chỉ rõ thực tế hiện nền kinh tế đang đầu tư theo bề rộng. Năm 2014 cả nước dành 1,2 triệu tỷ đồng tiền đầu tư nhưng vẫn “chưa thấm vào đâu”, nếu vốn bố trí đúng chỗ thì mới phát huy hiệu quả tốt, còn vốn rải dàn trải, hiệu quả kém, làm cho chỉ số ICOR tăng lên. Đây là bài toán rất khó đang cần giải quyết.
Ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong lĩnh vực quản lý xây dựng, tạo dựng một bộ mặt đô thị ngày càng tốt hơn, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý Bà Rịa – Vũng Tàu cần thực hiện tốt hơn nữa công tác hỗ trợ nhà ở với người nghèo và hộ có công. Công tác quản lý phát triển vật liệu xây dựng cũng phải được quan tâm, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế, kiểm soát, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Sau buổi làm việc với tỉnh uỷ Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ trưởng Xây dựng trực tiếp đi kiểm tra khu nhà ở xã hội Chí Linh tại phường Thành Nhất, TP Vũng Tàu. Thăm hỏi gia đình một cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ ngoài khơi xa, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chia sẻ với những khó khăn của đôi vợ chồng trẻ.
Thu nhập mỗi tháng của người vợ chỉ vừa đúng cho khoản tiền gửi con, thuê nhà (tổng cộng 2,7 triệu đồng/tháng). Toàn bộ sinh hoạt của gia đình trông vào lương của anh cảnh sát biển thường xuyên xa nhà. Việc tích luỹ để có thể mua được một căn nhà đối với vợ chồng người cảnh sát biển này rất xa vời nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, chia sẻ của xã hội.
Bộ trưởng Xây dựng cũng nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan chức năng địa phương tổ chức tốt các quy hoạch mới; vận dụng tốt luật nhà ở, phát triển mạnh về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công và các đối tượng sinh viên, học sinh, công nhân lao động.
-------------------------
Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ thăm Việt Nam
Chiều 19/1, tại Hà Nội, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã tiếp Đại tướng Vincent Brooks, Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Đại tướng Vincent Brooks đã thông báo kết quả buổi làm việc trước đó giữa Đoàn Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương với Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Văn Tuấn; trong đó, hai bên đã trao đổi một số nội dung về tăng cường quan hệ giữa lục quân hai nước, phù hợp với tinh thần đối tác toàn diện; đánh giá kết quả hợp tác giữa Lục quân hai nước trên cơ sở “Bản ghi nhớ thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương” ký năm 2011 và phương hướng hợp tác trong thời gian tới như hỗ trợ nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, quân y, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng, việc Việt Nam và Hoa Kỳ xác lập quan hệ đối tác toàn diện là cơ sở để đưa hợp tác quốc phòng song phương phát triển lên một tầm cao mới, ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn.
Nhất trí với kết quả làm việc giữa hai đoàn, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đề nghị lực lượng Lục quân của hai nước tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp, cần đi sâu vào hợp tác trong các lĩnh vực trao đổi thông tin; chia sẻ kinh nghiệm cứu hộ, cứu nạn trên biển; đào tạo tiếng Anh cho các quân nhân Việt Nam; khắc phục hậu quả sau chiến tranh.
--------------------------