Năm nay, Việt Nam tổ chức Phiên họp lần thứ 21 Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam - ông Nguyễn Minh Quang - Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông quốc tế khóa 2014 - 2015. Kết quả của phiên họp thu hút sự quan tâm của dư luận về việc xây dựng thủy điện Đôn Sa Hông ở Lào. Dư luận cho rằng, quy trình tham vấn trước của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế chỉ là hình thức.
Thực tế chứng minh qua trường hợp thủy điện Xayabury, mặc dù có tham vấn trước và vấp phải sự phản đối, nhưng Lào vẫn xây dựng. Liệu điều tương tự có xảy ra với thủy điện Đôn Sa Hông?
Thủy điện Đôn Sa Hông - bậc thang cuối cùng trong 9 bậc thang công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông của Lào. Đây là công trình thứ hai được Lào đề xuất, sau công trình Xayabury. Theo chuyên gia quốc tế, công trình này tác động đáng kể đối với các luồng cá di cư. Đập Đôn Sa Hông chắn ngang dòng Hou Sa Hông - tuyến di cư của hơn 200 loài cá có giá trị kinh tế cao. Công trình tác động tới đa dạng sinh học, hệ sinh thái của khu vực hạ lưu. Đặc biệt, ảnh hưởng vận chuyển bùn cát về phía hạ du, gây ra rủi ro về xói lở bờ, suy giảm lượng phù sa màu mỡ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng cho phát triển ngành đánh bắt thủy sản, sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm đảm bảo sinh kế của hàng triệu người dân và góp phần đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia và thế giới.
Trả lời câu hỏi liệu việc tham vấn trước chỉ có tính hình thức? Đại diện của Ủy hội sông Mê Kông Việt Nam cho biết, tham vấn trước không phải quyền phủ quyết sử dụng nước hoặc quyền đơn phương sử dụng nước của bất kỳ quốc gia ven sông nào mà không xem xét đến quyền của các quốc gia ven sông khác. Như vậy, việc thực hiện quy trình tham vấn, trước hết, là sự tôn trọng và là trách nhiệm của quốc gia có đề xuất sử dụng nước trên dòng chính sông Mê Kông đối với các quốc gia khác.
Báo cáo đánh giá kỹ thuật do Ban Thư ký Uỷ hội chuẩn bị được đánh giá là thiếu thông tin, số liệu, và các công cụ phân tích đáng tin cậy. Bản báo cáo thiếu đánh giá toàn diện lên các lĩnh vực thuỷ sản, sinh thái và chế độ dòng chảy.
Đề xuất công trình Đôn Sa Hông của Lào với các báo cáo đánh giá tác động hiện nay thiếu bằng chứng khoa học về hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu tác động. Theo báo cáo của chủ đầu tư, nếu được xây dựng, trong mùa khô công trình thủy điện Đôn Sa Hông có khả năng ảnh hưởng đến 50% tổng lưu lượng dòng chính. Điều này gây tác động nghiêm trọng đến các quốc gia ở khu vực hạ lưu, trong đó có Việt Nam.
Về thủy sản, chủ đầu tư không chứng minh được đảm bảo tỉ lệ sống sót 95% khi đi qua tuabin của các loại cá bột và ấu trùng di cư khi xuống hạ lưu. Hơn nữa, 80% lượng cá di cư lên thượng nguồn hằng năm sẽ bị tác động không nhỏ do công trình sẽ chặn hoàn toàn dòng Hou Sa Hông. Một số loài cá di cư từ Đồng bằng sông Cửu Long lên vùng Nam Lào sẽ chịu tác động từ công trình này.
Việt Nam đề xuất quá trình tham vấn cần phải được tiến hành kỹ lưỡng và sâu rộng, thậm chí cần gia hạn thêm thời gian cho tham vấn nếu cần. Dự kiến, ngày 24.1.2015, các quốc gia sẽ gửi ý kiến chính thức về công trình này cho Ủy hội. Ủy ban liên hợp Ủy hội sẽ tổ chức họp sau đó để thảo luận, thống nhất và sẽ đưa ra câu trả lời chính thức về đề xuất công trình Đôn Sa Hông của Lào.
Áo phông, mũ vải, quần xắn quá đầu gối lội ruộng cùng bà con nông dân - đó là hình ảnh của nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn khi tham gia trồng rừng phòng hộ ven biển cùng người dân Hậu Lộc (Thanh Hóa).
Lội ruộng cùng nông dân
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà gần hồ Tây (Hà Nội) - ông gần 80 tuổi, giọng nói trầm ấm, mái tóc điểm bạc, đôi tay thoăn thoắt mở chiếc điện thoại trong đó lưu giữ những tấm ảnh giản dị, đời thường của ông, khi thì vận chiếc áo phông, quần soóc, đội mũ vải lấm lem bùn đất lội ruộng cùng với bà con ở xã Đa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) khi đi kiểm tra khu vực trồng rừng ngập mặn năm 2013. Ông là nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ phòng, tránh thiên tai miền Trung.
Ông Diễn bảo: Từ trên bờ ra đến khu vực trồng rừng ngập mặn, tôi phải lội bùn gần 500m, kiểm tra, hướng dẫn bà con trồng cây, dù rất mệt nhưng để trồng rừng, bảo vệ tuyến đê biển, bảo vệ an toàn và tăng nguồn thu nhập cho người dân ven biển Hậu Lộc là lại thấy rất vui. Để trồng rừng ngập mặn cho người dân hiệu quả, qua tham khảo ý kiến của chuyên gia, chúng tôi đã chọn cây bần chua để trồng vì nó mang lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ đê biển.
Ông kể lại, năm 2006 ông nghỉ hưu, nhưng vẫn rất quan tâm đến thời cuộc, thường tham gia các cuộc thảo luận, hội thảo liên quan đến lĩnh vực kinh tế của đất nước, mỗi buổi sáng hằng ngày ông đều giành thời gian đọc báo để cập nhật tin tức thời sự trong nước và quốc tế.
Nhấp chén trà nóng, ông Diễn kể tiếp: Từ những chuyến đi thực tế ở miền Trung, ông thấy người dân ven biển nơi đây luôn phải gánh chịu hậu quả nặng nề của những cơn bão, lũ lụt, nước biển dâng nên ông đã vận động các nhà hảo tâm, thành lập Quỹ Hỗ trợ phòng, tránh thiên tai miền Trung do ông trực tiếp làm Chủ tịch hội đồng quản lý. Quỹ được thành lập vào tháng 3.2009, nhằm giúp bà con 14 tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai do bão, lụt gây ra và cải thiện an sinh xã hội của các địa phương.
Ngồi trầm ngâm một lúc như để nhớ lại những ngày ông đi vận động các nhà hảo tâm đóng góp công sức, tiền vào quỹ để ủng hộ cho người dân, ông Diễn kể tiếp: Sau gần 6 năm đi vào hoạt động, đến nay quỹ đã huy động được gần 180 tỉ đồng để hỗ trợ các địa phương xây dựng 75 công trình nhà phòng tránh thiên tai, gồm trường mầm non, tiểu học, nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng và trạm y tế xã, mỗi công trình từ 2 -3 tỉ đồng. Các công trình này hầu hết được xây nhà 2 tầng, vững chắc ở các vùng hay xảy ra thiên tai để phục vụ cho các hoạt động an sinh xã hội lúc bình thường và làm nơi cho đồng bào trong vùng lánh nạn khi bão lụt xảy ra. Quỹ đã làm quy hoạch tái định cư cho một làng ở tỉnh Quảng Nam phải di dời do lũ lụt làm xói lở.
Quỹ cũng đã trồng được 86ha rừng ngập mặn phòng hộ ven biển Hậu Lộc (Thanh Hóa), thành lập được 85 đội xung kích cứu hộ, cứu nạn cấp thôn, xã; trang bị thuyền cứu hộ, áo phao, phao cứu sinh, loa cầm tay và tổ chức tập huấn cho các đội viên, nhằm giúp các địa phương trong công tác phòng tránh thiên tai. Gần 6 năm qua, quỹ cũng đã cứu trợ khẩn cấp, đưa hơn 10.000 suất nhu yếu phẩm tới tận tay các gia đình bị thiệt hại trong bão lụt và tham gia một số hoạt động nhân đạo, từ thiện khác. Tổ chức 3 lớp tập huấn cho 120 cán bộ phòng tránh lụt bão cấp xã, huyện của 14 tỉnh miền Trung và tổ chức 5 cuộc tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, bài học về chủ động phòng, tránh và tổ chức cứu trợ cho 14 tỉnh.
Ông Diễn bảo: Để Quỹ Hỗ trợ phòng, tránh thiên tai miền Trung đạt được các kết quả như vậy là nhờ vào các nhà tài trợ, các cơ quan chính quyền trung ương và địa phương, đặc biệt là UBND TP.Đà Nẵng - nơi quỹ đặt trụ sở làm việc, về sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu đã dành cho quỹ trong thời gian qua.
“Hiện nay đã 78 tuổi nhưng tháng nào tôi cũng đi công tác tại miền Trung ít nhất 1 lần. Khi triển khai trồng rừng phòng hộ, đến xã, ra đồng ruộng tôi lại lội ruộng cùng bà con trồng cây, phải lội gần 500m, bùn đất lấm lem, tuy có mệt nhưng tôi rất vui vì thấy bà con phấn khởi khi có rừng ngập mặn phòng hộ sẽ đem lại sự an toàn cho họ” - ông Diễn chia sẻ.
Gọi con cháu về ở cùng gia đình
Nhấp ngụm trà nóng như để xua đi cái rét cuối năm, ông Diễn kể tiếp: Năm 2006, khi về hưu, ông đã trả lại cho Nhà nước ngôi nhà công vụ mà ông được cấp khi đang còn đương chức để chuyển về khu đất ông được cấp ở quận Tây Hồ rồi xây nhà tại đây. Khi ngôi nhà hoàn thiện, ông gọi hai người con đưa vợ con về ở cùng với ông bà trong ngôi nhà cách hồ Tây gần 500m.
“Khi thấy tôi bảo các con đưa vợ, con về ở cùng với vợ chồng tôi trong ngôi nhà này, nhiều người cho rằng ở như vậy rất khó hòa thuận, nhiều người muốn ở riêng không được mà ông lại bắt con cái về ở chung. Tôi cười bảo, tôi muốn quây quần cùng con cháu để an hưởng tuổi già, một ngày được ở cùng con cháu là tôi vui rồi” - ông Diễn nói.
Theo ông Diễn, người già cái cần nhất là sức khỏe nên để có sức khỏe, mỗi buổi sáng ông lại cùng vợ mình đi xe đạp ra hồ Tây để tập thể dục, mỗi ngày cả đi và về hai ông bà cũng đi được khoảng 4km. “Đi như vậy vừa khỏe khoắn lại được hít thở không khí trong lành, thấy tinh thần sảng khoái hơn” - ông Diễn vui vẻ nói.
Ông cho hay, ngoài công việc ở quỹ, ông còn tham gia vào Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam giữ chức danh Ủy viên Đoàn Chủ tịch, với mong muốn Hội cựu Thanh niên xung phong sẽ góp phần giúp đỡ giải quyết chế độ chính sách cho những cựu thanh niên xung phong đang gặp nhiều khó khăn hiện nay.
Ông kể, hiện nay ông vẫn tham gia viết các bài nghiên cứu về vấn đề phát triển kinh tế, tham dự các cuộc hội thảo, ông vẫn dùng thành thạo máy tính, hòm thư điện tử trong công việc của quỹ do ông làm chủ tịch.
“Đối với tôi, dù đương chức hay về hưu, thì công việc lúc nào cũng rất bận rộn, hết mình với công việc vì đất nước, vì nhân dân. Tôi cũng chỉ mong mình còn sức khỏe để cống hiến, giúp đỡ được nhiều hơn nữa cho nhân dân là tôi vui rồi” - ông Diễn khiêm tốn nói.
Chào tạm biệt ông Diễn ra về trong buổi chiều cuối đông lạnh giá, đi về qua những con phố tấp nập người qua lại, tôi lại nhớ đến bức ảnh ông Diễn vận quần soóc, hoặc xắn quần, mặc áo phông, đội mũ vải người lấm lem bùn đất lội ruộng cùng bà con xã Đại Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) để trồng rừng phòng hộ ven biển bằng cây bần chua, thấy ông thật tuyệt vời.
-----------------------