Chính phủ Hungary đồng ý khoản hỗ trợ, vay ưu đãi 300 triệu USD để thực hiện dự án xử lý và cung cấp nước sạch sông Hồng tại Hà Nội…
Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Thị trưởng Thủ đô Budapest Tarlos István cho biết: Chính phủ Hungary đồng ý khoản hỗ trợ, vay ưu đãi 300 triệu USD để thực hiện dự án xử lý và cung cấp nước sạch sông Hồng tại Hà Nội (công suất dự kiến 450.000m3/ngày đêm, được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đến năm 2020 đạt 300.000m3/ngày đêm; giai đoạn 2 đến năm 2030 hoàn thành); đến nay, các thủ tục liên quan đến dự án đã được các ngành chức năng cơ bản hoàn tất.
Thị trưởng Tarlos István tin tưởng, dự án này được khởi công năm 2015 sẽ là món quà có ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Hungary.
Thị trưởng Tarlos István cho biết thêm: Chính phủ Hungary sẽ hỗ trợ mức cao nhất cho các đơn vị tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam năm 2015 tổ chức ở Hà Nội cũng như tuần “Những ngày văn hóa Việt Nam tại Budapest”, nhân kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Theo tính toán của NHNN, nếu tiếp tục không đưa tiền mới từ 5.000 đồng trở xuống trong dịp Tết nguyên đán 2015 sẽ giúp NHNN tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng.
Sáng nay 21/1, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt và đảm bảo hoạt động ATM trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục Phát hành Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Chí Thành cho biết, hiện nay, để tiết kiệm chi phí, Ngân hàng Nhà nước không in các loại tiền mệnh giá nhỏ. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, NHNN chủ trương không in các loại tiền mệnh giá nhỏ vào lưu thông.
Tuy nhiên, NHNN vẫn duy trì dự trữ một lượng tiền mệnh giá nhỏ đủ tiêu chuẩn lưu thông để đảm bảo cung ứng nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp Tết nguyên đán 2015 và các năm tiếp theo.
“Theo tính toán, nếu tiếp tục không đưa tiền mới từ 5.000 đồng trở xuống trong dịp Tết nguyên đán 2015 sẽ giúp NHNN tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng. Do đó, NHNN mong muốn được nhân dân ủng hộ đối với chủ trương sử dụng đồng tiền Việt Nam một cách hợp lý, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và tiết kiệm chi phí xã hội”, ông Thành nói.
Còn theo số liệu do Phó Thống đốc Đào Minh Tú công bố, từ thực tế không in ấn tiền mới đưa vào lưu thông cả 4 mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng và 5.000 đồng, NHNN đã tiết kiệm được 1.084 tỷ đồng cho ngân sách.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt tăng cao về số lượng và cơ cấu mệnh giá vào dịp Tết nguyên đán 2015, NHNN đã chủ động xây dựng các phương án cung ứng tiền mặt; đồng thời tổ chức điều chuyển tiền mặt tới các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để nâng cao dự trữ, sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt của các tổ chức, cá nhân.
Để triển khai thực hiện, Thống đốc NHNN đã có văn bản chỉ đạo giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, sở giao dịch có trách nhiệm đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho các tổ chức tín dụng, kho bạc Nhà nước trên địa bàn, qua đó đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt cho các tổ chức, cá nhân; đồng thời NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng có hệ thống ATM cần đặc biệt quan tâm tăng cường tiếp quỹ các máy ATM và tìm giải pháp đảm bảo hệ thống thông suốt, đáp ứng tốt nhất nhu cầu rút tiền mặt của khách hàng.
Theo NHNN, thời gian vừa qua, chủ trương của NHNN không phát hành một số loại tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết nguyên đán nhằm hạn chế sử dụng tiền nhỏ trong hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng đã nhận được sự quan tâm, phối hợp tích cực của các Bộ, ban, ngành liên quan, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ.
Khảo sát thực tế trong mùa lễ hội 2014 cho thấy, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ tại khu vực đền, chùa, khu di tích lễ hội bước đầu đã có chuyển biến tích cực, hiện tượng đặt tiền lễ tại các ban thờ, ném tiền, thả tiền… đã giảm so với các năm trước; hoạt động đổi tiền hưởng chênh lệch phần nào đã được chấn chỉnh.
Theo khẳng định của NHNN, việc hạn chế phát hành tiền mới mệnh giá nhỏ ra lưu thông đã khiến tỷ lệ tiền mệnh giá nhỏ quay về hệ thống ngân hàng sau dịp lễ hội thấp hơn nhiều so với các năm trước, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các kho tiền của ngân hàng; tạo thuận lợi cho công tác bảo quản, kiểm đếm và tuyển chọn tiền cũng như đảm bảo các nhu cầu của an toàn khó quỹ.
-------------------------
WB đã cho Việt Nam vay hơn 4 tỷ USD trong 3 năm qua
Ngày 20/1, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị Tăng cường quản trị, thúc đẩy phát triển tại Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia, đại diện tổ chức liên quan.
Nội dung chính của sự kiện nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và môi trường đầu tư, kinh doanh theo tinh thần công khai, minh bạch. Đó cũng là biện pháp hiệu quả nhằm phòng chống tham nhũng và hành động gian lận trong quản lý, thực hiện các dự án; nhất là dự án sử dụng nguồn vốn vay quốc tế tại Việt Nam.
Theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa, những năm qua, cộng đồng nhà tài trợ đã dành cho Việt Nam nhiều khoản vay, sự hỗ trợ và phần lớn các dự án đều góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, WB đã dành cho Việt Nam hơn 4 tỷ USD trong vòng 3 năm qua, cho thấy sự quan tâm liên tục của tổ chức này đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và hội nhâp, Việt Nam cũng đứng trước một số thách thức, trong đó nổi bật là vấn đề tham nhũng, điển hình là giao thông vận tải, cấp nước, năng lượng, xây dựng. Một số vụ việc đã được phát hiện, xử lý nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn cần được kiểm soát, ngăn chặn. Vấn đề đặt ra là cần đổi mới thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động quản trị, nhất là đối với những dự án sử dụng nguồn vốn công hoặc ODA.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện cải cách, thắt chặt và nâng cao hiệu quả đầu tư công, tạo cơ hội bình đẳng cho DN cũng như sự đồng thuận xã hội.
----------------------------
Vinamilk đẩy mạnh thu mua sữa tươi nguyên liệu của nông dân
Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, trong năm 2014, Vinamilk đã đẩy mạnh thu mua hơn 183 triệu kg sữa, tăng 17,12% so với năm 2013. Riêng khu vực phía Bắc, Vinamilk thu mua gần 22 triệu kg sữa (mua từ hộ nông dân 14,7 triệu kg), tăng 50,1% sản lượng và 58,6% giá trị. Chỉ tính từ ngày 1 - 19/1, Vinamilk đã thu mua gần 12 triệu kg sữa, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2014.
Hiện nay, tại Việt Nam, Vinamilk đang thu mua bao tiêu đến 60% lượng sữa tươi nguyên liệu của bà con nông dân. Trong năm 2015, giá thu mua sữa tươi nguyên liệu của Vinamilk cơ bản vẫn giữ nguyên như năm 2014. Hiện tại, số hộ chăn nuôi giao sữa đạt chất lượng cao với giá thu mua 14.000đ/kg và trên 14.000đ/kg vẫn chiếm trên 50% tổng khối lượng thu mua của Vinamilk.
Để ngành công nghiệp chế biến sữa phát triển bền vững, Vinamilk luôn cố gắng chủ động nguồn sữa nguyên liệu đạt về số lượng và chất lượng. Từ năm 2006, Vinamilk đã tiến hành đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò sữa một cách trực tiếp thông qua xây dựng các trang trại nuôi bò sữa công nghiệp với tổng vốn khởi điểm là hơn 500 tỷ đồng và hiện nay đã tăng đến 1.600 tỷ.
Tính đến thời điểm này, Vinamilk có 5 trang trại ở Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Lâm Đồng. Trong kế hoạch năm 2014 -2015, Vinamilk tiến hành xây dựng và đưa vào hoạt động thêm 4 trang trại quy mô lớn gồm trang trại Thống Nhất (Thanh Hóa), Như Thanh (Thanh Hóa), Hà Tĩnh và Tây Ninh.
Hiện nay, tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa cho Vinamilk là hơn 80.000 con bò, mỗi ngày cung cấp gần 600 tấn sữa tươi nguyên liệu.
Với kế hoạch phát triển các trang trại mới, tổng số đàn bò của Vinamilk từ các trang trại và của các nông hộ sẽ tăng lên khoảng 100.000 con vào năm 2017 và khoảng 120.000 - 140.000 con vào năm 2020, với sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 1.000 - 1.200 tấn/ngày, đảm bảo nguồn nguyên liệu sữa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
----------------------