Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Việt Nam hiện nay không có bộ nào quản lý phụ nữ, trong khi các nước đều có bộ phụ nữ nên cần tính toán, xem xét tới việc này.
Tại cuộc họp ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20/1, các đại biểu chưa thống nhất được quan điểm về việc có nên quy định cụ thể số lượng, tên gọi và nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ vào dự thảo Luật tổ chức Chính phủ hay không.
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết nhiều ý kiến tán thành quy định về cơ cấu tổ chức của Chính phủ như trong dự thảo luật và đề nghị không ghi rõ số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ trong dự thảo luật.
Bên cạnh đó, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần xác định cụ thể số lượng và tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ ngay trong luật. Ý kiến này cho rằng, hiện nay các lĩnh vực quản lý nhà nước đều đã được xác định rõ nên cần phân công cho các bộ, cơ quan ngang bộ phụ trách để bảo đảm tính ổn định cho bộ máy Chính phủ. Hơn nữa, trong Luật tổ chức Quốc hội cũng xác định cụ thể số lượng, tên gọi và nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội rồi.
Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ như dự thảo và căn cứ vào tình hình cụ thể, trong một giai đoạn cụ thể, Quốc hội sẽ quyết định cơ cấu của Chính phủ gồm bao nhiêu bộ, cơ quan ngang bộ là những bộ, cơ quan ngang bộ nào và không quy định cứng tên các bộ, cơ quan ngang bộ trong luật.
“Không quy định cứng số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng một Chính phủ năng động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội; bảo đảm sự chủ động của Chính phủ khi cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ”- ông Lý phân tích thêm.
Theo ông Lý, nếu quy định “cứng” số lượng và tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ làm cho dự thảo luật khó có tính khả thi và không bảo đảm tính ổn định lâu dài. Thực tiễn hoạt động Quốc hội cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội, Quốc hội sẽ quyết định số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ bằng hình thức ra nghị quyết của Quốc hội. Cách thức này được thực hiện cho đến nay vẫn chưa có vướng mắc nào. Nếu quy định “cứng” số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ trong dự thảo luật thì sẽ phải sửa đổi luật tại mỗi đầu nhiệm kỳ khi có sự thay đổi về số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ. Trên thế giới hiện nay cũng có rất ít quốc gia quy định cụ thể về số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Không đồng tình, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho biết các đại biểu Quốc hội khi thảo luận rất băn khoăn về việc có bao nhiêu bộ, tại sao không quy định rõ luôn vào dự thảo luật.
“Tùy theo tình hình thực tế từng giai đoạn thì có thể thêm hoặc bớt, loại bỏ bộ nào đó. Chính sự ổn định đó của luật pháp giúp ổn định luật của chúng ta. Nếu chỉ quy định Chính phủ gồm các các bộ và cơ quan ngang bộ thì không rõ ràng lắm, đại biểu thắc mắc là gồm những bộ nào ?. Các bộ Tài chính, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao rõ ràng, ổn định rồi thì sao không ghi rõ vào, còn bộ nào băn khoăn thì có một điều để điều chỉnh thì có phải luật đàng hoàng không ?”- ông Hiển bày tỏ.
“Có cần quy định cụ thể ngay trong luật Chính phủ có bao nhiêu bộ không, hay chỉ quy định nguyên tắc?. Hiến pháp nói Chính phủ do Quốc hội quyết định”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội phân tích, Thủ tướng Chính phủ nếu muốn từ 15 bộ xuống còn 10 bộ chẳng hạn thì phải trình ra Quốc hội quyết định, nếu Quốc hội đồng ý thì mới được thực hiện. Nếu Thủ tướng muốn nâng từ 10 bộ lên 15 bộ chẳng hạn mà Quốc hội nói việc này làm tăng rất nhiều biên chế, không chấp nhận, thì không được thực hiện.
Theo Chủ tịch Quốc hội, danh tính của Thủ tướng Chính phủ phải “chờ tới phút chót” mới biết được, dù trước đó đã phải trải qua nhiều giai đoạn, quy trình.
“Mới biết Thủ tướng hôm trước, hôm sau Thủ tướng đã phải điều hành Chính phủ mới ngay rồi mà quy định thế thì cấp tập quá, và vì cấp tập quá như thế thì hay ngẫu hứng. Quy định cứng trong luật có bao nhiêu bộ, bộ gì, khi cần thay đổi, làm thêm hay bớt đi thì đến lúc đó Quốc hội lại quyết định thì cũng có cái hay của nó. Tôi đề nghị các đồng chí suy nghĩ, tính toán thêm về vấn đề này”- Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Việt Nam hiện nay không có bộ nào quản lý phụ nữ, trong khi các nước đều có bộ phụ nữ nên cần tính toán, xem xét tới việc này.
Thủ tướng phải báo cáo trước Nhân dân
Theo ông Phan Trung Lý, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn trong dự thảo luật trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị quy định mỗi quý một lần, Thủ tướng Chín phủ báo cáo trước nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện nào thì do Chính phủ quyết định.
“Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy việc luật hóa chi tiết quy định tại khoản 6 Điều 98 của Hiến pháp về chế độ báo cáo trước Nhân dân của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết. Thường trực Ủy ban pháp luật nhận thấy, dự thảo luật đã có quy định về trách nhiệm báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và Nhân dân tại Điều 25 dự thảo trình Quốc hội. Việc báo cáo của Thủ tướng Chính phủ là định kỳ hoặc đột xuất theo vấn đề phát sinh. Do đó, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị được giữ như dự thảo”- ông Lý cho biết.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho biết khi “rà” lại Hiến pháp ở các Điều 96 và Điều 98, ông nhận thấy có những nội dung của Chính phủ nhưng tại dự thảo luật này lại được đưa vào quy định cho Thủ tướng là không đúng. “Quyết định tổng biên chế công chức, sự nghiệp không thể là của Thủ tướng được, mà phải là của Chính phủ. Mặc dù Thủ tướng ký việc ấy nhưng là thay mặt Chính phủ để ký thôi”- ông Ksor Phước nói.
-----------------------
Ban Nội chính Trung ương triển khai nhiệm vụ năm 2015
Năm 2015, Ban Nội chính Trung ương đã đề ra 11 nhiệm vụ, công tác trọng tâm.
Sáng 21/1, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015. Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nội chính Trung ương - ông Phan Đình Trạc chủ trì hội nghị.
Được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng, trong năm 2014, Ban Nội chính Trung ương đã triển khai thực hiện hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ lớn được giao theo Quyết định 159 ngày 28/2/2012 của Bộ Chính trị, thực hiện nghiêm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành cơ bản Chương trình công tác và các nhiệm vụ đột xuất do Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo. Nổi bật là đã chủ trì các phiên họp, thực hiện tốt và có sáng tạo các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, chủ động tham mưu, tổ chức phục vụ 13 đoàn công tác của Ban Chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng, hoạt động tín dụng của một số Ngân hàng thương mại lớn; chú trọng theo dõi, tham mưu đường lối xử lí nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm và một số vụ việc, vụ án khác thuộc lĩnh vực nội chính...
Xác định năm 2015 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015, là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Anh Tuấn cho biết: Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ và các yêu cầu chính trị, Ban Nội chính Trung ương đã đề ra 11 nhiệm vụ, công tác trọng tâm như tập trung theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các Kết luận, kiến nghị của các Đoàn công tác kiểm tra, giám sát tại một số Bộ, ngành địa phương.
Ông Phạm Anh Tuấn nêu rõ: “Ban Nội chính Trung ương tiếp tục chủ động tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo về chủ trương và các chính sách lớn về công tác nội chính và công tác phòng chống tham nhũng. Ban hành các văn bản, thông báo ý kiến kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo sau các Phiên họp và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện. Tổng hợp, xây dựng các Báo cáo định kỳ của Ban Chỉ đạo về tình hình, kết quả công tác phòng chống tham nhũng. Tham mưu giúp Ban Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác trọng tâm năm 2015 của Ban Chỉ đạo. Xây dựng Kế hoạch các Thành viên Ban Chỉ đạo đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng và kiểm tra, giám sát việc phát hiện, xử lý tham nhũng tại một số cơ quan, tổ chức ở Trung ương và một số địa phương”.
------------------------
Bổ nhiệm người thay thế vị trí của Trung tướng Cao Ngọc Oánh
Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an, thay tướng Cao Ngọc Oánh vừa nghỉ hưu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký các quyết định bổ nhiệm, phê chuẩn và miễn nhiệm một số cán bộ lãnh đạo thuộc Bộ Công an và tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, Thủ tướng quyết định bổ nhiệm Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) - Bộ Công an, giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục VIII.
Tướng Bằng sẽ thay thế vị trí Tổng cục trưởng Tổng cục VIII của Trung tướng Cao Ngọc Oánh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục VIII để lại sau khi nghỉ hưu theo chế độ kể từ ngày 1/11/2014.
Quyết định bổ nhiệm Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng có hiệu lực kể từ ngày 19/1/2015.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn việc bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Trịnh Văn Chiến để nhận nhiệm vụ mới; quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vương Văn Việt để nghỉ hưu theo chế độ.
------------------------