Mới đây, hai con tin người Nhật Bản đã bị lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt giữ và đồi 200 triệu USD tiền chuộc. Đây sẽ là bài toán khóa đầu tiên trong năm 2015 cho Thủ tướng Nhật Bản ông Shinzo Abe.
Ông Abe hiện đang lưu lại Jerusalem trong chuyến thăm 6 ngày đến Trung Đông. Tuy nhiên, ông có ý định hủy bỏ kế hoạch kế tiếp của chuyến đi và trở về Nhật Bản giải quyết sự khủng hoảng con tin.
Trong một cuộc họp báo ở Jerusalem, ông Abe cho biết ông cảm thấy vô cùng căm phẫn và oán giận trước những lời đe dọa. Ông yêu cầu IS ngay lập tức trả tự do cho các con tin.
Ông phát biểu, “Chủ nghĩa cực đoan và Hồi giáo chân chính hoàn toàn khác nhau. Cộng đồng quốc tế sẽ không nhượng bộ trước bất kì hình thức khủng bố nào và chúng ta sẽ phải cùng nhau hợp sức lại”
Dùng tiền có cứu được con tin?
Trước đây, Nhật Bản cũng đã từng dùng tiền chuộc để giải cứu con tin, nổi tiếng nhất là vụ giải cứu vào năm 1977 khi thủ tướng chính phủ Takeo Fukuda đồng ý trả 6 triệu USD để giải cứu hành khách trên chiếc máy bay thuộc hãng hàng không Nhật Bản bị không tặc đánh cướp ở Bangladesh. Tuy nhiên, theo nhận định của hãng tin BBC, vụ việc lần này hoàn toàn khác.
Trước tiên, lượng tiền chuộc quá lớn. Không một thủ tướng nào muốn giao nộp 200 triệu USD cho những tên khủng bố; ông Abe cũng không phải ngoại lệ.
Hơn nữa, công chúng vẫn im lặng trước vụ việc trên. Kenji Goto là một nhà làm phim tài liệu nổi tiếng, nhưng nhiều người sẽ nói rằng vì ông ấy vẫn muốn đi Syria sau khi những con tin khác đã bị giết.
Haruna Yukawa thậm chí còn ít được quan tâm hơn. Ông được cho là một nhà sáng tác thơ tùy hứng, đến Syria để lập một tổ chức an ninh quân đội trong khi không có lý lịch quân đội. Trang web của ông cho thấy hình ảnh ông đi với quân nổi dậy Syria, có vẻ mệt mỏi chiến đấu, mang theo một khẩu súng trường tấn công. Trong một đoạn video về vụ bắt cóc của ông được đăng trên một trang web của quân hồi giáo, ông được cho là "vừa là bác sĩ vừa là nhà báo".
Chống khủng bố chứ không đưa tiền “nuôi” khủng bố
Ông Abe cho biết thêm rằng, Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục cam kết ủng hộ phi quân sự ở Trung Đông. Hôm 17-1 tại Cairo, ông Abe đã cam kết trợ giúp phi quân sự 2.5 tỉ USD cho khu vực, trong đó 200 triệu USD cho các quốc gia chiến đấu chống IS.
Các viên chức thừa nhận rằng phần lớn số tiền 200 triệu USD sẽ được dùng vào việc giúp đỡ những người tị nạn từ Syria và Iraq. Ông Abe cũng cảnh báo thế giới sẽ hứng chịu nhiều hậu quả khó lường nếu các vụ khủng bố tiếp tục lan rộng.
Nền kinh tế Nhật Bản chủ yếu dựa vào lượng dầu thô nhập khẩu từ Trung Đông. Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của đài BBC tại Tokyo đưa tin, với cơn khủng hoảng hiện nay, ông Abe đứng trước một vấn đề chính trị hết sức tồi tệ. Trước đó, người dân Nhật Bản đã lo sợ những hậu quả khó lường từ việc Nhật Bản tích cực tham gia vào chiến dịch chống khủng bố để khẳng địng vị thế quốc tế.
Thứ trưởng Ngoại giao Yasuhide Nakayama sẽ bay đến Jordan, nỗ lực giải quyết vụ khủng hoảng.
-------------------------
Nước nào trả tiền chuộc cho khủng bố để cứu con tin?
Người ta cho rằng một số nước châu Âu đã âm thầm trả tiền chuộc để cứu các công dân của mình bị bắt cóc. Tuy nhiên các nước này đều miễn cường khi phải thừa nhận đã làm vậy.
Anh và Mỹ đã tuyên bố rằng họ không trả tiền chuộc cho các con tin. Hai nước này tin rằng trả tiền chuộc chỉ tăng thêm khả năng sẽ có thêm công dân bị bắt cóc trong tương lai.
Các quốc gia châu Âu khác, bao gồm Pháp và Italy, được cho là đã trả khoản tiền lớn để các công dân của họ được phóng thích an toàn.
Số tiền chuộc này chủ yếu được gửi qua một mạng lưới ủy thác có liên hệ với các tổ chức khủng bố, thường được ngụy trang dưới hình thức trợ giúp phát triển đối với một nước cụ thể nào đó.
Một điều tra của tờ New York Times (Mỹ) vào năm 2014 cho thấy al-Qaeda và các chi nhánh của nó đã thu về 125 triệu USD từ việc bắt cóc kể từ năm 2008, bao gồm 66 triệu USD vào năm 2013.
- Italy: Nhân viên cứu trợ Greta Ramelli 21 tuổi và Vanessa Marzullo 20 tuổi đã bị bắt cóc vào tháng 7/2014 ở Syria.
Việc họ được thả vào tuần trước đã làm dấy lên các đồn đoán trong nội bộ Italy cho rằng chính phủ đã trả 15 triệu euro tiền chuộc, mặc dù Ngoại trưởng Paolo Gentiloni phủ nhận các tin tức như vậy và nói với quốc hội nước này rằng “Chúng tôi phản đối trả tiền chuộc”.
Italy cũng được cho là đã trả 2 triệu USD cho lực lượng Taliban vào năm 2006 để giải cứu một nhiếp ảnh gia bị bắt cóc tại Afghanistan.
- Pháp: Người ta cho rằng nước này đã trả tiền chuộc cho 4 nhà báo là Nicolas Henin, Pierre Torres, Edouard Elias và Didier Francois được thả ra ở Syria vào năm 2014. Các tin tức cho rằng con số tiền chuộc là 18 triệu USD nhưng chính phủ Pháp phủ nhận đã trả tiền chuộc.
- Áo: Được cho là đã trả 3,2 triệu USD cho al-Qaeda để đổi lại tự do 2 công dân của họ vào năm 2008
- Thụy Sĩ: Trả 12,4 triệu USD cho al-Qaeda vào năm 2009 để cứu 2 con tin Thụy Sĩ và một người Đức.
- Qatar: giúp giảii cứu nhà báo Mỹ Peter Curtis khỏi tay al-Qaeda.
- Oman: đã trao hơn 20 triệu USD cho al-Qaeda kể từ năm 2013
- Israel: thường xuyên dàn xếp các thỏa thuận để đưa công dân của mình, bao gồm cả tù binh, trở về./.
---------------------------
EU thiết lập liên minh chống khủng bố với các nước Arab
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 19/1, Cao ủy đối ngoại EU Federica Mogherini cho biết, 28 quốc gia thành viên của liên minh này đã nhất trí thiết lập một liên minh mới để chống khủng bố cùng các nước trong khu vực Trung Đông, vùng Vịnh và Bắc Phi.
Trước mắt, EU sẽ triển khai kế hoạch tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và các hoạt động về an ninh. EU cũng sẽ bố trí an ninh tại các Đại sứ quán của liên minh ở những quốc gia Hồi giáo nhằm tăng cường hợp tác, đồng thời tăng cường năng lực ngôn ngữ Arab để ứng phó với chiến dịch tuyên truyền liên quan đến Hồi giáo.
Theo bà Mogherini, việc chia sẻ thông tin tình báo không chỉ trong nội bộ EU mà với các quốc gia khác quanh EU là điều cần thiết.
Bà Federica Mogherini nói: “Điều chúng ta cần là một liên minh, một cuộc đối thoại, cùng làm việc trong sự hợp tác bởi chúng ta đang phải đối mặt với cùng một mối nguy cơ và tôi cho rằng đây là điều mà chúng ta cần phải thúc đẩy. Không chỉ là hợp tác giữa EU với các nước Arab, mà còn là sự hợp tác giữa EU với các cộng đồng người Hồi giáo và với tất cả các cộng đồng người thiểu số tại EU, cũng như hợp tác giữa các nước trong khu vực”.
Tuy nhiên, dù khẳng định muốn hợp tác với thế giới Hồi giáo để chống khủng bố, song đến nay, Ngoại trưởng 28 nước thành viên EU vẫn chưa thống nhất được cách thức làm việc này mà phải chờ đến cuộc họp về chống khủng bố dự kiến tổ chức vào trung tuần tháng 2 tới mới có thể đưa ra được lộ trình hợp tác cụ thể. Vì vậy, giới phân tích quốc tế đều nhìn nhận, đây là một lựa chọn nhiều may rủi đối với người châu Âu khi mà quan hệ giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo vốn không mấy êm ả và hai bên có nhiều khác biệt quá xa về lập trường, tư tưởng.
-----------------------
Hàng trăm người Trung Quốc tìm cách gia nhập các tổ chức khủng bố
Truyền thông Trung Quốc đưa tin hơn 800 người đã bị chặn ở biên giới Trung Quốc khi đang tìm cách sang các quốc gia khác để tham gia các trại huấn luyện khủng bố.
Tân Hoa Xã dẫn thông báo của cảnh sát cho biết hầu hết những người tìm cách vượt biên trái phép đều nghe theo lời tuyển dụ của Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM). Theo thông báo, những người bị bắt từng xem nhiều tài liệu và video về khủng bố, hoặc từng tham dự vào các hoạt động khủng bố tại Trung Quốc.
Để hạn chế tình trạng vượt biên trái phép nêu trên, Bộ Công an Trung Quốc đã thành lập đơn vị đặc biệt có tên gọi “4.29” và triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố. Nhiệm vụ chính của đơn vị này là truy tìm và triệt phá những băng nhóm tổ chức buôn người trái phép qua biên giới Trung Quốc.
Kể từ khi được thành lập, đơn vị nêu trên đã bắt giữ được 352 trường hợp liên quan đến các đường dây buôn người trái phép.
Ông Li Wei, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chống khủng bố tại Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Trung Quốc, cho rằng: “Tình trạng an ninh ở Trung Quốc đang được đặt ở mức cao kể từ các vụ tấn công khủng bố ở Thiên An Môn và Côn Minh hồi năm ngoái. Nhiều công dân Trung Quốc hiện nay đang bị lôi dụ bởi các tổ chức Thánh chiến cực đoan”.
Hồi tháng 11 vừa qua, Liên hợp quốc đã ra thông báo cho biết các tổ chức khủng bố ở Trung Đông có nhiều kế hoạch chiêu mộ người nước ngoài với quy mô khó dự đoán.
Thông báo của Liên hợp quốc ước tính có khoảng 15.000 tay súng tới từ hơn 80 quốc gia đã gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
-----------------------------
Nhật đề nghị Pháp, Mỹ giúp giải cứu 2 con tin bị IS bắt giữ
Ngoại trưởng Nhật Bản ngày 20/1 đã đề nghị Pháp, Mỹ giúp giải cứu 2 con tin người Nhật bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt cóc và đòi 200 triệu USD tiền chuộc.
Báo Kyodo dẫn lời Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 20/1 đề nghị những người đồng cấp Mỹ, Pháp cùng giúp đỡ Nhật trong vụ bắt cóc con tin này.
“Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, trong các cuộc điện đàm riêng lẻ, đã hứa sẽ làm tất cả những gì có thể để giải quyết vụ việc này càng sớm càng tốt”, ông Kishida cho hay.
Ngoại trưởng Nhật cũng cho biết: “Tôi đã yêu cầu chính phủ Pháp và Mỹ giúp đỡ thông qua chia sẻ các thông tin nhằm sớm giải thoát cho 2 con tin người Nhật”.
Ông Kishida cũng nói thêm sẽ đưa ra đề nghị giúp đỡ tương tự với Chính phủ Anh trong cuộc gặp Ngoại trưởng Anh Philip Hammond ngày hôm nay 21/1.
Ngoại trưởng khẳng định ông cảm thấy “hết sức phẫn nộ” bởi các con tin người Nhật bị tổ chức phiến quân IS bắt giữ, trong khi Tokyo không tham gia vào chiến dịch không kích nhằm vào IS.
Sáng 20/1, tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đăng tải một đoạn phim trên tài khoản Twitter. Trong đoạn phim, một kẻ mặc đồ đen dọa sẽ giết hại 2 con tin người Nhật, nếu Tokyo không chấp nhận trả 200 triệu USD tiền chuộc trong vòng 72 giờ.
Tên phiến quân nói rằng khoản tiền chuộc là để bù đắp cho 200 triệu USD viện trợ phi quân sự mà Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cam kết để hỗ trợ chiến dịch chống IS khi ông đến thăm Trung Đông hồi cuối tuần trước.
Thủ tướng Abe ngày 20/1 cũng đã quyết định cắt ngắn chuyến công du Trung Đông để tập trung giải quyết vấn đề 2 con tin người Nhật bị IS bắt cóc.
Cảnh sát Nhật hiện đang hợp tác với các cơ quan tình báo ở Trung Đông, châu Âu và Mỹ để thu thập thông tin về 2 con tin nêu trên và gấp rút điều tra về tính xác thực của đoạn băng video đe dọa.
-----------------------