Hàn-Trung ngày 23/1 nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc nối lại vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Cùng ngày, Nhật và Nga cũng đã đồng ý hợp tác thúc đẩy nối lại cuộc đàm phán bị đình trệ từ năm 2009.
Hàn-Trung nhất trí khôi phục đàm phán 6 bên
Hãng tin Yonhap đưa tin trong cuộc gặp tại thủ đô Seoul ngày 23/1, Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc nối lại vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Yonhap dẫn thông báo của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Tổng thống Park ngày 23/1 đã bày tỏ hy vọng hai bên sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp “sáng tạo và đa dạng” để nối lại vòng đàm phán, đồng thời hợp tác chặt chẽ trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên và cải thiện quan hệ liên Triều.
Phó thủ tướng Uông nhận định hai bên cần làm sâu sắc hơn nữa “quan hệ đối tác chiến lược” và nỗ lực để khôi phục các cuộc đàm phán 6 bên đang bị đình trệ, đồng thời đánh giá tích cực về việc Seoul và Bình Nhưỡng đã đưa ra các đề nghị đối thoại liên Triều trong thời gian gần đây.
Trong một diễn biến có liên quan, chính phủ Triều Tiên ngày 23/1 đề nghị Hàn Quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại liên Triều. Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của Triều Tiên sau lời đề nghị đối thoại từ phía Hàn Quốc, trong đó có việc nối lại đàm phán về đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh từ năm 1950 đến năm 1953.
Nhật, Nga hợp tác thúc đẩy nối lại đàm phán 6 bên
Hãng tin Kyodo News ngày 23/1 dẫn lời các quan chức Tokyo thông báo chính phủ 2 nước Nhật-Nga đã đồng ý hợp tác thúc đẩy nối lại đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Thỏa thuận này đã đạt được trong cuộc hội đàm cùng ngày tại thủ đô Mátxcơva giữa ông Junichi Ihara, Vụ trưởng Vụ châu Á - châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov.
Về kết quả đàm phán hôm 23/1, ông Ihara nhận định: “Chúng tôi đã trao đổi về cách thức đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán một cách hiệu quả nhất” .
“Trong bối cảnh Triều Tiên đang xích lại gần Nga và rời xa đồng minh truyền thống là Trung Quốc, chúng tôi tiếp tục mong đợi rằng Mátxcơva sẽ đóng vai trò then chốt (trong cuộc đàm phán 6 bên)”, ông Ihara nói.
Kyodo News cũng cho hay trưởng phái đoàn ngoại giao của 3 nước Nhật-Mỹ-Hàn dự kiến sẽ gặp nhau tại Tokyo vào ngày 28/1 tới nhằm tăng cường hợp tác để hướng tới nối lại đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Những động thái này được đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho hôm 19/1 đề xuất tái khởi động đàm phán 6 bên trong cuộc hội đàm không chính thức giữa Bình Nhưỡng và Washington tại Singapore. Ông Ri đã khẳng định: “Đây là lần đầu tiên Triều Tiên đưa ra đề xuất này mà không kèm điều kiện tiên quyết”.
Dù Mỹ ngày 21/1 đã bác bỏ đề xuất trên của Triều Tiên và tuyên bố chỉ đồng ý nếu nước này tuân thủ các cam kết quốc tế trước đó, nhưng có lẽ lời đề nghị của Bình Nhưỡng vẫn có những tác động nhất định đến các nước trong cuộc đàm phán 6 bên.
--------------------------
Ấn Độ báo động an ninh trước chuyến thăm của Tổng thống Obama
Đêm qua 24/1, Cục Tình báo Ấn Độ (IB) đã ra lệnh báo động đối với cảnh sát New Delhi về nguy cơ tấn công khủng bố, chỉ ít giờ sau khi chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Mỹ Barack Obama rời Mỹ tới thăm Ấn Độ trong các ngày 25-27/1.
Mạng trực tuyến Zee News đưa tin, lệnh báo động được đưa ra sau khi IB khuyến cáo nguy cơ xảy ra một vụ tấn công như ở Mumbai năm 2008.
“Một cuộc tấn công khủng bố tương tự vụ tấn công ở thành phố Mumbai năm 2008 có thể sẽ xảy ra trong chuyến thăm của Tổng thống Obama”, cảnh báo của IB nêu rõ.
Cơ quan này cũng cho rằng các phần tử khủng bố đã thâm nhập lãnh thổ Ấn Độ qua biên giới ở khu vực Jammu - Kashmir và hiện đang có mặt tại thủ đô New Delhi. Những phần tử này đang lên kế hoạch tấn công bằng cách sử dụng dù lượn.
Cảnh sát đã được yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt tất cả những người mua các loại hóa chất có thể được sử dụng làm chất nổ.
Hiện New Delhi đã được tăng cường an ninh như một pháo đài, với khoảng 15.000 máy quay an ninh được lắp đặt trong thành phố.
Hơn 1.000 tay súng bắn tỉa, 45.000 cảnh sát và đông đảo lực lượng bán vũ trang cũng đã được triển khai ở thủ đô Ấn Độ để ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công khủng bố nào. Các lực lượng này được triển khai theo đội hình 7 lớp để bảo vệ Tổng thống Barack Obama.
Trước đó, chiều 24/1, chiếc chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cất cánh từ căn cứ không quân Andrews, bắt đầu hành trình đến thăm Ấn Độ. Tổng thống Obama là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên tới thăm đất nước sông Hằng trong vai trò khách mời đặc biệt của lễ kỷ niệm 66 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ và cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Ấn Độ hai lần khi còn đương chức.
Theo lịch trình, chuyên cơ của ông Obama sẽ hạ cánh xuống sân bay quân sự Palam ở New Delhi vào lúc 10 giờ sáng nay 25/1 theo giờ địa phương (11h30 cùng ngày ở Việt Nam).
Khoảng 12h00, lễ đón Tổng thống Obama sẽ diễn ra tại Phủ Tổng thống với sự có mặt của Tổng thống nước chủ nhà Pranab Mukherjee và Thủ tướng Narendra Modi. Tiếp đó, ông Obama sẽ tới Đài tưởng niệm lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi ở Rajghat và tham dự lễ trồng cây lưu niệm tại đây.
Tổng thống Obama sẽ cùng Thủ tướng Modi dùng bữa trưa và làm việc tại Phủ Thủ tướng Ấn Độ trước khi phái đoàn 2 nước có cuộc gặp mở rộng kéo dài khoảng một giờ.
Sáng 26/1, Tổng thống Obama cùng Đệ nhất phu nhân Michelle Obama được mời làm khách chính tại lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa Ấn Độ.
Chiều cùng ngày, Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi sẽ tham dự Hội nghị bàn tròn các tổng giám đốc và phát biểu tại hội nghị cấp cao doanh nghiệp Mỹ - Ấn.
Trong ngày cuối cùng của chuyến thăm, Tổng thống Obama sẽ phát biểu tại thính phòng Siri Fort ở New Delhi, sau đó tới Saudi Arabia để dự lễ tang quốc vương nước này. Đây là lý do nhà lãnh đạo Mỹ hủy kế hoạch tới thăm đền Taj Mahal ở thành phố Agra của Ấn Độ.
--------------------------
Tổng thống Obama: Internet là vũ khí hiệu quả với Triều Tiên
Tổng thống Mỹ hôm 23/1 nói rằng mạng Internet là vũ khí hiệu quả hơn biện pháp quân sự khi đối phó với các chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Theo kênh truyền hình Arirang, trong một cuộc phỏng vấn ngày 23/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết để đối phó với các chương trình hạt nhân tên lửa và quân đội của nước này, một chính sách liên quan đến mạng Internet sẽ hiệu quả hơn biện pháp quân sự. Ông nói Internet sẽ tìm được đường thâm nhập vào Triều Tiên và giúp lan truyền các thông tin mà chính quyền nước này đã cắt xén.
Tổng thống Mỹ thừa nhận khả năng tác động của Mỹ lên Triều Tiên bằng quân sự là hạn chế bởi nước này có quân đội hùng mạnh, có công nghệ hạt nhân và tên lửa. Hơn nữa, ông nói thêm “đồng minh Hàn Quốc của chúng ta ở ngay bên cạnh, nếu chiến tranh xảy ra thì quốc gia này sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó một giải pháp quân sự là không khả thi”.
Hôm 20/1, Tổng thống Obama tuyên bố trong Thông điệp liên bang rằng: “Không một quốc gia nước ngoài nào có thể phá hoại mạng máy tính của Mỹ”, rõ ràng ám chỉ Triều Tiên trong vụ tấn công mạng vào hãng phim Sony Pictures hồi cuối tháng 11/2014.
Trước đó, Mỹ đã cáo buộc Triều Tiên là thủ phạm vụ tấn cộng mạng vào hãng phim Sony Pictures khi hãng này chuẩn bị công chiếu bộ phim The Interview có nội dung giả tưởng liên quan đến ám sát Chủ tịch Kim Jong-un. Mỹ đã tiến hành hàng loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng để trả đũa sự việc này. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc của Washington.
Bên cạnh đó, ông Obama gọi Triều Tiên là “quốc gia biệt lập nhất trên thế giới”, đồng thời nhận định: “Rất khó để duy trì kiểu chế độ biệt lập trong thế giới hiện đại ngày nay. Chắc chắn một chế độ như vậy cuối cùng sẽ sụp đổ”.
Nhiều nhà phân tích đồng ý rằng Triều Tiên đã không còn nằm trong danh sách ưu tiên của Washington trong vài năm gần đây, và chính phủ Mỹ không còn quan tâm nhiều đến đàm phán hạt phân với Bình Nhưỡng. Cả Washington và Seoul đều đã yêu cầu Bình Nhưỡng phải có những bước đi cụ thể chứng minh cam kết phi hạt nhân hóa trước khi cân nhắc việc nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân đã bị đình trệ từ năm 2009.
---------------------------