IS đe dọa Đông Nam Á
Các tay súng người Indonesia và Malaysia đang chiến đấu cho nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria đã thành lập một “đơn vị” chung mang tên Katibah Nusantara Lid Daulah Islamiyyah gồm 22 thành viên.
Giới phân tích cho rằng đây có thể là nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của IS sang Đông Nam Á. Đô đốc Samuel Locklear, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, cho biết khoảng 1.000 người châu Á - Thái Bình Dương đã tìm cách gia nhập IS. Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Chống khủng bố Liên minh châu Âu (EU) Gilles de Kerchove hôm 26-9 cảnh báo về các tay súng thánh chiến đến từ châu Âu trong hàng ngũ IS đã tăng từ hơn 1.000 người (báo cáo đầu năm 2014) lên hơn 3.000 người. Theo ông Kerchove, các cuộc không kích làm gia tăng khả năng IS tấn công châu Âu. Cùng ngày, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tiết lộ thông tin tình báo rằng IS có kế hoạch tấn công hệ thống tàu điện ngầm ở Mỹ và Pháp.
Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ thông báo thực hiện 10 cuộc không kích trong hai ngày 25 và 26 - 9, trong đó 3 cuộc không kích tại Syria và 7 tại Iraq. Chiến đấu cơ của Mỹ đã phá hủy hàng loạt xe tăng, xe bọc thép và các cơ sở của IS ở Syria và Iraq trong ngày thứ 4 của chiến dịch. Cùng ngày, chính phủ Đan Mạch cho biết Copenhagen sẽ đưa 7 máy bay chiến đấu F-16 trợ giúp chiến dịch không kích chống IS tại Iraq. Trong khi đó, quốc hội Anh nhiều khả năng thông qua kế hoạch không kích IS tại Iraq của Thủ tướng David Cameron trong phiên họp đặc biệt hôm 26-9. Báo The Sun dẫn một số nguồn tin quốc phòng cho biết Anh có thể bắt đầu không kích IS vào đêm 27-9 nếu quốc hội bật đèn xanh.
-----------------------
Hong Kong: Hàng trăm người 'tấn công' tòa nhà chính phủ
Khuya ngày 26-9, hàng trăm người biểu tình đã tràn qua cổng và tiến vào khu nhà chính phủ tại đặc khu hành chính Hong Kong – Trung Quốc đòi Trung Quốc trao nhiều quyền tự quyết hơn cho Hong Kong.
Tờ AFP đưa tin, khoảng 150 người, gồm các nhà hoạt động xã hội và sinh viên đã tràn vào khuôn viên khu tổ hợp các văn phòng chính phủ tại Hong Kong.
Cảnh sát Hong Kong chi biết, hiện đã có 6 cá nhân, từ 16-29 tuổi, bị bắt giữ với các cáo buộc từ “đột nhập trái phép vào cơ quan công quyền” đến tội danh “tấn công người thi hành công vụ”.
Theo mô tả của truyền thông phương Tây, những người biểu tình đã leo qua các hàng rào ngăn cách. Một bộ phận không nhỏ người biểu tình khác áp sát khu nhà và la hét yêu cầu “mở cổng”.
Cảnh sát phải liên tục sử dụng bình xịt hơi cay để trấn áp làn sóng biểu tình. Đáp lại, đoàn người đã tự trang bị sẵn dù, mặt nạ và mắt kính để tự vệ đồng thời đẩy lùi hàng rào cảnh sát. Các sĩ quan liên tục răn đe người biểu tình “dừng bước bằng không chúng tôi sẽ buộc phải sử dụng vũ lực”.
Rạng sáng ngày 27-9, cảnh sát chống bạo động với khiên và dùi cui đã “tiếp ứng” và đẩy lùi đoàn người biểu tình khỏi khu nhà chính phủ.
Được biết, các cuộc biểu tình hiện nay của người dân Hong Kong đang được dẫn đầu bởi tầng lớp sinh viên – học sinh thành phố và các nhà hoạt động xã hội của Trung Quốc. Phong trào này đã kéo dài hàng ngày trời nhằm phản đối sự can thiệp của chính quyền Bắc Kinh vào quyết định lựa chọn người lãnh đạo cho đặc khu hành chính Hong Kong – Trung Quốc.
Các hãng thông tấn phương Tây như AFP và Reuters ước đoán con số thật lên đến gần 2000 người sau khi hàng trăm học sinh cấp hai, bất chấp sự ngăn cản của phụ huynh, cũng tham gia vào đoàn biểu tình. AFP ước tính đến cuối ngày 26-9, đã có 900 học sinh cấp hai “xuống đường”.
Theo hình ảnh từ các hãng truyền thông Trung Quốc, cảnh sát đã bắt giữ lãnh đạo của lực lượng học sinh sinh viên Hong Kong là Joshua Wong.
Chính quyền tuyên bố “rất lấy làm tiếc” trước vụ việc khuya 26-9 và rạng sáng 27-9. Bản thông báo cho biết đã có nhiều cảnh sát, nhân viên an ninh và người biểu tình bị thương. Tuy nhiên con số cụ thể vẫn chưa được làm rõ.
Có thông tin phong trào biểu tình sẽ tiếp tục leo thang vào tháng tới khi một nhóm các nhà hoạt động xã hội sẽ thực hiện chiến dịch “Occupy Central” (Chiếm lấy khu trung tâm) vào ngày 1-10, tức ngay ngày Quốc khánh của Trung Quốc.
Người đồng sáng lập chiến dịch “Occupy Central”, Benny Tai, khẳng định chiến dịch sẽ được triển khai nếu như chính quyền Bắc Kinh vẫn khước từ quyền tự quyết của người dân Bắc Kinh về vị trí lãnh đạo thành phố.
Ở chiều ngược lại, hiện đang có gần 300 người, đa số là các cán bộ hưu trí từ Trung Quốc đại lục, đã tổ chức một cuộc biểu tình tại công viên Tamar (Hong Kong) để ủng hộ quyết định của Bắc Kinh.
-----------------------
Taliban tàn sát gần 100 người ở Afghanistan
Một cuộc nổi dậy lớn của hàng trăm phiến quân Taliban ở miền đông Afghanistan tuần qua làm 80 đến 100 người thiệt mạng, trong đó có 12 người bị chặt đầu.
"Phiến quân chặt đầu 12 dân thường ở 4 ngôi làng", AFP dẫn lời ông Ahmadullah Ahmadi, một trong các lãnh đạo tỉnh Ghazni, đông Afghanistan hôm nay cho biết. "Chúng tôi không có con số chính xác, nhưng ước tính 80 tới 100 người thiệt mạng trong một tuần qua", ông này nói thêm.
Khoảng 700 chiến binh Taliban trong tuần qua đang tập trung tấn công huyện Ajristan, nằm ở vị trí quan trọng chiến lược tỉnh Ghazni, sau các cuộc nổi dậy gần đây ở Kandahar, Helmand và Logar.
"Tình hình rất nguy cấp ở huyện này. Chúng tôi được chính quyền trung ương báo rằng chúng vừa gửi tiếp viện", ông Ahmadi nói. Ông cho biết huyện đang có nguy cơ rơi vào tay Taliban khi 60-70 căn nhà đã bị đốt và việc liên lạc với lực lượng an ninh tại đây đang rất mong manh.
Lực lượng Taliban đang tấn công để đẩy lùi lực lượng nước ngoài do Mỹ dẫn đầu và chính phủ Afghanistan do Mỹ ủng hộ. Lực lượng an ninh Afghanistan gồm khoảng 350.000 người được liên minh Mỹ - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) huấn luyện từ con số không, bắt đầu từ năm 2001.
Tất cả các chiến dịch tác chiến của NATO sẽ chấm dứt vào cuối năm nay, nhưng khoảng 12.000 lính vẫn ở lại vào năm sau để thực thi nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ.
-----------------------
Nga “đóng băng” Ukraine?
Trả lời phỏng vấn báo Đức Handelsblatt trước thềm cuộc gặp 3 bên Nga - Ukraine -Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề khí đốt ở Berlin hôm 26-9, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố trong 8 vòng đàm phán trước đó, Moscow đã đưa ra một loạt đề nghị nhưng Kiev không đồng ý.
Ông Novak khẳng định Nga luôn muốn thỏa hiệp trong bất cứ trường hợp nào. Tuy nhiên, đối với đề nghị của EU về việc Nga và Ukraine ký hợp đồng cung cấp khí đốt tạm thời, Bộ trưởng Novak nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi không thay đổi, đó là trước hết Ukraine phải thanh toán khoản nợ khoảng 2 tỉ USD”.
Trong khi đó, bên lề phiên họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cáo buộc Nga toan tính “đóng băng” Ukraine vào mùa đông tới. Ông Yatsenyuk quả quyết: “Mục đích cuối cùng của Nga là gây ra thêm một cuộc xung đột năng lượng khác với ý đồ làm Ukraine lạnh cóng”. Đồng thời, ông mong Ukraine sẽ nhận được một lượng khí đốt bổ sung.
Tuy nhiên, Hungary vừa quyết định ngưng cung cấp khí đốt cho Ukraine vô thời hạn vì nhu cầu trong nước tăng. Công ty Naftogaz của Ukraine gọi đây là hành động bất ngờ và có sự tác động từ Công ty Gazprom của Nga. Trước đây, Thủ tướng Yatsenyuk cam kết 5 năm nữa, Ukraine sẽ hoàn toàn không phụ thuộc vào khí đốt Nga bằng cách tăng đáng kể lượng khí đốt mua từ EU thông qua Ba Lan, Hungary và Slovakia. Chiến lược này càng gặp khó bởi theo Itar-Tass ngày 25-9, Bộ trưởng Novak tuyên bố: “Hợp đồng khí đốt giữa Nga và EU không xem xét việc tái xuất khẩu. Các đối tác EU chỉ cần tuân thủ những thỏa thuận đã ký kết thì việc cung cấp khí đốt cho người tiêu dùng châu Âu sẽ không bị gián đoạn”.
-----------------------
Nga xem xét tịch thu tài sản nước ngoài
Theo Reuters, nghị sĩ Vladimir Ponevezhsky thuộc đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất đã đệ trình dự luật cho phép tịch thu tài sản nước ngoài đặt trên lãnh thổ Nga sau khi Mỹ và đồng minh áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này.
Một khi được phê chuẩn, dự luật sẽ bật đèn xanh cho các tòa án Nga được quyền kê biên tài sản nước ngoài, kể cả những tài sản được bảo hộ đặc biệt. Theo dự luật, chính phủ cũng sẽ sử dụng ngân sách nhà nước để bồi thường cho các công dân Nga có tài sản bị tịch biên ở nước ngoài. Dự luật này cần được lưỡng viện quốc hội Nga thông qua trước khi trình Tổng thống Vladimir Putin ký phê chuẩn.
Động thái trên diễn ra sau vụ chính quyền Ý tịch thu khối tài sản trị giá khoảng 40 triệu USD của các công ty do tỉ phú Arkady Rotenberg, được cho là có quan hệ gần gũi với Tổng thống Putin, điều hành. Reuters dẫn lời cựu Phó thủ tướng Nga Boris Nemtsov nhận định dự luật trên nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine. Theo giới quan sát, một mục đích khác nữa là đảm bảo an ninh và bền vững kinh tế trong bối cảnh doanh nghiệp và người nước ngoài hiện diện ngày càng nhiều tại khu vực Siberia giàu tài nguyên nhưng thưa thớt dân cư của Nga.
Trong một diễn biến khác, AFP dẫn lời Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 26.9 cho biết ông và Tổng thống Putin có thể sẽ gặp nhau tại châu Âu trong khoảng 3 tuần tới. Một quan chức cấp cao ở Điện Kremlin thì cho biết ông Putin đang cân nhắc giữa việc gặp song phương với ông Poroshenko hoặc mời thêm Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande tham gia thảo luận. Ngoài ra, Tổng thống Poroshenko cũng vừa công bố chương trình cải cách kinh tế xã hội sâu rộng trong vòng 6 năm nhằm chuẩn bị gia nhập EU vào năm 2020. Tổng thống Poroshenko cũng đã bất chấp phản đối từ Nga và ra lệnh hủy bỏ quy chế không liên minh của Ukraine, mở đường cho nước này gia nhập các liên minh quân sự như NATO.
-----------------------
Bắt giữ các lãnh đạo truyền thông Trung Quốc tống tiền doanh nghiệp
Hai lãnh đạo cấp cao này là Thẩm Hạo và Trần Đông Dương, hôm 25-9 đã bị cảnh sát bắt giam để điều tra, do nghi ngờ dính líu đến các vụ” tống tiền” hàng trăm doanh nghiệp ở Trung Quốc.
Tập đoàn truyền thông phương Nam, là tập đoàn mẹ của Thế kỷ 21 cùng ngày cũng đã chính thức buộc thôi việc đối với Thẩm và Dương.
Kết quả điều tra sơ bộ cho biết từ năm 2010, cơ quan truyền thông trên đã tung nhân viên để tìm hiểu các doanh nghiệp đang niêm yết, chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc các doanh nghiệp đang muốn chuyển đổi cơ cấu hay tái cấu trúc doanh nghiệp.
Sau đó, ngã giá và ra điều kiện nếu các doanh nghiệp này hợp tác tốt bằng cách đồng ý “trả tiền thù lao” thì phóng viên của tập đoàn này sẽ viết bài ca ngợi trên báo, bằng không thì sẽ bị bêu xấu không thương tiếc trên các ấn phẩm của tập đoàn này.
Báo tin tức Bắc Kinh cho biết từ tháng 4-2010, trang web 21cbn.com đã ép hơn 100 doanh nghiệp ở Trung Quốc ký hợp đồng “quảng bá” thu lợi hàng triệu nhân dân tệ.
Một Ban biên tập được thành lập, ông Quách Diệc Lạc từ tập đoàn phương Nam sẽ là tổng biên tập thay cho Thẩm Hạo và Lý Vinh, một phó tổng khác của Thế Kỷ 21 sẽ thay thế Trần Đông Dương.
----------------------
Nhân viên Hồi giáo Mỹ cắt đầu đồng nghiệp
Một nhân viên phân phối thực phẩm tại bang Oklahoma (Mỹ) đã ra tay cắt đầu đồng nghiệp và đâm trọng thương một đồng nghiệp khác sau khi bị mất việc.
Theo AFP, nghi phạm Alton Nolen, 30 tuổi, từng nhiều lần khuyên các đồng nghệp của mình cải đạo sang Hồi giáo.
Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang xem xét lý lịch của Nolen nhằm tìm ra các mối lên hệ tôn giáo của hắn.
Theo các cảnh sát, Nolen vừa mới theo đạo Hồi trong thời gian gần đây. Hắn bị đuổi việc trước khi thực hiện vụ tấn công trên. Hiện vẫn chưa rõ lý do vì sao nghi phạm bị đuổi việc.
Vụ việc gợi nhớ các vụ hành hình dã man của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Các chiến binh Hồi Giáo ở Iraq và Syria tung các đoạn video ghi lại cảnh cắt đầu hai người Mỹ và một nhân viên cứu trợ người Anh.
Hai nạn nhân trong vụ tấn công đẫm máu trên gồm Colleen Hufford, 54 tuổi và Traci Johnson, 43 tuồi. Hufford bị cắt đầu trong khi Johnson bị đâm trọng thương và đang được điều trị trong bệnh viện.
Các nạn nhân bị tấn công một cách ngẫu nhiên.
Một nhân chức kể lại rằng Nolen đâm bà Hufford nhiều lần và sau đó cắt đầu nạn nhân.
“Tôi nghe rất nhiều tiếng la hét” – một người dân gọi điện thoại cho 911 cho biết ông đang ở một tòa nhà khác khi vụ tấn công bà Hufford xảy ra.
Theo cảnh sát Moore, Nolen dùng con dao cắt đầu bà Hufford tấn công nạn nhân tiếp theo. Hắn bị cảnh sát bắn khi đang đâm Johnson. Nghi phạm này đang được điều trị tại một bệnh viện địa phương với nhiều khả năng sống sót.
Nolen từng bị bắt vì tội sử dụng ma túy, vượt ngục và chống đối cảnh sát.