Liên quan đến sự đổ bộ của một số nhà bán lẻ ngoại vào thị trường Việt Nam, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, dù đã mở cửa từ những năm 90 của thế kỷ trước đối với hàng hóa của ASEAN, nhưng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang thống lĩnh thị trường.
Tại chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời diễn ra tối 1/2/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chia sẻ về cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt cũng như giải thích ngắn gọn về thương mại tự do, một khái niệm khá quen thuộc nhưng nhiều người dân còn chưa thực sự hiểu rõ.
Theo cắt nghĩa của Bộ trưởng Hoàng, thương mại tự do nghĩa là các nền kinh tế trên thế giới tham gia ký kết, cam kết với nhau trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay một liên minh thuế quan, kinh tế và đặc biệt là của một hiệp định thương mại tự do. Khái niệm này bao gồm giao thương hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và kể cả tự do di chuyển lao động.
Mở cửa thị trường hàng hóa là nguyên tắc có đi, có lại. Nếu chúng ta muốn xuất khẩu, tăng cường sự hiện diện hàng hóa Việt Nam vào một thị trường nhất định mà hiện nay còn đang hạn chế, thì ngược lại chúng ta phải mở cửa cho hàng hóa mà đối tác đó có nhu cầu xuất khẩu sang Việt Nam.
Nguyên tắc này thực hiện trên cơ sở cố gắng thu được lợi ích cốt lõi trong đàm phán về thương mại hàng hóa. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, khi Chính phủ quyết định đàm phán Hiệp định thương mại tự do với một đối tác thì đều đã tính tới lợi thế và kế hoạch lộ trình để bảo vệ sản xuất trong nước, phù hợp vừa hội nhập và bảo vệ thị trường trong nước.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam có lợi ích rất lớn đối với những mặt hàng như dệt may, da giày, nông, thủy sản và một số sản phẩm công nghiệp chế biến. Khi đàm phán hiệp định thương mại tự do với các đối tác, bao giờ Việt Nam cũng đặt ra vấn đề là các nước này phải mở cửa tối đa thị trường của họ đối với những mặt hàng này của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam sẽ xem xét, chấp nhận mở cửa thị trường trong nước đối với một số hàng hóa mà các nước đối tác có nhu cầu xuất khẩu sang Việt Nam.
Việt Nam không ngại mở cửa với Cộng đồng kinh tế ASEAN
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý rằng, Việt Nam có lộ trình riêng và đề nghị đối tác chấp nhận lộ trình đó, nhất là đối với một số hàng hóa đang gọi là nhạy cảm, do khả năng sản xuất trong nước còn hạn chế hoặc khả năng cạnh tranh còn chưa cao. Việt Nam cần có khoảng thời gian nhất định đủ để doanh nghiệp hay nhà sản xuất trong nước vươn lên, nâng cao chất lượng.
“Khi Việt Nam thực hiện được như vậy, việc băn khoăn đến những việc cạnh tranh gay gắt, thậm chí đe dọa sản xuất trong nước là không có cơ sở nếu chúng ta thực hiện nghiêm thúc các thỏa thuận đã ký” – người đứng đầu Bộ Công thương cho hay.
Bộ trưởng cho biết, tại thời điểm hiện nay, Việt Nam đang đàm phán ký kết 7 Hiệp định thương mại tự do với các đối tác. Trong đó có thể kể đến Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan (VCUFTA).
Đối với Việt Nam, khi đàm phán luôn tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ là luôn bảo hộ một cách hợp lý đối với hàng hóa liên quan tới nông nghiệp. Ví dụ như khi đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã đấu tranh và giữ được bảo hộ đối với 4 loại hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp gồm muối ăn, đường (để ăn), trứng gia cầm và nguyên liệu sản xuất thuốc lá.
Đối với 4 loại hàng hóa này, Việt Nam áp dụng hạn ngạch thuế quan khi xem xét nhập khẩu. Mỗi năm, chỉ cho phép một lượng nhất định được nhập khẩu vào Việt Nam và hưởng thuế suất ưu đãi. Nếu xuất khẩu vào Việt Nam ngoài hạn ngạch thì sẽ phải chịu mức thuế suất cao. Việc này góp phần vừa bảo hộ sản xuất trong nước một cách hợp lý nhưng cũng thực hiện nghĩa vụ mở cửa từ từ, có chọn lọc, có lộ trình đối với những sản phẩm kể trên.
Liên quan đến sự đổ bộ của một số nhà bán lẻ ngoại vào thị trường Việt Nam và điều này có thể kéo theo hệ quả đó là “Siêu thị đi trước, hàng hóa theo sau”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá, lĩnh vực bán buôn bán lẻ là một lĩnh vực nhạy cảm, không phải chỉ với Việt Nam mà kể cả với nhiều nước khác trên thế giới.
Đây là một trong những nội dung mà Việt Nam sẽ mở cửa thận trọng, theo lộ trình, đối với từng loại hàng hóa sẽ có mức độ mở cửa khác nhau. Nhìn chung Việt Nam đã thực hiện tốt cam kết này.
Theo nhìn nhận của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, một số doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam nhưng ở mức độ có hạn. Số lượng hàng hóa, chủng loại hàng hóa chịu sự kiểm tra rất chặt chẽ. Việc mở các cơ sở bán buôn, bán lẻ này được một hệ thống các cơ quan từ Trung ương tới địa phương xem xét hết sức cẩn trọng. Có thể thấy rằng, dù đã mở cửa từ những năm 90 của thế kỷ trước đối với hàng hóa của ASEAN, nhưng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang thống lĩnh thị trường.
“Điều đó khẳng định chúng ta không e ngại việc mở cửa thị trường với Cộng đồng Kinh tế ASEAN nếu chúng ta có bản lĩnh, có bước đi thận trọng, có chủ trương chính sách phù hợp và quan tâm bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, bảo hộ quyền lợi chính đáng của người sản xuất” – người đứng đầu Bộ Công thương quả quyết.
-------------------------
Huế: Nhiều máy bay không thể hạ cánh
Trao đổi với Pháp Luật TPHCM tối 1/2, ông Đỗ Chí Thành (Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Thừa Thiên-Huế) cho biết, do gió quá lớn, giật cấp 7-8 nên có gần 1.000 hành khách đi trên năm chuyến bay (ba chuyến của Vietnam Airlines, hai chuyến Vietjet Air) đi Hà Nội, TPHCM bị trễ chuyến. Sự việc khiến hành khách hết sức lo lắng.
“Vì sự an toàn của hành khách nên năm máy bay trên đã phải hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng. Xe của sân bay Phú Bài sẽ trung chuyển hành khách vào sân bay Đà Nẵng để cất cánh. Những hành khách không muốn vào Đà Nẵng để đi trong đêm nay được bố trí ở tại sân bay Phú Bài và chờ các chuyến bay trong ngày 2/2” - ông Thành nói thêm.
Được biết kể từ 16 giờ chiều 1/2, khu vực Phú Bài và vùng biển Thừa Thiên-Huế thời tiết hết sức nguy hiểm nên các máy bay không dám mạo hiểm hạ cánh đón khách. Đến 21 giờ 30 cùng ngày, những chuyến xe trung chuyển đã đưa hành khách vào Đà Nẵng. Các hành khách đều tỏ ra hết sức mệt mỏi khi chờ đợi máy bay nhiều giờ liền và phải di chuyển một quãng đường rất dài bằng ô tô.
----------------------
Trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tặng 6 xã huyện Phúc Thọ, Hà Nội
Ngày 1/2, nhân kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2015), huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội đã tổ chức đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các xã Lạc Trị và Vân Cốc, nay là các xã: Phúc Hòa, Thọ Lộc, Vân Nam, Vân Phúc, Vân Hải và thị trấn Phúc Thọ; trao tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng và khen thưởng các đảng viên trẻ xuất sắc năm 2014.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao danh hiệu cao quý tặng các tập thể và cá nhân.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng, vẻ vang của Đảng, tinh thần chiến đấu bất khuất, anh dũng của người dân huyện Phúc Thọ trong các cuộc kháng chiến bảo vệ dân tộc.
Đến nay, huyện Phúc Thọ đã có 13 xã, thị trấn và 7 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Riêng xã Lạc Trị và Vân Cốc, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã có 381 người con ưu tú ngã xuống; gần 50 bà Mẹ Việt Nam anh hùng, cùng nhiều tấm gương anh dũng, kiên cường trong chiến đấu.
Năm 2015, Đảng bộ và nhân dân Phúc Thọ đang tập trung xây dựng "Năm trật tự, văn minh đô thị", gắn với xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống người dân. Nhân dịp này, huyện Phúc Thọ phát động phong trào thi đua yêu nước chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp và những ngày kỷ niệm lớn trong năm 2015...
--------------------
Báo chí phải chủ động ngăn chặn thông tin độc hại trên môi trường mạng
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn khi trao đổi với các cơ quan báo chí tại Hà Nội ngày 1/2 về những thành tựu nổi bật của ngành thông tin và truyền thông trong năm 2014 và nhiệm vụ mới đặt ra trong năm 2015.
Theo khẳng định của Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, đi đôi với những tiện ích mang lại cho rất nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội được triển khai trên nền tảng CNTT và truyền thông, những vấn đề tiềm ẩn về nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin cũng đang là thách thức lớn đặt ra cho lĩnh vực này. Thực tiễn cho thấy, xu thế hội tụ công nghệ trên nền tảng CNTT đã tạo nên một thế giới ngày càng phẳng, trong đó là phát triển của các dịch vụ xuyên biên giới, cho phép người sử dụng dễ dàng truy cập, đưa thông tin lên mạng và trao đổi thông tin không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới.
Bên cạnh các thông tin bổ ích, có giá trị đối với xã hội, nhiều nội dung thông tin độc hại, trái với thuần phong mỹ tục, trong một số trường hợp đi ngược lại với lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, vi phạm pháp luật Việt Nam, chống phá Nhà nước và chế độ cũng được phát tán trên môi trường mạng.
Các nội dung độc hại đó cần có các biện pháp quản lý tổng hợp để hạn chế các ảnh hưởng của nó đối với xã hội và cộng đồng. “Việt Nam không nằm ngoài xu thế phát triển mạnh Internet và mạng xã hội của thế giới. Trong thế giới phẳng, mọi người dân có cơ hội để tiếp cận thông tin nhanh nhất, toàn diện nhất thông qua mạng xã hội và Internet. Như Thủ tướng vừa phát biểu mới đây, chúng ta không thể ngăn chặn mạng xã hội và cũng không có chủ trương ngăn chặn mạng xã hội. Giải pháp để ngăn chặn các thông tin xấu, độc hại là các cơ quan báo chí phải vào cuộc. Những người làm báo phải vào cuộc chủ động cung cấp thông tin cho toàn dân biết. Các cơ quan Nhà nước cũng phải chủ động cung cấp thông tin đến với mọi người dân, nhất là những lĩnh vực thiết thực, sát sườn với người dân. Lúc đó, thông tin xấu, độc hại sẽ không ảnh hưởng lớn đến người dân”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo chia sẻ của Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, việc phát triển các ứng dụng trên nền tảng CNTT cũng đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Đặc biệt là khi mà rất nhiều dịch vụ mới đang phát triển và sử dụng tự do, chưa có quy định quản lý cũng gây ra phiền phức cho người sử dụng, ví dụ như việc quảng cáo không đúng quy định, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân và các dịch vụ mới như dịch vụ OTT, Uber, mạng xã hội. Do đó, phương án quản lý nhằm đảm bảo các dịch vụ mới và truyền thống cùng phát triển, cạnh tranh song vẫn bổ trợ cho nhau là thách thức đặt ra cần phải giải quyết.
Về quan điểm, Bộ TT&TT ủng hộ và tiếp tục có những giải pháp thúc đẩy và phát huy các mặt tích cực mà các công nghệ, dịch vụ mới đã mang lại. Tuy nhiên, các công nghệ, dịch vụ mới xuất hiện sẽ phát sinh ảnh hưởng đến một số khía cạnh xã hội cần quan tâm như đã nêu trên. Để giải quyết vấn đề này, hiện Bộ TT&TT đang xây dựng văn bản quản lý dịch vụ OTT để đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhà cung cấp hạ tầng dịch vụ viễn thông, các công ty cung cấp dịch vụ OTT, tạo nên một thị trường cạnh tranh bình đẳng, cùng phát triển và trên hết là quyền lợi của người sử dụng.
---------------------