Sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hành quyết con tin thứ hai người Nhật Bản và đe dọa đưa Nhật Bản vào danh sách mục tiêu khủng bố, Chính phủ Nhật Bản đã ra lệnh siết chặt các biện pháp an ninh nhằm bảo vệ công dân nước này cả ở trong và ngoài nước.
Phóng viên TTXVN tại Tokyo ngày 2/2 cho biết các cơ quan an ninh Nhật Bản sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn ngay từ biên giới, cửa khẩu như các cảng hàng không, cảng biển để rà soát, ngăn chặn mọi sự xâm nhập vào Nhật Bản của thành viên các tổ chức khủng bố. Các lực lượng an ninh cũng được tăng cường tại các nhà ga nội địa, các phương tiện vận tải công cộng và các cơ sở trọng yếu khác. Các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người Nhật Bản tại nước ngoài cũng được triển khai. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ liên kết với cộng đồng quốc tế nhằm siết chặt vòng vây đối với tổ chức IS.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 1/1 cho biết các cơ quan an ninh của nước này sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan tình báo các nước nhằm nhanh chóng thu thập và xử lý thông tin liên quan đến khủng bố. Các cơ sở trọng yếu trong nước như hệ thống vận tải công cộng, căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản, căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ được áp dụng chế độ bảo vệ nghiêm ngặt. Các trường học dành cho người Nhật Bản tại nước ngoài cũng sẽ được tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra biện pháp cụ thể để thực hiện tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản về việc hỗ trợ tài chính nhằm giúp nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát các nước Trung Đông, áp dụng các biện pháp ngăn chặn nguồn tài chính hỗ trợ khủng bố....
Từng tuyên bố biểu tình Hồng Kông đã thất bại, tuy nhiên gần 2 tháng sau, chính quyền Trung Quốc lại đứng ngồi không yên khi người dân tiếp tục xuống đường.
Theo đó, chiều 1/2, tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông của Trung Quốc, cuộc biểu tình “bất tuân dân sự” đầu tiên sau làn sóng biểu tình Chiếm Trung tâm cuối năm ngoái đã chính thức diễn ra theo kế hoạch của các nhà tổ chức.
Cuộc tuần hành bắt đầu diễn ra từ điểm xuất phát là công viên Victoria (công viên trung tâm), với sự tham dự của hàng nghìn người.
Những người biểu tình mang theo nhiều băng rôn, khẩu hiệu với nội dung kêu gọi tổ chức “bầu cử phổ thông đầu phiếu thực sự” trong cuộc bầu cử Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông vào năm 2017 – yêu cầu mà họ từng nêu ra đối với chính quyền Trung Quốc Đại lục trong làn sóng biểu tình Chiếm Trung tâm kéo dài 79 ngày vào cuối năm ngoái.
Theo những người tổ chức biểu tình, cuộc tuần hành lần này dự kiến thu hút sự tham gia của khoảng 50.000 người và không loại trừ khả năng những người biểu tình sẽ ở lại qua đêm tại khu vực trung tâm Hồng Kông, để tiến hành một đợt biểu tình phản đối mới nhằm vào chính quyền Hồng Kông và chính quyền Trung Quốc Đại lục.
Ước tính khoảng 2.000 cảnh sát đã giám sát an ninh khu vực trung tâm Hồng Kông ngày 1/2.
Vào tháng 12/2014, sau khi cảnh sát tháo dỡ khu trại biểu tình cuối cùng, các tờ báo lớn của Trung Quốc đều nhất loạt tuyên bố một cách hả hê rằng phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông đã bị đánh bại, đồng thời cảnh báo các thế lực thù địch trong và ngoài nước không được gây bất ổn đối với Hồng Kông.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc chiến thắng. Phong trào biểu tình Chiếm Trung tâm của giới sinh viên Hồng Kông sẽ là sự khởi đầu của kỷ nguyên “bất phục” của các khu vực đối với chính quyền trung ương ở Bắc Kinh. Chính vì lẽ này, tương lai của Hồng Kông sẽ rất khó đoán định nhưng hòa bình là thứ khá xa vời.
Thêm vào đó, Chiếm trung tâm thực sự là cú đánh mạnh vào chủ trương "một nước hai chế độ" của Trung Quốc và nó sẽ khiến cho Đại lục gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan sau này.
------------------------
Mỹ: Bé trai 3 tuổi vô tình bắn cha mẹ bằng một phát đạn
Cảnh sát Mỹ ngày 1/2 cho biết một cậu bé 3 tuổi tại bang New Mexico đã vô tình bắn trúng cha mẹ bằng một phát đạn sau khi kéo khẩu súng ra khỏi túi xách của người mẹ.
Hãng tin BBC cho biết vụ việc này xảy ra hôm 1/2 tại một phòng trong nhà trọ America's Best Value Inn, thành phố Albuquerque, bang New Mexico (Mỹ), nơi ở của một gia đình gồm 1 cặp đôi chưa kết hôn và 2 đứa con.
Khi lục túi xách mẹ để tìm máy nghe nhạc, cậu bé 3 tuổi thấy một khẩu súng và lôi nó ra ngoài. Vô tình, cậu bé đã làm súng nổ, viên đạn xuyên qua mông người cha và trúng vào tay người mẹ đang mang thai 8 tháng. Theo BBC, cô em gái 2 tuổi của cậu bé cũng có mặt trong phòng nhưng may mắn không bị thương.
Hãng tin Sky News dẫn lời ông Justin Reynolds, cha của cậu bé cho biết ông và bạn gái là Monique Villescas đang bàn về việc gọi pizza thì nghe tiếng súng nổ. "Tiếp đó, tôi thấy Monique đang chảy máu. Sau đó tôi ngồi xuống và nhận ra mình cũng trúng đạn", ông Reynolds thuật lại.
Ông Reynolds nhanh chóng gọi xe cứu thương rồi cố gắng cầm máu cho người bạn đời đang mang thai. “Tôi lo lắng cho cô ấy nhiều hơn bản thân. Tôi cũng lo cho con trai vì tôi không biết nó có tự bắn mình hay không”, ông Reynolds chia sẻ, “thằng bé đã rất hoảng loạn và khóc. Sự việc này quả thật là một thảm họa”.
Hiện cha cậu bé đã xuất viện còn người mẹ mang thai đã ổn định. Cậu bé 3 tuổi sau đó đã được các nhân viên bảo trợ đến đón và tạm giữ lại trong 48 tiếng.
Cảnh sát thành phố Albuquerque cho biết văn phòng công tố sẽ quyết định xem liệu các bậc phụ huynh có phải đối mặt với tội sơ suất hay không.
Việc xuất hiện nhiều tai nạn về súng liên quan đến trẻ em trong thời gian gần đây tại Mỹ đang khiến giới chức nước này lo ngại. Hôm 19/1, một bé trai 5 tuổi đã vô tình bắn chết em trai mới 9 tháng tuổi bằng một khẩu súng đã lên đạn để ngay trên kệ đầu giường ngủ ở bang Missouri.
Cuối năm ngoái, một em bé 2 tuổi đã vô tình nổ súng bắn chết mẹ trong một siêu thị tại Mỹ, sau khi tìm thấy khẩu súng trong túi xách của người mẹ.
------------------------
Mỹ từ chối cử quan chức ngoại giao cấp cao đến Triều Tiên
Triều Tiên hôm 1.2 cho biết, Mỹ đã từ chối lời mời cử một trong những nhà ngoại giao cấp cao của nước này đến Bình Nhưỡng, đồng thời cáo buộc Washington muốn đổ lỗi những bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa cho miền Bắc.
Ông Sung Kim đã gặp các quan chức của các quốc gia - một phần của các cuộc đàm phán 6 bên - trong tuần qua tại Tokyo và Bắc Kinh.
“Chúng tôi đã mời ông Sung Kim đến thăm Bình Nhưỡng khi ông ấy bày tỏ thiện chí muốn gặp mặt người đồng cấp của Triều Tiên trong chuyến thăm Châu Á lần này”, đài truyền hình trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời một phát ngôn viên giấu tên của Bộ Ngoại giao.
Cũng theo phát ngôn viên này, phía Mỹ bất chấp việc Triều Tiên đưa ra lời mời vẫn đang cố gắng đổ lỗi cho Bình Nhưỡng, gây hiểu lầm dư luận với việc tạo ấn tượng rằng, cuộc đối thoại và các cuộc tiếp xúc không thể hiện thực hóa do thái độ thiếu trung thực của một bên nào đó.
Hôm 30.1, phát biểu tại Bắc Kinh, ông Kim cho hay “Washington cởi mở với việc gặp gỡ và cuộc đối thoại quan trọng với Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa”. Ông không đề cập dự định đến thăm Bình Nhưỡng hoặc lời mời đàm phán với Triều Tiên. Đại sứ quán Mỹ tại Seoul cũng chưa bình luận về vấn đề này.
Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ việc nước này và Triều Tiên đã lên kế hoạch cho một cuộc họp trong thời gian tới.
-----------------------------