Số nợ thuế tạm tính cuối năm 2014 tại TP.HCM vẫn còn 19.754 tỷ đồng (tăng 20,3%) so với số nợ thuế cuối năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn; khó tiếp cận nguồn vay; doanh nghiệp bỏ địa điểm kinh doanh, giải thể...
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Cục Thuế Thành phố cho biết nhiều doanh nghiệp trọng điểm đã có chuyển biến tích cực trong việc thực hiện các quy định về thuế và kê khai nộp thuế tốt. Tuy nhiên, số nợ thuế tạm tính cuối năm 2014 vẫn còn 19.754 tỷ đồng (tăng 20,3%) so với số nợ thuế cuối năm 2013.
Theo Cục Thuế TP HCM, tổng thu trên địa bàn năm 2014 đạt 165.720 tỷ đồng (109,39% so dự toán pháp lệnh năm), tăng 5,68% so năm 2013. Trong đó, số thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm qua tăng cao nhất với 25,04% và đạt 37.145 tỷ đồng (tương đương 110,08%).
Kế tiếp là thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 29.730 tỷ đồng (khoảng 100,78% dự toán pháp lệnh) tăng 1,98% so với năm 2013. Còn thu từ doanh nghiệp Nhà nước là 26.534 tỷ đồng, đạt 110,79% dự toán pháp lệnh và tăng 0,82% so với năm 2013.
Cũng theo số liệu này được Cụ Thuế TP.HCM cho biết trong đợt báo cáo tổng kết công tác thuế, trong năm 2014 có 24.640 doanh nghiệp xin ngưng hoạt động, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 25.386 đơn vị và 7.108 khắc phục lỗi, tái hoạt động.
Cục Thuế Thành phố cho rằng, qua thống kê số đối tượng nộp thuế, ghi nhận số doanh nghiệp tái hoạt động tăng dần qua các tháng (chiếm 21,87% trên số doanh nghiệp tăng thêm trong 12 tháng) là dấu hiệu tích cực thể hiện sự phục hồi hoạt động kinh doanh tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
-----------------------
Công ty tư nhân thưởng tết tới 457 triệu mỗi người
Trong 345 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp - khu chế xuất tại TP.HCM báo cáo tình hình thưởng tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, mức thưởng thưởng tết cao nhất là 457 triệu đồng/người và thấp nhất là 2,86 triệu đồng/người. Mức thưởng tết bình quân là 4,7 triệu đồng/người.
Ngày 16/1, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) đã công bố tình hình lương, thưởng tết Ất Mùi. Tính đến chiều 15/1, có 345/1.090 doanh nghiệp trong các KCX - KCN TP.HCM báo cáo tình hình thưởng tết Nguyên đán. Cụ thể, mức thưởng trong loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty cổ phần không có vốn nhà nước, công ty TNHH cao nhất là 457 triệu đồng/người, thấp nhất là 2.860.000 đồng/người và mức thưởng bình quân là 4,7 triệu đồng/người.
Ba mức thưởng tương tự trên trong loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lần lượt là 204,5 triệu đồng, 3 triệu đồng và 5,5 triệu đồng; trong doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước là 64 triệu đồng, 2,9 triệu đồng và 5,4 triệu đồng.
Đại diện HEPZA cho biết thêm, đa số người lao động được thưởng tết trung bình là 1 tháng lương và thời gian nghỉ tết của họ từ 7 - 14 ngày.
Liên quan đến việc nhiều công ty không thưởng tết cho công nhân trong các khu chế xuất – khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM, bà Nguyễn Võ Minh Thư, Trưởng phòng Quản lý lao động của HEPZA cho biết: Dự báo có khoảng 15 doanh nghiệp thực sự khó khăn, không có khả năng thưởng tết cho hơn 700 công nhân. HEPZA sẽ đề xuất UBND TP.HCM và thông qua hệ thống công đoàn, sẽ có những phương án hỗ trợ cho người lao động trong trường hợp doanh nghiệp không thưởng tết cho họ.
Cũng theo bà Thư, trong dịp tết Nguyên đán sắp tới, HEPZA, Quỹ hỗ trợ công nhân, Công đoàn các Khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trao tặng 9.500 vé xe cho công nhân về quê ăn Tết; thăm và tặng quà cho hàng ngàn công nhân có hoàn cảnh khó khăn; bán hàng bình ổn giá…
Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ công nhân thành phố phối hợp với các công ty phát triển hạ tầng cũng lì xì đầu năm cho 600 công nhân. Ban quản lý cũng phối hợp Sở Văn hóa- Thể thao tổ chức 35 chương trình văn nghệ mừng xuân phục vụ công nhân tại các khu chế xuất – khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.
------------------------
Đã đưa hơn 1.700 người nghiện vào các cơ sở xã hội
Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, tính đến hết ngày 14/1 đã có 1.759 người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định trên địa bàn được đưa vào các cơ sở xã hội.
Trong số 691 hồ sơ thụ lý, TAND các quận, huyện đã xem xét, áp dụng biện pháp đưa đi cai nghiện bắt buộc 385 trường hợp và chuyển 125 người vào các cơ sở.
Riêng ngày 14/1 đã đưa 21 người trong tổng số 34 trường hợp phát hiện thêm vào các cơ sở xã hội, 14 người được chuyển về địa phương xử lý theo quy định. Trong số này, TAND các quận, huyện đã tổ chức họp, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 33 người.
------------------------
Tiếp tục gia hạn cho tàu thuyền đậu ở bến Bạch Đằng
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường sông, tàu thuyền nhà hàng được hoạt động tại bến thủy nội địa công viên cảng du lịch Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM) đến hết ngày 31/1.
Ngày 16/1, UBND TP.HCM đã đồng ý để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường sông và tàu thuyền nhà hàng tiếp tục được hoạt động tại bến thủy nội địa công viên cảng du lịch Bạch Đằng (quận 1) cho đến hết ngày 31/1. Sau thời hạn này, các doanh nghiệp phải có kế hoạch tự tìm nơi neo đậu và kinh doanh.
Trước đó, Sở Du lịch TP.HCM đã có văn bản đề nghị UBND TP.HCM cho phép các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đường thủy ở khu vực bến Bạch Đằng được neo đậu, hoạt động kinh doanh ở khu vực cảng Sài Gòn sau khi cảng này di dời vào năm 2016.
Trong thời gian cảng Sài Gòn chưa di dời, sở đề xuất cho các doanh nghiệp được sử dụng một góc của công viên bến Bạch Đằng (bến tàu vườn kiểng, trước tượng Trần Hưng Đạo) làm bến bãi đậu, đón khách nhằm đảm bảo an toàn cho du khách đi du lịch đường sông đến khi nào sắp xếp được bến mới.
Ngày 15/1 vừa qua là hạn chót trong giấy phép hoạt động bến thủy nội địa công viên cảng du lịch Bạch Đằng (quận 1) do Sở GTVT TP.HCM cấp cho chi nhánh Tổng công ty Du lịch Sài Gòn TNHH một thành viên - làng du lịch Bình Quới.
----------------------