Một công ty du lịch Trung Quốc mới đây tuyên bố đã nhận một con tàu cũ trị giá 24 triệu USD để mở rộng hoạt động du lịch trái phép tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng.
Tờ Nhân dân Nhật báo hôm nay 17/4 đưa ra thông tin trên và cho biết Công ty cổ phần du lịch eo biển Hải Nam ngày 15/4 đã chính thức tiếp nhận một chiếc tàu du lịch cũ mua lại với giá 150 triệu NDT (khoảng 24 triệu USD).
Con tàu này dự kiến mỗi năm sẽ giúp tăng cường khoảng 20.000 lượt khách tới du lịch Hoàng Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Người phụ trách công ty Hải Nam tiết lộ họ sẽ bắt đầu cải tạo nâng cấp chiếc tàu cũ này vào cuối tháng 4 năm nay. Dự kiến, đến đầu tháng 10 sẽ hoàn thành nâng cấp và đưa vào phục vụ hoạt động kinh doanh tại Hoàng Sa.
Người phụ trách này cho biết hiện công ty chỉ có tàu du lịch Coconut Princess và chưa đáp ứng hết nhu cầu du lịch của du khách.
Chiếc tàu cũ mà công ty du lịch Hải Nam tiến hành cải tạo có chiều dài 129 m, rộng 20,4 m, có 7 tầng, với tổng trọng lượng 11.000 tấn. Sau khi đưa vào sử dụng, tàu này có thể chở một lúc 600 du khách du lịch tới Hoàng Sa.
Trung Quốc bắt đầu triển khai các tour du lịch trái phép tới các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tháng 4/2013.
Thanh tra Chính phủ phát hiện tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam có 340 lượt giảng viên không thực hiện đúng thời khóa biểu đã xây dựng và không lên lớp; có giảng viên được cử đi nghiên cứu học tập ở nước ngoài quá thời hạn không về nước.
Thanh tra Chính phủ cho biết hôm qua (16/4) đã gửi thông báo công khai kết luận thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện Nghị định 43/2006 của Chính phủ tới Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
Cơ quan thanh tra phát hiện số cán bộ được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo nhà trường là 18 người nhưng trong đó 2/4 trường hợp được quy hoạch vào chức danh Hiệu trưởng giai đoạn 2015-2020 vượt về độ tuổi, 11/14 trường hợp thiếu tiêu chuẩn về lý luận chính trị theo Hướng dẫn số 65/2012 của Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo kết luận thanh tra, có tới 340 lượt giảng viên trong trường không thực hiện đúng thời khóa biểu đã xây dựng và không lên lớp. Ngoài tình trạng vi phạm thời gian làm việc (đi muộn về sớm, bỏ giờ làm, giảng viên bỏ giờ lên lớp, giảng thiếu tiết, thiếu giờ quy định), có viên chức của trường vi phạm về phẩm chất đạo đức, vi phạm nghiêm trọng về quy chế đào tạo tới mức phải xử lý kỷ luật; có giảng viên cử đi nghiên cứu học tập ở nước ngoài quá thời hạn không về nước.
Trong công tác đào tạo hệ sau ĐH, tại kỳ thi tuyển sinh đợt 2 năm 2012 để xảy ra sự cố thất lạc bài thi của thí sinh (để thí sinh mang bài thi về nhà). Nhà trường đã cho phép thí sinh thi lại, theo Thanh tra Chính phủ, vi phạm Quy chế tuyển sinh trình độ thạc sĩ và Quy chế tuyển sinh ĐH - CĐ hệ chính quy.
“Công tác quản lý học viên còn để tình trạng có học viên nhờ người học hộ”- thông báo của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Ngoài ra công tác đào tạo còn để xảy ra vụ việc tiêu cực: chấm nâng điểm thi môn Tiếng Anh khóa 18. Cục An ninh chính trị nội bộ (A83) - Bộ Công an, đã điều tra, làm rõ và Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã những hình thức kỷ luật đối với cá nhân có vi phạm.
Về tuyển sinh, đào tạo ĐH-CĐ chính quy, liên thông CĐ lên ĐH, trường này đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao: Năm 2011 vượt 1.274 chỉ tiêu, năm 2012 vượt 344 chỉ tiêu, năm 2013 vượt 700 chỉ tiêu. Trong khi đó, năm 2012, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải dừng tuyển sinh 3 chuyên ngành do không đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu và số lượng học viên.
Trong đào tạo vừa làm vừa học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã mở lớp tại một số địa điểm không đúng quy định tại Quyết định số 42/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Bảo, Trường đào tạo nghề Hải Phòng, Trung tâm đào tạo bồi dưỡng tại chức tỉnh Nam Định, Trường trung cấp nghề Công nghệ Hà Nam, Trường cao đẳng nghề Tam Điệp, Trường trung cấp nghề Việt Nhật, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Phúc Thọ.
Từ năm 2003 tới nay nhà trường ký hợp đồng hợp tác liên kết và giao khoán hàng năm, thực chất là hợp đồng cho thuê đất, cho thuê nhà lâu dài để sản xuất kinh doanh, dịch vụ với 11 công ty, xí nghiệp và 175 cá nhân.
“Có hợp đồng liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học chỉ mang tính hình thức; một số đơn vị, cá nhân sau khi ký hợp đồng đã tự ý san lấp ao, hồ để xây dựng văn phòng làm việc, kho, xưởng nhưng không làm thủ tục xin cấp phép xây dựng, sử dụng không đúng mục đích đất được giao cho trường quản lý”- kết luận chỉ rõ.
Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tập thể Ban giám hiệu; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với Hiệu trưởng, các Phó hiệu trưởng giai đoạn 2011-2013 liên quan đến các sai phạm nêu trên.
-----------------------
Trung Quốc xây đường băng phi pháp ở Trường Sa
Các bức ảnh vệ tinh được chụp gần đây cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng đường băng đầu tiên tại quần đảo Trường Sa, thích hợp để sử dụng cho mục đích quân sự, và có thể đang lên kế hoạch một đường băng khác, một động thái khiến quốc tế lo ngại.
Tạp chí quốc phòng IHS Jane's đưa tin các bức ảnh do Cơ quan vũ trụ và quốc phòng Airbus chụp ngày 23/3 đã cho thấy công tác xây dựng tại các khu vực được tạo trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Theo Jane's, các bức ảnh đã chụp một khu vực được lát bê tông rộng 505x53 m của đường băng ở mặt phía đông bắc của bãi đá. Trung Quốc đã bắt đầu biến bãi đá thành một đảo nhân tạo thông qua hoạt động bồi đắp, nạo vét từ năm ngoái.
Công tác chuẩn bị cho các phần khác của đường băng cũng đã bắt đầu dọc hòn đảo và các công nhân đã mở một khu vực sân đỗ rộng khoảng 400x20 m.
Jane's cho biết các bức ảnh còn cho thấy công tác nạo nét ở mặt phía tây nam của đảo và các cần trục đang bồi đắp một bến cảng.
Nguồn tin trên còn cho hay bãi Chữ Thập giờ đây có đủ chỗ cho một đường băng dài khoảng 3.000 m.
Các bức ảnh chụp trước đó vào tháng 3 cũng cho thấy công tác cải tạo trên bãi đá Xu Bi tại Trường Sa đã tạo ra một khu vực rộng, mà nếu nối liền nhau có thể tạo ra không gian đủ cho một đường băng dài 3.000 m khác.
Jane's cho biết các bức ảnh vệ tinh khác còn chứng tỏ Trung Quốc cũng đang mở rộng một đường băng khác tại quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc Biển Đông.
Trong khi đó, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington, Mỹ nói rằng các bức ảnh vệ tinh từ 11/4 cũng cho thấy đường băng trên bãi Chữ Thập đã hoàn thành khoảng 1/3, và dự kiến có chiều dài 3.110 m, đủ rộng cho các máy bay vận tải quân sự hạng nặng và các máy bay chiến đấu.
CSIS cho hay hoạt động cải tạo có thể giúp Trung Quốc đòi hỏi các tuyên bố chủ quyền bằng cách cho phép nước này thực hiện các cuộc tuần tra trên không và trên biển tầm xa. Tuy nhiên, các đảo nhân tạo quá nhỏ để hỗ trợ việc triển khai các lực lượng quân sự lớn trong tương lai.
Mỹ cảnh báo về vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông
Thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, cảnh báo rằng Trung Quốc có thể triển khai các hệ thống tên lửa và radar trên các tiền đồn mà nước này đang xây dựng, mở đường để thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân vụ thượng viện Mỹ, đã gọi các động thái của Trung Quốc là "khiêu khích". Ông nói rằng điều đó cho thấy sự cần thiết để chính quyền Barack Obama phải hành động đối với các kế hoạch đưa nhiều nguồn lực quân sự hơn tới châu Á, khu vực có tầm quan trọng về kinh tế, và thúc đẩy hợp tác với các quốc gia trong vùng.
Ông McCain đã nhắc tới một báo cáo tình báo của Mỹ hồi tháng 2 rằng việc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc nhằm chống lại sức mạnh của Mỹ và nói rằng Washington có nhiều việc để làm nhằm duy trì lợi thế quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương.
"Khi bất kỳ quốc gia nào tập trung vào khu vực rộng 242 ha và xây dựng các đường băng và nhiều khả năng sẽ đưa vào các dạng hình thức năng lực quân sự khác vào vùng biển quốc tế, rõ ràng đó là mối đe dọa với một khu vực quan trọng đối với kinh tế thế giới", ông McCain nói trong một cuộc họp tại quốc hội.
Một phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ nói rằng quy mô xây dựng và cải tạo đất của Trung Quốc đã làm bùng phát những lo ngại trong khu vực rằng Trung Quốc có ý định quân sự hóa các tiền đồn và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tự do hàng hải.
"Mỹ có lợi ích mạnh mẽ nhằm duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông. Chúng tôi không tin rằng hoạt động tải tạo đất quy mô lớn với ý định quân sự hóa các tiền đồn tại các thực thể tranh chấp là phù hợp với mong muốn hòa bình và ổn định của khu vực".
Hồi tuần trước, Mỹ đã cảnh báo về việc quân sự hóa các khu vực tranh chấp tại châu Á, và Tổng thống Mỹ Barack Obama cáo buộc Trung Quốc "cậy nước lớn và dùng sức mạnh" để đòi hỏi các tuyên bố chủ quyền và gạt ra một bên các quốc gia nhỏ hơn.
--------------------------