Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 5.778 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 5 tỉnh: Quảng Trị, Lào Cai, Nghệ An, Tuyên Quang, Bình Định để hỗ trợ cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2015.
Theo đó, tỉnh Quảng Trị được xuất cấp 669 tấn gạo; tỉnh Lào Cai 162 tấn gạo; tỉnh Nghệ An 3.349 tấn gạo; tỉnh Tuyên Quang 278 tấn gạo; tỉnh Bình Định 1.320 tấn gạo. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.
Với 270.000 đồng tiền trợ cấp của Nhà nước hàng tháng dành cho người khuyết tật nặng, tính ra chỉ đủ để mua 3 gói mì tôm /ngày, nhưng cán bộ làm chính sách ở xã Trịnh Xá (tp Phủ Lý, Hà Nam) nhiều năm nay âm thầm ăn chặn mất 90.000 đồng, mà nói như anh Sổng, nạn nhân trong bài viết của chúng tôi đã phải thốt lên: “Có 3 gói mì tôm mỗi ngày mà người ta cũng lấy đi mất 1 gói, các anh chị không nói thì chúng tôi làm sao biết được”.
Anh Sổng chính là anh Ngô Trung Sổng, nhân vật trong bài viết: “Thương người đàn ông quanh năm bẻ mì tôm sống ăn qua ngày” có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, bản thân anh lại bị tàn tật từ nhỏ, hàng ngày chỉ biết ăn mì tôm sống cho qua ngày bởi vẻn vẹn 1 tháng anh nhận được 180.000 đồng tiền trợ cấp dành cho người tàn tật.
Cũng từ số tiền trợ cấp 180.000 đồng mà anh Sổng nhận hàng tháng làm dấy lên trong chúng tôi sự nghi ngờ, có điều gì đó không ổn nếu trường hợp khuyết tật nặng như anh Sổng, lẽ ra phải được hưởng ít nhất là 270.000 đồng / tháng thay vì 180.000 đồng/tháng theo như Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật ban hành năm 2012 về Luật người khuyết tật.
Và PV Dân trí đã đi tìm sự thật đằng sau số tiền thực nhận mà anh Sổng đang được hưởng. Anh Sổng cho chúng tôi hay, số tiền nhận 180.000 đồng hàng tháng đều được ghi đầy đủ, rõ ràng trong cuốn sổ bìa xanh phô tô, bên ngoài có ghi: “Sổ lĩnh tiền trợ cấp hàng tháng” ứng với thời gian từ tháng 1/2014 đến tháng 10/2014 (Hai tháng 11 và 12 năm 2014 anh Sổng chưa được nhận tiền) do cán bộ xã Trịnh Xá cấp.
Anh Sổng cũng cho biết, trong suốt thời gian 10 tháng qua thì anh chỉ tự lên xã nhận có 3 lần, còn 7 lần kia thì nhờ người nọ, người kia lấy hộ. Tuy nhiên số tiền các lần nhận đều là 180.000 đồng, có ghi chú và chữ kí của cán bộ trao trả tiền trợ cấp đầy đủ trong sổ là ông Mai Hiển Dũng, cán bộ phụ trách Lao động, thương binh và xã hội của xã Trịnh Xá.
Chúng tôi đã tìm gặp ông Mai Hiển Dũng để tìm hiểu việc chi trả khoản trợ cấp hàng tháng cho anh Sổng. Điều đáng bất ngờ là ông Dũng khẳng định như đinh đóng cột: “Không phải 180.000 đồng / tháng đâu, là 270.000 đồng / tháng cơ mà, chúng tôi làm đúng quy định trả đủ mỗi tháng 270.000 đồng/tháng cho anh Sổng, tính từ tháng 1/2014 đến thời điểm này sau khi có quy định mới ban hành”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi xin giấy tờ làm bằng chứng anh Sổng nhận tiền trợ cấp 270.000 đồng/tháng thì ông Dũng hoàn toàn không có bất cứ giấy tờ nào đưa ra.
Khi chúng tôi trình cuốn sổ mà anh Sổng cung cấp, ông Dũng tiếp tục khẳng định: “Đây không phải là cuốn sổ đúng đi lĩnh tiền, cuốn sổ này màu xanh, còn cuốn sổ đúng phải là màu hồng. Phần chữ kí người giao tiền bên trong cuốn sổ cũng loằng ngoằng không rõ ràng thế này ai mà chả kí được”. Nghĩa là ông Dũng phủ nhận hoàn toàn cuốn sổ ông Sổng dùng để lĩnh tiền. Có điều cuốn sổ màu hồng đúng theo mẫu thì ông Dũng không đưa ra được với chúng tôi để làm bằng chứng.
Trước những lập luận chắc như đinh đóng cột nhưng lần nữa ông Dũng không hề đưa ra được bằng chứng về mẫu cuốn sổ đúng mà lái câu chuyện sang mẫu mới của cuốn sổ sắp phát hành cho năm 2015.
Ông Dũng cũng liên tục khẳng định bản thân mình đã làm đúng trách nhiệm, đồng thời đổ lỗi luôn cho anh Sổng, một người tàn tật đáng thương: “Tại ông đó không trực tiếp ra xã lấy tiền mà cứ nhờ người nọ người kia lấy tiền, biết đâu có thể những người lấy tiền hộ đó đã lấy mất tiền của ông cũng nên”.
Trước khẳng định của ông Mai Hiển Dũng về việc ông Sổng dùng sổ giả lĩnh tiền, PV Dân trí tiếp tục gặp ông Nguyễn Phú Độ - Phó chủ tịch UBND xã Trịnh Xá, đồng thời cũng là trưởng ban Lao động, thương binh và xã hội cùng ông Nguyễn Gia Toản- Chủ tịch UBND xã Trịnh Xá thì cả 2 ông đều cho ý kiến: “Đây đúng là cuốn sổ lĩnh tiền trợ cấp của người có chế độ như anh Sổng”.
Chỉ một cuốn sổ, cấp trên thì khẳng định là “đúng”, cấp dưới là nói là “sai”, ở đây rõ ràng đã có sự không minh bạch và thống nhất. Nói thêm về quyển sổ mà theo ông Dũng là “sổ giả” thì không chỉ có anh Sổng, mà ở cùng làng Thượng, xã Trịnh Xá còn có anh Ngô Quang Doan, cũng là một người khuyết tật nặng nhưng cũng chỉ được nhận mức 180.000 đồng/ tháng. Anh Doan cũng được cấp một cuốn sổ y hệt của anh Sổng. Chưa biết cuốn sổ có là giả không, nhưng mỗi người tàn tật trên địa bàn xã Trịnh Xá không được nhận đủ 270.000 đồng / tháng là hoàn toàn có thật. Sự việc đã diễn ra nhiều năm nay, mỗi người bị ăn chặn mất 90.000 đồng tháng thực tế đã vào tay ai ?
PV Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc trong kỳ tới.
Là người đã từng đi nhận tiền thay anh Sổng, anh Nguyễn Thế Hiền (em họ anh Sổng) và anh Ngô Trung Phức (em cùng cha khác mẹ với anh Sổng) đều khẳng định với PV Dân trí: "Lần nào đi lấy cũng chỉ nhận 180.000 đồng do ông Mai Hiển Dũng đưa cho. Mỗi lần đi lấy đều phải mang cuốn sổ anh Sổng đưa và khi giao tiền ông Dũng cũng đã kí vào cuốn sổ đó. Giờ chúng tôi mới biết lẽ ra anh Sổng được nhận 270.000 đồng/tháng, còn ông Dũng bảo chúng tôi ăn bớt của anh Sổng thì đúng là “vừa ăn cướp, vừa la làng”.
-------------------------
Nghiêm cấm dùng ngân sách mua quà biếu dịp Tết
UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các Sở, ban ngành tỉnh tổ chức tổng kết cuối năm, đón năm mới trên tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo Chỉ thị về việc Tổ chức Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các Sở, ban ngành tỉnh tổ chức tổng kết năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 phải thật thiết thực, không phô trương. Các đơn vị cần thực hành tốt chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức hội nghị, tổng kết cuối năm, gặp mặt đón mừng năm mới.
Chủ tịch tỉnh cũng đề nghị các đơn vị, địa phương quan tâm đến công tác thăm viếng các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, Chủ tịch tỉnh nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị sử dụng tiền từ ngân sách để tổ chức liên hoan, quà biếu dưới mọi hình thức. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm.
UBND tỉnh Cà Mau cho biết, nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí để phục vụ người dân như Hội Báo Xuân; Hội chợ Xuân; trưng bày, triển lãm; các chương trình văn hóa nghệ thuật…Tỉnh cũng tổ chức chương trình bắn pháo hoa trong đêm giao thừa đón năm mới tại trung tâm TP Cà Mau và các huyện theo hình thức xã hội hóa.
------------------------