“Từ tháng 10/2014, tôi đã lên lịch vào kiểm tra dự án mà các ông cứ cản không cho tôi vào. Cứ báo cáo láo với tôi là tốt lắm…” - Bộ trưởng Đinh La Thăng “quát” các đơn vị liên quan tại công trường mở luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu.
Ngày 6/2, Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng đoàn công tác tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các đơn vị đang trực tiếp thi công dự án đầu tư xây dựng công trình “Luồng cho tàu biển trọng tải lớn đi vào sông Hậu (luồng sông Hậu)”, tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh tại 3 gói thầu: 6A; 10A và 11.
Dự án Luồng sông Hậu có tổng cộng 7 gói thầu xây lắp chính, với tổng mức đầu tư 9.81 tỷ đồng do Ban QLDA hàng hải (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Luồng tàu có chiều dài 46,5km; đê biển chắn sóng phía Nam dài 2,4km; đường dân sinh dọc bờ Nam kênh Tắt đào mới chiều dài 5km; bến phà, nhà trạm quản lý…
“Báo cáo láo!”
Tại công trường, vị tư lệnh ngành giao thông đặt vấn các đơn vị trực tiếp liên quan đến thi công tại gói thầu 6A là không có thiết kế, không có khảo sát thì đấu thầu bằng gì?
“Thiết kế kỹ thuật có rồi, nhà thầu chỉ làm thiết kế đê bao bể chứa. Gói thầu 6A chưa thống nhất về giá. Nhà thầu phải xác định khối lượng thi công, sau đó trình đơn giá cho đơn vị tư vấn giám sát. Thống nhất được giá sẽ làm nhanh, đúng tiến độ” – đại diện thiết kế trả lời
Ông Thăng không đồng ý những khối lượng trước đây đã làm mà bây giờ điều chỉnh giá….Giá cả nhà thầu và BQL không thống nhất với nhau thì làm cuối năm chưa thể xong công trình. Làm tích cực gì mà từ tháng 7/2014 đến giờ mà chưa xong. Làm tích cực là 3 tháng phải xong.
BQL lý giải, chậm tiến độ là do dừng giãn thi công. Không làm thủ tục đầy đủ, hồ sơ thủ tục phải làm lại.
Bộ trưởng Đinh La Thăng “quát” các đơn vị liên quan: “Dừng giãn là chuyện cũ, thì vẫn là cái bộ máy đó chứ đâu. Tôi đã bảo không làm được thì cách chức Trưởng BQL ngay thì các ông cứ bảo vệ là làm tốt. Bây giờ không xong thì các anh lại bảo làm không được. Tất cả các bộ phận tư vấn giám sát, nhà thầu, thiết kế thi công cãi nhau loạn xạ. Đã không làm được mà sao cứ báo cáo tốt?”.
BQL cho rằng đã ký hợp đồng rồi. Tuy nhiên, ông Thăng đặt vấn đề vì sao không có bảng giá mà vẫn dám ký hợp đồng với nhà thầu thì không ai trả lời!
“Tôi nói thẳng, các ông không biết làm cái gì cả. Để làm dự án này thì phải làm những công việc gì và không hình dung được. Về toàn báo cáo láo theo tiến độ tốt. Từ tháng 10/2014, tôi đã lên lịch vào kiểm tra dự án mà các ông cứ cản không cho tôi vào. Cứ báo cáo láo với tôi là tốt lắm…Anh không phải vào. Tôi không thể hiểu được, sốt hết cả ruột” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Thi công yếu sẽ thay thế
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng phê bình chủ đầu tư, BQL, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công thiếu phối hợp, không chịu chia sẻ vì mục đích chung của dự án…
Đây là dự án trọng điểm quốc gia được Quốc hội, nhân dân giám sát. Phải đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh và cả ĐBSCL.
Ông Thăng đề nghị UBND tỉnh giúp giải phóng mặt bằng. BQL ứng tiền chuyển cho UBND tỉnh để giúp giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu đơn vị nào làm chậm thì BQL có quyền thay nhà thầu khác hoặc yếu quá thì thay nhà thầu mới. Đây là dự án cấp quốc gia chứ không phải nhà thầu xí phần dự trữ công việc để làm dần. BQL phải chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan, kể cả chuyện thanh toán chậm và tiến độ công trình.
“Bây giờ thuê đơn vị tư vấn nước ngoài vào kiểm tra một lần nữa, có khi tiết kiệm được cả ngàn tỷ đồng. Dân mình còn nghèo lắm, một ngàn tỷ là có thể giúp nhân dân Trà Vinh nhiều việc lắm” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.
Được biết, dự án Luồng Sông Hậu có thời gian thực hiện dự án là 5 năm, chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn từ 2013 – 2015 là giai đoạn thông luồng kỹ thuật, trong đó tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện trước hạng mục đê Nam, đoạn luồng biển dùng chung, hoàn trả khối lượng đã thực hiện và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Kinh phí khoảng 7.555,7 tỷ đồng (bao gồm cả 929,3 tỷ đồng đã thực hiện).
Giai đoạn sau 2015 (2016-2017) hoàn thành các hạng mục còn lại đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, đảm bảo dân sinh của dự án. Kinh phí khoảng 2.225,5 tỷ đồng.
-------------------------
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Ngày 6/2, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hội nghị phổ biến và triển khai Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”.
Theo đó, nghị định này quy định một số ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiêp, nông thôn.
Nghị định này sẽ áp dụng đối với nhà đầu tư nhận ưu đãi và hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chính sách hỗ trợ đầu tư gồm: hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc; hỗ trợ trồng cây dược liệu, cây mắc ca (macadamia); hỗ trợ đầu tư nuôi trồng hải sản trên biển; hỗ trợ đầu tư cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn, sấy phụ phẩm thủy sản, chế biến cà phê; hỗ trợ đầu tư chế biến gỗ rừng trồng đặc thù cho các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh có huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ; hỗ trợ đầu tư cơ sở chế tạo, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản.
-----------------------
Hoàn thiện chính sách pháp luật, cải thiện sức cạnh tranh kinh tế
Ngày 6/2, tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã đồng chủ trì buổi tọa đàm “Hội nhập quốc tế một số vấn đề đặt ra đối với nước ta từ năm 2015”.
Nhận định về thành tựu hội nhập quốc tế của nước ta những năm qua, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, chủ trương hội nhập quốc tế đã được triển khai hiệu quả và đạt một số thành tựu quan trọng. Việt Nam đã không ngừng đẩy mạnh và làm sâu sắc quan hệ, tận dụng mọi cơ hội tăng cường đan xen lợi ích với các đối tác quan trọng.
Hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả và là công cụ quan trọng đẩy mạnh thu hút FDI, ODA cũng như tăng cường xuất nhập khẩu (XNK), góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, độ mở cửa của nền kinh tế nước ta rất lớn, kim ngạch XNK đã lên đến 160% GDP. Theo Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, để tham gia và tranh thủ được tối đa lợi ích của các chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu, Việt Nam cần phải gấp rút làm một số việc như: nỗ lực hơn nữa đẩy mạnh đổi mới thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật, cải thiện sức cạnh tranh kinh tế. Điều này đòi hỏi cả Chính phủ và và doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao năng lực quản trị và cạnh tranh, đây là điều hết sức cấp bách.
Một trong những điểm trọng yếu là phải gấp rút chuẩn bị cho việc tham gia một số thị trường ASEAN duy nhất và một không gian thống nhất. Trước hết là với việc giảm thuế quan và thuận lợi hóa tối đa việc lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư trong khu vực và trong 2 đến 5 năm tới sẽ là thị trường rộng lớn gồm 57 đối tác FTA với 64% dân số toàn cầu…
------------------------
Sẽ phát ấn Đền Trần trong 6 ngày
Đây là thông tin được đại diện ban tổ chức lễ hội Đền Trần thông báo tại cuộc họp báo sáng 6/2 về kế hoạch tổ chức lễ khai ấn (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) xuân Ất Mùi 2015.
Sau khi BTC thực hiện nghi lễ dâng hương, rước kiệu và khai ấn, từ 23h55, đền Trần sẽ được mở cửa để nhân dân và du khách vào lễ đầu năm.
Ông Cao Xuân Hoạt, Trưởng Ban quản lý (BQL) di tích Đền Trần cho biết, năm nay BTC phát ấn sớm hơn năm trước 1giờ, bắt đầu từ 6h ngày 5/3, kéo dài hết 10/3 dương lịch. Địa điểm không thay đổi, phát tại nhà Giải vũ và nhà trưng bày Đền Trùng Hoa.
Từ 11 - 16 tháng Giêng, BTC cũng tiếp đón các đoàn đăng ký tế lễ, dâng hương; đồng thời tổ chức một số hoạt động hội truyền thống. BTC cũng cho hay, sau khi phục dựng thành công lễ Rước nước, Tế cá lần đầu tiên vào lễ khai ấn năm 2014, năm nay, Nam Định tiếp tục phục dựng thêm một nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ ngày 11 tháng Giêng (tức 1/3).
Trưởng BTC, bà Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định nói, để đảm bảo cho lễ hội thành công, BTC thành lập các tiểu ban nghi lễ, tuyên truyền, an ninh trật tự.
------------------------