Gần 10.000 tỉ đồng xây dựng cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức
Sáng 13.12, tại xã Liêm Tuyền (TP.Phủ Lý), Bộ Y tế và UBND tỉnh Hà Nam tổ chức lễ khởi công xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện (BV) Bạch Mai và BV Hữu nghị Việt Đức. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cơ sở 2 của mỗi BV có diện tích hơn 20 ha, diện tích sàn xây dựng gần 120.000 m2, quy mô 1.000 giường bệnh, dự kiến hoàn thành tháng 12.2017 với tổng mức đầu tư mỗi BV gần 5.000 tỉ đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc xây mới cơ sở 2 của hai BV đánh dấu bước phát triển mới của ngành y tế. Từ ngày thống nhất đất nước đến nay, đây là lần đầu tiên Đảng, Nhà nước quyết định đầu tư xây dựng cơ sở 2 của BV tuyến cuối với quy mô hiện đại. Thủ tướng yêu cầu, ngoài nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân, cơ sở 2 của BV Bạch Mai và Việt Đức cần phải trở thành trung tâm chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho tuyến dưới để y, bác sĩ các tuyến đều có trình độ khám chữa bệnh ngày càng cao.
* Thực hiện chương trình hoạt động sau kỳ họp, chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri H.An Lão, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13.
-------------------------
Diễn tập xử lý ngộ độc thực phẩm quy mô lớn
Ngày 13-12, tại KCN Tân Thới Hiệp (quận 12, TP HCM), Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM tổ chức diễn tập xử lý ngộ độc thực phẩm tập thể có quy mô lớn. Tình huống giả định là 300 công nhân của một công ty có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm sau bữa cơm trưa với 5.000 người cùng ăn.
Buổi diễn tập nhằm chuẩn hóa quy trình xử lý ngộ độc thực phẩm, hạn chế những lúng túng xảy ra khi có tình huống thực tế.
Theo ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể tại các KCX-KCN là rất lớn. Mỗi năm, cả nước xảy ra khoảng 15 vụ với 1.400 người mắc. Riêng TP HCM có khoảng 3.000 bếp ăn tập thể tại các KCX-KCN và 1.000 bếp ăn tập thể tại các trường học; năm 2014 đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với khoảng 600 người mắc.
-------------------------
Phải xử lý cho được tình trạng tham nhũng, lãng phí
Ngày 13.12, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức tọa đàm khoa học 45 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2014). Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải; Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng…
Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn đã tập trung trao đổi, thảo luận về giá trị trường tồn của bản di chúc; những giải pháp xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh… theo tâm nguyện của Bác. PGS-TS Đinh Ngọc Thạch, Giám đốc Trung tâm lý luận chính trị (ĐH Quốc gia TP.HCM) đề cao tư tưởng khoan dung, tinh thần hòa giải của Bác thể hiện trên nhiều bình diện và mối quan hệ, trên các cấp độ và tính chất khác nhau trong bản di chúc.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho rằng công cuộc đổi mới đất nước gần 30 năm qua đã đem lại những đổi thay trên các lĩnh vực, nhưng giờ đây đang đứng trước yêu cầu phải tiếp tục đổi mới toàn diện hơn nữa. Điều quan trọng khi thực hiện những lời căn dặn của Bác, theo bà Thảo, là cần phải củng cố và xây dựng lòng tin đối với dân, phục vụ dân ngày càng tốt hơn. Vấn đề được người dân kỳ vọng là phải xử lý cho được tình trạng tham nhũng, lãng phí, đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, lợi dụng chức quyền, chăm lo cho dân thì ít, tư lợi thì nhiều...
“Cần có cơ chế kiểm soát quyền lực và chế độ trách nhiệm cá nhân minh bạch. Cần làm cho bộ máy bớt cồng kềnh, chồng chéo về chức năng nhiệm vụ. Cần tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính gây phiền hà cho dân. Cần khắc phục cho được bệnh thành tích, lễ lạt rình rang, nói nhiều, làm ít”, bà Thảo kiến nghị. Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng: “Quan trọng hơn hết là Đảng cần tự chỉnh đốn, nhà nước cần thể hiện tính chất “của dân, do dân, vì dân” một cách trung thực và tự giác để nêu gương sáng. Cần sớm chấm dứt tình trạng nhóm lợi ích lũng đoạn khắp nơi, tham nhũng tràn lan và xã hội tự phát thiếu kỷ cương, kỷ luật”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Thanh Hải khẳng định TP quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Trước tình hình nhiều vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài, ông Hải yêu cầu cơ quan chức năng khi nghe ý kiến của dân, phải tìm cơ sở pháp luật theo hướng có lợi nhất cho người dân để giải quyết, chứ không phải tìm cơ sở pháp luật để bác khiếu nại của dân.
-----------------------
Thờ ơ lập quỹ khoa học - công nghệ
Sự thiếu thống nhất trong hướng dẫn thực hiện giữa các cơ quan chức năng và những bất cập trong quá trình sử dụng, quyết toán khiến doanh nghiệp không mặn mà trích lập quỹ phát triển khoa học - công nghệ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 95/2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN, có hiệu lực từ ngày 1-12-2014). Theo Thông tư 78/2014/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 2-8-2014), doanh nghiệp (DN) được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hằng năm trước khi tính thuế thu nhập (TN) DN để lập quỹ phát triển KH-CN. Trước đó, luật thuế TNDN năm 2008 cũng quy định về việc trích lập quỹ KH-CN.
E dè trích lập, sử dụng
Quỹ được sử dụng để đầu tư tăng cường tiềm lực KH-CN cho DN và cho ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện các nhiệm vụ KH-CN của DN; trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động KH-CN của DN; mua máy móc thiết bị kèm theo các đối tượng chuyển giao công nghệ để thay thế một phần hoặc toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng công nghệ khác tiên tiến hơn. Quy định pháp lý là như vậy nhưng từ năm 2008 đến nay, hầu hết các DN không dám sử dụng quỹ này để phát triển KH-CN.
Theo thống kê của Sở KH-CN TP HCM, tính đến cuối tháng 7-2013, toàn TP mới có 49 DN báo cáo đã thành lập quỹ phát triển KH-CN, trong đó có 26 DN đã trích lập quỹ với tổng số tiền 346,8 tỉ đồng và số tiền DN được giải ngân cho mục đích cải tiến KH-CN chỉ chiếm 30% tổng số tiền của quỹ, tương đương 117,8 tỉ đồng. Như vậy, số DN báo cáo thành lập quỹ quá ít so với tổng số hơn 150.000 DN trên địa bàn.
Lý do là có quá nhiều rắc rối, bất cập trong các quy định để được công nhận là sử dụng quỹ đúng mục đích hoặc đạt tỉ lệ sử dụng từ 70% trở lên. DN rất sợ đến khi quyết toán thuế, cơ quan thuế không công nhận chi phí này là hợp lý, khi đó sẽ bị truy thu thuế.
Rắc rối, bất cập
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), những năm gần đây, DN được khuyến khích trích lập và sử dụng quỹ phát triển KH-CN nhưng vấp phải nhiều khó khăn về thủ tục và thanh - quyết toán nên rất ngại sử dụng. Vissan trước đây cũng đã trích lập quỹ phát triển KH-CN nhưng thấy thủ tục thực hiện quá phức tạp nên thôi, không đụng tới nguồn quỹ này và không trích nữa. “Với các quy định hiện tại và cách làm của cán bộ các sở, ngành liên quan thì DN sử dụng quỹ này giống như những... tên ăn trộm, sợ DN sử dụng sai mục đích” - ông Mười bức xúc.
Ông Phạm Ngọc Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hanco (Hanco Food), cho biết lâu nay công ty ông vẫn trích một phần lợi nhuận sau thuế để đầu tư cho KH-CN vì chi phí này không được cán bộ thuế tính là chi phí hợp lý khi quyết toán thuế. Trích lập quỹ phát triển KH-CN để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại; đầu tư chất xám; mua các bằng sáng chế từ trường đại học... để phát triển sản xuất - kinh doanh là nhu cầu lớn của nhiều DN, trong đó có Hanco Food. Tại Hanco Food, do doanh thu chưa cao nên chưa trích được nhiều để lập quỹ và dùng cho phát triển KH-CN nhưng định hướng của công ty là ưu tiên đầu cho công nghệ. Hiện công ty đang kết hợp với Trường ĐH Nông Lâm nghiên cứu một số sản phẩm mới, dự kiến năm 2015 sẽ bán ra thị trường. Một vấn đề nữa cũng cần được bàn là DN đang hoạt động lỗ thì có được trích một phần chi phí để đầu tư phát triển KH-CN không, phần đầu tư này có được tính giảm trừ chi phí khi quyết toán không? Ở hầu hết các nước, nhà nước không đánh thuế phần chi phí dành cho nghiên cứu khoa học của DN. Tại Việt Nam thì luật quy định chung chung, mỗi cán bộ hiểu theo một kiểu nên lâu nay dù luật cho phép nên dù được trao quyền, DN cũng không dám sử dụng.
Là một trong số ít DN sử dụng được quỹ phát triển KH-CN nhưng Công ty CP Dược Hậu Giang vẫn gặp rắc rối vì sự không thống nhất giữa cơ quan thuế và Sở KH-CN. Bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng Giám đốc công ty, cho biết DN của bà không đến mức bị “làm căng” nhưng khi mang hồ sơ đến cục thuế để thanh toán thì không được chấp nhận vì thiếu xác nhận của Sở KH-CN. Mang sang Sở
KH-CN thì sở trả lời là không thể xác nhận được do đây là cải tiến, sáng chế của DN nên sở không có chức năng thông qua. Sự trục trặc thủ tục giữa 2 cơ quan này khiến DN rất khó sử dụng nguồn quỹ phát triển KH-CN.
Trước những vướng mắc của DN, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho rằng ngành thuế phải hướng dẫn cụ thể cho DN điều kiện nào thì được công nhận là hoạt động KH-CN (chẳng hạn các hoạt động nghiên cứu, nghiên cứu phát triển (R&D), khảo sát... trong lĩnh vực KH-CN); DN được quyền sử dụng quỹ đó thế nào để có lợi nhất cho DN bởi việc đầu tư cho hoạt động R&D, đầu tư đổi mới, nâng cấp công nghệ rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhất là trước thềm mở cửa sâu rộng sắp tới. Nếu không đổi mới được công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh thì DN sẽ “chết”.
(Người Lao động)
-------------------------