Hôm qua, Cục Hàng không VN đã đề xuất giảm mức trần giá cước vận chuyển hành khách nội địa. Trước đó, nhiều hãng taxi, vận tải cũng thông báo giảm giá cước, tuy nhiên, mức giảm nói chung đến nay vẫn chưa tương xứng với mức giảm giá xăng sau 11 lần điều chỉnh giảm.
Hàng không đang "cân nhắc"
Vấn đề là cần phải sòng phẳng với người tiêu dùng. Giá xăng thế giới giảm sâu, chúng ta phải có cơ chế giá bám sát với thế giới. Từ đó, giá các chi phí đầu vào cho DN buộc các DN vận tải phải vận hành theo đúng cơ chế bám sát đó
TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế
Ngày 16.12, Cục Hàng không VN đề nghị điều chỉnh giảm mức trần giá cước vận chuyển hành khách nội địa hạng vé phổ thông từ 5.000 đồng/hành khách/km xuống 4.250 đồng/khách/km. Theo ông Lưu Thanh Bình, Cục phó, thời gian qua giá nhiên liệu bay Jet A1 giảm mạnh, vì thế cần điều chỉnh mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông phù hợp với tình hình biến động của giá xăng dầu. Tính đến thời điểm hiện tại, giá nhiên liệu đã giảm so với năm 2011 (thời điểm Bộ Tài chính ban hành mức trần giá vé máy bay) là 43,4% trong khi chi phí này thường chiếm khoảng 39,5% tổng chi phí của các hãng hàng không VN nên tổng chi phí của hãng sẽ giảm khoảng 17%.
Trên thực tế, việc giảm giá trần không tác động nhiều đến giá vé máy bay hiện tại, vì theo ông Bình, các hãng hàng không trong nước đều đang xây dựng dải giá thấp hơn giá trần. Với đường bay Hà Nội - TP.HCM, mức giá bình quân các hãng đăng ký xung quanh mốc 2,6 triệu đồng/chiều. Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Jestar Pacific (JPA) cho biết các mức giá của JPA đưa ra hiện nay đều thấp hơn mức giá trần trước đây cũng như mức giá trần mới mà Cục Hàng không đề xuất, nên giá vé không bị tác động bởi việc thay đổi khung giá trần.
Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng việc giá xăng dầu giảm sâu hiện tại đang là điều kiện cho các hãng tiết kiệm chi phí để giảm giá vé cũng như tăng các chương trình khuyến mãi. Theo ông Hà, 5 tháng cuối năm nay so với cùng kỳ năm 2013, mặt bằng giá vé chung của Jestar đã giảm khoảng 20%. Dự kiến nửa đầu năm 2015, với mức giá xăng dầu như hiện nay, Jestar sẽ giảm tiếp 10 - 12% giá vé trên một số đường bay. Đại diện các hãng Vietnam Airlines, VietJet Air cho biết đã thực hiện giảm giá tùy từng đường bay và thị trường, đặc biệt là tung ra nhiều chương trình khuyến mãi đặc biệt khi mở các đường bay mới. Dù giá xăng dầu đã giảm, nhưng theo các hãng, việc giá vé máy bay có giảm hay không phải cân đối trên nhiều yếu tố, đặc biệt là việc quan sát mức giá của các hãng đối thủ trên các chặng bay cạnh tranh.
Taxi đổ lỗi cho xăng dầu
Tính đến thời điểm này, đã có gần 60 hãng taxi đăng ký giảm giá với Sở Tài chính Hà Nội với mức giảm trung bình chỉ từ 4 - 9%, tương ứng từ 500 - 1.000 đồng/km. Công ty CP bến xe Hà Nội cho biết đã có hơn 20 doanh nghiệp (DN) vận tải khách tuyến cố định như Công ty CP Hoàng Hà, Công ty CP xe khách Thái Bình, Xí nghiệp xe khách phía nam... đăng ký giảm giá với mức giảm từ 3 - 11%. Tuy nhiên, sự thiếu sòng phẳng là không chỉ nằm ở việc giảm "cầm chừng" mà còn ở sự chần chừ kéo dài. Tới giữa tháng 11 mới có 2/3 số DN đã đăng ký giảm. Tới thời điểm này khi giá xăng dầu tiếp tục giảm sâu thêm nhiều đợt, các DN vận tải khách tuyến cố định cũng như taxi vẫn chưa có dấu hiệu giảm giá tiếp.
Tại TP.HCM tính đến chiều 16.12, có 7 hãng taxi giảm với mức là 500 đồng/km, chỉ chiếm hơn 3% trên tổng mức giá. Trả lời thắc mắc của PV Thanh Niên về kế hoạch giảm giá tiếp, một đại diện hãng taxi lớn ở phía nam cho rằng DN không thể điều chỉnh giá theo từng giờ từng ngày được do giá xăng trong nước thiếu tính ổn định. Còn theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, “mức giảm này được Bộ Tài chính hoan nghênh”.
Tuy nhiên, theo TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, bất luận thế nào, giá cước taxi của các nước trên thế giới cũng phải theo biến động của giá xăng, dầu thế giới. Không thể lấy lý do rằng giá xăng của VN chưa ổn định, nên DN cũng “không ổn định” theo. “Đã theo cơ chế thị trường, việc tuân theo giá thế giới là điều hiển nhiên, và giá xăng thế giới đang biến động từng ngày, DN không thể đòi hỏi một sự ổn định đến vô lý thế được. Ngoài ra, theo Nghị định 84, 15 ngày mới điều chỉnh giá xăng dầu một lần. Tuy nhiên, với sự biến động giá từng ngày thế này, việc quy định này vẫn chưa hợp lý. Chính vì chưa hợp lý nên DN vận tải có cái “cớ” làm lơ việc giảm giá giá cước. Các quốc gia vận hành theo cơ chế thị trường đều điều chỉnh giá xăng dầu theo từng giờ, từng ngày đó thôi”, TS Long nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế - tài chính Bùi Kiến Thành, câu chuyện về giá xăng dầu, giá cước vận tải VN như một vòng luẩn quẩn chưa có hồi kết. Chúng ta chưa có chế tài mạnh buộc DN đi vào đúng vòng quay của thời cuộc. Rằng giá xăng dầu giảm mạnh rồi đó, cước vận tải nên giảm thế nào phù hợp. Chưa ai đưa ra mức tính cụ thể như thế nào cho chính xác mà chỉ nói theo cảm tính. Điều này tôi nghĩ cơ quan quản lý tài chính, vận tải phải tính toán cẩn trọng kẻo thiệt đơn thiệt kép cho DN nói chung”.
Cụ thể hơn, TS Ngô Trí Long dẫn chứng: Giá dầu thô thế giới đến nay giảm đến 38% trong khi đó VN mới giảm trên 20%. Riêng mức giảm đó là chưa tương xứng với thế giới bởi chúng ta đang nhập khẩu đến 70% tổng lượng xăng dầu của cả nước. “Vấn đề là cần phải sòng phẳng với người tiêu dùng. Giá xăng thế giới giảm sâu, chúng ta phải có cơ chế giá bám sát với thế giới. Từ đó, giá các chi phí đầu vào cho DN buộc các DN vận tải phải vận hành theo đúng cơ chế bám sát đó. Cơ chế về giá của chúng ta phải theo đúng cơ chế thị trường, cạnh tranh tốt thì không có gì là khó để yêu cầu một mức giá hợp lý cả”.
-------------------------
Giá điện chuẩn bị leo thang
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng vừa có yêu cầu Cục Điều tiết điện lực phối hợp với Tổng cục Năng lượng - hai cơ quan trực thuộc bộ này nghiên cứu phương án điều chỉnh giá điện để xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn tin của PV Thanh Niên cũng cho biết Tập đoàn điện lực VN (EVN) đã có dự kiến điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm 2014 (vào tháng 12.2014) lên 1.652,19 đồng/kWh, tăng 9,5% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.508,85 đồng/kWh). Nếu được thông qua, mức tăng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Yêu cầu của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về việc lập phương án điều chỉnh giá là một bất ngờ, vì trước đó, trả lời Báo Thanh Niên trong thời gian họp tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, ông cho biết giá điện năm nay không tăng do việc phát điện của các nhà máy điện có lợi thế nhờ cả năm nước về các hồ chứa thủy điện nhiều, giảm được việc huy động sản lượng điện chạy dầu...
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư năng lượng VN cho rằng việc điều chỉnh giá điện lần này là do một số chi phí đầu vào của giá điện đã biến động. Cụ thể, mấy tháng gần đây, lượng nước về các hồ chứa thủy điện đã ít hơn, nhiều nhà máy phải chạy dầu, hơn nữa, các nhà máy nhiệt điện sử dụng than có chi phí ngày càng lớn do giá nhập khẩu than ngày càng cao và khó khăn hơn. Sắp tới, còn phải nhập rất nhiều than cho các nhà máy từ Bình Thuận trở vào... “Chúng tôi cũng đã đề xuất tăng giá điện nhưng mức tăng cũng không cao như EVN đề nghị. Việc điều chỉnh giá là cần thiết vì nếu không, ngành điện không thể cân đối vốn để đầu tư mỗi năm gần 200.000 tỉ đồng, tương ứng hơn 9 tỉ USD cho các nguồn phát, lưới truyền tải, phân phối, hơn nữa, cũng phải có nguồn thu để trả nợ vay”, ông Ngãi nói.
Ở góc độ khác, ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Điện lực VN cho rằng việc EVN đề xuất tăng giá điện vào thời điểm này là đã có những tính toán để cân đối tài chính. Giá điện sau mấy năm liền tăng giá đang tiệm cận giá điện trung bình của các nước trong khu vực và khả năng điều chỉnh giá cao, nhiều lần như các năm trước đây không còn nữa. Theo ông Long, giá điện có thể còn phải điều chỉnh nhưng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, nếu xét tới lợi ích, tâm lý của người tiêu dùng, của các DN thì các cơ quan quản lý nên có tính toán, cân nhắc cho chính xác.
“Tuy nhiên, nếu tăng giá điện để cân bằng thu chi, cũng đã đến lúc phải tính đến các giải pháp đồng bộ hơn như đẩy mạnh cổ phần hóa, chứ chỉ tăng giá điện thì cũng đến lúc có giới hạn. Chúng ta cũng không thể để giá điện cao hơn giá điện trung bình của các nước trong khu vực được”, ông Long nói.
Khâu phản biện yếu
Một chuyên gia kinh tế tỏ ra ngạc nhiên về việc đề xuất điều chỉnh giá điện vào thời điểm này. Ông nói: “Tôi biết là việc điều chỉnh này nhằm vào thời điểm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp nhưng quan niệm như vậy là nguy hiểm vì chúng ta phải biết chính vì sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) khó khăn, sức mua kiệt quệ nên chỉ số CPI mới thấp như vậy. Nếu điều chỉnh giá điện với mức dự kiến cao như vậy sẽ càng làm tình hình sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống của người dân khó khăn hơn”.
Chuyên gia này cũng cho rằng khâu phản biện chính sách cho đề xuất điều chỉnh giá lần này là yếu vì năm nay, các yếu tố đầu vào của giá điện khá ổn định: thủy điện có nguồn nước về nhiều, hơn nữa, cơ cấu phát điện của VN chủ yếu là thủy điện (40%), chi phí thấp hơn các nước; giá dầu giảm mạnh, tỷ giá thì ổn định... Nên giá điện không giảm mà giữ nguyên đã là một vấn đề. Nay lại điều chỉnh tăng là không hợp lý.
-----------------------
Đan Mạch hỗ trợ nghiên cứu tác động FTA VN - EU
Ngày 16.12, Đại sứ quán Đan Mạch và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư ký thỏa thuận triển khai nghiên cứu về những tác động có thể xảy ra của Hiệp định Thương mại tự do (FTA) VN và Liên minh Châu âu (EU) đối với việc cải cách chính sách và thể chế ở VN.
Đại sứ Đan Mạch John Nielsen bày tỏ hy vọng, nghiên cứu này sẽ đưa ra khuyến nghị về những điều chỉnh chính sách và thể chế phù hợp giúp VN thu được ích lợi lớn nhất từ việc tham gia FTA. Nghiên cứu dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 9.2015. Trước đó, tháng 6.2012, VN và EU chính thức tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại tự do toàn diện. Các bên đã trải qua vòng đàm phán thứ 9 vào tháng 9.2014 và sẽ kết thúcđàm phán trong nửa đầu năm 2015.
-------------------------
Dự án metro gần 50.000 tỉ đồng bị tắc vì… 1 doanh nghiệp
Ngày 16.12, UBND TP.HCM tiếp tục gửi công văn đề nghị UBND tỉnh Bình Dương hỗ trợ, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan khẩn trương giải quyết dứt điểm việc bàn giao mặt bằng của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Vĩnh Phát (tại thị xã Dĩ An, Bình Dương) cho nhà thầu thi công gói thầu số 2 của dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên) trước ngày 31.12.2014.
Dự án metro gần 50.000 tỉ đồng bị tắc vì… 1 doanh nghiệp - ảnh 1Thi công đường dẫn trên cao, đoạn vượt sông Sài Gòn của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên
Trước đó, do việc bàn giao mặt bằng chậm trễ, TP.HCM đứng trước nguy cơ bị nhà thầu “bắt đền” khoảng 2 tỉ đồng/ngày. UBND TP.HCM từng nhiều lần gửi văn bản “cầu cứu” tỉnh Bình Dương nhưng cho đến nay, dự án có vốn đầu tư gần 50.000 tỉ đồng vẫn bị tắc vì… 1 doanh nghiệp không chịu bàn giao mặt bằng.
Gói thầu số 2 của dự án này đã chậm trễ gần 30 tháng qua. Việc thi công dường như bị "đứng bánh".
Theo UBND TP.HCM, tiến độ bàn giao mặt bằng của phía Bình Dương vẫn tiếp tục trì hoãn và đã chậm trễ hơn 1,5 tháng so với chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc vào ngày 8.8.2014 (yêu cầu dứt điểm bàn giao mặt bằng vào 31.10.2014).
UBND TP.HCM cho biết thật sự rất quan ngại về sự chậm trễ này vì nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện của dự án cũng như nguy cơ gia tăng các chi phí phải bồi thường cho nhà thầu.
Tuyến đường sắt đô thị số 1 dài 19,7 km đi theo các tuyến đường và khu vực: Lê Lợi - Ba Son - rạch Văn Thánh - công viên Văn Thánh - cầu Sài Gòn - xa lộ Hà Nội.
Dự án đã được Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật bản (JIBIC) hỗ trợ nghiên cứu và cho vay vốn ODA, với tổng vốn đầu tư tương đương gần 50.000 tỉ đồng.
Theo UBND thành phố, dự kiến năm 2020 mới có thể đưa vào vận hành tuyến đường sắt đô thị này, thay vì vào cuối năm 2018 như kế hoạch ban đầu được duyệt.
---------------------------