Biểu tình dữ dội chống dự án Trung Quốc ở Nicaragua
Hàng ngàn người dân Nicaragua đã tràn xuống đường phố thủ đô Managua để phản đối công trình xây dựng kênh đào trị giá 50 tỉ USD của Trung Quốc vì cho rằng nó gây tổn hại cho nguồn nước sạch và ô nhiễm môi trường.
Người biểu tình giận dữ cho rằng đất đai của họ đã bị cướp đoạt để phục vụ cho dự án xây dựng kênh đào, dự kiến sẽ nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, theo BBC.
Một khi hoàn thành, kênh đào này sẽ dài 278 km, sâu hơn và rộng hơn cả Kênh đào Panama. Theo lịch trình, công trình sẽ khởi công trong tháng 12 và sẽ hoàn tất trong 5 năm.
BBC cho biết người biểu tình vẫy cờ và hô biểu ngữ phản đối chính phủ, còn tờ The Paper (Trung Quốc) cho biết một số người còn cầm biểu ngữ mang dòng chữ: “Trung Quốc cút đi”.
Quan chức chính phủ Nicaragua hồi tháng 11 đã lên tiếng khẳng định kênh đào sắp xây sẽ tác động rất ít đến môi trường, đồng thời dự án sẽ tạo ra 50.000 việc làm.
Tuy nhiên, số lượng các cuộc biểu tình ngày một gia tăng trong vài tuần qua, với hàng ngàn người lo ngại sẽ không được đền bù thỏa đáng.
Ngoài ra, cũng có những lo ngại xoay quanh tình hình tài chính của dự án và có các cáo buộc cho rằng ông Vương Tĩnh, tỉ phú Trung Quốc đứng sau dự án xây kênh đào, là doanh nhân thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, theo BBC.
-------------------------
Thế giới lên án Taliban sau thảm sát trường học ở Pakistan
Liên Hiệp Quốc và lãnh đạo nhiều quốc gia đã lên án mạnh mẽ cuộc tấn công đẫm máu do các tay súng Taliban tiến hành nhằm vào một trường học ở thành phố Peshawar, Pakistan ngày 16.12 làm 141 người thiệt mạng, trong đó có 132 trẻ em.
Các tay súng Taliban đã tiến hành cuộc tấn công nhằm vào một trường học do quân đội quản lý ở thành phố Peshawar, Pakistan ngày 16.11 với mục đích trả thù một chiến dịch quân sự của chính phủ nước này nhằm vào Taliban tại khu vực Bắc Waziristan.
Vụ tấn công đã làm141 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, trong số có 132 trẻ em đã bị sát hại. Tất cả các tay súng Taliban trong vụ tấn công này đều đã bị tiêu diệt sau nhiều giờ chiến đấu, theo Reuters.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon ngay sau đó đã lên án vụ tấn công của các tay súng Taliban là "một hành động ghê rợn và hèn nhát khi tấn công những đứa trẻ không có khả năng tự vệ lúc chúng đang học". Ông Ban Ki-moon khẳng định đi học là quyền của mọi đứa trẻ và “Không có lý do gì có thể biện minh cho sự tàn bạo đó. Không lời kêu ca nào có thể tha thứ cho sự ghê rợn đó”, theo Reuters.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng phản ứng ngay trong phát biểu tại Nhà Trắng: “Bằng việc nhằm vào học sinh và giáo viên trong vụ tấn công tàn ác này, những kẻ khủng bố một lần nữa cho thấy sự đồi bại của mình”. Ông Obama cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Pakistan để chống lại chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, đồng thời thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực”, theo Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì cho rằng vụ tấn công đẫm máu của các tay súng Taliban đã chọc giận cả thế giới và là một vụ giết người vô liêm sỉ. Ông Kerry nói rằng “Sáng nay, dù bạn sống ở đâu, bạn là ai, chúng cũng là những đứa trẻ của bạn và đây là sự mất mát của thế giới”, theo Reuters.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ trên trang Twitter của mình rằng thông tin từ Pakistan gây sốc mạnh, thật kinh hoàng khi trẻ em bị giết chỉ đơn giản vì chúng đi học, theo Telegraph.
Thủ tướng Ấn Độ và nhiều quan chức nước này cũng đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công của Taliban. Ông Narendra Modi gọi vụ tấn công này là hành động vô nghĩa của sự tàn bạo không kể xiết, theo The Indian Express.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng rất sốc trước hành động tấn công của Taliban: "Việc bắt giữ con tin và sát hại trẻ em vượt qua mọi hành động đê hèn và tàn bạo xảy ra tại đất nước Pakistan vốn chìm trong khủng bố và bạo lực những năm qua. Chúng tôi chia buồn cùng nhân dân Pakistan và các nạn nhân của hành động khủng bố đẫm máu này", theo Reuters.
-------------------------
Tổng thống Obama quyết định ký dự luật trừng phạt Nga
Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ ký vào “Dự luật hỗ trợ tự do cho Ukraine”, cho phép áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới nhắm vào Nga và cung cấp vũ khí gây sát thương cho chính quyền Ukraine, AFP trích dẫn tuyên bố của Nhà Trắng.
“Tổng thống Obama sẽ ký vào dự luật”, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết hôm 16.12. Trước đó, dự luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 13.12.
Ngoại trưởng Mỹ Sergei Lavrov hôm 15.12 đã cáo buộc các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là hành động thù địch nhắm vào Nga. Các biện pháp này sẽ đánh vào lĩnh vực năng lượng và quốc phòng của Nga mà đối tượng là các công ty buôn bán hoặc chuyển giao các thiết bị quận sự vào miền đông Ukraine.
Ông Earnest cũng tiết lộ có thể dự luật sẽ được Tổng thống Obama ký trong tuần này. Trước đó, ông Obama từng khẳng định Mỹ sẽ không thể thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga nếu không phối hợp với Liên minh châu Âu.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đến vào lúc kinh tế Nga đang lao đao vì giá dầu sụt giảm. Đồng rúp của Nga đã trượt giá kỷ lục vào ngày 16.12, ở mức 1 USD đổi được 80 rúp.
-------------------------
Nhân viên y tế CIA bị cáo buộc tấn công tình dục
Các bác sĩ và nhân viên y tế tham gia vào quá trình thẩm vấn tàn bạo tù nhân dưới sự chỉ đạo của CIA bị cáo buộc “tấn công tình dục” và “có thể phạm tội ác chiến tranh”, The Guardian dẫn lời đại diện Hội Y sĩ bảo vệ Nhân quyền (PHR).
Đại diện PHR Vincent Iacopino kêu gọi mở cuộc điều tra về mức độ tham gia của các nhân viên y tế CIA trong chương trình thẩm vấn tàn bạo, gây tổn hại nghiêm trọng đến tù nhân dưới thời Tổng thống George W. Bush vừa được Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ công bố hôm 9.12, theo The Guardian ngày 16.12.
Theo PHR, hành vi tra tấn tù nhân bằng cách bơm thức ăn xay nhuyễn và nước trực tiếp vào trực tràng là một dạng cấu thành hành vi tấn công tình dục nếu chưa được sự cho phép của người đó.
“Thay vì từ chối thực hiện hành vi tàn bạo như vậy, các nhân viên y tế của CIA đã thay đổi cách thức để làm tăng sự đau đớn cho tù nhân”, The Guardian dẫn lời Vincent Iacopino. Ông cũng cho rằng các nhân viên y tế CIA có thể đã phạm phải tội ác chiến tranh.
Trước đó, cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney biện hộ cho hành động mà PHR gọi là “phản bội nghề Y” được thực hiện vì lý do y tế. Cựu Giám đốc CIA Michael Hayden cho biết các hành vi trên được thực hiện tại cơ sở y tế, theo Reuters.
Tuy nhiên, đại diện PHR Vincent Iacopino bác bỏ ngay lời biện hộ trên của Dick Cheney và cho rằng đó là “lời nói dối khủng khiếp để đưa ra những thông tin sai lệch” và khẳng định bất kỳ người biết ăn nào cũng không cần thiết phải làm việc này cho sự lựa chọn đầu tiên để bù nước và dinh dưỡng.
Đồng thời PHR đưa ra 8 nội dung mà các nhân viên y tế của CIA đã vi phạm đạo đức nghề Y, pháp luật Mỹ và quốc tế bao gồm tội cố ý gây phương hại cho người bị tạm giam, thiết kế chỉ đạo và thu lợi nhuận từ tra tấn, giám sát, tham gia hoạt động tra tấn, hợp tác y tế với những người thẩm vấn, không ghi lại kết quả thể chất, tâm lý người bị tra tấn, theo The Guardian.
PHR cũng nhận định rằng các biện pháp tra tấn mà CIA dựng lên có hệ thống và được tạo ra với hình thức “an toàn, hợp pháp và hiệu quả” để lừa dối Nhà Trắng, bao gồm cả việc trấn nước, gây mất ngủ, nhốt hộp kín, đánh đập, đe dọa tâm lý sẽ không thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ từ các nhân viên y tế này, theo đại diện PHR Vincent Iacopino ngày 16.12.
CIA đã chi 81 triệu USD cho một công ty “ma” do James Mitchell and Bruce Jessen đứng đầu làm trung gian cho các hoạt động chỉ huy tra tấn của CIA nhằm giúp CIA thoái thác trách nhiệm, theo The Guardian.
Những “nghi thức giam giữ” này đã để lại nhiều hậu quả kinh khủng. Có ít nhất một người bị thẩm vấn đã chết do ngạt nước. Ngoài ra, các nạn nhân còn phải chịu đựng chứng động kinh, mất ngủ, ảo giác, bệnh hoang tưởng. Nhiều người còn tìm mọi cách để hủy hoại thân thể, theo CNN.
Trước đó, Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi truy tố trách nhiệm các quan chức Mỹ liên quan vụ việc chấn động này hôm 10.12, theo Reuters.
-------------------------