Phúc thẩm đại án Huỳnh Thị Huyền Như: Đại diện Ngân hàng Nhà nước lúng túng
Hôm qua (16.12), ngày làm việc thứ hai của phiên phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, HĐXX và đại diện Viện KSND tối cao xét hỏi Huyền Như, đại diện Ngân hàng ACB, Ngân hàng Quốc doanh (Navibank cũ) và Ngân hàng Nhà nước...
Không biết bên nào đúng, bên nào sai
Chỉ xin lại căn biệt thự
Ngay từ đầu phiên xử, Huyền Như khẳng định bản án sơ thẩm nhận định về thủ đoạn, hành vi bị cáo chiếm đoạt tài sản của 3 NH, 3 cá nhân, 9 doanh nghiệp gần 4.000 tỉ đồng là đúng. Huyền Như chấp nhận án chung thân không kháng cáo về hình phạt và tội danh, chỉ kháng cáo xin lại căn biệt thự ở khu biệt thự Nam Hải, Quảng Nam (trị giá 43 tỉ đồng) có trước khi phạm tội và đó là tài sản của mẹ Huyền Như.
Xoay quanh nghiệp vụ ngân hàng (NH), chủ tọa hỏi: “NH được trực tiếp hoặc gián tiếp ủy thác (thông qua tổ chức, cá nhân khác) gửi tiền vào NH khác để hưởng lợi không?”. Bị cáo Huyền Như và đại diện Vietinbank cùng đáp “không được”. Còn đại diện ACB, Navibank lại cho là được phép đem tiền của mình gửi thông qua thị trường liên NH. Đại diện Navibank nói thêm: “Pháp luật không có quy định nào cấm NH thông qua cá nhân của mình gửi tiền vào NH khác”. Để đánh giá, chủ tọa cho gọi đại diện NH Nhà nước lên hỏi về vấn đề này để làm trọng tài phân xử, nhưng người này không trả lời được bên nào nói đúng bên nào nói sai mà chỉ dẫn luật vòng vo, không đi vào trọng tâm khiến chủ tọa phải nhắc nhở.
HĐXX chuyển sang hỏi tiền khách hàng chuyển vào tài khoản của NH sẽ được hạch toán vào hệ thống sổ sách của NH vào thời điểm nào. Bị cáo Như thừa nhận tiền của khách hàng khi chuyển vào tài khoản đều được hạch toán trong hệ thống Vietinbank nhưng không nhớ thời điểm được hạch toán. Còn đại diện Vietinbank khẳng định ngay khi chuyển tiền vào tài khoản của khách hàng tại Vietinbank là tiền được hạch toán vào hệ thống NH và phát sinh các nghĩa vụ của NH.
Chủ tọa hỏi đại diện Vietinbank: “Khoản 8, điều 12 của Quyết định 1284 quy định NH chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình. NH đưa ra ví dụ minh họa trường hợp nào NH có lỗi?". Đại diện Vietinbank ấp úng hồi lâu rồi trả lời: “Tôi chỉ nghĩ ra được một trường hợp NH thực hiện nhầm lệnh chuyển tiền thì phải điều chỉnh”. Vị chủ tọa thắc mắc: "Cả một điều khoản quy định vậy mà chỉ có một trường hợp sao?". Tương tự, câu hỏi này cũng được chủ tọa đặt ra cho đại diện NH Nhà nước, nhưng vị cán bộ NH này không đưa ra ví dụ cụ thể khi nào là lỗi của NH. Chủ tọa đặt vấn đề: “Trách nhiệm NH là phải kiểm tra đúng khớp với các yếu tố khách hàng đã đăng ký (chữ ký, mẫu dấu, CMND...). Nếu khách hàng bị kẻ gian giả chữ ký, mạo nhận là chủ tài khoản lừa đảo nhưng lại được NH chấp nhận chi tiền thì lỗi thuộc về ai?”. Câu hỏi này không nhận được câu trả lời từ đại diện Vietinbank và NH Nhà nước.
“Phí duy trì chứ không phải phí quản lý”
Đại diện Viện KSND tối cao đặt câu hỏi với bị cáo Huyền Như: “Lúc bị cáo thực hiện lệnh chi lấy tiền của khách hàng thì tiền đang ở đâu?”. Huyền Như khai lòng vòng một hồi rồi lúng túng: “Tiền của khách hàng nằm trong tài khoản của khách hàng mở ở Vietinbank”.
Về vấn đề NH có thu phí quản lý tài khoản không thì đại diện Navibank và ACB đều cho rằng tất cả NH đều thu phí nhưng đại diện Vietinbank thì cho rằng đó là phí duy trì tài khoản chứ không phải là phí quản lý tài khoản.
Còn người quản lý tài khoản của khách hàng là ai thì đại diện NH Nhà nước cho rằng các văn bản quy định của nhà nước không có quy định nào nói về trách nhiệm quản lý tài khoản. Đại diện Vietinbank lại nói tài khoản của khách hàng thì do khách hàng quản lý và sử dụng. Đến đây, vị đại diện Viện KSND phải đọc quy định về việc mở và quản lý tài khoản được quy định trong văn bản 1284 của NH Nhà nước. Đại diện NH Nhà nước im lặng.
Trong khi đại diện Navibank và ACB cho rằng tiền trong tài khoản của khách hàng chính là tiền huy động vốn và tiền huy động vốn là tài sản của NH, các NH thương mại sử dụng tiền này để cho vay và dùng vào các mục đích kinh doanh khác của NH. Nhưng đại diện Vietinbank cho rằng không phải tài sản của NH, NH không sở hữu tài sản của khách hàng mà chỉ tạm thời sử dụng tài sản này phục vụ vào việc cho vay và dùng vào các mục đích tài chính. Đại diện Viện KSND hỏi: “Nếu NH không sở hữu, không phải là tài sản của NH thì NH huy động vốn để làm gì rồi phải trả lãi?”. Về vấn đề này, đại diện NH Nhà nước cũng lúng túng rồi xin khất trả lời sau bằng văn bản.
Đại diện Viện KSND hỏi: “Như là quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ có phải là người có chức vụ quyền hạn của Vietinbank?”. Đại diện Vietinbank trả lời: “Như không có chức vụ quyền hạn, việc bổ nhiệm Huyền Như chỉ để quản lý nhân sự và quản lý tài sản ở chi nhánh”. Chủ tọa hỏi tiếp: “Huyền Như được phép ký chuyển đến 50 tỉ đồng, là tài sản của NH thì gọi là gì?”. Bị cáo Như im lặng một hồi rồi khai: “Bị cáo chịu trách nhiệm, bị cáo làm sai”.
Hôm nay tòa tiếp tục làm việc.
(Tuổi Trẻ)
------------------------
Đại án Huỳnh Thị Huyền Như: Tòa mời đại diện các ngân hàng xác minh
Ngày 16.12, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm lừa đảo 4.000 tỉ đồng. Như xin lại căn biệt thự thuộc dự án The Nam Hải (Quảng Nam) cho mẹ với lý do đó là tài sản mang tên mẹ mình trước khi vụ án xảy ra.
Đại diện Viện KSND Tối cao giữ nguyên quyết định kháng nghị tăng hình phạt đối với hai bị cáo Võ Anh Tuấn và Đào Thị Tuyết Dung.
Bị cáo Lương Thị Việt Yên, nguyên Trưởng phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam (Vietinbank), chi nhánh Nhà Bè xin thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại tòa, Như thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng như bản án cấp sơ thẩm cáo buộc. Sau khi Như nói về quy trình mở tài khoản tiền gửi và tiền gửi tiết kiệm cho khách hàng, HĐXX cho rằng đó là quy trình đúng luật nhưng thực tế lại không giống như vậy.
Khi chủ tọa thẩm vấn Như về thủ tục và các điều kiện để cá nhân hoặc tổ chức mở tài khoản tại ngân hàng, hay quy trình các lệnh chuyển tiền đi, Như ấp úng. Như khai tại tòa, muốn lệnh chi của ngân hàng có hiệu lực thì phải qua một số bước và đặc biệt ngân hàng sẽ phải từ chối thực hiện lệnh chi trong trường hợp đối chiếu mẫu con dấu, chữ ký không đúng.
Như khai thêm, Vietinbank có máy phóng to chữ ký của khách hàng giúp bộ phận chuyên môn dễ dàng đối chiếu thật, giả, còn “bằng mắt thường thì khó phát hiện”.
Sau khi thẩm vấn Huyền Như, HĐXX lần lượt mời đại diện các ngân hàng lên để xác minh.
Đối với câu hỏi có quy định nào cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện việc ủy thác tiền gửi sang ngân hàng khác hay không. Phía đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và Navibank cho rằng Luật các tổ chức tín dụng 2011 cho phép các ngân hàng được phép ủy thác tiền gửi sang ngân hàng khác. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Hùng đại diện cho Vietinbank khẳng định “không có bất kỳ quy định nào của pháp luật cho phép việc ngân hàng ủy thác cho nhân viên gởi tiền qua ngân hàng khác gửi để lấy lãi suất cao”.
Cùng một câu hỏi, cùng một quy định pháp lý nhưng đại diện các ngân hàng lại có hai ý kiến trái ngược nhau vì thế, HĐXX yêu cầu đại diện Ngân hàng Nhà nước làm trọng tài. Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước xin không trả lời câu hỏi này.
Khi tòa hỏi đại diện Vietinbank vì sao để Như thực hiện các “quy trình ngược” rồi lừa đảo chiếm đoạt và trách nhiệm thuộc về ai, đại diện Vietinbank trả lời: “Có kiểm tra nhưng khó phát hiện”. Cũng theo đại diện Vietinbank, với chức Phó trưởng phòng giao dịch, Như không có chức vụ quyền hạn mà chỉ có nhiệm vụ quản lý nhân sự và quản lý tài sản.
Cũng trong ngày 16.12, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM ra lệnh triệu tập ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên Giám đốc Vietinbank tại TP.HCM, đã nghỉ hưu) đến tòa với tư cách là người làm chứng trong thời gian xét xử vụ án.
Theo lệnh triệu tập, sáng 17.12 ông Sẽ phải có mặt tại tòa. Nếu trong trường hợp ông Sẽ không đến tham dự phiên tòa, cơ quan chức năng sẽ dùng biện pháp dẫn giải.
(PLO)
----------------------