Ông Phan Đình Trạc, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương sẽ điều hành giải quyết công việc của Ban Nội chính Trung ương và của Trưởng Ban Nội chính Trung ương khi ông Nguyễn Bá Thanh vắng mặt hoặc được uỷ quyền.
Ban Nội chính Trung ương vừa ban hành văn bản số 1458-CV/BNCTW thông báo về việc phân công ông Phan Đình Trạc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương làm nhiệm vụ Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương.
Theo đó, thực hiện ý kiến của Thường trực Ban Bí thư và trên cơ sở ý kiến của ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính Trung ương kiêm Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được thống nhất tại cuộc họp lãnh đạo ban vào ngày 16/1/2015, phân công ông Phan Đình Trạc làm nhiệm vụ Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương.
Ông Phan Đình Trạc sẽ điều hành giải quyết công việc của Ban Nội chính Trung ương và của Trưởng Ban Nội chính Trung ương khi ông Nguyễn Bá Thanh vắng mặt hoặc được uỷ quyền.
Được biết, ông Phan Đình Trạc tốt nghiệp Khoa Điều tra Tội phạm (Đại học An ninh), có 30 năm công tác trong ngành công an và từng làm Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Chủ tịch UBND và Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Nghệ An trước khi được điều động ra Hà Nội, phân công giữ chức vụ Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành quy chế yêu cầu việc tiếp công dân phải bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời, không phân biệt đối xử.
UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Theo đó, Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước có nhiệm vụ tiếp công dân theo quy định.
Tại trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân phải niêm yết nội quy tiếp công dân và Quy chế tổ chức tiếp công dân, trong đó phải nêu rõ trách nhiệm của người người đứng đầu và cán bộ thực hiện công tác tiếp công dân, quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; lịch tiếp công dân định kỳ và đột xuất, thể hiện cụ thể thời gian tiếp của cơ quan, đơn vị, họ, tên, chức vụ người tiếp công dân, phân công bố trí cán bộ tiếp công dân; thực hiện việc niêm yết quy trình tiếp công dân, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật để công dân biết và thực hiện.
Việc tiếp công dân phải được tiến hành tại nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp công dân phải bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân.
Chủ tịch tỉnh Hậu Giang nghiêm cấm việc gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp.
Người tiếp công dân phải có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày.
Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng; Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân ít nhất 2 ngày trong 1 tháng; Người đứng đầu các cơ quan thuộc UBND tỉnh trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng; Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tuần. Ngoài ra, người đứng đầu các cấp thực hiện việc tiếp công dân đột xuất theo quy định.
Quy chế cũng quy định việc thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Theo đó, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân có trách nhiệm trả lời trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản đến người đã đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cho người khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
--------------------------
Dân nghèo "méo mặt" vì trót tin lời cán bộ xã
Rất nhiều hộ nghèo được chính quyền vận động sửa nhà để được nhận hỗ trợ từ Nhà nước, nhưng khi người dân làm nhà xong không thấy xã cấp tiền hỗ trợ, khiến họ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất…
Đó là câu chuyện bi hài của nhiều hộ nghèo ở xã Đức An, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Mang nợ vì làm nhà
Bà Tống Thị Hạnh (SN 1942, trú thôn Hạ Tiến) bị tàn tật từ nhỏ, không có chồng, chỉ có một cô con gái nay cũng đã có gia đình riêng. Hiện bà Hạnh sống một mình, là một trong những hoàn cảnh nghèo nhất xã, cuộc sống của bà dựa vào mấy con gà và tiền trợ cấp chế độ 02.
Bà Hạnh kể, vào tháng 10/2012 có cán bộ xã về tận nhà khảo sát và thông báo có chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho các gia đình hộ nghèo theo Quyết định 167 của Chính phủ về hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo. Nếu gia đình làm được thì sẽ nhận được sự hỗ trợ tiền.
Sau khi được cán bộ xã thông báo, bà Hạnh mừng rỡ và quyết tâm vay mượn anh em, ngân hàng một khoản tiền để sửa sang lại ngôi nhà vì nó đã quá xập xệ, xuống cấp.
Bà Hạnh cho biết: “Lúc đó tôi mới đi mổ sỏi thận về. Trong nhà cũng không có một đồng bạc nào nhưng căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, nay thấy có chương trình hỗ trợ của nhà nước nên quyết tâm vay mượn để sửa lại cái nhà. Các cán bộ còn hối thúc là phải xây xong trước tháng 12/2012 để kịp với chương trình”, bà Hạnh cho biết thêm.
Để hoàn thành đúng thời hạn, bà Hạnh đã nhờ tất cả anh em, bà con xóm giềng đến cùng chung tay sửa lại ngôi nhà và chỉ sau 2 tuần ngôi nhà đã được sửa sang lại kiên cố. “Tôi đã mượn gần 20 triệu đồng của anh em và cả ngân hàng để sửa lại ngôi nhà này”, bà Hạnh cho biết.
Tuy nhiên, trớ trêu thay, khi bà Hạnh xây xong nhà thì chính quyền xã không đả động gì đến chương trình hỗ trợ của Nhà nước như đã thông báo trước đó. Mấy năm qua bà Hạnh đã tìm đến các cơ quan chức năng để đòi quyền lợi nhưng đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
“Tôi đã vay gần 20 triệu nhưng đến giờ vẫn chưa trả hết, còn nợ 10 triệu nữa. Tôi thì bị tàn tật, không làm được việc nặng, chắc đến lúc chết tôi cũng không thể trả xong số tiền này”, bà Hạnh lo lắng.
Cùng cảnh với bà Hạnh là bà Nguyễn Thị Hạnh (SN 1965) cũng ở thôn Hạ Tiến. Bà Hạnh không có chồng, không có con, bố mẹ mất sớm, bà sống một mình. Bà cũng được chính quyền thông báo về chương trình hỗ trợ làm nhà.
“Khi được xã thông báo, tôi quyết định sửa lại nhà. Tôi vay mượn anh em, xóm làng được hơn 15 triệu và sau hơn 1 tuần thì làm xong. Thế nhưng khi làm xong thì xã bảo là không được nhận tiền hỗ trợ”, bà Hạnh ấm ức.
Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều hoàn cảnh tương tự rơi vào cảnh dở khóc, dở cười như thế này. Một điều khiến dư luận bức xúc là sau khi nhà cửa được sửa sang lại, những hộ này không được xếp vào diện hộ nghèo nữa. Xã có thêm thành tích về xóa đói, giảm nghèo.
“Lỗi tại dân”
Để tìm hiểu thực hư câu chuyện, chúng tôi tìm đến UBND xã Đức An. Trao đổi với Chủ tịch UBND xã qua điện thoại, vị này nói đang đi họp và hướng dẫn chúng tôi gặp phía Mặt trận xã. Tại buổi làm việc, ông Bùi Đình Hưởng, Chủ tịch Mặt trận xã Đức An cho biết, chủ trương hỗ trợ làm nhà cho đối tượng là hộ nghèo là có và xã đã triển khai.
“Khi có chủ trương hỗ trợ nhà ở, chúng tôi đã lập thành 3 đoàn để xuống các hộ dân khảo sát và thông báo chủ trương này cho các đối tượng. Đối tượng nào làm được thì báo cáo lên chính quyền để chốt danh sách và gửi lên trên sẽ có hỗ trợ”, ông Hưởng nói.
Khi được hỏi tại sao các đối tượng đã làm xong nhà nhưng không được nhận tiền hỗ trợ, vị Chủ tịch Mặt trận xã nói, đó là lỗi tại dân (?!). “Các hộ dân khi nghe thông báo thì họ tự làm chứ không làm báo cáo gửi lên nên chúng tôi không biết”, ông Hưởng nói.
Tuy vậy, không như lời biện hộ của cán bộ xã Đức An, ông Phạm Văn Đường, Chủ tịch Mặt trận huyện Đức Thọ, lại bức xúc nhận định: "Cán bộ thôn, xã phải có trách nhiệm rà soát, thống kê và lập danh sách các đối tượng để xem xét hỗ trợ làm nhà. Ai lại để dân sửa nhà rồi, giờ lại không được hỗ trợ".
Ông Đường khẳng định việc này là sự thiếu trách nhiệm của cán bộ xã Đức An. “Chúng tôi sẽ rà soát lại và làm việc với xã để làm rõ vấn đề này”, ông Đường khẳng định.
Quyết định 167 của Chính phủ về hỗ trợ làm nhà cho các đối tượng hộ nghèo là một chủ trương hết sức nhân đạo, thiết thực song chính cách làm tắc trách, thiếu trách nhiệm của cán bộ xã Đức An đã làm "méo mó" chủ trương, đẩy người dân vào cảnh khó khăn, khiến dân mất lòng tin.
-------------------------