Bầu kiên: “ACB có quyền khởi kiện Vietinbank bất cứ lúc nào”
Chiều 4-12, khi trình bày quan điểm kháng cáo về hành vi cố ý làm trái trong việc thống nhất chủ trương cho nhân viên ACB gửi 718 tỉ đồng tại Vietinbank, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng ACB chưa thiệt hại và không thể thiệt hại.
“Đối với 718 tỉ đồng của nhân viên ACB gửi vào Vietinbank, tôi cho rằng đây là hợp đồng hợp pháp, đúng pháp luật, tiền thật, chữ ký thật. Vietinbank đã nhận đủ tiền sau khi ký hợp đồng. Nhân viên ACB cũng như ACB không có bất cứ trách nhiệm nào khi tiền bị mất. Căn cứ vào các quy định hiện nay, tôi khẳng định Vietinbank bị mất tiền” - bị cáo Kiên nói.
Theo bị cáo Kiên, căn cứ các quy định pháp luật hiện nay, ACB có quyền khởi kiện Vietinbank bất cứ lúc nào. “Cho đến khi Vietinbank phá sản thì vẫn phải trả nợ cho khách hàng chứ không phụ thuộc vào bản án xét xử Huyền Như sắp tới. Vietinbank là ngân hàng nhà nước 50%, có trách nhiệm trả tiền cho khách hàng” - lời bị cáo Kiên.
-------------------------
Vietinbank phủ nhận trách nhiệm
Chiều 4-12, tại phiên xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên (nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB) và các đồng phạm, đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương VN (Vietinbank) đã phủ nhận trách nhiệm của mình trong việc để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718 tỉ đồng của 19 nhân viên ACB gửi tại Vietinbank.
Có mặt tại tòa, bà Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh TP.HCM) đã thừa nhận việc dùng các thủ đoạn để chiếm đoạt tiền từ tài khoản của các nhân viên ACB mở tại Vietinbank.
Huyền Như khai: “Khi Huỳnh Thị Bảo Ngọc (phó phòng quản lý quỹ ACB) yêu cầu tôi mở tài khoản, chị Ngọc cung cấp số chứng minh nhân dân và thông tin khách hàng qua tin nhắn, tôi soạn hợp đồng gửi tiền rồi gửi cho nhân viên ký”.
Trả lời tòa về việc “Làm thế nào rút tiền trong ngân hàng ra?”, Huyền Như cho biết đã rút tiền bằng hai hình thức là thế chấp sổ tiết kiệm vay và tất toán sổ tiết kiệm rút tiền. 19 nhân viên ACB không tham gia việc rút tiền mà một mình bị án làm.
Trả lời về lý do chiếm đoạt 718 tỉ đồng, Huyền Như cho biết do chịu sức ép từ những khoản vay nợ bên ngoài nên có ý định vay tạm tiền, tuy nhiên khi không trả được thì chuyển sang ý định chiếm đoạt.
Tòa hỏi đại diện Vietinbank: ACB gửi tiền ở Vietinbank bị Huỳnh THị Huyền Như chiếm đoạt, quan điểm Vietinbank như thế nào?
Trả lời tòa, vị đại diện này cho rằng tiền của nhân viên ACB được chuyển khoản vào tài khoản cá nhân mở tại Vietinbank, theo quy định thì chủ tài khoản là chủ sở hữu của những số dư tài khoản này nên Vietinbank không chịu trách nhiệm.
“Tôi khẳng định hợp đồng chưa bao giờ thực hiện nên không phát sinh nghĩa vụ của Vietinbank với khách hàng” - vị đại diện này nói.
Hội đồng xét xử đã thay nhau đặt nhiều câu hỏi để xác định trách nhiệm của Vietinbank trong việc để mất tiền của khách hàng.
“Giả sử tôi gửi tiền vào tài khoản của tôi ở Vietinbank, tiền đã chuyển vào thì nằm ở Vietinbank chứ đi đâu được?” - tòa hỏi.
Đại diện Vietinbank: “Xin phân biệt về tài khoản, có hai loại tài khoản là tài khoản tiết kiệm thì sở hữu là của ngân hàng, còn tài khoản của nhân viên ACB mở là tài khoản thanh toán chứ không phải tiết kiệm”.
Tòa: “Tài khoản thanh toán là do Huyền Như mở, cá nhân tôi đi gửi thì làm sao biết tiết kiệm hay thanh toán?”.
“Các hợp đồng gửi tiền này tuyệt đối chưa thực hiện một chút nào” - đại diện Vietinbank nói.
Được tòa thẩm vấn, bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc ACB) cho rằng đại diện Vietinbank trả lời không đúng.
“Nhân viên ACB mở tài khoản tiền gửi thanh toán. Tài khoản này là của Vietinbank mở cho khách biết số dư là bao nhiêu. Dù tiền tiết kiệm hay có kỳ hạn thì đều phát sinh nghĩa vụ của Vietinbank và đối ứng với là nghĩa vụ của Vietinbank với khách hàng” - lời bị cáo Hải.
Theo đại diện Vietinbank, hiện nay Vietinbank không lưu các hợp đồng nhân viên ACB gửi tiền. Đây là các hợp đồng gửi tiền, chỉ phát sinh khi có gửi tiền. Khách hàng chưa gửi tiền vào Vietinbank nên chưa phát sinh hiệu lực
Tòa tiếp tục đặt câu hỏi: Nguyên tắc người ta gửi tiền vào Vietinbank, Vietinbank mở tài khoản thì người ta mới gửi vào, sau đó mới có hợp đồng, giờ người ta mang hợp đồng đến thì giải quyết thế nào?
“Tài khoản tiết kiệm thì ngân hàng quản lý, với tài khoản thanh toán họ có quyền sử dụng bất cứ lúc nào” - đại diện Vietinbank đáp.
Trong khi đó có mặt tại tòa, đại diện ACB cho rằng họ không đồng ý với ý kiến của Vietinbank.
“Hợp đồng ACB ký với Vietinbank do các phó giám đốc Vietinbank ký, đóng dấu hợp pháp. Sau đó nhân viên ACB đã gửi tiền vào. Huyền Như nói 17 nhân viên chuyển thông tin mở tài khoản trước, sau đó mới chuyển tiền, việc chuyển trước hay sau không quan rọng, quan trọng là đã gửi tiền, hồ sơ đã hoàn tất, Vietinbank không thể nói là tiền chưa vào. Việc chuyển tiền là qua hệ thống của Ngân hàng Nhà nước, Vietinbank đã báo cáo đầy đủ số dư. Chúng tôi yêu cầu Vietinbank phải có trách nhiệm. Trong phiên xét xử phúc thẩm Huyền Như chúng tôi sẽ tiếp tục trình bày” - vị đại diện này nói.
------------------------------
Cựu lãnh đạo ACB: “Luật không cấm thì được phép làm”
Sáng 4-12, hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là Bầu Kiên, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ngân hàng ACB) tiếp tục thẩm vấn các bị cáo và người liên quan về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bản án sơ thẩm trước đó đã buộc Bầu Kiên cùng các thành viên trong HĐQT Ngân hàng ACB thống nhất chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi 718 tỉ đồng vào Ngân hàng VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP.HCM.
Toàn bộ số tiền này đã bị bà Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM, chiếm đoạt.
Không rõ có phạm luật hay không?
Bị cáo Phạm Trung Cang (nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB) cho biết năm 2010, khi ngân hàng ACB ở thời điểm khó khăn, bị cáo đã đưa ra phương án giảm lãi suất cho vay nhưng bị cáo Kiên không đồng ý.
“Tôi với anh Kiên tranh luận kịch liệt về quan điểm này. Sau đó Tổng giám đốc Lý Xuân Hải đưa ra phương án ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền"
Theo bị cáo Cang, lúc đầu bị cáo có băn khoăn, nhưng sau đó ban pháp chế ngân hàng nói không phạm luật. Lúc đó, ông Trần Xuân Giá, Chủ tịch HĐQT là người có nhiều kinh nghiệm cũng nói những gì luật không cấm thì được làm.
"Giờ nghĩ lại tôi thấy nhận thức lúc đó là không đúng” - ông Cang khai trước tòa.
Trình bày kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng bị cáo Trịnh Kim Quang (nguyên phó chủ tịch HĐQT ACB) vẫn nói trước tòa: “Tôi không hiểu việc làm của tôi và các thành viên trong HĐQT ACB có trái luật hay không, đến giờ tôi vẫn rất mù mờ”.
Theo bị cáo Quang: “Cho đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có cho một văn bản nào cấm việc ủy thác gửi tiền? Thầy Giá (ông Trần Xuân Giá) khi về ACB vẫn nói rằng tinh thần mới của Luật Doanh nghiệp là doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm.
Tòa sơ thẩm không quan tâm làm rõ ba căn cứ: Thứ nhất, vì sao có phát sinh hoạt động ủy thác gửi tiền, đó là điều rất lạ. Tại sao các ngân hàng lại có hoạt động ủy thác gửi tiền?
Thứ hai, cơ sở nào chúng tôi chấp thuận chủ trương ủy thác?
Thứ ba, chúng tôi đưa ra chủ trương ủy thác gửi tiền và yêu cầu ban kiểm soát và bộ phận pháp chế tuân thủ của ngân hàng ACB kiểm tra - đây là bộ phận kiểm soát việc tuân thủ pháp luật của ACB.
Tuy nhiên tôi phân vân hai định chế này họ làm gì, họ không có ý kiến khi HĐQT có chủ trương ủy thác tiền gửi, hay họ cho rằng chủ trương này không vi phạm pháp luật. Tôi không rõ chủ trương có phạm luật hay không?”.
Bị cáo Lý Xuân Hải cho rằng việc Huyền Như chiếm đoạt tiền "không phải là hệ quả của chủ trương HĐQT ACB mà là hệ quả của việc quản lý của Vietinbank" - Ảnh: T.L
Trình bày trước tòa, bị cáo Lý Xuân Hải cho biết: Năm 2010, thực trạng các ngân hàng thiếu vốn, vay liên ngân hàng nhưng không trả.
“Lúc đó bị cáo nhận được thông tin các ngân hàng ưu tiên trả tiền cho cá nhân, doanh nghiệp nên bị cáo đề xuất với HĐQT ACB chủ trương ủy thác cho các nhân viên ACB mang tiền đi gửi ở ngân hàng khác”.
Luật Các tổ chức tín dụng có quy định ủy thác đi gửi không? - Tòa hỏi.
Bị cáo Lý Xuân Hải đáp: "Nhận thức của tôi hoạt động ủy thác gửi tiền là được phép. Tôi nghĩ chủ trương ủy thác gửi tiền năm 2010 là không sai lầm và vẫn tiếp tục.
Việc gửi tiền hiện nay chưa có hậu quả. Quá trình gửi tiền tôi đã thực hiện đúng pháp luật, tiền đã được chuyển vào tài khoản của ngân hàng Vietinbank thông qua hệ thống của ngân hàng Nhà nước. Tiền đã chuyển vào tài khoản của Vietinbank và ở đó chứ không thể mất”.
Ông Hải cho rằng toàn bộ hành vi của Huỳnh Thị Huyền Như là dùng chứng từ giả để lấy tiền từ tài khoản của Vietinbank chứ không phải từ túi của ACB. Việc Huyền Như chiếm đoạt tiền không phải là hệ quả của chủ trương HĐQT ACB mà là hệ quả của việc quản lý của Vietinbank.
“Việc quản lý đó đúng sai thế nào thì là đánh giá của tòa”- bị cáo nói.
Tòa trích dẫn các điều luật và cho biết thời điểm năm 2010, luật không có quy định nào về việc ngân hàng được phép ủy thác cho cá nhân đi gửi tiền vào ngân hàng khác mà chỉ có quy định về cho vay liên ngân hàng.
“Tôi không chỉ đạo, gây áp lực”
Trình bày trước tòa nội dung kháng cáo về hành vi cố ý làm trái, bị cáo Kiên cho rằng việc bản án sơ thẩm quy kết bị cáo là cổ đông lớn, có vai trò chỉ đạo chi phối điều hành hoạt động của ACB là sai.
“ACB là doanh nghiệp lớn, không cho phép cá nhân nào làm được việc chỉ đạo, chi phối hoạt động của ACB. Với vai trò là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập, tôi làm đúng quy chế của hội đồng sáng lập. Trong 5 năm giữ vị trí này, tôi chưa có ý kiến nào trái pháp luật, tôi khẳng định và tự tin các ý kiến của tôi là đúng pháp luật và vì quyền lợi của ACB, nếu tôi có chỉ đạo sai mà đại diện VKS và tòa đưa ra, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật” - lời bị cáo Kiên.
Ông Kiên khẳng định không hề đưa ra bất cứ áp lực, chỉ đạo nào đối với cấp dưới tại ACB.
Với hành vi đầu tư cổ phiếu ACB gây thiệt hại 687 tỉ đồng, bị cáo Kiên cho rằng việc đầu tư cổ phiếu ACB là của hai công ty ACI và ACI HN. Vì hai công ty này đã đầu tư vào cổ phiếu ACB trước đó, trong một thời gian lâu dài.
Bầu Kiên cũng cho rằng việc đầu tư cổ phiếu không gây ra bất kỳ thiệt hại nào cho ACB, ACBS và đến nay chính ACB và ACBS đã khẳng định là không có thiệt hại.
Chiều nay 4-12, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn về hành vi cố ý làm trái.
-------------------------