Qua vụ án liên quan tới anh Vũ Ngọc Dương (ở phố Khâm Thiên, Hà Nội) bị một số người, trong đó có dì ruột, dựng đứng chuyện chiếm đoạt 100 triệu đồng của một trung tâm dạy nghề ở Hà Nội, chúng tôi muốn đề cập đến những điều đã và đang gây bức xúc cho xã hội. Và nếu còn như vậy, sẽ khó tránh khỏi những vụ án khác, có khi còn nghiêm trọng hơn.
Nguyễn Thị Thanh Vân thực nghiệm lại việc làm giả chữ viết.
Từ cho vay lãi suất cao...
Nhằm đòi khoản nợ 50 triệu cho vay lãi suất cao, chủ nợ và nhóm người liên quan đã làm giả tài liệu tố cáo vu khống anh Dương chiếm đoạt 100 triệu đồng của 2 Cty tài trợ nhân đạo (Cty TNHH Đức Khuê, Cty Cổ phần CODICO) cho Trung tâm Dạy nghề và Hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh (gọi tắt là Trung tâm). Do việc xác minh của cơ quan chức năng chưa thấu đáo, anh Dương bị công an huyện Đông Anh, Hà Nội bắt tạm giam 4 tháng 10 ngày.
Điều đáng chú ý, trong những ngày anh Dương bị tạm giam, các đối tượng vu khống đã đến Công an huyện Đông Anh để ép bố của anh Dương phải đưa 197 triệu đồng cho họ. Sau đó, tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên phạt Dương 30 tháng tù giam. Xác minh đơn kêu oan của Dương là có cơ sở, ngày 12.11, VKSNDTC quyết định kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm và đề nghị TANDTC xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm. Cùng ngày, VKSTC ra quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án số 565 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đối với Vũ Ngọc Dương để chờ xét xử theo thủ tục Giám đốc thẩm.
Trong vụ án này, việc cho vay nặng lãi thể hiện rất rõ trong giao dịch vay mượn giữa anh Dương và Nguyễn Văn Hiền (người cho vay nặng lãi, sinh 1983, trú ở Hoàng Hoa Thám, chồng của dì ruột anh Dương). Tháng 8.2008, anh Dương vay của Hiền 50 triệu đồng với lãi suất 4,5 triệu đồng/tháng. Anh Dương đã trả lãi được 5 tháng với tổng số tiền là 22,5 triệu đồng. Như vậy, tiền lãi mới trả 5 tháng đã gần bằng nửa tiền vay gốc. Tuy đó là vay nặng lãi nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn không dễ xử lý vì dù lãi suất rất cao nhưng vẫn chưa đến ngưỡng để xử lý hình sự.
Do chưa có khả năng trả tiếp, đến tháng 8.2009 (sau 1 năm cho vay 50 triệu đồng), Hiền viết giấy nợ cho Dương tính tổng nợ cả gốc và lãi lên đến trên 133 triệu đồng. Khó khăn chồng chất khó khăn, Dương càng không thể trả nợ, tình cảm gia đình bị tan vỡ. Trong bản tường trình với cơ quan điều tra VKSNDTC, nói về nguyên nhân vu khống Dương, Hiền khai: “Việc Dương vay mượn tiền của tôi là có thật và chưa trả lại cho tôi... Bố của Dương tới nhà vợ tôi, chửi bới nhục mạ cha vợ tôi. Nhưng gia đình tôi không để ý và nhẫn nhịn tới ngày hôm nay”. Đỉnh điểm của vụ việc là ngày 18.11.2010 (sau gần 2 năm Dương không tiếp tục trả nợ), ông Bùi Văn Chính - Giám đốc Trung tâm - đến công an huyện Đông Anh tố cáo anh Dương chiếm đoạt 100 triệu đồng của 2 Cty gửi làm từ thiện cho Trung tâm.
Thực tế hiện nay cho thấy, với những người chưa thể trả hoặc không muốn trả nợ, chủ nợ muốn đòi tiền theo đúng pháp luật không đơn giản. Bởi trừ trường hợp con nợ bỏ trốn, có dấu hiệu lừa đảo thì các cơ quan bảo vệ pháp luật mới có thể khởi tố, còn nếu không, vay nợ chỉ là quan hệ dân sự. Mà ra tòa có thắng kiện, con đường thi hành án sẽ thật ... dài. Do vậy, dư luận không lạ khi những chủ nợ, đặc biệt đối tượng cho vay nặng lãi đã dùng mọi thủ đoạn để đòi tiền, kể cả sử dụng xã hội đen lẫn thuê một số đối tượng biến chất trong các cơ quan bảo vệ pháp đi đòi nợ thuê với nhiều phương thức tinh vi.
... đến băng nhóm tố cáo đểu
Băng nhóm này không chỉ cùng nhau làm hồ sơ giả mạo, mà còn cùng nhau thống nhất lời khai khi vu khống cho anh Dương. Bên cạnh đó, vụ án có dấu hiệu oan sai này thể hiện “sự hoàn hảo” về hồ sơ của nhóm đối tượng vu khống. Thứ nhất, để có mẫu chữ của Dương, dì ruột của Dương là Dương Diệu Thu đã cung cấp cho Nguyễn Thị Thanh Vân (người cho Thu vay 40 triệu đồng, Thu nói nếu đòi được tiền của Dương thì mới có tiền trả cho Vân) 2 giấy vay tiền do Dương viết tay và ký.
Vân đã dựa mẫu chữ này lập một loạt giấy tờ giả mạo (đơn xin gia nhập thành viên Hội chữ thập đỏ TP.Hà Nội mang tên Dương, quyết định công nhận Vũ Ngọc Dương là thành viên của Trung tâm, 2 tờ phiếu chi của Cty TNHH Đức Khuê, Cty Cổ phần CODICO cho Trung tâm, giấy vay tiền, giấy cam kết trả tiền ...) để vu khống Dương với cơ quan điều tra. Cách thức làm giả khá cổ điển: Cho bản chữ gốc của Dương vào túi nilon, sau đó phủ tờ giấy trắng lên trên, dùng bông thấm dầu hỏa lên, khi hiện các chữ ở bản gốc lên thì Vân dùng bút bi tô những mẫu chữ cần thiết lên Khi tô xong những chữ cần thiết, Vân dùng máy sấy tóc làm khô tờ giấy.
Sau khi có các giấy tờ giả mạo, Diệu Thu cùng Thanh Vân đưa cho ông Bùi Văn Chính – Giám đốc Trung tâm. Không hiểu xem xét thế nào hay vì động cơ gì, dù biết Dương không phải là người của Trung tâm, nhưng ông Chính vẫn yêu cầu cán bộ của mình soạn thảo đơn tố cáo Dương chiếm đoạt 100 triệu đồng của 2 Cty tài trợ cho Trung tâm.
Chỉ sau khi Phòng giám định kỹ thuật Hình sự Bộ quốc phòng lật tẩy sự gian dối của băng nhóm tố cáo đểu, bắt đầu mới có những lời khai muộn màng của các đối tượng trước Cơ quan điều tra VKSNDTC. Trong đó, Nguyễn Văn Hiền khai: “... những lời khai của tôi trước Công an huyện Đông Anh và Cơ quan điều tra VKSNDTC là không đúng sự thật.” Theo Hiền, việc tố cáo này là “theo sự hướng dẫn của Trung tâm và chị Nguyễn Thị Thanh Vân”. Trong tình huống này, nếu bà Vân - người có liên quan đến việc cho vay tiền lòng vòng này - nhiệt tình “tố cáo” thì còn dễ hiểu, nhưng giám đốc, phó giám đốc Trung tâm này cũng nhiệt tình đi tố cáo như vậy thì thật là bất thường?
...và cách làm việc tắc trách
Điều đáng chú ý, ngay từ khi khởi tố bị can và những ngày đầu trong quá trình điều tra, Dương đều phủ nhận tất cả những nội dung tố cáo. Chỉ đến khi điều tra viên thông báo, gia đình Dương đã nộp toàn bộ số tiền để khắc phục hậu quả, để được tại ngoại, Dương đành nhận bừa những việc mình không làm. Cụ thể, Dương nhận bừa là đã ký vào phiếu chi, bởi anh Hiền (chủ nợ của Dương) bảo nếu Dương ký sẽ chuyển dịch khoản nợ 50 triệu đồng của Dương sang; tương tự, Dương cũng nhận đã viết đơn xin làm CTV Trung tâm vì nghe chủ nợ nói có viết thì mới nhận được tiền. Tuy nhiên, những tình tiết này chưa được cơ quan điều tra làm rõ. Cơ quan điều tra không tiến hành đối chất Dương với các nhân chứng và những người có liên quan để chứng minh hành vi phạm tội của Dương.
Ngay sau khi có bản án phúc thẩm, anh Dương đã gửi đơn tố cáo đến Cơ quan điều tra VKSNDTC. Đơn tố cáo cho rằng: “Ông Đỗ Hữu Ngọc - điều tra viên công an huyện Đông Anh - đã ép Dương ký khống vào các biên bản hỏi cung và xây dựng hồ sơ không khách quan, sai sự thật để quy kết tội Dương”. Đây chỉ thuần túy là lời tố cáo, cơ quan chức năng sẽ làm rõ có hay không việc này.
Không chỉ vậy, hai phiếu chi tiền của 2 Cty (không liên quan gì đến nhau và ở hai tỉnh, thành phố khác nhau) ghi cho Trung tâm do hai người lập nhưng chữ viết lại hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn không tiến hành giám định chi tiết này và không xác định được ai đã lập 2 phiếu chi nêu trên. Đáng tiếc, dù tại tòa, bị cáo và luật sư đã nêu những điểm nghi vấn này nhưng một số vị tham gia tiến hành tố tụng vẫn không thấy được sự phi lý! Thậm chí, tại phiên tòa phúc thẩm, Hiền có nộp 1 quyển phiếu chi của Cty Đức Khuê, trong đó có 1 phiếu chi gốc thể hiện Cty này đã chi 50 triệu đồng và có chữ ký của Dương nhận tiền. Tuy nhiên, phiếu chi này lại không được giám định.
Nhưng, cũng cần nói rõ, những đánh giá sai lầm của các cơ quan tiến hành tố tụng, một phần do các cơ quan này dựa vào kết quả giám định. Cụ thể, khi giám định chữ viết, chữ ký của Dương trên đơn xin gia nhập Trung tâm dạy nghề và 2 phiếu chi, Phòng giám định kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội (PC54) đã không phát hiện ra sự giả mạo. Về nguyên nhân, ngày 24.10, PC 54 có công văn gửi cơ quan chức năng cho rằng, “tại thời điểm giám định, việc cung cấp thông tin về vụ việc cần giám định không đầy đủ, tài liệu giám định không hệ thống, phương thức thủ đoạn hoạt động của đối tượng rất mới, rất tinh vi dẫn đến việc nghiên cứu đánh giá tài liệu và ra kết luận của giám định viên chưa toàn diện, thiếu chính xác”.
Qua những tình tiết này cho thấy, chỉ cần các cơ quan tiến hành tố tụng cẩn trọng hơn với từng tình tiết của vụ án, cẩn thận đánh giá các chứng cứ, không đem liên 2 của hóa đơn (chữ qua giấy than) đi giám định... thì chắc không dẫn đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng ra phán quyết sai lầm như vụ án này.