Ngậm ma túy trong mồm, làm ám hiệu rồi nhả ra hoặc phun trực tiếp vào người mua, giấu heroin trong “chỗ kín”… là những tiểu xảo của các tay anh chị buôn bán ma túy. Để lật tẩy, phát hiện những tiểu xảo đó, các trinh sát ma túy phải âm thầm lăn lộn, dãi nắng dầm mưa nhiều tuần, nhiều tháng quanh các tụ điểm, thậm chí cùng ăn, cùng ở với dân “nghiện” để lên phương án triệt xóa.
Bắt giữ đối tượng và tang vật vụ án.
Tuyên chiến với ma túy
Tìm hiểu về câu chuyện gian nan vất vả của những chiến sĩ ngày đêm đấu tranh với “cái chết trắng”, thiếu tá Hoàng Trung Hưng (SN 1977) – Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế và ma túy - Công an huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), kể lại những câu chuyện “nếm mật nằm gai” phá chuyên án 714T – tụ điểm ma túy đã gây bao nhức nhối ở vùng đất “ma túy” nhất nhì vùng Nghĩa Hưng.
Theo đó, trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng từ nhiều năm về trước đã có hàng chục tụ điểm buôn bán ma túy lớn nhỏ, rải rác khắp huyện. Đây không những là nỗi ám ảnh của người dân địa phương mà còn trở thành một vấn nạn nhức nhối trong gần như tất cả các cuộc họp thường ngày của đội. Từ khi đội thành lập, nhận thức sự nguy hiểm của tội phạm ma túy, hậu quả nghiêm trọng của “hàng trắng” và nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của bản thân, các chiến sĩ công an trong đội đã không ngừng điều tra, lăn xả hết mình, bóc dỡ dần các tụ điểm ma túy trên địa bàn, từ nhỏ đến lớn.
Hóa trang thành “con nghiện”
Trong đó, chuyên án 714T kéo dài gần nửa năm, cũng là chuyên án bóc gỡ tụ điểm ma túy nhức nhối tại xã Nghĩa Thái, là trường hợp khó khăn nhất mà cả đội phòng chống ma túy đã trải qua. “Sau nhiều kỹ năng nghiệp vụ để xác định đối tượng và tụ điểm, chúng tôi bắt đầu triển khai chuyên án 714T vào đầu tháng 7.2014. Để tiếp cận tụ điểm, chúng tôi cần hóa trang thành rất nhiều nhân vật khác nhau”, trung tá Hoàng Trung Hưng kể lại. Sau cuộc họp thống nhất, đội quyết định cử trinh sát trung úy Đoàn Ngọc Thảo - một trong những trinh sát thông minh, khéo léo và nhất là có hình dáng bên ngoài giống “con nghiện” nhận nhiệm vụ cải trang thành con nghiện đi mua “hàng”.
Sau chuyên án, chính trung úy Đoàn Ngọc Thảo - người đã trực tiếp vào vai một con nghiện để tiếp cận khu vực, nắm phương thức hoạt động của các đại gia đình ma túy - đã chia sẻ: “Dẫu mỗi ngày có hàng chục đối tượng ra vào các tụ điểm này để mua bán hàng trắng nhưng người lạ rất khó để trà trộn, bởi hệ thống chân rết của chúng được bố trí ngay từ lối vào, chỉ cần thấy dấu hiệu khác lạ là chúng lập tức báo cho đồng bọn. Thế nên, chọn cách nào để tiếp cận cũng là vấn đề đòi hỏi các trinh sát phải cẩn trọng”.
Để tìm ra phương án triệt xóa, một tổ công tác được bố trí ăn, ngủ ngay tại khu vực này. Không kể thời gian sớm, tối, mưa, nắng, các anh đều có mặt tại vị trí được phân công. Sau một thời gian dài “nằm vùng”, từ những người lạ mặt lúc ban đầu, họ đã trở thành những người quen trong khu vực. Một danh sách các hộ gia đình buôn bán ma túy được lập ra. Bản danh sách này chi tiết tới mức nêu rõ từng thành viên trong gia đình, vai trò của họ trong việc buôn bán “cái chết trắng” cũng như bảng “thành tích” của đối tượng. Khi đã nắm vững quy luật đi lại, cách thức trao đổi mua bán hàng trắng, một kế hoạch phá án được vạch ra.
Đồng chí Thảo đã làm quen với một người chở xe ôm thông thạo địa hình, bởi đường đến với “tụ điểm trắng” tại xã Nghĩa Thái vốn ngoằn ngoèo, nhiều đường ngang ngõ tắt xen lẫn với nhà dân, nếu không thông thạo rất dễ bị đối tượng phát hiện. Tuy nhiên, nhìn hình dáng trinh sát Thảo gầy nhom, làn da ngăm đen và tóc cắt ngắn, vợ người lái xe ôm khăng khăng không cho chồng mình chở đi vì cho rằng đồng chí Thảo là … “thằng nghiện”, lo sợ chồng mình sẽ gặp hiểm nguy. Bất đắc dĩ, các trinh sát còn lại phải liên hệ trực tiếp với người xe ôm, để bày tỏ sự tình: “Chúng tôi là công an, không phải nghiện, để giữ bí mật nên không thể nói ra”. Kế hoạch cải trang làm người đi mua “hàng trắng” vì người phụ nữ đa nghi kia mà sau bao ngày bàn bạc có nguy cơ bị phá hỏng. May mắn là cặp vợ chồng lương thiện này đã giữ bí mật cho đến giờ phút cuối cùng và trinh sát Thảo cũng đã hoàn thành được nhiệm vụ trong lần đầu tiếp cận đối tượng.
Chỉ giả người mua hàng thôi không đủ thông tin và cơ sở để thành lập kế hoạch truy quét, đội trinh sát tiếp tục thực hiện phương án tiếp xúc đối tượng bằng hình thức cải trang. Từ người bán hàng rong, xe ôm, người qua đường hay thậm chí là người buôn đồng nát đi thu mua phế liệu, nhân vật nào cũng được các “diễn viên bất đắc dĩ của đội trinh sát “diễn” rất tròn vai. “Đặc điểm của chúng là ở trong phòng kín, do vậy những thứ chúng dùng gần như là đồ hộp đóng sẵn. Lợi dụng những lon nước ngọt, chai nhựa chất thành đống ở tụ điểm, trinh sát của chúng tôi hóa trang thành những người thu mua phế liệu để dễ dàng tiếp cận. Thú vị là ở chỗ, người dân xung quanh tưởng mình thu mua phế liệu thật nên gọi vào để bán phế liệu, chẳng mấy chốc mà việc “kinh doanh phế liệu” tay ngang của trinh sát đắt như tôm tươi.
Vì đối tượng rất cẩn trọng, chỉ bán hàng qua khe cửa nên lúc nào căn nhà nơi chúng làm tụ điểm cũng cửa đóng then cài, đã thế lại còn kín cổng, cao tường, không tài nào quan sát được. Từ lần tiếp cận mua đồng nát và lần trinh sát giả nghiện mua “hàng” trước đó, bằng những kỹ năng nghiệp vụ chuyên ngành, khó khăn lắm trinh sát mới xác định được số đối tượng ở bên trong. Anh Hưng kể lại: “Chúng tôi chỉ có thể tiếp cận được… bàn tay của đối tượng, số lần tiếp cận cũng phải hạn chế để không khiến chúng sinh nghi. Trinh sát phải thực sự cẩn trọng và quan sát kỹ để có thể phân biệt được bàn tay đưa hàng qua khe là bàn tay nào khác với bàn tay nào”.
Tại chuyên án 714T này, khó khăn nhất là nắm bắt được tình hình, diễn biến của đối tượng. Có khi nhiều ngày trinh sát phải lên nắm bắt địa bàn, điều tra từ người hàng xóm cạnh “tụ điểm trắng”, xem thói quen của đối tượng từ giờ thức dậy lúc nào, đi ăn sáng ở đâu, ra khỏi nhà khi nào, đi đến những đâu… Nhất cử nhất động của chúng phải thuộc nằm lòng còn hơn cả thời gian biểu hàng ngày của mình, có như vậy kế hoạch truy bắt mới nắm chắc thành công.