Nghe tòa tuyên mình vô tội, niềm hạnh phúc trong anh vỡ òa. Người đàn ông đó úp mặt vào đôi bàn tay, ngồi sụp xuống và nước mắt hạnh phúc tràn mi.
Vỡ òa niềm vui
Như VietNamNet đã đưa, ngày 22/4/2009, anh Trần Minh Anh (SN 1961, trú ở phường Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Trước đó, bà Bùi Thị Minh là mẹ vợ anh Minh Anh đã có đơn tố cáo con rể có hành vi lợi dụng sơ hở của một số cán bộ một Cty CP chứng khoán và sự thiếu hiểu biết, cũng như lòng tin của bà Minh để mở tài khoản mang tên bà Minh, sau đó tự rút số tiền của bà Minh gửi trong tài khoản này, chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng.
Anh Minh Anh (áo đỏ) và luật sư sau phiên tòa.
Sau 7 bản kết luận điều tra, 4 bản cáo trạng, 8 lần xét xử và trả hồ sơ, chiều 17/9, TAND TP Hà Nội tuyên bị cáo Trần Minh Anh (SN 1961, trú ở phường Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) không phạm tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như VKS đã truy tố'.
Anh Minh Anh kể lại: “Nghe tòa tuyên mình vô tội, tôi như vỡ òa hạnh phúc. Tôi đưa tay ôm mặt, ngồi sụp xuống, nước mắt tràn ra...”.
Để đến được với niềm vui ngày được tuyên vô tội, anh Minh Anh đã phải nếm trải 47 tháng tạm giam. Với anh, đó là những tháng ngày kinh khủng nhất trong cuộc đời mình.
Anh còn nhớ như in ngày anh bị cơ quan điều tra đọc lệnh bắt giam. Hôm đó, mẹ anh từ trong nhà bước ra nói: “Con tôi không có tội, đừng bắt nó. Nếu cần phải bắt ai thì hãy bắt tôi đây này”.
Nghe mẹ nói vậy, lòng anh như nghẹn đắng. Cha anh mất sớm vì bệnh tim, mẹ anh một mình nuôi 6 anh chị em ăn học. “Mẹ tôi luôn tin tôi vô tội”, lời anh Minh Anh.
4 năm bị tạm giam là chừng ấy thời gian anh Minh Anh phải sống trong tủi cực, uất hận và cảm giác chán nản, bất lực. Nhưng chưa một lần anh từ bỏ ý định kêu oan.
“Tôi vẫn nuôi hy vọng, dù hy vọng vô cùng mong manh rằng, trên đời này vẫn còn những người tốt, sẽ có người lắng nghe tâm nguyện của tôi”, anh Minh Anh chia sẻ.
Và vô vàn những lá đơn kêu oan đã được gửi đi từ trại tạm giam. Trong suốt những ngày bị tạm giam và cả những lần bị đưa ra xét xử, anh Minh Anh luôn khẳng định mình vô tội.
“Tôi đã từng nói với cán bộ điều tra, tôi không có tội thì có đến chết tôi cũng không chịu nhận tội. Đến chết tôi cũng phải làm đơn kêu oan”, lời anh Minh Anh.
Và cũng đã có những lúc, bám chặt song sắt trại giam, anh Minh Anh cay sống mũi nghĩ rằng: “Có lẽ mình sẽ chết mất mà không có ai minh oan được cho mình...”.
Ở nhà, mẹ già của anh cũng đã gửi đi không biết bao nhiêu lá đơn kêu oan cho con mình. Trong lá đơn kêu oan cho con trai, bà viết: “Vụ án mà con tôi bị khởi tố oan và truy tố oan, lẽ ra thuộc thẩm quyền của tòa dân sự giải quyết, bởi đây là tranh chấp tài sản giữa con trai tôi và mẹ vợ nó...”.
Nỗi đau
Đến ngày 18/3/2013, anh Minh Anh được TAND TP Hà Nội đưa ra Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam. Được tại ngoại, trên suốt quãng đường về nhà, anh Minh Anh vui mừng vô kể.
Niềm vui của anh Minh Anh sau ngày được tuyên vô tội.
Nhưng niềm vui được ùa về với mẹ của anh Minh Anh đã không thể thực hiện. Bước vào nhà, thấy rất đông người, anh Minh Anh đã linh cảm thấy điều chẳng lành.
Anh muốn hét lên đau đớn khi thấy mẹ đã lạnh ngắt trên chiếc giường cũ. Ngày anh Minh Anh được tại ngoại, cũng là ngày mẹ anh ra đi vĩnh viễn. Anh đã không thể ở bên mẹ lúc mẹ lâm chung.
Gạt sang một bên nỗi đau mất đi người thân, anh Minh Anh tiếp tục gửi đi những lá đơn kêu oan.
Trong đơn của mình anh viết: “Tôi được tại ngoại, nhưng danh dự của tôi vẫn chưa được trả lại. Trong mắt mọi người, tôi vẫn là một kẻ ở tù ra... Tôi không xin được bất cứ một việc làm nào để ổn định cuộc sống.
Anh em và bạn bè mỗi người giúp đỡ tôi một chút để ổn định cuộc sống. Tất cả các tài khoản chứng khoán của tôi đến giờ đã 5 năm vẫn bị phong tỏa. Cuộc đời tôi giờ đã mất hết vì bị rơi vào vòng lao lý oan uổng.
Tôi chỉ còn lại chút ít cổ phiếu nhưng vì tài khoản bị phong tỏa nên tài sản của tôi mà tôi vẫn không thể lấy ra được... Tôi vô cùng bức xúc và đau đớn ! Đau đớn hơn cả là danh sự của tôi mất và người mẹ thân yêu của tôi đã qua đời mà tôi không kịp nhìn mặt...”.
Anh Minh Anh cho hay, thời gian anh “gặp nạn”, gia đình và bạn bè đã phải đưa tay cứu giúp. Tài sản của anh cũng đã tiêu tán hết.
Từ một người không thiếu tiền, sau nhiều năm chịu oan, giờ anh thành kẻ tay trắng, với món nợ mà theo anh thì “khó mà trả được”.