Sài Gòn, những năm cuối thập niên 1960, đầu 1970. Lúc này, trong trại giam Chí Hoà nhốt một dọc những tay giang hồ nổi tiếng vào thời gian ấy.
Thời nhiễu nhương 'đại bàng' lập 'chợ' ma túy trong khám Chí Hòa
Có thể kể Cương Võ sĩ, Lâm Chín ngón, Tuấn đả, Y Cà-lết (do dáng đi hơi khập khiễng), Chương khùng, Viet Parker...
Muốn gì có nấy
Vào thời đó, bộ máy cảnh sát cũng như giám thị nhà tù của chế độ Sài Gòn gần như bó tay trước nạn lộng hành của đám lưu manh du đãng hung hãn, nhất là khi bọn chúng được ma túy hỗ trợ. Tuy bị giam tại Chí Hòa, giữa tòa nhà bát giác, nhưng cuộc sống của những tay giang hồ sừng sỏ nhất cũng chẳng mấy khác cuộc sống hồi còn ở ngoài đời, ngoài chuyện không thể muốn đi đâu tuỳ ý.
Muốn ăn ngon, chúng cứ việc xin phép giám thị (dễ ợt) đến căng-tin nằm ngay tại hồ nước, giữa sân Chí Hòa - miễn là có tiền. Không ít tên còn chơi ngông, đặt tiền trước cho nhà hàng: Bảo đảm qua hôm sau, nhà hàng mua sẵn mang vào phục vụ cho chúng đầy đủ “sơn hào hải vị” thức ăn ngon nhất, đặc sản của bất cứ nhà hàng, tiệm ăn nào nổi tiếng nhất Sài Gòn - Chợ Lớn, tất cả đều còn nóng hổi.
Ngay cả muốn ngủ với gái mãi dâm cũng không khó, có điều thường phải chờ đến tối thứ Bảy hoặc Chủ nhật... Trong sân trại giam Chí Hòa (phía trước), kề bên khu thăm nuôi, có một chiếc xe tải hư hỏng bỏ không. Đám tù hình sự che chắn lại, biến xe thành nơi “hành lạc” có đủ nệm, quạt máy... Chỉ việc dúi vào tay cai tù một xấp tiền kèm theo ám hiệu là bọn này liên hệ với các động mãi dâm quen thuộc. “Đến hẹn lại lên”, tối thứ Bảy, Chủ nhật gì đó, vài ba cô gái môi son má phấn sẽ được giám thị dắt vào, phục sẵn trong xe tải chờ tiếp các “đại ca”.
Những đại ca giang hồ nào không mang án quá nặng còn có thể “đi phép”, miễn là chung chi hơi nặng tay. Cái giá phải trả khi ấy cho giấy phép một ngày là 120 ngàn đồng, cả ngày lẫn đêm gấp đôi: 240 ngàn đồng (vàng vào thời gian ấy chỉ có giá khoảng 20 ngàn đồng/lượng, tức giấy phép giá từ 6-12 lượng vàng).
Có nhiều cách để số tù nhân này đi phép, mà thông thường nhất là chúng sẽ nhận được giấy mời ra tòa để bổ sung hồ sơ thẩm vấn hoặc làm nhân chứng chẳng hạn. Xe cai tù chở chúng ra khỏi nhà tù đàng hoàng, nhưng không chở đến tòa án (làm gì có chuyện tòa hỏi cung hay xử), mà dừng ở một điểm nào đó theo thỏa thuận, thả chúng xuống; để đến giờ hẹn sẽ lại rước, đưa trở lại về Chí Hòa. Cũng có thể đó là giấy tù nhân mang bệnh nặng, phải đưa ra bệnh viện ngoài Chí Hòa để khám; tất nhiên cũng do xe của nhà tù Chí Hòa đưa đi chở về...
Có tên còn liên lạc trước với bọn đàn em bên ngoài để bọn này chuẩn bị sẵn xe cộ, phương tiện, sau đó mới mua một giấy phép 12 tiếng. Lọt ra ngoài, chúng lập tức tiến hành một vụ ăn hàng trót lọt. Xong, lại vào tù nghỉ ngơi dưỡng sức, hưởng chiến lợi phẩm. Những vụ án này, bọn cảnh sát điều tra bên ngoài dù có tài thánh như Sherlock Holmes sống lại cũng không cách nào tìm ra thủ phạm - ai mà tưởng tượng ra nổi một tên tù đang bị nhốt trong tù lại có thể gây án bao giờ.
“Chiến tranh” ma túy trong khám Chí Hòa
Tuy nhiên, việc mua “giấy phép” để đi cướp chỉ là chuyện cho vui nhằm đỡ ngứa nghề, còn kỳ thực nguồn lợi chính của các “đại ca” trong khám Chí Hòa lúc ấy lại là buôn bán ma túy.
Vào lúc cao điểm, nhà giam Chí Hòa có khoảng 2.000 tù hình sự thì cũng gần như có chừng ấy con nghiện. Vì vậy, bán ma túy, thuốc phiện trong tù đem lại cho các “ông trùm” nguồn lợi cực lớn, có khi lên đến 400 - 500 ngàn đồng/ngày. Nguồn lợi quá khổng lồ khiến chúng không ngần ngại vây bè kết cánh để giữ độc quyền bán ma túy ở các buồng giam và tranh giành lãnh địa, hạ bệ nhau nhằm ngoi lên làm ông “trùm”, tha hồ thu lợi.
Cũng vì vậy, “chiến tranh” trong khám Chí Hòa vẫn nổ ra thường xuyên. Tuy hành lang các dãy buồng giam luôn mở ra trong giờ hành chính, nhưng những tên “âm binh mắt ma” (chỉ bọn giang hồ chưa có số má gì) ở khu AB có bao giờ dám xuống khu BC nằm ngay kề bên; bọn ở khu ED cũng đừng dại mò qua khu FG coi chừng mang hoạ.
Ngay cả những đàn anh hạng gộc như Cương Võ sĩ (ở khu ED) hay Lâm chín ngón (ở khu FG) có thể tha hồ đi lại bên trong trại giam hình bát giác này, ung dung tự tại trong khu do chúng cầm đầu; nhưng hễ ra khỏi khu của mình đều luôn phải có ít nhất vài ba đàn em thân tín đi cùng làm vệ sĩ. Nếu không, coi chừng ăn dao lúc nào không biết.
Mỗi khi lâm trận, những tên du đãng có số má này hầu hết đều hai tay nắm chắc 2 con dao. Thêm con dao thứ ba giắt ngang lưng, phòng khi con dao trên tay bị đối phương đoạt mất hoặc đánh rơi. Cũng vì vậy, hỗn danh thời “hai tay ba dao” bắt nguồn từ đó.
Thêm nữa, rất nhiều tay du đãng ở trong khám Chí Hòa hồi đầu những năm 1970 còn tự trang bị một thứ vũ khí khác: Quyển Kinh Thánh đạo Công giáo. Sách thánh dĩ nhiên không thể dùng để đâm chém, nhưng có thể dùng phòng thân - chẳng phải để cầu Chúa che chở bảo vệ (nếu quả có Chúa, chắc người cũng không dễ gì bảo vệ cho những đại ca xã hội đen), mà do cuốn Kinh Thánh có kích cỡ vừa vặn với túi áo trên, được linh mục ở tiểu giáo đường nằm trong khuôn viên khám Chí Hòa sẵn sàng phát không cho bất cứ ai muốn xin. Sách khá dầy, nhất là bìa sách cứng, có khả năng ngăn chặn mũi dao nhọn đâm ngay tim. Và, có lẽ linh mục không khỏi vui mừng vì có nhiều “con chiên” (nhiều kẻ chưa hề là tín đồ đạo Thiên chúa) nay tự nhiên muốn nghiên cứu sách Thánh.
Phân chia lãnh địa
Để tránh những xung đột không cần thiết, dần dần những đại ca trong khám cũng tự phân chia lãnh địa, “rừng nào cọp nấy”: Lâm chín ngón độc quyền bán thuốc phiện ở khu FG, Cương Võ sĩ khu BC, Việt Parker khu ED, Y Cà-lết khu AH, Chương khùng được một minh khai thác “hàng trắng” toàn khám...
Xin lướt qua những nhân vật chính liên quan bài viết này để bạn đọc biết tại sao bọn họ lại được “ăn trên ngồi trốc” như vậy.
Lâm chín ngón vốn là “sát thủ”, cánh tay phải của Đại Cathay từng ngồi trại Cửu Sừng ở tận Phú Quốc (thành tích không dễ mấy ai đạt); thời gian chuyển qua nhà lao Gia Định dám thay mặt giới giang hồ kẹp cổ, rút cây viết đang giắt trong túi áo “tướng cướp cô độc” Điền Khắc Kim đâm vào trán hắn, sau lại từng cầm đầu đám tù hình sự” vượt ngục (nhưng không thành). Nhờ vậy, không chỉ độc quyền bán thuốc phiện ở khu FG, Lâm còn kiêm độc quyền cung cấp “hàng đen” cho toàn trại giam Chí Hòa.
Chương khùng là tên giang hồ có số mã đã lâu, nhưng nổi tiếng nhất là khi cầm đầu hàng chục tên thuộc giới xã hội đen đang bị giam trong Chí Hòa xông vào cướp thùng đựng tiền của đám tù nhân gốc người Hoa đang bị giam trong khu AB. Thùng tiền được 4 võ sĩ cao thủ cũng người Hoa, nghe đâu thuê từ tận Hồng Kông qua chia nhau đứng ở 4 góc thùng để bảo vệ. Trong cuộc hỗn chiến này, Chương khùng bị chém trọng thương, tuy vụ cướp không thành những cũng đủ giúp hắn thành danh.
Cương võ sĩ tên thật Vũ Đình Cương, vốn là một võ sĩ quyền Anh có đẳng cấp, từng nhiều lần thượng đài khắp miền Trung, miền Nam và cả Campuchia. Hơn nữa, Cương lại là em ruột Sơn Đảo, một trong những trùm ma túy của miền Nam lúc ấy. Anh em Sơn, Cương vốn là dân gốc Bắc di cư, nhà ở khu Ngã ba Ông Tạ, chuyên làm giò chả. Cả hai anh em từ hồi nhỏ lúc nào cũng hai tay hai chày giã giò nên cơ bắp săn chắc, cứng rắn như cua gạch.
Năm 1970, Cương bị bắt vì tội danh buôn bán ma túy. Xộ khám Chí Hòa, nhờ danh tiếng cá nhân và nhất là danh tiếng từ anh ruột, Cương được đám giang hồ tại đây phong làm “đại ca của các đại ca” toàn quyền cắt đất, sai phái lâu la dưới trướng. Khi các băng nhóm trong trại bất hoà, xích mích, chi cần Cương đứng ra dàn xếp, nói vài câu là tất cả đều răm rắp tuân phúc, đố ai dám cãi.
Thanh toán giang hồ
Khoảng giữa năm 1972, không hiểu sao đám con nghiện ở trong khám Chí Hòa bỗng đâm ra khoái thuốc phiện hơn thích ma túy.
Nhờ vậy Lâm chín ngón ngày càng ăn nên làm ra. Cứ “đến hẹn lại lên”, thuốc phiện từ bên ngoài được đàn em đóng thành từng bánh dẹt lớn, nhét vào thùng gỗ hai đáy chứa đồ thăm nuôi, gửi vào cho Lâm. Cai tù thừa biết nhưng làm ngơ để được chia phần (tỉ lệ 30% lợi nhuận). Với tù nhân khác, đồ thăm nuôi gửi vào hộp kem đánh răng cũng phải xé đôi, kẹo bóc từng viên; bánh tét phải cắt làm tư... Riêng với nghi can nghiện ma túy thậm chí phải lột hết quần áo, chổng mông để khám xem có nhét thuốc giấu trong hậu môn hay không.
Mang thùng đồ thăm nuôi vào, Lâm bửa ngăn đáy lấy thuốc phiện ra, cắt thành miếng nhỏ phân phối cho các buồng giam thu lời. Theo lời Lâm chín ngón kể, vào thời kỳ “hoàng kim”, mỗi tuần riêng cá nhân mình có thể lãi cỡ 25 - 30 lượng vàng như không. Vậy là bỗng dưng hàng trắng “ế độ”. Thu nhập của Chương khùng rớt thảm hại.
Giờ đây không tiền tự nhiên quân binh rơi rụng dần, đàn em cũng chẳng mấy đứa ngó ngàng tới. Chương khùng tức tối lớn tiếng chửi bới om sòm, doạ “cho biết tay” những đứa nào dám bỏ hắn qua phò Lâm chín ngón.
Nghe Chương khùng chửi bới, một tay ngang cơ khác là Năm Lượng (trước thuộc đảng cướp “Con Cua Vàng” khét tiếng miền Tây Nam Bộ, sau về làm quân sư cho Đại Cathay) ngứa lỗ tai, đổ thêm dầu vào lửa, thách: “Mày chỉ được cái đánh võ mồm”. Bị khích tướng, Chương khùng nổi cơn... khùng, lấy bộ đồ võ màu đen mặc vô cho oai, uống một hồi 3 viên Renoval để thêm “khí thế”, hầm hầm tuyên bố “Tao đi tìm thằng Lâm nói chuyện phải quấy”, te te qua khu FG...
Đang đánh bóng chuyền ở sân khu FG, nghe đàn em cấp báo, Lâm chín ngón ngưng ngay ván đang đấu dở, đợi sẵn đối thủ. Vừa thấy mặt Chương khùng, Lâm chặn đầu hỏi trước: “Chương! Nghe nói mày đòi dẹp không cho tao bán thuốc trong khu FG nữa, có đúng vậy không?”. Đang hăng máu, vả lại trưóc mắt nhiều đàn em, Chương khùng ưỡn ngực: “Đúng! Tao bảo dẹp! Mày bảnh thì chơi lại tao coi!”.
Đang sẵn ly nước cầm trong tay uống mới được phân nửa, Lâm chín ngón không thèm lên tiếng đáp trả mà quăng luôn cả ly lẫn nước vào mặt Chương khùng, đồng thời vung tay nhào tới. Quá bất ngờ trước phản ứng mạnh của Lâm chín ngón, nhưng Chương khùng cũng kịp nghiêng đầu né ly nước. Chiếc ly thuỷ tinh đập vô tường mé sau đánh “chát”, miểng văng tung tóe. Nói ngay tình, nếu đấu tay đôi có lẽ Chương khùng khó đánh lại Lâm chín ngón. Tuy chiều cao tương đương (đều cùng khoảng 1,70m), nhưng Lâm chín ngón nặng cân hơn, thân hình chắc nịch; thêm đàn em Lâm Chín ngón kéo tới khá đông (khu FG là “địa bàn” của Lâm) nên Chương khùng tỉnh người hẳn, nghĩ đến... “tam thập lục vi kế tẩu nhi thượng sách” (36 kế, chạy là tốt nhất).
Vậy là khí thế tự nhiên biến đâu mất sạch, cả 3 viên Renoval cũng không thấy ép phê, Chương khùng vội vàng bỏ chạy. Tuy nhiên cơn giận vẫn chưa nguôi, hắn tức đến chảy nước mắt. Thoát ra khỏi khu FG, Chương khùng tìm đến đàn anh cầu cứu.
Lúc này một số đàn anh đang tụ tập trong khu BC tán dóc. Thấy Chương khùng vừa chạy qua vừa khóc, Cương ngăn lại hỏi chuyện. Không lẽ thú thật mình không dám chơi tay đôi với Lâm chín ngón, cũng không dám nói mọi chuyện do mình gây sự trước, Chương khùng miệng mếu máo bịa chuyện: “Thằng Lâm ỷ đông kéo đàn em đòi xử tôi, cấm không cho tôi bán ma túy nữa!”.
Lâu nay ranh giới đã chia, địa bàn đã rõ, rừng nào cọp nấy mà nay Lâm chín ngón toan “phá lệ” qua mặt mình, Cương nổi máu yêng hùng, không hỏi thêm, dẫn một tốp có đến nửa tá đàn anh chị kéo sang khu FG để “hỏi tội thằng Lâm”. Chương khùng cũng tháp tùng...
Phần Lâm chín ngón, dù đã đuổi được Chương khùng nhưng cơn giận bừng bừng vẫn chưa nguôi. Không đâm được đối thủ, hắn đang nện nắm đấm thình thình vô tường buồng giam 3 F4, dọa “luộc thằng Chương” thì một tên đàn em chạy vào thở hổn hển, cấp báo: “Anh Lâm coi chừng! Anh Cương đang dẫn một toán người qua tìm anh đó. Có cả Chương khùng trong nhóm”.
Hai ba tên rút dao lá lúa (trong khám Chí Hòa tuyệt đối cấm mang dao vào, nên “dao” thường là mảnh tôn hay thép thùng phuy mài bén ngọt, đầu sắc nhọn) dúi vào tay Lâm: “Anh cầm theo phòng thân!”. Lâm đón lưỡi dao gần nhất của một đàn em là Hùng Be, giắt vào lưng quần, bảo “Một dao đủ rồi” và lập tức chạy ra ngoài phòng nghênh tiếp.
Khi hai bên đã đứng đối diện, Cương đứng lại, không thèm hỏi đầu đuôi câu chuyện mà lên giọng đại ca, lớn tiếng hạch hỏi: “Lâm, ở đây mày với tao ai là đàn anh?”. Rồi, không kịp chờ Lâm trả lời, Cương đã tung ngay một cú đấm thôi sơn vào mặt đối thủ.
Nhờ cảnh giác đề phòng trước, Lâm nghiêng đầu kịp né tránh cú đấm thẳng của tay võ sĩ quyền Anh nhà nghề, tuy nhiên nắm tay của Cương phớt qua tóc Lâm chỉ trong đường tơ kẽ tóc. Đòn ra quá mạnh nhưng không trúng đích khiến Cương mất đà, thân hình nhào về phía trước, đầu hơi chúi xuống.
Trong giới giang hồ hồi ấy có câu “bị một cái tát, coi như không ngoi đầu lên nổi” huống hồ ăn nguyên cú đấm. Máu nóng bốc lên, lại giận Cương không thèm hỏi chuyện mình mà vội hạch sách lên giọng, nhân lúc Cương đang mất đà, Lâm tay trái nắm cổ áo địch thủ nhấc lên, cùng lúc tay phải quay lại rút dao sau lưng, nhằm ngay ngực đối thủ đâm mạnh...
Tất cả mọi việc diễn biến chỉ trong chớp mắt, không ai kịp can ngăn, cũng không ai kịp nhận ra sự việc. Chỉ nghe Cương “hự” lên một tiếng rồi ôm ngực nằm vật ra sân khi Lâm vừa buông tay trái, trong lúc Lâm vẫn vung cánh tay phải định đâm tiếp.
Có tiếng ai đó kêu lên: “Anh Lâm đừng đâm nữa!” Lâm chín ngón mới như sực tỉnh, vội buông dao rớt đánh “cạch” xuống nền xi măng. Nhát dao duy nhất đã đâm trúng ngay tim Cương, khiến tay võ sĩ quyền Anh tắt thở tại chỗ.
Mặt tái mét, Lâm chín ngón cũng bất ngờ trước sự việc xảy ra, nhắn lại cả bọn đàn em đừng ngơ ngác trước khi bị dẫn xuống khu biệt giam Điện Ảnh trong khám Chí Hòa - tên gọi chính thức là khu ĐA (chuyên giam giữ tù nhân trong khám vi phạm kỷ luật, hoặc mới từ các trại giam khác chuyển qua, để dằn mặt và hành hạ, từ chữ ĐA, phạm nhân “chế” thành Điện Ảnh) coi như vừa thanh minh, vừa xin lỗi kẻ quá cố: “Tôi không cố ý, tại anh Cương... Thôi, anh em thắp cho anh mấy nén nhang giúp tôi...”.
Sơn Đảo báo thù
Giống em ruột, Vũ Đình Sơn tức Sơn Đảo cũng xuất thân từ một võ sĩ có hạng thuộc võ đường Hổ Bạch An, Tân Bình.
Lớn lên, Sơn rủ rê mấy đứa em ruột là Cương, Hoàng Bệu, Tiềm… lao vào con đường buôn bán ma túy; nhờ vậy anh em nhà Sơn Đảo đều giàu lên khá nhanh. Có tiền, Sơn bỏ ra bảo trợ cho lò võ mà mình đã theo học, xây dựng nguyên một phòng tập cho đám chiến hữu ngay trong trại lính dù Hoàng Hoa Thám cũng không mấy xa Ngã ba Ông Tạ, địa bàn hoạt động chính của y.
Cử chỉ hào phóng này đã được đám sĩ quan, binh lính thuộc binh chủng nhảy dù, một trong những lực lượng con cưng của chế độ Sài Gòn đáp lại bằng cách sẵn sàng đỡ lưng cho Vũ Đình Sơn trong các vụ làm ăn trong bóng tối. Trong số những kẻ “đỡ lưng” cho Sơn có thể kể đôi tên có máu mặt: Trung tá Lê Quang Lương, Trung tá Be (Ban 2 Dù), Thiếu tá Dương (Lữ đoàn 3 Dù), Trung uý Nguyên (tuy cấp hàm nhỏ nhưng là con đỡ đầu của Tướng Cao Văn Viên)...
Được hậu thuẫn mạnh, chẳng bao lâu Sơn đã trở thành kẻ cung cấp ma túy cho cả một khu vực rộng lớn dọc hai trục đường chính là Trương Minh Ký, Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sĩ dọc xuống Trần Quốc Thảo) và Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng Tháng 8). Ngoài ra, trên hai trục đường này còn có hàng chục tiệm hút, sòng bài thuộc quyền quản lý của gia đình Sơn.
Năm 1965, Sơn bị bắt, lãnh án 5 năm tù, bị đầy ra Côn Đảo. Cũng có một số tù nhân hình sự khác bị đầy ra Côn Đảo, nhưng riêng Sơn có biệt danh Sơn Đảo, có lẽ nhờ nguyên bộ tạ hắn mang từ Côn Đảo về, tặng lại cho khám Chí Hòa để bất cứ tù nhân nào muốn tập thể lực tùy nghi sử dụng. Và cũng nhờ vậy, uy tín và thế lực của Sơn Đảo ngày càng mạnh lên trong giới giang hồ Sài Gòn.
Nghe tin em ruột bị Lâm chín ngón đâm chết trong khám Chí Hòa, Sơn Đảo lồng lộn tuyên bố: “Sẽ lấy mạng thằng Lâm bằng bất cứ giá nào!”. Đối tượng đầu tiên được Sơn Đảo nhắm đến nhờ “báo thù” là Tuấn Đả, quê xã Hồ Hải, quận Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Nổi tiếng trong giới giang hồ Nam Trung phần, khi bị bắt giam tại quân lao Nha Trang, Tuấn Đả từng đâm lòi ruột Sơn trắng, “sếp sòng” quân lao này để tiếm quyền. Thời gian này có thuận lợi là Tuấn Đả còn bị nhốt ở khu Điện Ảnh cũng với Lâm.
Máu liều Tuấn Đả có thừa, nhưng chơi tay đôi khó nắm phần thắng Lâm chín ngón. Sơn Đảo nghĩ cách tuồn “chó lửa” (súng) từ bên ngoài vào cho Tuấn Đả. Nhưng hai lần súng đã được nguỵ trang rất tinh vi (và cả mua chuộc đám giám thị trại giam) để gửi vào, cả hai lần Tuấn Đả đều trả lại không nhận.
Lý do, khi từ quân lao Nha Trang chuyển vào Chí Hòa, Tuấn Đả bị đám đàn anh tại đây cô lập, suýt đánh hội đồng bởi e ngại “truyền thống” lật đổ của hắn. Khi đó Lâm chín ngón đã chủ động đứng ra bảo lãnh khiến Tuấn Đả cảm kích (về sau, đến năm 1974 Tuấn Đả cũng bị đưa ra Côn Đảo, biệt giam trong chuồng Cọp 7, khu C, mãi đến sau ngày giải phóng).