Nội Bài và Tân Sơn Nhất lọt vào bảng “phong thần” 10 sân bay tệ nhất châu Á, theo trang The Guide to Sleeping in Airports.
Mới đây, trang web chuyên xếp hạng các sân bay trên thế giới The Guide to Sleeping in Airports đã đưa ra bảng “phong thần” các sân bay tệ nhất châu Á. Việt Nam có đến 2 sân bay lớn nhất xuất hiện trong top 10: Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Những vấn đề khiến du khách phàn nàn nhiều nhất ở các sân bay trong top 10 bao gồm sự bẩn thỉu; bài trí thiếu khoa học và thiếu thốn tiện nghi. Việc hành khách phải xếp hàng quá lâu, nạn nhũng nhiễu, không có wifi và thiếu điều hòa không khí ở vùng khí hậu nhiệt đới khiến du khách có một trải nghiệm nhớ đời.
Khách chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: C.T.V
Các du khách cảnh báo nếu bạn phải kẹt tại những sân bay này, hãy chắc chắn trong hành lý xách tay đã chuẩn bị sẵn xà phòng, thảm ngủ, nút tai và đồ ăn nhẹ. Ít ra, điều này góp phần giảm bớt sự bực dọc của chuyến vạ vật khó quên.
Sau đây là top 10 sân bay tệ nhất châu Á dựa trên bình chọn và phản hồi của du khách từ tháng 9.2013 – 8.2014 trên trang The Guide to Sleeping in Airports:
1. Sân bay quốc tế Islamabad Benazir Bhutto, Pakistan (ISB)
Sân bay quốc tế tại thủ đô Islamabad thuộc Pakistan đã tăng hạng một cách ngoạn mục để đoạt giải sân bay tệ nhất châu Á năm nay. Được mô tả trông giống… nhà tù hơn một sân bay quốc tế, ISB bị chỉ trích quá ồn ào và xô bồ, nạn nhũng nhiễu vòi tiền tràn lan, nhân viên an ninh hung hăng một cách thái quá.
Sân bay quốc tế Islamabad Benazir Bhutto - Ảnh: AFP
May thay, những ngày cuối cùng của ISB có lẽ đã cận kề khi một sân bay mới thay thế cho ISB dự kiến sẽ được hoàn thành vào giữa năm 2016.
2. Sân bay quốc tế Kathmandu Tribhuvan, Nepal (KTM)
Sân bay duy nhất của Nepal được miêu tả giống một trạm xe buýt tồi tàn ở một quốc gia đang phát triển. Nhà vệ sinh đã thiếu nay lại xuống cấp trầm trọng và không có xà phòng rửa tay. Hệ thống điều hòa không đủ đáp ứng và phòng hút thuốc quá bẩn thỉu.
Sân bay quốc tế Kathmandu, Nepal - Ảnh: Reuters
Việc ngủ tại sân bay khi nối chuyến hoặc lỡ chuyến không được khuyến khích vì thực trạng an ninh quá tệ. Mặt khác, người địa phương cho rằng du khách ngủ la liệt tại sân bay là điều không chấp nhận được.
3. Sân bay quốc tế Manila Ninoy Aquino, Philippines (MNL)
Sau 3 năm liên tiếp nằm top, sân bay Manila được cải thiện chút ít về thứ hạng, chủ yếu nhờ sự giảm tải của Terminal 3 cho Terminal 1. Tuy nhiên, du khách vẫn liên tục than phiền việc Terminal 1 vẫn quá đông đúc, nhà vê sinh bốc mùi và hải quan khó chịu.
Sân bay quốc tế Manila Ninoy Aquino, Philippines - Ảnh: AFP
Sân bay Manila còn nhận danh hiệu “phòng xông hơi lớn nhất châu Á” vào tháng 4.2014 vì hệ thống điều hòa gặp trục trặc và phải mất hơn 1 tháng mới được khắc phục. Kế hoạch nâng cấp Terminal 1 đến hết năm 2015 mới hoàn thành. Để không chịu đựng những phiền toái vừa nêu, du khách được khuyến khích chọn đi những hãng hàng không nào đóng tại…. Terminal 3.
4. Sân bay quốc tế Tashkent, Uzbekistan (TAS)
Sân bay quốc tế của Uzbekistan được trông đợi trở thành sân bay chính phục vụ khu vực Trung Á sau một vài lần nâng cấp.
Sân bay quốc tế Tashkent, Uzbekistan - Ảnh: centralasiaonline
Tuy nhiên, sân bay này vẫn rất lộn xộn và những người ở đây không hề có ý thức xếp hàng, bất kể khi nào lơ là cảnh giác, bạn đều có thể bị người khác chen mất chỗ. Hải quan cũng bị đánh giá thấp vì hay nhận hối lộ.
5.Sân bay Nội Bài, Việt Nam (HAN)
Sân bay ngay tại thủ đô Hà Nội bị du khách than phiền quá hỗn loạn và bẩn thỉu. Hệ thống điều hòa cũng là một vấn đề đáng lo ngại, khi khí hậu vốn đã nóng cộng thêm đám đông ồn ào khiến nơi đây càng thêm nóng bức.
Nhà chờ trong sân bay Nội Bài - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Hệ thống thông tin chuyến bay và biển báo hiệu quá nghèo nàn. Sân bay bị nhận xét thiếu quầy đổi ngoại tệ và ghế ngồi quá ít. Du khách phát hiện muốn có wifi phải đi bộ lên khu nhà hàng ở tầng 3, dù không có nhu cầu ăn uống.
Mới đây, sân bay Nội Bài đã cho lắp đặt 14 buồng ngủ có tính phí; tuy nhiên, phải đóng cửa ngay sau đó do dư luận cho rằng sân bay cố tình moi tiền những hành khách bị hoãn hoặc hủy chuyến.
6. Sân bay quốc tế Guangzhou Baiyun, China (CAN)
Sân bay quốc tế Quảng Châu, Trung Quốc - Ảnh: Wikipedia
Quảng Châu là sân bay bận rộn thứ 2 ở Trung Quốc và thứ 16 trên thế giới; tuy nhiên, liên tục bị than phiền vị thiếu tiện nghi, bố trí sân bay thiếu khoa học và bẩn thỉu. Du khách đặt vấn đề: “Tại sao sự bố trí lại ngu ngốc đến thế”.
7. Sân bay quốc tế Phnom Penh, Cambodia (PNH)
Sân bay bé nhỏ của Campuchia mất điểm với du khách vì lắp đặt ghế ngồi bằng kim loại và có tay vịn khiến cho việc ngủ tại sân bay trở thành một trải nghiệm kinh hoàng đáng quên.
Sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia - Ảnh: Wikipedia
Tuy nhiên, gỡ gạc lại cho sân bay này khi du khách cho rằng không khí sân bay khá dễ chịu, không xô bồ, nhộn nhạo vì chỉ những ai có vé mới được vào.
8.Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN)
Sân bay chính tại TP.HCM chỉ được xếp vào hạng trung bình khá với mức độ tiện nghi tạm chấp nhận được; tuy nhiên, mức độ sạch sẽ vẫn còn chưa ổn định.
Cụm cảng hàng không Tân Sơn Nhất - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
9. Sân bay quốc tế Dhaka Shahjalal, Bangladesh (DAC)
Đám đông ồn ào, tiện nghi kém và côn trùng quá nhiều tại sân bay Shahjlal đã khiến hành khách than phiền.
Sân bay quốc tế Dhaka Shahjalal, Bangladesh - Ảnh: Wikipedia
10. Sân bay quốc tế Chennai, India (MAA)
Sân bay của Ấn Độ đã có những nâng cấp đáng kể để từ bỏ hạng 4 vào năm ngoái. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh, xếp hàng và ghế ngồi vẫn còn rất kém, trần nhà tại một số nơi ở ga nội địa bị sập.
Sân bay quốc tế Chennai, Ấn Độ - Ảnh: Wikipedia
4C cho một sân bay tốt
Khi bỏ phiếu đánh giá cho sân bay "tồi tệ nhất" hoặc “tốt nhất”, du khách cho rằng phải đáp ứng 4 C (thoải mái – comfort, tiện nghi - conveniences , sạch sẽ - Cleanliness và dịch vụ khách hàng – Customer Service).
Trang The Guide to Sleeping in Airports do cô Donna McSherry thành thập vào năm 1996. McSherry từng là cố vấn du lịch chuyên về Nam Mỹ. McSherry vốn là người thích đi du lịch và đang sống ở Canada.
Website này từng được đề cập trong các bài viết của những tờ báo, hãng tin danh tiếng, như tạp chí Time (Mỹ), tờ USA Today (Mỹ), đài CNN (Mỹ), đài CNBC (Mỹ), tờ The New York Times (Mỹ) và hãng tin Reuters.