Hỏi: Tôi là một giáo viên tiểu học, bằng tốt nghiệp cao đẳng tiểu học, hiện có 31 năm dạy học và tham gia BHXH đến tháng 9 năm 2016. Tôi đạt hết bậc lương (4,89) và đến tháng 6 năm 2018 là đủ tuổi nghỉ hưu. Chế độ hưu trí của tôi sẽ được hưởng như thế nào? nguyen…………66@gmail.com
Ảnh minh họa.
Trả lời:
Thứ nhất, về điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo Luật BHXH 2006
Luật BHXH 2006 tại Điều 50 về điều kiện hưởng lương hưu quy định:
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều 2 của Luật này có đủ hai mươi năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi;
b) Nam từ đủ năm mươi lăm tuổi đến đủ sáu mươi tuổi, nữ từ đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi và có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Tuổi đời được hưởng lương hưu trong một số trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.
2. NLĐ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 của Luật này có đủ hai mươi năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ năm mươi lăm tuổi, nữ đủ năm mươi tuổi, trừ trường hợp Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam hoặc Luật Công an nhân dân có quy định khác;
b) Nam từ đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi, nữ từ đủ bốn mươi lăm tuổi đến đủ năm mươi tuổi và có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
Điều 51. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động
NLĐ quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 2 của Luật này đã đóng BHXH đủ hai mươi năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 50 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Nam đủ năm mươi tuổi, nữ đủ bốn mươi lăm tuổi trở lên;
2. Có đủ mười lăm năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế ban hành.
Như vậy, đối với trường hợp bình thường, tuổi nghỉ hưu được xác định là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Trong trường hợp suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên hoặc có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì tuổi nghỉ hưu được xác định là: Nam từ đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi, nữ từ đủ bốn mươi lăm tuổi đến đủ năm mươi tuổi.
Thứ hai, về chế độ hưu trí được hưởng theo Luật BHXH 2006
Khoản 1, 3 Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy định:
“1. Mức lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện quy định tại Điều 50 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH quy định tại Điều 58, Điều 59 hoặc Điều 60 của Luật này tương ứng với mười lăm năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
(Xem tiếp trang 9)
3. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung.”
Ngoài ra, Điều 54 Luật BHXH 2006 cũng quy định:
“1. NLĐ đã đóng BHXH trên ba mươi năm đối với nam, trên hai mươi lăm năm đối với nữ, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
2. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH kể từ năm thứ ba mươi mốt trở đi đối với nam và năm thứ hai mươi sáu trở đi đối với nữ. Cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH.”
Do bạn có trên 30 năm tham gia BHXH nên ngoài khoản lương hưu hàng tháng, bạn đọc còn được trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu như quy định trên.
Thứ 3, quy định về lương hưu theo Luật BHXH 2014
Theo thông tin bạn đọc thì đến tháng 7 năm 2018 bạn đọc mới nghỉ hưu thì ngoài các quy định hướng dẫn hiện tại bạn có thể đọc các thông tin Luật BHXH 2014 có hiệu lực từ ngày 1.1.2016 tại Điều 73. Điều kiện hưởng lương hưu.
1. NLĐ hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
b) Đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.
2. NLĐ đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Điều 74. Mức lương hưu hằng tháng
1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 1.1.2018 mức lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện quy định tại Điều 73 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH quy định tại Điều 79 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng BHXH; sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
2. Từ ngày 1.1.2018, mức lương hưu hằng tháng của NLĐ đủ điều kiện quy định tại Điều 73 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH quy định tại Điều 79 của Luật này và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, NLĐ quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
3. Việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điều 57 của Luật này.
Điều 75. Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu
1. NLĐ có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
2. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
(Công ty Luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN)