Hành trình xe đủ tải biến thành quá tải đã "gay cấn", phức tạp, hành trình bắt và xử lý xe quá tải còn rắc rối hơn: Bắt được xe quá tải rồi nhưng cơ quan chức năng không dám xử lý vì “sợ” cái kẹp chì.
"Nín thở" tiếp cận bãi sang tải
Lộ trình bí mật xe đủ tải biến thành xe quá tải đã được PV Dân trí mật phục theo dõi một thời gian dài, cho thấy hành vi sang tải đã “vô hiệu hóa” tác dụng của việc cân tải trọng tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Cứ tưởng tải trọng xe được thắt chặt ngay tại cổng cảng đã là giải pháp tối ưu. Nhưng hành vi sang tải đã biến việc làm tiên phong này của cảng Cái Lân thành “con số không”. Cách cổng cảng Cái Lân 1km, nằm sâu trong khu công nghiệp, một bãi đất trống sát núi đã trở thành vị trí sang tải lý tưởng cho hàng trăm xe “đủ tải” vừa rời cảng.
Để xâm nhập được sát vị trí “nhạy cảm” này, PV đã phải thực hiện một hành trình mật phục, theo dõi kiên trì và liều lĩnh. Con đường bê tông dẫn thẳng đến vị trí sang tải dài chừng 600 mét nhưng cứ cách khoảng 100 mét PV lại vấp phải sự canh gác rất nghiêm ngặt một điểm chốt chặn. Lực lượng canh gác cho xe quá tải là những thanh niên to khỏe ngồi trên những chiếc xe máy, dừng ngay hai bề lề đường. Các lái xe của các phương tiện đang chờ đến lượt vào bãi sang tải cũng xuống đường tham gia quá trình "cảnh giới" nếu có người lạ xâm nhập vào.
Đường vào bãi sang tải bí mật
Trao đổi với PV Dân trí, một tài xế taxi hoạt động chở khách trong khu vực khu công nghiệp Cái Lân cho biết, hoạt động sang tải diễn ra khá lâu rồi và khá công nhiên. Lực lượng “bảo kê” cho quá trình này phải là các tay “anh chị “ có máu mặt trên địa bàn. Một nguồn tin khác còn cho biết, không phải đơn vị doanh nghiệp vận tải hay chủ hàng nào muốn vào đây sang tải cũng được mà phải “có luật riêng”.
Nhiều hôm hàng về nhiều, hoạt động sang tải diễn ra vào cả ban ngày. Sau khi sang tải xong, xe quá tải về vị trí chờ kẹp chì. Hành trình "đi kẹp chì" cũng có ít nhất 2 đến 3 người đi xe máy bám theo “hộ tống”, cho đến khi xe lăn bánh qua đường đôi để ra khỏi khu công nghiệp.
Điểm kẹp chì sau khi sang tải
Trên đường đi, các phương tiện quá tải đi thành tốp từ 3 đến 4 xe nhưng liên tục đổi vị trí trước sau, tỏ ra canh chừng khá cẩn trọng. Tuy nhiên nói là canh chừng nhưng đi qua trạm cân hay chốt CSGT, các phương tiện quá tải lại khá bình thản, ung dung “vượt khó”.
Xe qua các trạm cân ở Quảng Ninh nhưng không bị xử lý
Gian nan bắt xe quá tải
Từ cảng Cái Lân theo quốc lộ 18 đến hết địa phận Quảng Ninh, suốt 70 km hành trình, PV Dân trí đã kiên trì bám đuổi phương tiện vi phạm với một hi vọng các xe tải cồng kềnh đó sẽ được một đơn vị có chức năng nào đấy phát hiện, bóc trần thủ đoạn vi phạm và xử lý. Tuy nhiên chờ mãi, bám theo mãi mà phương tiện quá tải cứ lần lượt ung dung qua trạm, ở cả hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương.
Với dự đoán của chúng tôi, xe quá tải sẽ buộc phải qua trạm cân Ba Hàng, tỉnh Hải Dương vì đó là con đường ngắn nhất, tốn ít nhiên liệu nhất để về nhà máy trả hàng (khu công nghiệp Đồng Văn). Nhưng đoàn xe quá tải lại vượt qua nhiều cửa chặn, đến ngã ba Cầu Đá Vách, thuộc thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh thì bất ngờ rẽ Phả Lại đi vào địa phận Bắc Ninh, đi lên cầu Phù Đổng để vào địa phận Hưng Yên.
Từ đây, khi chỉ còn hơn 10 km đường bộ nữa, đoàn xe này sẽ rẽ sang một lộ trình mới, PV đã liên hệ với Đại tá Bùi Ngọc Phi - Giám đốc CA tỉnh Hải Dương và ông Nguyễn Tá Duân - Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Hải Dương đề nghị phối hợp bắt xe quá tải. Nhận được thông tin từ PV Dân trí, Đại tá Phi đã kiên quyết chỉ đạo Đội 1, Phòng CSGT (CA tỉnh Hải Dương) tiến hành bắt xe quá tải bằng mọi biện pháp. Tổ thanh tra giao thông tỉnh Hải Dương cũng lập tức thành lập một đoàn công tác tới phối hợp với lực lượng công an.
Tuy nhiên đến 18h ngày 22/7, lực lượng liên ngành này chỉ kịp bắt 1 phương tiện quá tải có BKS 34C-00256. Các phương tiện vi phạm khác đều đã "thoát nạn".
Phóng viên Dân trí tiếp tục quyết định gọi điện thoại báo cho ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - thông báo về lộ trình 2 chiếc xe BKS 34C-01879 và 34C-02923 chở quá tải. Qua điện thoại, ông Huyện cho biết sẽ lập tức chỉ đạo một tổ công tác “đón lõng” đoàn xe quá tải trên.
Theo chỉ đạo của ông Huyện, Cục Quản lý đường bộ 1 (Tổng cục Đường bộ VN) lập một tổ công tác tiến hành lập trạm cân di động tại Quốc lộ 1A tại địa chỉ km 216 + 650 thuộc địa phận gần trạm thu phí Phù Đổng, Hà Nội. Tới 22h ngày 22/7, cả 2 chiếc xe quá tải qua mặt các trạm cân đã bị đoàn công tác Cục Quản lý đường bộ 1 dừng lại, tiến hành kiểm tra tải trọng. Kết quả xe ô tô BKS 34C-01879 sau khi cân tải trọng cho kết quả vượt quá 173,2% tải trọng cho phép (cho phép chở 13,3 tấn, xe chở 23,4 tấn). Xe ô tô 34C-02923 vượt quá gần 200% quy định tải trọng. Đoàn công tác quyết định lập biên bản vi phạm của lái xe và chủ xe, tạm giữ giấy tờ xe, đồng thời yêu cầu chủ xe tiến hành hạ tải.
Tổ công tác của Tổng cục Đường bộ theo lệnh của Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ đã đón chặn và bắt nhiều phương tiện có hành vi sang tải
Không dám hạ tải vì sợ cái kẹp chì
Trở lại phương tiện của quá tải BKS 34C-00256, lái xe một mực khẳng định mình không chở quá tải, đồng thời đưa ra phiếu cân đúng tải trọng tại cảng Cái Lân. Gần 1 giờ đồng hồ sau, lái xe vẫn không chịu xuất trình giấy tờ vì cho rằng mình không có lỗi. Lực lượng CSGT dừng xe là hành động gây khó dễ. Không chấp hành mệnh lệnh, lái xe này “vô tư” bỏ lên xe đóng cửa ngồi chờ chủ hàng đến. Trước tình trạng đó, Chánh thanh tra Sở GTVT Hải Dương phải tăng cường một đoàn công tác tăng cường gồm nhiều lực lượng đến hiện trường để tính phương án cưỡng chế, kéo phương tiện về trụ sở giải quyết.
Tính từ khi dừng phương tiện đến khi tiến hành cân được tải trọng phải mất 3 tiếng đồng hồ. Kết quả cân xe 34C-00256 vượt 105% quy định (theo quy định xe này chỉ được phép chở 15 tấn trong khi xe chở 30 tấn). Đoàn thanh tra liên ngành đã lập biên bản xử lý lái xe Phạm Văn Dương và chủ xe mỗi người 6 triệu đồng về hành vi chở hàng vượt quá tải trọng. Tuy nhiên, ông chủ của đoàn xe vi phạm này tỏ ra rất hùng hổ với cơ quan kiểm soát tải trọng. Ông này khẳng định: “Xe chở hàng tinh bột đã được kẹp chì của Hải quan thì không ai được phép hạ tải”. Vì thế mà công đoạn hạ tải của lực lượng liên ngành cân tải trọng Hải Dương đã không thể thực hiện được. Vì "cái kẹp chì Hải quan" mà xe quá tải chỉ bị xử phạt hành chính rồi lại tiếp tục lên đường với nguyên phần hàng quá tải về Hà Nam.
Lực lượng CSGT và TTGT Hải Dương mất 3 giờ liền để xử lý được lái xe và chủ xe về lỗi quá tải
Có điều lạ là số hàng trên xe quá tải được kẹp chì ngoài cảng Cái Lân, sau khi đã sang tải. Vậy tại sao cán bộ thanh tra giao thông tỉnh Hải Dương vẫn sợ lời “dọa” của chủ hàng là "kẹp chì Hải quan"? Lẽ nào các cán bộ này không phân biệt được kẹp chì và các thủ tục liên quan đến việc chứng minh hàng có niêm phong của Hải quan hay không?
Có mặt tại buổi xử phạt, PV Dân trí tận mắt chứng kiến phía chủ hàng khẳng định là hàng có niêm phòng chì Hải quan nhưng trên thực tế văn bản kẹp chì lại là của đơn vị giám định tư nhân có tên là Công ty giám đinh Spicontrol có trụ sở tại Ngô Quyền, Hải Phòng. Như vậy cái kẹp chì kia có thể là do chủ hàng tự thuê tư nhân kẹp để qua mặt cơ quan chức năng.
Biên bản kẹp chì của tư nhân ghi rõ tên đơn vị kẹp chì nhưng lực lượng thanh tra giao thông Hải Dương vẫn không dám hạ tải vì sợ "chì của Hải quan"
Lực lượng cân di động Hải Dương xử phạt lái xe quá tải sau sang tải
Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, PV Dân trí đã liên hệ với Giám đốc Công ty giám định Spicontrol và nhận được câu trả lời: “Chúng tôi được thuê kẹp chì để đảm bảo hàng không bị ăn bớt, chất lượng hàng không bị thay đổi trong quá trình vận chuyển. Vì thế chúng tôi không nhất thiết phải kẹp trong khu vực cảng Cái Lân, trước khi xe bị cân tải trọng mà có thể kẹp bất cứ đâu, bất cứ khi nào chủ hàng yêu cầu. Chúng tôi cũng không quan tâm hàng gì, trọng lượng bao nhiêu, thậm chí kể cả là hàng lậu chúng tôi vẫn cứ kẹp”.