Nhìn vào khối tài sản khổng lồ của “nữ đại gia” mà mình quen biết bấy lâu nay, nhiều người tin tưởng cho bà này vay số tiền cả chục tỷ đồng. Khi hay tin bà này bỏ trốn, các chủ nợ mới khóc dở mếu dở.
Tiếp tục điều tra việc mua bán 73 con tàu tại Vinalines
- Cập nhật : 16/09/2014
Tin Phap Luat
Đây là thông tin Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) nói tại phiên họp toàn thể của UB Tư pháp sáng nay, 15/9, để nghe báo cáo về tình hình phòng chống tham nhũng năm 2014.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, đánh giá về tình hình tham nhũng năm 2014 của Chính phủ vẫn chung chung. Mặc dù các bộ ngành, địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, có cơ quan giảm 50% thủ tục hành chính để tạo thông thoáng cho người dân, tổ chức, nhưng theo ông Quyền, một số cán bộ công chức vẫn lợi dụng thủ tục hành chính để gây nhũng nhiễu.
Nhắc lại việc kết quả khảo sát của Bộ Nội vụ công bố mới đây (80% người dân hài lòng với dịch vụ công) ngay lập tức đã gặp phải những phản ứng từ phía người dân, dư luận, ông Quyền nhận định, người dân hoài nghi với cải cách hành chính.
Ngoài ra, theo ông Quyền, việc minh bạch tài sản còn hình thức, đặc biệt việc công khai, kê khai bản thu nhập tài sản không có tác dụng gì nhiều trong việc kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Việc thu hồi tài sản qua thanh tra, kiểm toán thấp, chỉ đạt trên 10%; công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng kiểm toán - thanh tra - điều tra xử lý tham nhũng còn những bất cập, chưa tốt.
Ông Quyền nhận xét, việc phát hiện, xử lý tham nhũng gần đây lại có cảm giác chìm đi. Cho đến thời điểm này, các vụ tham nhũng phanh phui được đều chỉ là tham nhũng vặt, ở cấp thôn, xã, không bắt được “cá lớn” nào.
Lý giải vấn đề này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng xác nhận, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích.
Tình trạng sách nhiễu, või vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn và tài sản gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bất bình trong dư luận xã hội.
Không đánh giá nguyên nhân thực trạng là từ khâu kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức như Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đình Quyền, ông Lượng cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ việc quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức chưa tốt. Vẫn còn cán bộ, lãnh đạo chủ chốt, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cao cấp vẫn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống. Sau đó mới đến việc các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) lại đặt câu hỏi về năng lực điều tra, phá án tham nhũng của lực lượng chức năng. Cụ thể, các báo cáo nói đến vấn đề lực lượng điều tra tham nhũng mỏng, thiếu tính chuyên nghiệp. Ông Đương cho rằng, luật quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan chuyên trách điều tra tham nhũng là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48) - Bộ Công an.
Tuy nhiên, gần đây, hầu hết các vụ án lớn ở TCty đường sắt, Agribank, các tập đoàn, DNNN khác lại phải chuyển cho bộ phận cảnh sát kinh tế làm. Phải chăng C48 quá tải nên phải chuyển. Việc này gây ảnh hưởng thế nào tới tiến độ, chất lượng điều tra…? – ông Đương băn khoăn.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện chia sẻ suy nghĩ với đại biểu Đương khi chỉ ra số liệu thống kê, số án phải làm trên đầu mỗi điều tra viên không nhiều. Người như vậy có phải quá thiếu, quá mỏng không? Ông Hiện cho rằng, lực lượng có mỏng thì ở chỗ khác chứ lực lượng của C48 không mỏng. Sao các vụ việc phải chuyển sang bộ phận khác?
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) Trần Văn Yến lý giải án tham nhũng không do C48 điều tra mà chuyển cơ quan khác thực hiện vì việc đó không trái với luật. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện ra đầu mối tổ chức thì có nhiều đơn vị của Bộ Công an tham gia, có đơn vị chủ động thu thập chứng cứ từ đầu nên khi có đủ căn cứ thì làm luôn.
“Tâm lý của người làm án vất vả cả năm trời mà hé ra được vụ nào thì anh em đều muốn làm luôn vì nếu giao lại cho C48 thì lại mất thời gian, cản trở quá trình điều tra. Suốt 2012-2014, C48 tập trung cho vụ án lớn Dương Chí Dũng - Vinalines, đang tiếp tục mở rộng điều tra việc mua 73 con tàu, phát hành trái phiếu… của TCty này. Có một số phần việc từ nay tới cuối năm mới kết luận. Vụ ALC II - Agribank tới đây cũng phải làm tiếp một số vụ việc nữa… Tóm lại, đơn vị nào điều tra thì bản chất cũng không thay đổi, đều do sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an” - ông Yến trấn an.
P.Thảo - Theo: Dân trí