Hành vi phạm tội của các đối tượng trong những vụ án trên chỉ là điển hình xảy ra trong thời gian gần đây. Hành vi ấy là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hàng loạt khách thể được pháp luật bảo vệ...'Tuyên chiến' với nhóm lợi ích, sân sau đại gia ngân hàngTây ba lô chọn Việt Nam làm nơi ăn cắp tín dụng, thẻ ngân hàngNgân hàng dồn vốn tiếp sức kinh doanh nhỏ
Ngày 28/11, TAND Tối cao tại Hà Nội bắt đầu mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB và đồng phạm cũng là những người từng giữ các vị trí quan trọng của ngân hàng này. Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, mà nguyên nhân xuất phát từ sự bất chấp pháp luật của các đối tượng. Từ phiên tòa này, chúng tôi điểm lại một số vụ án nghiêm trọng khác cũng liên quan đến việc cán bộ ngân hàng cố ý làm trái quy định để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều tổ chức và người dân.
1. Huỳnh Thị Huyền Như, 36 tuổi, nguyên Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh của một ngân hàng lớn vừa bị TAND Tối cao tuyên phạt tù chung thân về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức. Số tiền Như lừa đảo trong vụ án này được xác định là 4 nghìn tỷ đồng. Làm việc ở ngân hàng, Như có cơ hội tiếp xúc và làm thủ tục cho nhiều người làm doanh nghiệp vay vốn. Vào thời điểm thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán đang “nóng”, với mục đích làm giàu nhanh, Như bắt đầu lao vào kinh doanh lĩnh vực này. Trong gia đình có bao nhiêu tiền, Như sử dụng hết để đầu tư bất động sản và chứng khoán. Thời gian đầu làm ăn được, Như vay mượn tiền của nhiều người để tái đầu tư với niềm tin sẽ kiếm được nhiều tiền. Với mác cán bộ một ngân hàng lớn, việc vay mượn tiền bạc của Như thời điểm đó rất dễ dàng. Khi việc làm ăn của Như đang rất thuận thì thị trường nhà đất và chứng khoán bỗng rơi vài trạng thái đóng băng, không giao dịch được nữa. Điều đó đã đẩy Như vào cảnh khốn khó khi nợ nần đã tới con số 4 nghìn tỷ đồng.
Huỳnh Thị Huyền Như, Vũ Thanh Tùng, Đỗ Anh Tú.
2. Vũ Thanh Tùng, 32 tuổi, nguyên Phó trưởng Phòng Quan hệ khách hàng, kiêm Trưởng Quỹ tiết kiệm Long Biên, Hà Nội, của một ngân hàng lớn cũng vừa bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt tù chung thân về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Quá trình làm việc tại ngân hàng, Tùng được nhiều khách hàng tin tưởng và nhờ làm thủ tục thu tiền, gửi tiền hoặc rút tiền tại nhà. Sau đó Tùng chỉ cần giao thẻ tiết kiệm, tiền và các chứng từ liên quan cho khách hàng và lưu chứng từ tại ngân hàng. Lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng, Tùng đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền gửi bằng cách nhận tiền của khách hàng rồi làm thẻ tiết kiệm giả giao cho khách hàng để chiếm đoạt tiền của họ. Ngoài ra, Tùng còn giả chữ ký của các kiểm soát viên, giao dịch viên, trưởng phòng kế toán, nhân viên kho quỹ trên thẻ tiết kiệm giả, ký giả chữ ký lãnh đạo chi nhánh trên các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn. Lợi dụng sơ hở của nhân viên quản lý con dấu, Tùng đã lấy dấu của ngân hàng đóng vào thẻ tiết kiệm giả và hợp đồng tiền gửi giả để chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng. Bằng phương thức, thủ đoạn phạm tội như đã nêu trên, Tùng đã chiếm đoạt của nhiều khách hàng với số tiền gần 25 tỷ đồng.
3. Đỗ Anh Tú, 32 tuổi, nguyên giao dịch viên Quỹ tiết kiệm Nguyễn Hữu Huân thuộc Seabank, Chi nhánh Hà Nội và đồng bọn vừa phải hầu tòa vì tham ô tài sản và đánh bạc với số tiền hàng chục tỷ đồng. Trong thời gian làm giao dịch viên Chi nhánh Seabank Hà Nội, Tú đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của ngân hàng bằng cách lợi dụng khách hàng làm thủ tục rút tiền, Tú sử dụng các phôi sổ tiết kiệm của ngân hàng cấp cho giao dịch viên để làm sổ cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm để in các thông tin do khách hàng ghi trên giấy gửi tiết kiệm mà không đăng nhập các thông tin của khách hàng ghi trên giấy gửi tiền tiết kiệm vào hệ thống quản lý phần mềm của ngân hàng theo quy định, sau đó làm thành sổ tiết kiệm đưa cho khách. Từ hành vi phạm tội của Tú, khách hàng vẫn có sổ tiết kiệm do ngân hàng cấp, nhưng đó là sổ tiết kiệm giả do Tú tự làm, còn tiền tiết kiệm do khách gửi tại ngân hàng thì Tú rút ra để chiếm đoạt.
Trong khoảng thời gian từ tháng 9/2012 đến tháng 3/2013, Tú đã chiếm đoạt của Seabank, Chi nhánh Hà Nội hơn 10 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này Tú sử dụng để chơi cá độ bóng đá, lô đề. Quá trình điều tra còn xác định, cũng khoảng thời gian trên, Tú và hai đồng phạm trong vụ án này đã có hành vi đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá và lô đề với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Hành vi phạm tội của các đối tượng trong những vụ án trên chỉ là điển hình xảy ra trong thời gian gần đây. Hành vi ấy là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hàng loạt khách thể được pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của các đơn vị kinh tế, ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhìn từ những vụ án này cho thấy, vẫn biết sai phạm của một vài cá nhân chỉ là việc “con sâu làm rầu nồi canh”, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngân hàng. Nhưng nếu thực, trong quá trình làm nhiệm vụ, lãnh đạo, nhân viên các ngân hàng và cả khách hàng thực hiện đúng quy trình của ngân hàng, tránh sự nể nang theo kiểu cả tin thì chắc chắn rằng đối tượng không có cơ hội phạm tội.