Bà Phạm Thị Hồng Hạnh nguyên là nhân viên kinh doanh của Văn phòng đại diện Brenntag Singapore Pte. Ltd. tại TP.HCM (viết tắt là VPĐD). Tháng 9-2008, hai bên ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn.
Ngày 30-12-2010, ông Lê Bách Khả - Trưởng VPĐD ký quyết định chấm dứt HĐLĐ với bà Hạnh không lý do, chỉ ghi chung chung là căn cứ vào Điều 38 BLLĐ. Cùng ngày này, giám đốc Công ty Brenntag Singapore cũng ký quyết định chấm dứt HĐLĐ với ông Khả.
Bà Hạnh kiện ra TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) yêu cầu tòa hủy quyết định chấm dứt HĐLĐ, buộc VPĐD nhận bà trở lại làm việc, chi trả lương, phụ cấp cho những ngày không được làm việc cho đến khi giải quyết xong tranh chấp, bồi thường do vi phạm hợp đồng tính đến ngày VPĐD hết giấy phép hoạt động (tháng 9-2013).
Tại tòa, VPĐD cho rằng đang làm các thủ tục giải thể. Ngay khi nhận được thông báo của công ty mẹ về việc chấm dứt hoạt động tại TP.HCM, VPĐD đã trao thư tay và làm đầy đủ thủ tục (thanh toán lương tháng cuối cùng, lương tháng 13, tiền thưởng và các khoản trợ cấp thôi việc) cho bà Hạnh.
TAND quận Phú Nhuận xác định VPĐD là bị đơn, ông Khả là đại diện theo pháp luật của Công ty Brenntag Singapore. Xử sơ thẩm, tòa đã bác yêu cầu của bà Hạnh. Theo tòa, VPĐD đang tiến hành thủ tục chấm dứt hoạt động. Việc VPĐD chưa hoàn tất thủ tục là do đang giải quyết các tồn tại của công ty mẹ và VPĐD đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Thời gian chờ không thể tính để buộc VPĐD nhận người lao động làm việc lại và trả lương cho đến hết thời gian hoạt động theo giấy phép.
Bà Hạnh kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, TAND TP.HCM đã nhận định tuy VPĐD đã nộp hồ sơ hoàn tất thủ tục đóng cửa, hiện VPĐD không còn tồn tại nhưng thủ tục giải thể vẫn chưa xong vì còn vướng vụ tranh chấp với người lao động tại tòa. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động thì Sở Công Thương chưa thể giải quyết xác nhận VPĐD đã hoàn tất thủ tục giải thể.
Về mặt tố tụng, tòa sơ thẩm đã xác định sai tư cách tham gia tố tụng của bị đơn. Ông Khả không còn là người đại diện theo pháp luật của VPĐD nữa, quyền và nghĩa vụ của ông đối với VPĐD đã chấm dứt. Ông cũng không có giấy ủy quyền hợp pháp từ công ty để tham gia vụ kiện. Như vậy, lẽ ra TAND quận Phú Nhuận phải chuyển vụ án cho TAND TP.HCM giải quyết theo thẩm quyền. Hoặc nếu không thay đổi thẩm quyền giải quyết của tòa án theo Điều 412 BLTTDS (đã sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì tòa sơ thẩm phải đưa Công ty Brenntag Singapore vào tham gia tố tụng với tư cách người liên quan để giải quyết tranh chấp bởi lẽ VPĐD hoạt động phụ thuộc công ty, nay VPĐD không còn thì khi tham gia tố tụng phải là đại diện chính thức của công ty.
Việc TAND quận Phú Nhuận đưa thiếu người tham gia tố tụng và xác định sai tư cách đại diện theo pháp luật của VPĐD là vi phạm tố tụng nghiêm trọng nên TAND TP.HCM đã hủy án, đồng thời giữ hồ sơ lại để giải quyết sơ thẩm.