Bà Nguyễn Thị Khá - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - đã nói như vậy với Báo Lao Động chiều 21.10 bên lề kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII.
Đào tạo nghề cho lao động cho đủ chỉ tiêu?
Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII ngày 20.10, trong 14 chỉ tiêu đề ra có một chỉ tiêu không đạt, đó là chỉ tiêu về tỉ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 49% so với kế hoạch 52%.
Bà Nguyễn Thị Khá - Uỷ viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (ĐBQH Trà Vinh) - cho rằng, nguyên nhân để chỉ tiêu này không đạt là do chưa có sự phân luồng, quy hoạch, người dân thì sính bằng cấp. Ví dụ như lao động tốt nghiệp trung học phổ thông thì học nghề gì, lao động mới tốt nghiệp trung học cơ sở thì học cái gì, rồi từ đó lên kế hoạch để đào tạo nghề… Thực tế hiện nay, cử nhân thì thất nghiệp, còn thợ, công nhân có tay nghề lại rất thiếu, đây là nghịch lý đáng buồn.
Bên cạnh đó thì ngành nghề đào tạo cho lao động hiện nay lại không đạt chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu thực tế. DN muốn sử dụng thì sẽ phải mất thời gian đào tạo lại, như vậy vừa lãng phí tiền lại không có hiệu quả.
Theo bà Khá, việc đào tạo nghề cho lao động hiện nay vẫn theo phong trào, nhiều khi đi học còn được tiền, nhiều người nhiều tuổi rồi nhưng vẫn đi học để cho địa phương đủ chỉ tiêu thôi chứ học để làm gì và chất lượng ra sao thì chưa đánh giá được hết.
“Như tôi đã nói tại buổi thảo luận ở tổ chiều nay về trường hợp đào tạo lao động ở một xã nông thôn nhưng mở lớp đào tạo nghề sửa chữa xe máy có tới 40 người nhưng họ không tính đến việc khi học xong thì lấy đâu ra xe máy để cho những người này sửa chữa, liệu những người này có đi nơi khác để sửa xe được không, điều đó thì tôi chưa thấy ai quan tâm”, bà Khá đưa ví dụ.
Học nghề xong khó xin được việc làm
Cho ý kiến về con số 1,6 triệu lao động được tạo việc làm năm 2014 trong khi chỉ tiêu lao động qua đào tạo chưa đạt, bà Khá cho biết: “Theo tôi con số tạo việc làm 1,6 triệu lao động này là con số chết. Năm nào cũng đưa ra con số này, tôi không chắc vào con số này, chúng tôi đã đề nghị nên đổi chỉ tiêu này bằng chỉ tiêu giải quyết được bao nhiêu lao động thất nghiệp, như vậy thì nó xác thực hơn và chỉ tiêu phải sát thực tế, phải có dự đoán.
“Như năm tới tình hình kinh tế phát triển thì chỉ tiêu tạo việc làm sẽ được bao nhiêu, rồi khi tình hình kinh tế của thế giới, khu vực bất ổn, trong nước khó khăn thì chỉ tiêu tạo việc làm sẽ là bao nhiêu, tỉ lệ thất nghiệp là bao nhiêu. Tức là phải dự kiến, dự toán trước để mình biết định hướng như vậy sẽ chuẩn xác, hiệu quả”, bà Khá ví dụ.
Theo bà Khá, vấn đề đào tạo lao động phải được đánh giá một cách thận trọng, từ trước đến nay hiệu quả của đào tạo nghề cho người lao động như thế nào và sau khi được đào tạo nghề thì việc sử dụng lao động đó ra sao, đạt bao nhiêu phần trăm, như vậy mới tính toán được chỉ tiêu phân bổ cho đào tạo lao động sắp tới…
“Theo tôi vấn đề đào tạo nghề cho lao động phải được xem xét lại, đánh giá lại để xem cái nào nên phát triển, cái nào không để chúng ta tập trung đầu tư, như vậy chất lượng đào tạo mới nâng lên được và hạn chế được cái lãng phí không đáng có”, bà Khá nói.