Hiện nay, nếu lấy mức lương trung bình khu vực dệt may, da giày và chế biến thủy - hải sản khoảng trên 4 triệu đồng/người/tháng, mỗi giờ làm việc của CN được khoảng 1USD.
Đây cũng là thu nhập của số đông NLĐ và mức trên là không cao, nếu không nói là thấp so với nhu cầu sống. Muốn cải thiện tiền công và thu nhập, về nguyên tắc, NLĐ phải tăng năng suất lao động (NSLĐ) vì đây là gốc của mọi vấn đề. Song hiện tại, NSLĐ của NLĐ Việt Nam còn rất thấp và vì vậy, giá nhân công rẻ không còn là lợi thế nữa. Chúng ta phản đối mọi hình thức bán rẻ tài nguyên, vì làm vậy thực chất là mời gọi và cho phép bóc lột nguồn tài nguyên (trong đó có tài nguyên nhân lực) một cách hợp pháp.
Nhưng nếu chúng ta không bán cái mà mình đang có, thậm chí tự cho là “thế mạnh” thì làm sao giải tỏa được sức ép nhu cầu việc làm của NLĐ, kể cả bán với giá rẻ mạt? Đây là một mâu thuẫn rất lớn đặt ra cho các chiến lược gia kinh tế của Việt Nam. Giải bài toán nhiều ẩn số này là nhiệm vụ của toàn xã hội, mỗi ngành, mà theo đó mỗi người một việc, đảm đương một hoặc một phần ẩn số. Ngành giáo dục đào tạo theo đó là số một, là tổng chỉ huy ở mặt trận “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.
Xin nêu một số suy nghĩ nhỏ: Trước hết cần kiểm tra, rà soát, đánh giá lại năng lực các trường đại học, cao đẳng trong toàn hệ thống của cả nước. Việc này đã làm, nhưng về cơ bản chưa đạt mục tiêu mà ngành hướng tới. Siết chặt khâu tuyển sinh để phân hóa luồng đầu vào của hệ thống đào tạo. Đồng thời chỉ đào tạo những gì mà xã hội và các DN cần chứ không phải đào tạo những chuyên ngành bằng đội ngũ giáo viên mà các trường đang có. Phải có cơ chế để người sử dụng LĐ và cơ sở đào tạo gắn bó chặt chẽ với nhau trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực.
Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo yêu cầu hội nhập và coi đây là khâu có tính chiến lược để nâng cao chất lượng đào tạo. Bộ GDĐT cần đưa ra chuẩn, kiểm tra, đánh giá và các trường phải là người thực hiện chính. Thực lực của đội ngũ giáo viên giỏi là sức mạnh của cơ sở đào tạo chứ không phải đủ số lượng tiến sĩ như chúng ta vẫn lầm tưởng. Chăm lo và đãi ngộ trước hết là giáo viên giảng dạy và nghiên cứu bằng mọi nguồn lực và hình thức để giữ chân được những giáo viên giỏi.
Giáo viên giỏi sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao có năng suất và đáp ứng yêu cầu sử dụng của toàn xã hội. Cần coi đây là cốt lõi của chiến lược.